Thứ Bảy, 21/09/2024 21:19 CH
Ðánh bại chiến tranh đặc biệt, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 28/05/2011 08:17 SA

Sản xuất phát triển, thủy lợi được coi trọng. Ban dân y và trạm xá xã, huyện được thành lập. Công tác giáo dục được đẩy mạnh. Vùng giải phóng đồng bằng và miền núi có trường học cấp 1, cấp 2. Vài đoàn văn công chuyên nghiệp của tỉnh và không chuyên nghiệp của địa phương đã đem lại lời ca tiếng hát phục vụ cho nhân dân là món ăn tinh thần không thể thiếu được.

 

Các chợ nông thôn ở vùng giải phóng dần dần được khôi phục, bộ mặt vùng giải phóng dần dần khởi sắc. Nông dân làm chủ ruộng đồng, thôn xóm và cuộc sống của mình, tỏ rõ khí thế tưng bừng phấn khởi như những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công.

 

Trên cơ sở bồi dưỡng sức dân động viên giáo dục quần chúng đóng góp nhân tài vật lực để phục vụ kháng chiến, hướng động viên nhân tài vật lực chủ yếu quanh ta là vùng mới mở ra, những vùng sát thị trấn, thị xã, những vùng có nhiều tiềm năng kinh tế mà chưa bị địch bắn phá càn quét. Động viên tinh thần yêu nước của các thành phần quần chúng trên cơ sở tự nguyện. Những vùng bị địch bắn phá liên tục, tình hình đời sống khó khăn thì thu mua là chính.

 

3. CAO TRÀO NỖI DẬY CỦA QUẦN CHÚNG GIẢI PHÓNG NÔNG THÔN, ĐÁNH BẠI “CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT” (1964-1965)

 

Đầu năm 1965, Tỉnh ủy chủ trương chuyển hình thức động viên đóng góp của nhân dân ở các huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Tuy An nâng lên hình thức đảm phụ nuôi quân, các gia đình có danh sách nuôi quân đánh Mỹ thì bình quân đầu người đóng góp từ 28-30kg gạo, nhân dân vui vẻ đóng góp với tinh thần tự nguyện. Ngoài động viên dân đóng góp, các tổ nông dân còn thành lập trạm thu thuế xuất nhập.

 

Vấn đề động viên thu mua đã khó mà việc vận chuyển cất giấu lại càng khó hớn. Máy bay địch quần suốt ngày đêm, pháo sáng của địch đỏ khắp bầu trời để phát hiện các ngã đường. Nhưng với khí thế chiến thắng người nông dân vẫn hăng hái lên đường vận chuyển, từng đoàn người, ngựa gùi gánh, thay nhau khiêng vác vào kho Suối Cái, Suối Phẩn, Suối Muồng, Lỗ Rong… Có những vùng dân ở sát biển hoặc ở nơi địch đóng quân thì bà con nông dân bỏ lúa vào bao chôn dưới bãi cát chờ đến tối sẽ tổ chức lực lượng vận chuyển về căn cứ.

 

Khi cả tỉnh đang ra sức thi đua đánh địch bảo vệ vùng giải phóng thì được chỉ thị của Khu ủy: “Mở chiến dịch Thuần Mẫn Đắk Lắk”. Khu ủy giao trách nhiệm cho Phú Yên bảo đảm yêu cầu vật chất phục vụ chiến dịch, khiêng thương binh và nuôi dưỡng thương binh hỗ trợ cho chiến dịch đạt kết quả tốt. Bắt đầu tháng 3/1965, Hội đồng chi viện tiền phương Phú Yên lúc bấy giờ phải vận chuyển lên Thuần Mẫn 400 tấn gạo, 30 con bò, 1 tấn muối và gần 2 vạn lượt dân công đi phục vụ chiến trường. Anh Năm Huề và Văn Công trực tiếp chỉ đạo.

 

Bước vào thực hiện kế hoạch, cán bộ, dân công xã, huyện nào thì trách nhiệm của địa phương nơi đó quản lý, giao liên dẫn đường, một vài tiểu đội vũ trang có nhiệm vụ tuần tra dọc đường đề phòng địch phục kích. Khác với dự kiến ban đầu tưởng chừng huy động dân công không ra, thế mà khi nghe tiếng gọi của cách mạng thì thanh niên nam, nữ từ các xã An Dân, An Thạch, An Chấn, An Ninh, An Định, Hòa Định, Hòa Quang, Hòa Thắng, Hòa Mỹ, Hòa Tân… đều nhiệt tình hưởng ứng. Họ ở sát vùng địch thế mà cũng có nhiều địa phương huy động cả ngựa đi chiến trường với tinh thần quyết chiến quyết thắng, bất chấp sự gian khổ. Bà con vẫn chấp hành nghiêm chỉnh theo sự phân công người nào việc nấy, anh chị em đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao.

 

Chiến dịch Thuần Mẫn kết thúc, Trung đoàn chủ lực Ngô Quyền - đơn vị chủ công trong chiến dịch Thuần Mẫn được Khu ủy điều động xuống đóng quân hoạt động tại Phú Yên từ giữa năm 1965. Tỉnh phải lo bảo đảm nuôi dưỡng trên 1.000 chiến sỹ của Trung đoàn và cung cấp cho cả bộ máy của Phân Khu Nam đóng tại Phú Yên. Vùng căn cứ miền núi và các vùng giải phóng tương đối ổn định, mật độ pháo địch bắn phá tương đối giảm nhiều, ít có các cuộc càn quét, địch lo củng cố và bảo vệ các nơi đóng quân của chúng. Bọn lính Mỹ và bọn chư hầu mới kéo đến trước một số đơn vị để xây dựng cầu cảng Vũng Rô, sân bay Đông Tác, sửa chữa cầu Đà Rằng, mà chưa giở hành động gì.                          

(Còn nữa)

CAO XUÂN THIÊM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek