Thứ Bảy, 21/09/2024 19:29 CH
Bài tham gia cuộc thi “Phú Yên - Ký ức và ước vọng”:
Phố núi bên sông
Thứ Tư, 11/05/2011 14:00 CH

Quê hương là nơi có sức hút diệu kỳ. 19 năm lớn lên bên mẹ nơi “phố núi mù sương” và cũng ngần ấy thời gian tôi xa quê. Bất chợt nghe nhắc đến “chùm khế ngọt”, bao ký ức lại ùa về làm tim tôi thổn thức…

 

La-Hai-110511.jpg

Phố núi La Hai ngày càng sầm uất. - Ảnh: M.NGUYỆT

 

Chảy từ chân núi La Hiên hùng vĩ, qua bao làng mạc, sông về xuôi vẫn mang cái tên gợi nhớ thượng nguồn - Kỳ Lộ.

Ở đầu nguồn, lòng sông Kỳ Lộ sâu và hẹp, hai bờ là những vách núi dựng đứng. Xuôi về hạ lưu, bờ là bãi cát phẳng phiu, nước quanh năm trong xanh, nhìn thấu đáy. Bởi vậy nên có câu ca dao:

 

Sông Kỳ Lộ vừa sâu vừa hẹp

Nước Kỳ Lộ vừa mát vừa trong

Thuyền anh bơi ngược dòng sông

Nhìn em cho thỏa tấm lòng nhớ thương

 

Bên dòng sông thơ mộng ấy, phố núi La Hai hiền hòa bình dị đã đi vào nhạc, vào thơ. Vùng đất này còn gieo niềm tin, nỗi nhớ vào tâm khảm những người xa quê.

 

LA HAI XƯA…

 

“Xưa. La Hai quê tôi không có phố, xóm thôn chỉ có mái tranh. Xưa. La Hai là vùng tự do trong cuộc kháng chiến chín năm lịch sử, là nơi để người lính áo vải sau những chặng đường hành quân hiểm nguy trở về bên các má, các chị, các em. Và ai đã đến đây, dù chỉ một lần, khi xa rồi sẽ nhớ vô cùng miếng dưa hấu “nẫu” trao, bắp soi Bầu má nấu, nhớ hương kẹo xứ đường, nhớ tình người… và nụ cười em gái La Hai. Gái La Hai xưa cũng hai sương một nắng, để mùa về gánh lúa vàng kĩu kịt. Và khi giặc tới, em cũng biết cầm súng giữ làng. Em gái La Hai một lần đã gặp, khi đi xa rồi thì cứ luyến lưu…”. Với ông Vũ Hoài, một người con xa quê, ký ức về La Hai say lòng đến vậy. Lớp hậu sinh lớn lên sau chiến tranh như tôi chỉ được nghe kể lại thời hào hùng của thế hệ cha anh, song cũng rất đỗi tự hào.

 

Xóm Đồng Bé ngày xưa nghèo lắm! Thời đó, cuộc sống rất cơ cực, bị thực dân đàn áp, khủng bố gắt gao nhưng người dân vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng. Chính tại đây, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Phú Yên được thành lập. Sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử quan trọng này là dấu son chói lọi mở đầu cho quá trình đấu tranh cách mạng vô cùng anh dũng, vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên. Đã 81 năm trôi qua nhưng cụ Phan Ngọc Bích, người con của quê hương La Hai vẫn nhớ như in: “Trưa ngày 5/10/1930, ngay tại ngôi nhà ba gian - Di tích lịch sử cấp quốc gia ở thôn Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân bây giờ, trước khi vào giỗ, đồng chí Phan Lưu Thanh lấy lá cờ Đảng ra treo trên vách và tuyên bố thành lập chi bộ. Xong, đồng chí mới mời các cụ kỳ cựu và bà con trong thôn đến ăn giỗ. Trong hoàn cảnh Đảng ta hoạt động bí mật, việc thành lập chi bộ được tổ chức dưới hình thức như vậy nhằm che mắt bọn thực dân. Chi bộ lúc ấy có 9 đảng viên, do đồng chí Phan Lưu Thanh làm bí thư”.

 

Cụ Phan Ngọc Bích nay đã 100 tuổi đời, gần 81 tuổi Đảng, được thế hệ hậu sinh ngưỡng mộ. Cụ là “hạt giống đỏ” còn lại của quê hương anh hùng, mang trong mình những giá trị nhân bản cộng sản vĩnh hằng mà ông đã theo đuổi từ tuổi thanh xuân.

 

Má kể, người con gái La Hai cũng sắt son với cách mạng. Thời chiến tranh, họ không trực tiếp cầm súng thì cũng dấn thân vào các hoạt động cách mạng, sống chết vì quê hương. Bà Sáu ở Long Hà sớm khuya nuôi giấu bộ đội, động viên chồng con lên đường cứu quốc; chị Phận ở Long Châu âm thầm làm nữ biệt động, không tiếc máu xương… Còn hai chị em nhà má cũng dũng cảm kiên cường. Xuân sắc tầm “Nhất gái La Hai…”, má và dì tận dụng nghề may của mình để sớm sớm, khuya khuya làm nên những lá cờ Mặt trận giải phóng sao vàng nửa xanh nửa đỏ, cung cấp cho cách mạng. Đến ngày giải phóng, nhìn cờ tung bay phất phới do chính mình làm nên, má tự hào mà nước mắt rưng rưng. Má bảo, gái La Hai xinh đẹp lại mưu trí, bởi vậy mới đánh lừa được bọn lính mà làm nên những chuyện lớn... Gái La Hai còn có giọng ca trời phú, đã làm bao mặc khách khi ghé thăm đều muốn “Ở lại đây mà nghe tiếng hát…” để rồi…“quên đường về”. Nghệ sĩ nhân dân Đàm Liên là một minh chứng cho giai nhân phố núi với tài sắc vẹn toàn. Có lẽ vậy mà tướng Đoàn Khuê khi đến đây hoạt động cách mạng đã chọn gái La Hai làm người bạn đời tri kỷ.

 

LA HAI NHỮNG MÙA MƯA

 

Phố núi La Hai thơ mộng trong nắng, lãng mạn trong sương. Nhưng vào mùa mưa, phố núi ấy thường ngập chìm trong bao trắc trở.

 

Những năm tôi học cấp 3, hễ ngày nào có vài trận mưa to là lớp tôi hôm sau bị tụt sĩ số. Nước sông lớn, dâng ngập cầu La Hai, lũ học trò các xã cánh tây, nam không đến trường được đã đành, người dân quê tôi muốn đi Tuy An, Tuy Hòa… đều gặp khó khăn. Không biết bao nhiêu trường hợp phải bò trên cầu sắt, đi bộ trên đường ray xe lửa khoảng 15 cây số để đến Chí Thạnh (Tuy An) và ngược lại. Những năm tháng đi học, đi làm xa quê, tôi cũng thấm thía cảnh trầy chân, mỏi gối mới về đến nhà trong mùa mưa lũ. Khó khăn hơn cả là khi đám cưới được tổ chức trong thời điểm này hay những ca bệnh, tai nạn cần chuyển viện…, đều phải dùng biện pháp “tăng bo”. Có những người không may đã bị đắm đò khi sang sông.

 

Cau-sat-La-Hai110511.jpg

Cầu sắt La Hai bắc qua sông Kỳ Lộ. - Ảnh : M.NGUYỆT

 

Mùa mưa là mùa mà bà con xóm Giữa (khu phố Long Châu) lo lắng nhất. Nằm ở vùng trũng, gần như năm nào nơi đây cũng bị nước lụt bao vây. Nói đến mùa mưa ở phố núi, trong ký ức tôi và bao người dân nơi đây in đậm trận lũ lịch sử năm 2009.

 

Đêm 2/11/2009 mưa lớn. Ở Tuy Hòa, lòng tôi bồn chồn vì năm lần bảy lượt không liên lạc được với má qua điện thoại. Càng thấp thỏm hơn khi một số bạn bè từ TP Hồ Chí Minh lo lắng hỏi thăm tình hình lũ lụt ở La Hai vì họ cũng chẳng liên lạc được với gia đình. Sáng hôm sau, tôi điếng người khi nghe cô bạn thân báo tin bằng giọng thất thanh: “Khủng khiếp lắm! Nước tràng giang. Tao đứng trên lầu hai mà bị ngập gần đến cổ. Nước mà dâng cao một gang tay nữa chắc nhiều người thiệt mạng lắm Thủy ơi”.

 

Về quê sau 3 ngày không tin tức, tôi kinh hoàng trước cảnh thiên tai hoành hành tại quê nhà. Cây cầu sắt, biểu tượng của huyện Đồng Xuân, ở vị trí rất cao, vậy mà nước cũng dâng tới, kéo theo bao rác rưởi bám lên. Nhà tôi vốn chưa bao giờ bị ngập nước, nay nước ngâm tận 2m. Má chạy lũ an toàn nhưng khi trở về nhìn cảnh bàn thờ ông bà tổ tiên bị hất tung, mắt má rưng rưng. Hàng xóm tôi cũng vậy. Nhìn cảnh mọi thứ ngổn ngang, hư hỏng, ai nấy đều xót xa… Đến thắp nén nhang cho chị Mỹ Dung, người bị dòng nước cuốn trôi để lại đứa con thơ (bé vừa bị mất bố vài tháng trước), lòng tôi thêm đau quặn…

 

Trận lũ lụt lịch sử ấy làm người dân quê tôi khốn đốn. Song, ở đó cũng đầy ắp tình người. Ông Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Sinh (ở xóm Giữa) đêm 2/11/2009 ngồi trên nóc nhà lạnh giá, nước ngập lém chân nhưng quyết không lên canô, mà bảo người lái canô đi cứu dân trước rồi quay lại cứu ông. Các anh Vương, Phương và một số thanh niên khác ở xóm Giữa không ngại hiểm nguy cho sinh mạng của mình, đã dùng sõng xuyên màn đêm cứu nhiều người trong dòng nước lũ…

 

LA HAI TRONG NIỀM TIN

 

La Hai - nhiều người đã đến, đã nhớ và đã yêu, đã xem La Hai là một phần máu thịt của mình. Phố núi hôm nay ánh điện sáng lung linh trong sương. Em gái La Hai vẫn nụ cười tươi, hai má ửng hồng, một nắng hai sương điểm tô cuộc sống…

 

Tôi vui khi những chuyến xe buýt hàng ngày nối La Hai gần hơn với thành phố trẻ Tuy Hòa. Thị trấn La Hai đã khoác lên mình chiếc áo mới với phố xá khang trang; điện, đường, trường, trạm… được quy hoạch bài bản.

 

Tôi mừng vì xóm Đồng Bé đã đổi thay, cuộc sống của người dân được khấm khá. Ngôi trường THCS khang trang mang tên đồng chí Phan Lưu Thanh luôn là điểm sáng cho sự nghiệp trồng người… Tôi và bao người con của quê hương cách mạng này đang trông đợi công trình di tích lịch sử cấp quốc gia Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Phú Yên sớm được hoàn thiện để nơi đây trở thành điểm đến của nhiều người; để lớp lớp học trò quê nhà về dâng hương và học những bài lịch sử vẻ vang.

 

Người dân quê tôi đang đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, phủ xanh đồi trọc và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Để hạn chế lũ lụt, giảm thiên tai, lãnh đạo huyện nhà và các ngành chức năng cần có biện pháp mạnh để chấm dứt nạn phá rừng, đốt than.

Nghe Bí thư Đảng ủy thị trấn La Hai Nguyễn Hữu Từ nói La Hai sẽ được đầu tư nâng cấp đoạn đường dài 1,9km nối giữa hai cây cầu để khắc phục tình trạng ách tắc giao thông trong mùa mưa; dự án Trục đường miền Tây Phú Yên được gấp rút thực hiện mở ra cơ hội mới cho sự thông thương của thị trấn…, trong tôi thêm niềm tin và hy vọng về tương lai phát triển của phố núi quê nhà. Một ngày không xa, khi La Hai được đầu tư đúng mức, khi mà Đảng bộ cùng nhân dân phát huy cao nhất sức bật tự thân, quyết tâm xây dựng, phố núi La Hai sẽ là một điểm nhấn đầy ấn tượng trên trục dọc miền Tây của tỉnh Phú Yên. Thị trấn La Hai quê hương tôi chắc chắn sẽ thêm luồng sinh khí mới với nhiều khởi sắc.

 

DƯƠNG THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chương V: Phú Yên giải phóng
Chủ Nhật, 08/05/2011 08:07 SA
Ðô thị bên bờ biển xanh
Thứ Năm, 28/04/2011 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek