Thứ Bảy, 21/09/2024 21:42 CH
Từ dòng sông Cái tôi đi...
Thứ Hai, 21/03/2011 10:00 SA

Tôi sinh ra và lớn lên tại thôn Tân Lập, xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân vào ngày 30/6/1938. Năm nay tôi đã ngoài 70 tuổi rồi nhưng những ký ức về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình chẳng những không bao giờ phai mờ, mà ngược lại khi tuổi già càng nhớ lại chuyện xưa vô cùng sâu sắc. Những con đường ngõ ngách trong thôn, những lũy tre làng ken dày dọc bờ sông Cái, những hàng cây keo cao vút giăng đầy những tổ chim dồng dộc; những đồng mía mênh mông, ngọt lịm, tôi thường cùng bọn nhỏ trong làng đi bắt chim mía vào buổi tối; những bãi rù rì xanh um ngoài bờ sông, tụi nhỏ chúng tôi thường rủ nhau ra đó chơi trò trốn, tìm và đánh trận giả... Tất cả, tất cả hình ảnh làng xóm quê hương như đang hiện ra trước mắt với bao kỷ niệm.

 

nv110321.jpg

Nhà văn, nhà báo Tô Phương đi cùng đoàn xe bọc thép của Trung đoàn Đồng Xoài (đơn vị anh hùng của miền Đông Nam Bộ) tiến vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975.

Xã Xuân Sơn nằm về phía đông nam của huyện Đồng Xuân, phía bắc được che chắn bởi dãy núi Liên Sơn chạy dài từ cầu Suối Phanh cho đến đèo Cây Cưa, phía nam từ Pi Lỗ Sáu chạy đến Bầu Súc. Xã Xuân Sơn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ trung bình của năm khoảng 28-29oC. Tuy nhiên, hơi nước của dòng sông Cái đã làm dịu bớt những cái nóng của mùa gió Nam.

 

Dọc theo dòng sông Cái là những cánh đồng bát ngát của các thôn Tân Bình, Tân Phước, Tân Phú, Tân Long rất phì nhiêu, vì hằng năm được phù sa sông Cái bồi đắp nên lúa, bắp, sắn, khoai... tươi tốt quanh năm, tạo nên một lượng lương thực phong phú cho nhân dân địa phương. Ngoài việc làm nông là chính, bà con trong xã còn làm tốt nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp khác như: gạch ngói, thợ hồ, thợ mộc, thợ rèn, thợ dệt, đan võng, chằm nón... Bà con nghề nào việc ấy, làm ăn cần cù, đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.

 

Năm 1886, thực dân Pháp chiếm huyện Đồng Xuân, chúng đặt Tòa sứ tại tổng Xuân Đài (thuộc thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2 ngày nay) đặt các làng ấp của xã Xuân Sơn nằm trong tổng này. Thực dân Pháp ra sức vơ vét tài nguyên, đặt ra các thứ thuế như thuế muối, thuế rượu, thuế thuốc phiện. Thuế thân tăng lên gấp 30 lần. Năm 1931 đóng 3,2 đồng mỗi tráng đinh, từ 17 đến 59 tuổi mỗi năm phải làm xâu từ 30 đến 40 ngày. Bọn địa chủ chiếm hết ruộng đất núi đồi và buộc nhân dân lao động khổ sai, phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Nhân dân trong xã vô cùng khổ cực, đói rách, nhiều người bị bắt phải đi lao động không thấy trở về.

 

Trong bối cảnh đó, phong trào cách mạng ở xã Xuân Sơn đã từng bước phát triển. Các đồng chí Phan Lưu Thanh, Nguyễn Ngọc Cầu ở Chi bộ xã Xuân Long đã tuyên truyền giác ngộ một số thanh niên, học sinh và những nông dân yêu nước ở Xuân Sơn như Trương Tấn Tiếp, Trương Tấn Ích, Trịnh Hích, Trần Châu Hoán, Đỗ Miêu, Trần Hinh, Trịnh Sương, Nguyễn Bài, Võ Bình... Đến cuối năm 1930 đầu năm 1931, xã Xuân Sơn đã tổ chức được hai chi bộ Đảng. Chi bộ Hà Bằng do đồng chí Trương Tấn Ích làm bí thư, chi bộ Phú Vang do đồng chí, Trịnh Hích làm bí thư. Trong thời gian này ở xã Xuân Sơn đã có tổ chức Thanh niên nghĩa dũng đoàn là một tổ chức yêu nước và tiến bộ do cha tôi, Nguyễn Tô Sâm lãnh đạo.

 

Phong trào cách mạng ở tỉnh Phú Yên ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ngày 20/8/1945, quần chúng cách mạng đã biểu tình vũ trang ở tỉnh lỵ Sông Cầu; ngày 21/8/1945, biểu tình vũ trang rầm rộ ở huyện Đồng Xuân. Ngày 23/8/1945, Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban Việt Minh tỉnh phát lệnh khởi nghĩa toàn tỉnh. Cùng lúc cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh thắng lợi, các địa phương khác trong tỉnh cũng đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Lúc này đồng chí Nguyễn Ngọc Cầu là thư ký, đồng chí Nguyễn Tô Sâm là ủy viên Ủy ban Mặt trận tổng Xuân Đài (tức Xuân Sơn) trực tiếp lãnh đạo cuộc giành chính quyền trong toàn tổng. Nhân dân xã Xuân Sơn với gậy gộc, giáo mác, tầm vông vót nhọn, bừng bừng khí thế cách mạng, rầm rập xuống đường biểu tình vũ trang cướp chính quyền thắng lợi.

 

Thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị của Trung ương Đảng, chi bộ, Ủy ban Hành chính và Ủy ban Mặt trận Việt Minh xã Xuân Sơn đã phát động phong trào toàn dân đánh giặc, đóng góp nhân tài vật lực phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trên tinh thần đó, Ủy ban Kháng chiến xã Xuân Sơn được thành lập do đồng chí Nguyễn Tô Sâm làm chủ tịch và sau này đổi lại thành Ủy ban Kháng chiến hành chính, tháng 10/1947, do đồng chí Trịnh Hích làm chủ tịch. Đội dân quân tự vệ cũng được tổ chức lại thành Xã đội do đồng chí Ngô Ấm làm xã đội trưởng, đồng chí Nguyễn Tô Sâm, Bí thư chi bộ làm chính trị viên xã đội.

 

Quân và dân xã Xuân Sơn anh dũng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian lao vất vả, và cũng đã giành được chiến thắng vẻ vang. Tiêu biểu nhất là trận phối hợp chiến đấu của dân quân du kích xã với Tiểu đoàn 375 đánh tiêu diệt đoàn xe 24 chiếc tại Bầu Vườn ngày 7/3/1954, tiêu diệt một đại đội lính Âu Phi tinh nhuệ của thực dân Pháp, góp phần làm cho chiến dịch Át-Lăng của Kế hoạch Na-Va bị phá sản hoàn toàn.

 

Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm thắng lợi, quân và dân xã Xuân Sơn cùng với quân và dân tỉnh Phú Yên và cả nước tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 21 năm, kể từ khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết (tháng 7/1954) đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

 

Là phóng viên mặt trận của Báo Quân Đội Nhân Dân, cùng tiến quân với đoàn xe bọc thép của Trung đoàn Đồng Xoài (đơn vị anh hùng của miền Đông Nam Bộ), trưa ngày 30/4/1975, tôi đã có mặt ở dinh Độc Lập, chứng kiến ngụy quyền Sài Gòn của Dương Văn Minh đầu hàng. Cuối tháng 5/1975, tôi được thủ trưởng tòa soạn cho về Phú Yên thăm gia đình.

 

Hơn 20 năm xa nhà, bây giờ được trở về thăm quê hương, lòng tôi vô cùng bồi hồi xúc động. Không có tiền Sài Gòn để mua vé ô tô, tôi phải bán mấy thứ đồ dùng cá nhân để làm lộ phí; suốt ngày từ Sài Gòn về Tuy Hòa tôi chỉ ăn vài miếng lương khô ở chiến trường còn lại.

 

Xe khách về đến TX Tuy Hòa đã chiều tối, tôi liền đi xe lam về xã Xuân Sơn. Tìm mãi mới đến nhà. Má tôi đang nằm ngủ một mình trong một túp lều che bằng bốn tấm tôn. Bà ôm chầm lấy tôi khóc nức nở. Má tôi cho biết: Thôn Tân Lập của tôi ngoài bờ sông Cái đã bị giặc Mỹ đốt sạch, phá sạch, dồn dân vào ấp chiến lược Tân Phú từ năm 1965. Chỗ má tôi ở bây giờ là ấp chiến lược cũ. Sáng hôm sau, tôi đi chào hỏi bà con chòm xóm và các đồng chí lãnh đạo địa phương. Bà con nói: “Anh về đây còn gặp được mẹ là may, bà ấy nằm trong danh sách địch thủ tiêu mà còn sống sót đấy!”. Hỏi kỹ thì được biết, má tôi bị kết tội là gia đình cộng sản, có chồng, có con đi tập kết, lại có 3 đứa con là chiến sĩ cộng sản thoát ly lên núi... nên bọn Mỹ - ngụy bắt má tôi bỏ tù ở nhà lao Ngọc Lãng rồi đưa đi thủ tiêu ở vực sông đèo Con Cá. Đêm ấy chúng định thủ tiêu 8 người, mỗi người chúng buộc vào một thanh tà-vẹt đường ray xe lửa, rồi vứt xuống vực sông. Do sơ suất thế nào đó, đến lượt cuối cùng là má tôi thì không còn thanh tà-vẹt nào cả. Do đó chúng đưa má tôi về tạm giam ở xã Xuân Sơn, chờ đêm hôm sau sẽ tiếp tục thủ tiêu nốt. Hôm sau, bà con thấy xác 7 người bị thủ tiêu hôm qua nổi lên, họ khiêng xác và đấu tranh quyết liệt nên bọn chúng dừng lại việc thủ tiêu má tôi.

 

Là người lính luôn có mặt ngoài mặt trận trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhìn làng quê vừa mới được giải phóng hơn một tháng còn bộn bề ngổn ngang lô cốt giặc, hàng rào kẽm gai, hố bom đạn địch loang lổ, nhà cửa tan hoang..., tôi biết được cuộc chiến đấu ở đây khốc liệt đến mức nào.

 

Ở một xã đất không rộng, người không đông, mà trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ có đến 350 liệt sĩ, 85 thương binh, có đến 18 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, là sự hy sinh vô cùng to lớn. Sự hy sinh to lớn ấy đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, phong tặng cho quân và dân xã Xuân Sơn là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Bây giờ tôi vẫn thường về xã Xuân Sơn để thăm viếng mồ mả ông bà tổ tiên của mình, tận mắt chứng kiến những đổi thay kỳ diệu của quê hương mình. Mọi người đều có nhà cửa khang trang, vững chắc, điện lưới quốc gia kéo về tận nơi, ai cũng ăn no, mặc đẹp, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng phát triển. Đảng bộ và chính quyền xã Xuân Sơn cùng với quân và dân trong xã nguyện đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống vẻ vang Đơn vị anh hùng, tiếp tục xây dựng xã Xuân Sơn không ngừng tiến lên trong thời kỳ mới - thời kỳ CNH, HĐH bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xuân Sơn quê hương tôi tiếp tục vươn lên phát triển vững chắc để mãi mãi xứng đáng là Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ mới.

 

---------------------------

Nguồn tài liệu: Viết bài này người viết có sử dụng tài liệu: “Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Sơn” năm 1996 của tác giả Huỳnh Xuân

 

TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek