Thứ Bảy, 21/09/2024 19:37 CH
Thủy chung cùng năm tháng(Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 04/05/2011 07:50 SA

Năm 1966, đế quốc Mỹ tiến hành “Chiến tranh cục bộ” để cứu vãn sự sụp đổ của quân ngụy. Máy bay Mỹ bay loạn xạ, bọn ngụy hí hửng, chúng lếu láo tuyên truyền trong nhân dân: “Phen này Cộng sản bị đẩy tận rừng xanh”, Mỹ qua sẽ thực hiện Bắc tiến, Cộng sản sẽ chết luôn ở trong rừng,v.v.”.

 

Mùa khô năm 1966, đế quốc Mỹ mở cuộc hành quân “Vanbuarem” từ ngày 19/1/1966 đến cuối tháng 4/1966, sử dụng chín tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 1, Sư đoàn dù 101 Mỹ, Lữ đoàn lính thủy đánh bộ “Rồng xanh” Nam Triều Tiên, Trung đoàn 47 ngụy càn quét vùng Tuy Hòa. Chín Cao đã chỉ huy quân và dân Tuy Hòa chiến đấu anh dũng, bẻ gãy cuộc phản công “chiến lược mùa khô” của địch. Cay cú trước những thất bại nhục nhã do quân và dân Tuy Hòa đánh trả, kẻ thù sắp xếp lại lực lượng chuẩn bị tiếp tục tấn công ra khắp tỉnh. Chúng ta đã chuẩn bị đánh địch ở tình huống này bằng địa đạo gò Thì Thùng ở An Xuân. An Xuân nằm về phía tây huyện Tuy An, có độ cao từ 300m đến 420m so với mặt nước biển. Do có lợi thế về quân sự nên An Xuân được tỉnh Phú Yên và Ban chỉ huy quân sự Liên khu V chọn đào địa đạo ở gò Thì Thùng để xây dựng căn cứ quân sự của tỉnh. Chủ trương đào địa đạo là một chủ trương rất lớn của tỉnh Phú Yên và Huyện ủy Tuy An lúc bấy giờ.

 

Ngày 20/4/1964, đồng chí Đỗ Hòa Thái, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên và đồng chí Huỳnh Là, Bí thư Huyện ủy Tuy An đã triệu tập Chi bộ Đảng xã An Xuân họp bất thường tại nhà đồng chí Lê Chí ở vùng 2. Tại đây, sau khi nghe đồng chí Đỗ Hòa Thái nói lên tầm quan trọng của việc đào địa đạo, đồng chí Huỳnh Là có ý kiến:

 

Kẻ thù bây giờ không phải như ngày trước, mà bọn chúng càng ngày càng đổ bộ vào miền Nam nước ta nhiều. Vũ khí của chúng hết sức hiện đại. Địch được trang bị từ đầu đến chân. Địch ở trước mặt, địch ở trên trời, địch ở dưới đất, địch ở sau lưng. Đụng đâu chúng ta cũng gặp địch, không chạy được. Do đó, phải đào địa đạo, để tiến tới những trận đánh lớn, tiêu diệt địch ở mọi lúc, mọi nơi. Việc đào địa đạo là một việc rất cần thiết và là một chủ trương lớn của Đảng. Cần huy động sức dân của các xã, chủ yếu là xã An Xuân, để đào địa đạo”.

 

Sau cuộc họp, Huyện ủy và Tỉnh ủy đã cử cán bộ của Huyện đội và Tỉnh đội trực tiếp chỉ huy nhân dân đào địa đạo. Ban chỉ huy Đại đội 220 cũng cử cán bộ trực tiếp tới hướng dẫn nhân dân đào. Huyện ủy triển khai các xã: An Xuân, An Lĩnh, An Nghiệp, An Định đào địa đạo. Bắt đầu từ ngày 10/5/1964, việc đào địa đạo được khởi công. Đồng chí Sáu Râu – Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công đào địa đạo. Đồng chí Đỗ Tấn Cảnh trực tiếp chỉ huy. Ở Quân khu có đồng chí Y Bờ Lốc, Đại tá, Tư lệnh phó Quân khu V trực tiếp chỉ huy. Ban chỉ huy làm việc tại công trường hết sức nghiêm túc, khẩn trương. Từng ngày, các đồng chí trong Ban chỉ huy đi kiểm tra việc đào địa đạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã An Xuân. Ban chỉ đạo đào địa đạo đúng theo kế hoạch, nhằm đáp ứng yêu cầu đánh Mỹ lúc bấy giờ. Hàng ngày, cứ bốn giờ chiều, nhân dân xã An Xuân, An Định, An Nghiệp, An Lĩnh lại mang theo cuốc, xẻng, xà beng, ky đổ đất, đèn lồng đi đào địa đạo. Vì diện tích đào rộng, đất đưa đi đổ xa nên đêm đêm xã huy động 500 nhân công từ các thôn đến đào. Trước tiên là đào thành những giếng sâu bốn, năm mét, giếng nọ cách giếng kia 10m, khi đào xong giếng thì đào các ngõ ngách xung quanh hầm. Nhiệm vụ này do lực lượng du kích đào để đảm bảo giữ bí mật. Địa đạo dài 1.948m, xuyên qua gò Thì Thùng, sâu 4,5m, rộng 0,8m. Toàn bộ địa đạo có 486 giếng. Trên miệng giếng, cách mặt đất 3m có gỗ đặt rầm. Cách nhau 20m chừa một cửa hông có ngụy trang. Trên địa đạo đặt vọng gác, có đài quan sát. Xung quanh địa đạo là một hệ thống giao thông chằng chịt sâu 1,5m, rộng 1m, chạy ngang dọc dài hơn 10km. Địa đạo gò Thì Thùng đào trong hai năm. Từ tháng 5/1964 đến tháng 8/1965, mùa mưa nghỉ, mùa nắng lại tiếp tục đào. Tháng 8/1965, địa đạo hoàn thành. Công trình địa đạo gò Thì Thùng là một công trình rất lớn. Nhân dân xã An Xuân và nhân dân các vùng lân cận đã huy động trên 100.000 công để đào địa đạo. Sau khi hoàn thành, đồng chí Võ Minh và đồng chí Lê Mai ra Khu ủy báo cáo, được Khu ủy Khu V tặng cờ luân lưu về thành tích đào địa đạo gò Thì Thùng. Nhằm chia lửa với đồng bào Tuy Hòa đang nằm trong sự càn quét khốc liệt của kẻ thù, ta chủ động kéo chúng ra phía bắc tỉnh, huyện Đồng Xuân và huyện Tuy An mở chiến dịch mùa hè năm 1966 để đánh.

 

Chiến dịch tiến hành hai đợt: Đợt 1 từ 15/5/1966 đến 31/5/1966. Đợt 2 từ 1/6/1966 đến 30/6/1966. Trong đợt 2, Quân khu tăng thêm cho chiến trường Phú Yên Trung đoàn 20 (Trung đoàn Trần Hưng Đạo). Tháng 6/1966, hai Trung đoàn Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo đóng quân tại vùng 1, vùng 2, vùng 4 xã An Xuân và vùng 11, vùng 12 xã An Nghiệp. Đêm 23/6/966, một đơn vị của Tỉnh đội đánh vào đồn Bà Cò (thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân), lực lượng chủ lực của ta phục sẵn tại vùng 1, 2, 4 xã An Xuân, vùng 11, 12 xã An Nghiệp chờ quân địch ra để đánh. Bộ chỉ huy Trung đoàn Trần Hưng Đạo đặt tại nhà ông Lê Hữu Đức, xóm Suối Bướm vùng 2. Các Ban chỉ huy tiểu đoàn đóng rải rác ở khu vực Hòa Lộc.

 

Đúng như dự đoán của ta, 9g sáng ngày 24/6/1966, Mỹ ồ ạt đổ quân xuống Bằng Chình, bị chủ lực ta tiêu diệt. Sáng 25/6/1966, chúng đổ quân xuống vùng 2, vùng 4, vùng 5 và các gò: Gò Thì Thùng, gò Dũng, gò Sân Cu, gò Sống Trâu, xã An Xuân. Ban đầu ta dựa vào công sự để chiến đấu. Khi địch tập trung hỏa lực từ cứ Đồng Tre bắn lên, ngoài biển bắn vào, từ trên cao máy bay thả bom bắn xuống, ta rút vào địa đạo chờ địch tiến đến gần, đồng loạt nổ súng. Địch chết nhiều, phải kêu máy bay đến chi viện, ta tiếp tục đánh. Cuộc chiến đấu tại gò Thì Thùng diễn ra suốt hai ngày đêm. Bộ đội chủ lực diệt 1.030 tên Mỹ, bắn rơi và bắn bị thương chín máy bay trực thăng. Tối 26/6/1966, cuộc chiến đấu kết thúc. Bộ đội ta rút qua An Lĩnh. Tại Hố Lõi, vùng 4, xã An Xuân, 36 đồng chí bị trực thăng phóng pháo hy sinh. Trong hai ngày, bộ đội chủ lực đánh Mỹ, lực lượng du kích và nhân dân xã An Xuân, An Nghiệp cũng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cán bộ, nhân dân một số nấu cơm vắt, nấu nước, mang ra chiến trường tiếp tế cho bộ đội, một số đi khiêng thương binh.

 

Trận đánh tại địa đạo gò Thì Thùng là trận đánh đầu tiên của Trung đoàn Trần Hưng Đạo đánh Mỹ và đã lập được chiến công vang dội. Chiến thắng oanh liệt tại địa đạo gò Thì Thùng mãi mãi là trang sử vàng chói lọi của quân và dân Phú Yên anh hùng.

 

Bước sang năm 1967, phong trào cách mạng của tỉnh Phú Yên gặp nhiều khó khăn. Năm 1967 là năm đánh phá ác liệt của bọn Mỹ và bọn lính Nam Triều Tiên tại Phú Yên. Những cuộc càn quét của Trung đoàn đánh thuê Nam Triều Tiên thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ và Sư đoàn Bạch Mã cùng với Trung đoàn 47 ngụy đã gây nhiều tổn thất to lớn cho đồng bào các xã trong tỉnh Phú Yên. Bọn lính Nam Triều Tiên bắn giết người vô tội vạ. Từ những năm 1966-1967, do tình hình quá ác liệt, một số ít bà con dao động nảy sinh tư tưởng sợ Mỹ, sợ Nam Triều Tiên nên không dám tiếp tế lương thực giúp cách mạng. Khi lương thực hết, cán bộ, bộ đội phải sống trong cảnh đói cơm, lạt muối, tìm kiếm củ rừng, rau rừng ăn thay cơm. Chỉ một số rất ít cơ sở cách mạng dũng cảm tiếp tế lương thực, thực phẩm giúp cán bộ, bộ đội. Những tội ác của lính đánh thuê Nam Triều Tiên và của Mỹ ngày càng chất chồng. Sau các đợt thảm sát của lính Nam Triều Tiên, đồng chí Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2 đã họp bàn chỉ đạo các phương án tác chiến. Lực lượng du kích và bộ đội cũng rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Tư tưởng sợ Mỹ, sợ Nam Triều Tiên từng bước bị đẩy lùi. Kẻ thù đông, được trang bị vũ khí tối tân, có máy bay, xe tăng yểm trợ nhưng không quen thuộc địa bàn, không được sự ủng hộ của nhân dân. Bọn chúng sẽ thất bại thảm hại trong lối đánh du kích thoắt ẩn, thoắt hiện của ta.        

 

(Còn nữa)

    NGUYỄN DUY LUÂN

(Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy

Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ðô thị bên bờ biển xanh
Thứ Năm, 28/04/2011 10:00 SA
Tuy An - những trầm tích trăm năm
Thứ Ba, 12/04/2011 08:00 SA
Qua vùng thắng tích Hương sơn
Thứ Sáu, 08/04/2011 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek