Thứ Bảy, 21/09/2024 21:50 CH
Sức sống mới Xuân Ðài
Thứ Tư, 11/05/2011 10:00 SA

Phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) một ngày đầu mùa hạ thật nên thơ và xinh đẹp. Những vườn dừa xanh ngút ngàn, những làn gió biển thổi vào mang theo hơi vị mặn mòi của biển cả. Hàng chục tàu thuyền đánh cá đang neo đậu trên vịnh Xuân Đài trong cảnh bình minh rực rỡ. Vịnh Xuân Đài trong buổi ban mai đẹp như một bức tranh.

 

xuandai110511.jpg

Vịnh Xuân Đài  - Ảnh: K.PHưỢNG 

 

Trước đây, phường Xuân Đài thuộc xã Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu. Ngày 22/9/2009, huyện Sông Cầu trở thành thị xã, phường Xuân Đài được thành lập. Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, của một vùng đất giàu tiềm năng về phát triển kinh tế biển và du lịch, phường Xuân Đài hôm nay đã có sự đổi thay diệu kỳ.

 

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người dân Xuân Thọ nói chung, phường Xuân Đài nói riêng đã dũng cảm kiên cường, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 273 người con ưu tú của quê hương Xuân Thọ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, xã Xuân Thọ vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: 6 huân chương Độc lập, 60 bằng khen, giấy khen các cấp, 137 cá nhân được tặng thưởng huân chương Kháng chiến các loại, 212 cá nhân được tặng thưởng huân chương Giải phóng, 16 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đặc biệt xã Xuân Thọ đã vinh dự được tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong thành tích vẻ vang đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, nhân dân phường Xuân Đài.

 

Đất nước thống nhất, người dân Xuân Đài tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, cùng chung sức, chung lòng xây dựng quê hương Xuân Đài ngày càng bình yên, giàu đẹp. Ông Lê Tấn Hổ ở khu phố Phước Hậu (phường Xuân Đài) đã gắn bó với mảnh đất này trên 50 năm. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Hổ tham gia hoạt động cách mạng, là cơ sở hoạt động bí mật. Năm 1960, ông bị địch bắt đày ra Côn Đảo cho đến năm 1972. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Lê Tấn Hổ trở về quê hương. Mảnh đất Xuân Đài đã để lại trong lòng ông bao ký ức về một thời đấu tranh gian khổ, ác liệt. Ông không khỏi xúc động khi kể về một thời gian khó của người dân Phước Hậu trong những năm trước ngày tái lập tỉnh. Người dân làng biển Phước Hậu rất cần cù làm ăn, chịu thương chịu khó nhưng cái nghèo cứ đeo đẳng họ mãi. Hồi ấy, chỉ có thuyền công suất nhỏ đánh bắt gần bờ. Một số bà con làm nghề nông, quanh năm suốt tháng chỉ trông chờ vào nguồn thu hoạch mì, mía trên núi Phước Hậu. Đất đai rộng nhưng không có tiền đầu tư phát triển sản xuất, cuộc sống của người dân nơi đây chỉ đắp đổi qua ngày. Vào mùa mưa bão, nhiều hộ gia đình không ra khơi đánh bắt cá được, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Toàn vùng chỉ có lác đác vài nhà ngói. Nhưng kể từ năm 1993 đến nay, nhờ chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, bà con đã mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất, đóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản, khôi phục làng nghề nước mắm truyền thống và chăn nuôi bò lai. Chỉ sau hơn hai mươi năm, cuộc sống của người dân phường Xuân Đài nói chung, ở khu phố Phước Hậu nói riêng đổi thay đến kỳ diệu. Phường Xuân Đài hôm nay như được khoác trên mình một chiếc áo mới. Hiện tại phường Xuân Đài có 8 khu phố trải dài gần 12 km trên tuyến quốc lộ 1. Toàn phường hiện có trên 2.100 hộ dân với trên 9.000 người, bà con chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, làng nghề chế biến nước mắm. Để phát triển sản xuất, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư đóng thuyền có công suất lớn vươn ra khơi xa; đầu tư nuôi tôm hùm lồng, nuôi tôm sú và hải sản các loại. Hầu hết các gia đình đều xây dựng nhà kiên cố. Điều mà tôi hết sức ngạc nhiên là ngay tại khu phố Phước Hậu có một xưởng đóng tàu tư nhân rất nổi tiếng của anh Võ Văn Tuấn. Hàng năm, xưởng đóng tàu này đóng được 10-12 chiếc tàu thuyền có công suất từ 90-120 CV, góp phần tạo việc làm cho 40-50 người dân địa phương có thu nhập ổn định.

 

Thế mạnh kinh tế của phường Xuân Đài là nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, làng nghề nước mắm truyền thống. Hiện tại, toàn phường có 296 chiếc tàu thuyền với công suất 7.238CV, sản lượng đánh bắt hải sản hàng năm là 2.700 tấn một năm, có 70 hộ nuôi tôm hùm thu hoạch hàng năm trên 30 tấn tôm thịt, trị giá trên 3,6 tỉ đồng… Đặc biệt, phường Xuân Đài có làng nghề nước mắm với những thương hiệu nổi tiếng trong cả nước như: nước mắm Tân Lập, Gành Đỏ, Bà Mười, Thanh Thủy…Ông Phạm Văn Cảnh - chủ cơ sở nước mắm Tân Lập, phường Xuân Đài dẫn tôi đi thăm cơ sở nước mắm của ông. Ông Cảnh tự hào khoe với tôi rằng: Sản phẩm nước mắm Tân Lập vừa đưa đi trưng bày, giới thiệu tại Hà Nội, được tặng thưởng huy chương vàng và chứng nhận danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn. Hàng năm, sản lượng chế biến nước mắm ở phường Xuân Đài đạt gần 9 triệu lít nước mắm. Sản phẩm đặc sắc của làng nghề mang hương vị quê hương này giờ đây không chỉ nổi tiếng trong nước mà trong thời gian tới có thể xuất khẩu ra các nước trên thế giới.

 

Ông Nguyễn Thành, Chủ tịch UBND phường Xuân Đài, nói: “Xuân Đài không chỉ là một vùng đất giàu tiềm năng để phát triển kinh tế biển mà còn có tiềm năng để phát triển du lịch biển bởi nơi đây có nhiều danh lam thắng cảnh. Điển hình như: khu vực bãi Than, cù lao Ông Xá, Vũng Lắm, Gành Đỏ… Bờ biển Xuân Đài bãi cát mịn, nước trong xanh, lại kín gió, tạo nên những cảnh quan xinh đẹp. Rất nhiều nhà đầu tư muốn kinh doanh du lịch biển ở khu vực này. Vũng Lắm là cảng biển quan trọng của tỉnh trong thế kỷ XVIII, XIX. Theo sử sách ghi lại: Trong thế kỷ XVIII, XIX, Vũng Lắm là nơi buôn bán sầm uất. Cảng biển gắn liền với thương mại và dịch vụ, Vũng Lắm trở thành nơi buôn bán sầm uất nhất tỉnh. Đến Sông Cầu, chúng ta thường được nghe câu ca dao:

 

Ngó vô Vũng Lắm Sông Cầu

Cù lao Ông Xá đứng hầu ngoài khơi

 

Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Xuân Đài tiềm năng, ưu thế để phát triển du lịch biển. Những tiềm năng “ngủ dài” sau hàng chục năm giờ đây đã được đánh thức, đặc biệt là Vịnh Xuân Đài đã được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch xếp hạng Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia nhân kỷ niệm 400 năm Phú Yên và khai mạc Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011. Xuân Đài sẽ là điểm đến cho nhiều du khách trong và ngoài nước.

 

Đứng trên đỉnh dốc Gành Đỏ nhìn ra cù lao Ông Xá, du khách sẽ thấy xanh ngắt một màu, những con sóng bạc đầu lăn tăn trên mặt nước biển, những ngôi nhà thấp thoáng dưới rặng dừa xanh ngút ngàn. Vẻ đẹp Xuân Đài trong buổi chiều hoàng hôn như muốn níu chân người ở lại. Mảnh đất Xuân Đài nay đã và đang thực sự chuyển mình, hòa trong nhịp sống đang vươn lên hối hả. Tương lai không xa, Xuân Đài sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư du lịch, của các du khách trong và ngoài nước. Những người con của Xuân Đài hôm nay đã và đang phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, xây dựng Xuân Đài ngày bình yên, giàu đẹp.

 

PHƯƠNG HỒNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chương V: Phú Yên giải phóng
Chủ Nhật, 08/05/2011 08:07 SA
Ðô thị bên bờ biển xanh
Thứ Năm, 28/04/2011 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek