Thứ Bảy, 21/09/2024 19:27 CH
Bài tham gia cuộc thi “Phú Yên - ký ức và ước vọng”:
Thồ Lồ xưa, Phú Mỡ nay
Thứ Tư, 25/05/2011 10:00 SA

Xã Thồ Lồ (nay là xã Phú Mỡ) là nơi căn cứ địa cách mạng của tỉnh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.  Ðồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Ba Na sinh sống ở đây một lòng theo Ðảng, theo Bác Hồ. Sau ngày đất nước giải phóng, được Ðảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đường và các công trình thủy lợi, bà con nơi đây đã biết làm lúa nước. Màu xanh ruộng lúa bao năm qua tạo cho bà con dân tộc thiểu số ở đây cảm giác thật là máu thịt.

 

phu-mo110525.jpg

Một góc xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) hôm nay. - Ảnh: H.NAM

 

THỒ LỒ XƯA

 

Xã Thồ Lồ là địa bàn cư trú của người Ba Na. Đến thế kỷ XV-XVI, một bộ phận người Chăm lên định cư ở xã Thồ Lồ, từ đó có sự giao thoa văn hóa Chăm - Ba Na, tiêu biểu nhất đó là cồng 3, chiêng 5 - nhạc cụ độc đáo của đồng bào, đang được gìn giữ.

 

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Thồ Lồ là một trong những căn cứ khởi nghiệp của phong trào Tây Sơn, là địa bàn rộng lớn cho nữ tướng Bùi Thị Xuân lập nên đội tượng binh thiện chiến. Dưới nữ tướng Bùi Thị Xuân là nữ tướng Chăm Chế A Va (Thị Hỏa) - dũng tướng Tây Sơn lập nên nhiều chiến công lớn và hy sinh lẫm liệt trong trận giao tranh với Nguyễn Ánh, góp phần giữ vững Tây Sơn Trung Đạo trên đất Phú Yên.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, Thồ Lồ in đậm dấu chân chiến sĩ cộng sản tuyên truyền giác ngộ đoàn kết Kinh - Thượng để chống Pháp giành độc lập, gắn với các tên tuổi Nguyễn Tô Sâm, Cao Xuân Thiêm (Văn Công), La Chí Noa…

 

Bước vào kháng chiến chống Mỹ, trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam, Thồ Lồ là căn cứ địa cách mạng vững chắc nhất của Phú Yên, là vùng bất khả xâm phạm mà kẻ thù không thể kiểm soát nổi. Đây là nơi hoạt động của đồng chí Cao Xuân Thêm (Ma Bốp, Ma Sam, Ma Xí), ông là người dày công xây dựng căn cứ địa Phú Yên để tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ nhất trong kháng chiến chống Mỹ (tháng 9/1960). Già làng Oi Tấc, cơ sở cách mạng của đồng chí Cao Xuân Thiêm được biết đến như là biểu tượng kiên trung của chiến khu Thồ Lồ trong kháng chiến chống Mỹ.

 

Những tên làng như Chín Bếp, Phú Giang được xem là tên làng chung của mọi người, đồng bào và chiến sĩ cách mạng bất khuất kiên cường bám trụ đánh Mỹ. Nhắc đến làng Chín Bếp, ông Ê Ôi, một cán bộ cách mạng lớn tuổi ở thôn Suối Cối 2, cư dân làng Chín Bếp trước đây, kể vanh vách danh sách chín gia đình khai lập ra làng này. Trong kháng chiến chống Mỹ, họ một lòng theo Đảng, giúp đỡ cách mạng. Thứ tự chín chủ hộ được ông Ê Ôi liệt kê gồm: Ma Lươm (nguyên chủ tịch xã Phú Mỡ), Ê Ôi (chính ông, thoát ly tham gia cách mạng làm giao liên), Ma Son (làm giao liên cùng ông), Ma Nam (đi bộ đội), Ma Tin (xã đội Sông Hà), Ma Don (du kích xã), Ma Dưng (cán bộ hoạt động cách mạng thời chiến tranh), Ma Bông (giao liên) và Oi Luông (du kích xã Sông Hà).

 

Ông So Mai, một cán bộ hoạt động cách mạng thời chiến tranh chống Mỹ hiện ở thôn Suối 2, xã Xuân Quang 1, kể rằng năm 1968, ông thoát ly lên núi hoạt động cách mạng, đóng quân tại xã Phú Mỡ. Đơn vị của ông là đơn vị hoạt động biệt lập giữa núi rừng âm u nên khó được tiếp tế lương thực từ dưới xuôi lên. Ở đó có làng Chín Bếp nhà nào cũng theo cách mạng nên tối ông lẻn ra sau hè nhà, bà con giúp đậu, bắp, mang vào rừng nuôi bộ đội, đi riết ông rành đường dù đêm tối cũng không lạc hướng.

 

PHÚ MỠ NAY

 

Sau ngày đất nước thống nhất, đường lên xã Phú Mỡ vô cùng khó khăn. Mùa mưa lên được trung tâm xã đôi khi phải ngủ dọc đường vì qua nhiều suối như suối Trưởng, suối Cà Tơn, suối Phú Tiến… Khi mưa nguồn đổ xuống nước dồn về các con suối này chảy xiết, bọt tung trắng xóa. Hiện nay cầu Cà Tơn được đầu tư xây dựng, đường đi lại thuận lợi. Hiện tại làng Chín Bếp đã được Nhà nước di dời về thôn Phú Tiến 1, Phú Giang. Tuy làng Chín Bếp không còn người sinh sống nữa, nhưng tiếng tăm một thời của làng vẫn còn lưu truyền đến tận hôm nay. Ông Võ Văn Đạt, công nhân Lâm trường Hà Đan, cho biết: “Lúc tôi mới lên đây công tác, đến xã Phú Mỡ hỏi thăm đường lên Hà Đan, người dân ở đây nói cứ vào làng Chín Bếp rồi đi thẳng là đến nơi. Khi mới nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng khi hỏi thì họ kể vanh vách về gốc gác làng Chín Bếp vốn nổi tiếng này. Ngay cả những người ở miền xuôi lên đây mưu sinh bằng nghề chặt kè làm nón cũng đều hẹn “tập kết” tại làng Chín Bếp”. Ông Trương Văn Tính ở xã Xuân Quang 3 cho hay: “Mới đầu nghe địa danh này hơi thắc mắc vì sao có tên như vậy. Hỏi ra mới biết sự tích của làng”. Cũng theo ông Tính, ở xã Phú Mỡ núi cao điệp trùng, làng Chín Bếp nằm cách trung tâm xã 3km, một ngày đi qua các núi cao vực thẳm, khi đến làng Chín Bếp coi như mình đã… xuống núi. Tại đây dù trời có tối, dù không gian vắng lặng nhưng trong bụng vẫn yên tâm.

 

VUI BÊN CÁNH ÐỒNG LÚA NƯỚC

 

Những cư dân ở vùng sâu, vùng xa đã tiếp cận cách làm lúa nước, một năm 2 vụ lúa đổ vào bồ. Những người làm lúa nước đầu tiên ở đây như Ma Son, Ma Tin cũng chính là những người tiên phong bỏ hẳn lúa rẫy ở trong thôn vì lúa nước đã đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong gia đình. “Làm lúa rẫy khó khăn lắm, có năm trỉa xong không gặp cơn mưa lấp lỗ, chim chuột ăn mất giống hoặc cũng có năm lúa đang trổ đòng gặp nắng hạn mất trắng, sang năm bỏ khu rừng đó phát rẫy nơi khác”, ông Ma Son ở thôn Phú Tiến 1 kể. Ma Chế ở thôn Phú Tiến 3, đã làm ruộng lâu năm ở đây, phân tích: “Tôi làm 500m² ruộng, thu hoạch khoảng 800kg lúa/năm. Nếu không “nhín” (bán) mua thức ăn thì năm nào cũng còn lúa cũ trong bồ”. Còn Ma Sữa thì nói: “Nếu trồng lúa rẫy thì phải bỏ công phát rẫy gần cả tháng trời và như vậy phải đốt cỡ 2.000m² rừng. Không chỉ mình tôi mà hàng trăm hộ dân khác ròng rã mấy năm trời phát rẫy thì rừng ở đây đã gần như trụi hết. Vì vậy phải làm lúa nước để hạn chế phá rừng”. 

 

Ông Lương Mộng Sanh, Bí thư huyện ủy Đồng Xuân, cho biết: “Hiện nay đời sống nhân dân xã Phú Mỡ phát triên ổn định, hầu hết các hộ gia đình đều có xe máy, phương tiện nghe nhìn. Về nông nghiệp bà con áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất lúa nước, cơ giới hoá đồng ruộng. Đặc biệt thôn Phú Đồng, Phú Hải mới đây đã được đóng điện, đây là 2 thôn cuối cùng của huyện Đồng Xuân có điện thắp sáng. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền bao năm qua vững mạnh”.

Đi sâu vào làng Chín Bếp sẽ gặp những thửa ruộng vuông vức, bằng phẳng. Sau khi di dời về gần trung tâm xã để có điện thắp sáng, bà con cần mẫn lặn lội vào đây làm ruộng. Những ngôi nhà sàn lợp tranh bao quanh cánh đồng là nơi người dân làm ruộng ngủ lại qua đêm, bởi từ trung tâm xã Phú Mỡ vào đây hơn 10 cây số đường rừng. Chiều muộn, Ma Chuẩn, ở làng Bè thuộc thôn Phú Giang làm ruộng tại đây, hối hả từ suối Mun về ngồi cạnh bếp lửa nghi ngút khói. Ma Chuẩn nói: “Làm ruộng ở đây khỏe lắm, không bón phân cũng không phun thuốc, chỉ tốn công cuốc ruộng, ngâm ủ giống. Từ khi trồng lúa nước đến nay, vụ nào gié lúa cũng dài cả gang tay người lớn”. Cánh đồng lúa nước tươi tốt do bốn bề rừng núi bao bọc, trong đó có dãy núi La Hiên cao 1.318m so với mặt nước biển nằm ở hướng đông và hàng ngàn hécta rừng phòng hộ đầu nguồn Hà Đan ở hướng tây. Vào mùa mưa, chất mùn từ lá cây rừng già ủ mục bồi đắp cho cánh đồng này, còn nước ở đây dẫn từ con suối Mun chảy quanh năm suốt tháng. Chính vì vậy, khi sạ xong cho đến lúc cây lúa ra lá non, nông dân chỉ việc ngủ lại tại  nhà sàn để canh giữ. “Khi lúa thời con gái sợ nhất là chuột cắn phá, khi lúa trổ thì sợ khỉ phá. Ngủ lại trong nhà sàn cạnh đám lúa, con chuột cắn lúa mình cũng đuổi, con khỉ thấy có người không dám ra phá mùa màng” - Oi Quyền ở làng Bè giải thích. Ở nơi heo hút này xuyên suốt mùa vụ, bà con vần công qua lại, chỉ khi chờ gối vụ thì ruộng mới vắng người.

 

Để có nước trong ruộng, người dân xã Phú Mỡ ra sức bảo vệ rừng đầu nguồn. Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân Đặng Văn Trọng, trong những năm qua, các công trình đập dâng Ma Ha, Cây Vừng, Bà Quân được đầu tư xây dựng phục vụ tưới cho gần 80ha lúa ở xã Phú Mỡ. Ban đầu huyện cử cán bộ kỹ thuật về tận thôn, hướng dẫn bà con kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc cây lúa nước. Mấy năm nay, nhân dân có ruộng sản xuất áp dụng mô hình sạ hàng, sạ thưa nên năng suất đạt trên 55tạ/ha.

 

Hơn 80ha lúa nước ở các cánh đồng Phú Tiến, Phú Giang, Phú Lợi của xã Phú Mỡ, cây lúa đứng thẳng hàng. Một nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Phú Yên, giữa vùng rừng núi bạt ngàn lại xuất hiện màu xanh cánh đồng lúa nước. Màu xanh ấy bao năm qua đã tạo cho bà con dân tộc thiểu số Chăm ở đây cảm giác gần gũi như là máu thịt. Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ So Bếp cho hay: “Được Đảng, Nhà nước đầu tư đắp đập dâng và trạm bơm điện, mấy năm nay nhân dân có ruộng sản xuất áp dụng mô hình sạ hàng, sạ thưa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để đập và suối lúc nào cũng đủ nước tưới thì phải bảo vệ rừng đầu nguồn. Vì thế năm nào bà con trong thôn cũng cam kết thực hiện quy ước bảo vệ rừng”.

  

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek