Mặc dù tình thế chiến tranh ác liệt nhưng cán bộ chiến sĩ không thể xa dân, xa địa bàn hoạt động. Tháng 10/1963, lực lượng vũ trang của ta lại tiếp tục đánh mạnh, nhổ hàng loạt ấp chiến lược. Phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ngày càng làm cho chế độ Mỹ - Diệm khủng hoảng trầm trọng. Thấy Diệm không còn phục vụ cho chính sách xâm lược của chúng nữa, đế quốc Mỹ dùng phe cánh tổ chức đảo chính lật đổ anh em Diệm - Nhu vào tháng 11/1963. Thế nhưng Mỹ vẫn không cứu vãn nổi chế độ Sài Gòn đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng sâu sắc. Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các giáo phái mâu thuẫn lẫn nhau, binh lính địch hoang mang dao động, quần chúng nội thị nổi lên biểu tình đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Các tầng lớp giáo viên, học sinh, tiểu thương, tiểu chủ, công nhân, phật tử, thương phế binh... được sự lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy địa phương và các đoàn thể quần chúng hỗ trợ.
Đi đôi với phong trào đấu tranh của quần chúng đô thị thì ở nông thôn việc phá ấp chiến lược đã trở thành cao trào rộng lớn, chẳng những dân trong ấp tự nổi dậy mà đồng bào ngoài ấp cũng tràn vào phá ấp đưa dân về làng cũ.
Ví dụ: ngày 6/11/1963, một số giáo viên Trường Nguyễn Huệ (TX Tuy Hòa) trực tiếp lãnh đạo học sinh các lớp đệ nhị, đệ tam, đệ nhất nổi dậy bao vây văn phòng nhà trường, tổ chức diễn đàn tố cáo tên hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc làm gián điệp cho Ngô Đình Cẩn.
Tối 7/11/1963, được tin thầy trò Trường Bồ Đề và Trường Nguyễn Huệ kéo nhau xuống đường cùng với một số anh chị em công nhân, tiểu thương, tiểu chủ và quần chúng nội thị cùng nhau dương cao biểu ngữ hô vang khẩu hiệu “đả đảo chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm” đòi giảm học phí, lệ phí, chống kềm kẹp trong nhà trường, đòi bãi bỏ thiết quân luật, bãi bỏ chế độ quân sự học đường... Tiếp theo những cuộc biểu tình và mít tinh của các nhà trường còn có những cuộc biểu tình của tăng ni, phật tử vạch tội ác của Mỹ - ngụy đốt phá chùa chiền, thánh thất, khủng bố sư sãi... Những hành động dã man của chúng đã làm cho quần chúng căm thù, công phẫn.
Bè lũ ngụy quân, ngụy quyền gây những tội ác tày trời vì được quan thầy Mỹ tiếp sức, ủng hộ chúng. Mỹ là kẻ phá hoại Hiệp định Giơnevơ, là kẻ vũ trang xâm lược miền Nam, là kẻ nuôi Ngô Đình Diệm buôn dân, bán nước. Chính do Mỹ gây nên tội ác tày trời mà đồng bào miền
Trước tình hình đó, dưới ngọn cờ Mặt trận dân tộc giải phóng, cuộc đấu tranh chính nghĩa của những người theo đạo Phật được sự ủng hộ của đồng bào toàn quốc, họ kéo từng đoàn xuống đường hô to khẩu hiệu “đòi tự do tín ngưỡng” buộc địch không được đốt phá chùa chiền, không được cấm ngăn tín đồ đi chùa cầu siêu, thuyết pháp, hội thảo...
Thời điểm nổ ra cuộc đảo chính Sài Gòn cũng là lúc Tỉnh ủy đang họp tại suối Mò O (Kỳ Lộ). Tỉnh ủy chủ trương tranh thủ thời cơ thuận lợi dấy lên phong trào thi đua “Ấp Bắc giết giặc lập công”, với khẩu hiệu toàn quân toàn dân thi đua phá ấp chiến lược. Được sự hỗ trợ của lực lượng nông dân tại chỗ, bộ đội nhân dân tấn công một cứ điểm của địch ở Hòn Chùa (xã Xuân Quang), An Nghiệp (Tuy An), Xuân Thịnh (Sông Cầu), Hội Cư (Hòa Tân), Hòa Mỹ... Chưa đến một tuần lễ mà một phần xã Xuân Quang, An Nghiệp, Hòa Mỹ, Hòa Tân, Hòa Đồng, Hòa Thịnh được hoàn toàn giải phóng.
Bước sang tháng 1/1964, phong trào quần chúng nhân dân có bước phát triển nhảy vọt, chính quyền tự quản của các vùng mới mở ra được nhanh chóng xây dựng và củng cố. Quần chúng vùng địch lần lượt rủ nhau đến vùng tự do để thăm bạn bè, dòng họ và tham quan cảnh sống của vùng giải phóng. Ruộng đất của một số bà con nông dân bị địch dồn, bỏ hoang hóa, cách mạng tạm cấp cho những người không có ruộng để làm ăn sinh sống, khi nào dân về thì trả lại. Trên thực tế ở miền
Từ tháng 7/1964, phong trào chống phá ấp chiến lược đã trở thành trách nhiệm của mỗi người dân, không phải phá ấp từng đợt, mà là thường xuyên, chẳng phải đồng bào vùng giải phóng đi phá ấp mà cả đồng bào vùng sâu cũng đi phá ấp. Có những trường hợp địch dùng xe bọc thép đi càn quét phá lúa đồng bào như ở xã Hòa Đồng ngày 28/7/1964, nhiều chị em nông dân xung phong chặn xe bọc thép làm cho địch phải bỏ dở trận càn.
Ngày 24/9/1964, ở xã Xuân Thọ, huyện Sông Cầu có cuộc biểu tình tuần hành trên 5.000 người do chị Nguyễn Thị Thục dẫn đầu. “Đoàn tóc dài” dương cao băng, khẩu hiệu, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng biểu dương lực lượng, hô “đả đảo đế quốc Mỹ”, địch bắt chị đánh gãy tay, chị vẫn chửi vào mặt bọn “buôn dân bán nước” không hề khuất phục địch.
(Còn nữa)
CAO XUÂN THIÊM