Chủ Nhật, 22/09/2024 00:07 SA
Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1975:
Bát cơm chưa đầy đã lưng (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 17/03/2011 09:00 SA

Tên tướng Đơ Bô Pho tư lệnh trận càn Át lăng đang ngất ngưỡng, hăng máu, con bò mộng bị thiến húc bừa bãi tỏ vẻ là người chỉ huy có dũng khí, đến lúc ấy cũng chỉ ngồi núp trong xe bọc thép, trong công sự để lên giây cót tinh thần cho đội quân lê dương và đội quân ngụy. Song không có lý tưởng nào tạm nghe được, không có thứ vũ khí nào màu nhiệm để cho bọn đàn em hăng máu.

 

Địch thất thủ miền Tây, ở đồng bằng, địch hỗn loạn. Ngày 16/6/1954, địch vội vã rút chạy khỏi Sông Cầu, Gành Đỏ. Ngày 16/9/1954 chúng bỏ Chí Thạnh vào đóng chốt xung quanh chân núi Chóp Chài, Màng Màng cách thị xã Tuy Hòa ba cây số, chúng chưa kịp củng cố tổ chức đã bị bộ đội ta đánh cho tan tác hai, ba tiểu đoàn, đốt cháy hàng trăm xe quân sự. Đoạn đường từ Hảo Sơn và đèo Cả bị quân ta cắt đứt. Chiến dịch Át Lăng bị chìm ngập dưới làn sóng tiến công của quân dân Phú Yên khắp tứ phía ập đến như nước vỡ bờ.

 

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Hòa bình được lập lại ở Đông Dương. Cán bộ và nhân dân Phú Yên cả Thượng và Kinh đã viết nên những trang sử vẻ vang, xứng đáng với truyền thống ông cha, trọn trung với Đảng, trọn nghĩa với dân góp phần đánh bại kẻ thù chung của dân tộc.

 

Suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, dân tộc ít người ở Phú yên đã đương đầu với những thử thách to lớn, vượt mọi gian khổ hy sinh, mặt giáp mặt với kẻ thù, xứng đáng là vách sắt, tường đồng làm chỗ dựa bất khả xâm phạm cho phong trào kháng chiến cả tỉnh.

 

Có thể nào quên những người mang tên tuổi bình thường như: Bá Nam Trung, Ma Noa, Ma Cử, Ma Nộ, Ma Nhân, Ma Nghoe, Sô Ha Zin… xuất thân từ người lao động nghèo khổ đã kề vai sát cánh cùng với đồng bào Kinh, hướng dẫn lãnh đạo quần chúng bảo vệ buôn làng, rừng núi và cuộc sống quê hương mình trở thành những con chim đầu đàn, những tinh thần bất tử của cuộc kháng chiến miền Tây Phú Yên.

 

Núi rừng miền Tây Phú Yên nhớ mãi và thấm sâu vào cỏ cây hoa lá công lao của anh em cán bộ Kinh. Đó là những con người từ quê hương khác nhau, tạm biệt bờ tre, giếng nước sân đình đã lên chung sống cùng công tác, chiến đấu với bà con dân tộc. Những đồng chí đã khuất cũng như những đồng chí đang sống, tinh thần của họ hòa lẫn với những địa danh lừng lẫy chiến công, vang vọng mãi trong lòng sông núi.

 

Theo quyết định của cấp trên, bệnh viện, kho tàng, vũ khí… ở vùng Thồ Lồ và cả miền Tây phải khẩn trương chuyển xuống núi đưa ra hướng Diêu Trì - Quy Nhơn. Theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ thì chỉ trong phạm vi ba mươi ngày kể từ khi bản hiệp định có hiệu lực, Phú Yên phải hoàn thành việc chuyển quân ra vùng tập kết của ta. Thế là đội vũ trang công tác 250 cũng ra đi và không bao giờ trở lại mảnh đất mới Thồ Lồ nữa.

 

Chúng tôi ra đi không khỏi làm cho bà con bâng khuâng lo lắng. Chính quyền cách mạng thôn, xã còn non trẻ với cán bộ địa phương chưa được dày dạn kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh với địch sắp tới, liệu có đứng nổi trước đầu sóng ngọn gió của tình hình mới không? Vấn đề cần đặt ra là tỉnh, Ban cán sự Khu B phải cử người ở lại cùng cán bộ địa phương tiếp tục chỉ đạo phong trào. Bỏ dân làng ra đi lúc này là có tội.

 

Buổi sáng hôm đó, tại buổi liên hoan tiễn biệt có đông đủ cán bộ thôn, xã, già, trẻ, trai gái tụ tập tại nhà rông buôn. Mọi người đều nắm tay, thoa trán, ôm chầm anh em chúng tôi nước mắt chảy vòng quanh. Những giọt nước mắt mừng tủi. Các Bóc-Cờ-Rá vừa dứt lời, đám thanh niên đứng lên nói tiếp:

 

- Lũ bay đi tụi tao nhớ lắm! Lũ bay cứ ở lại đây đã làm sao nào? Bọn tao sẽ nuôi nấng, bảo vệ, giúp đỡ cho! Sống cùng sống mà chết cùng chết! Bọn tao nhất định không đầu hàng chúng nó đâu!

 

- Bóc-Cờ-Rá ngẩng đầu nói:

 

- Bây giờ lũ tao chỉ mong sao Cụ Hồ cho bọn bay ở lại với lũ tao, giúp cho lũ làng đấu tranh chống Mỹ - Diệm.

 

- Chúng tôi cầm tay dân làng ngậm ngùi. Biết nói gì đây dù chỉ là an ủi khích lệ tấm lòng, cái miệng chúng tôi mỉm cười mà con mắt chúng tôi rưng rưng lệ. Tiễn anh em chúng tôi ra khỏi buôn rồi bà con mới chịu quay về.

 

Ngoái đầu lại, ôi đau buồn thương nhớ! Cả vùng Thồ Lồ chìm trong sương mù ảm đạm, chỉ góc trời phía Bắc còn hửng lên những ánh hồng…

 

Khi đội vũ trang 250 chúng tôi ra Quy Nhơn (khu vực tập kết) đồng chí Đức và anh Tuyên tham mưu trưởng Tỉnh Đội mời chín đồng chí còn lại trong đội vũ trang công tác 250 để thăm hỏi đọc quyết định của cấp trên tặng quân hàm cho anh em trong đội công tác đồng thời công bố danh sách cho một số xuống tàu đi tập kết. Riêng tôi được tặng quân hàm Chính trị viên đại đội. Đồng chí Ma Noa được tặng quân hàm Chính trị viên trung đội.

 

Sau đó đồng chí Xứng đại diện Hội đồng tập kết tỉnh trao đổi một số ý kiến với anh Đức, Tỉnh đội trưởng giữ tôi và anh Ma Noa ở lại miền Nam không cho đi tập kết. Lúc này tôi đã hai mươi tám tuổi, suốt chặng đường tuổi trẻ của tôi đều gửi thân cho núi rừng.

 

(Còn nữa)

 

Hồi ký VĂN CÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek