Chủ Nhật, 22/09/2024 00:44 SA
Ký ức Đường 5
Thứ Năm, 17/03/2011 10:00 SA

Tham gia lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh trên 35 năm, thì hơn 10 năm đại tá Trần Văn Mười tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bây giờ ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng hằng năm đến ngày kỷ niệm giải phóng Phú Yên 1/4, trong lòng ông vẫn rộn rã những ký ức về “Chiến thắng Đường 5 lịch sử”...

 

chay-tron110317.jpg

Quân ngụy bắc cầu phao qua sông Ba để chạy xuống đường 5. - Ảnh: tư liệu

Đại tá Trần Văn Mười kể, lúc ấy LLVT ta ít, nhưng được nhân dân che chở bảo vệ, đảm bảo hậu cần nên tạo ra sức mạnh. Trong 6 ngày (từ 8/3 đến 25/3/1975) các trận đánh giữa quân ta và địch trên trục lộ Đường 5 diễn ra vô cùng ác liệt. Hầu như trong những đêm đó không đêm nào ông ngủ được. Ông thức thâu đêm để làm các kế hoạch và phương án tác chiến. Nơi ông làm việc là Sở Chỉ huy Tiền phương của Tỉnh Đội đóng ở núi Hương thuộc huyện Tuy Hòa (cũ). Khi nhận lệnh của Bộ Tư lệnh Liên khu 5 giao cho LLVT Phú Yên cơ động toàn bộ lực lượng sang đường 7B chặn đánh quân địch rút chạy từ Tây Nguyên xuống đường 7B. Nhận được mệnh lệnh quan trọng và nặng nề đó, bản thân ông và các đồng chí trong Sở Chỉ huy Tiền phương tuy có lo lắng, nhưng ai cũng háo hức đợi chờ. Bao nhiêu năm gian khổ, nay là thời khắc chiến thắng bắt đầu điểm. Tất cả anh em từ cấp trên đến cấp dưới đều hồi hộp đợi chờ ngày giải phóng. Hồi đó không biết được lực lượng của địch chính xác là bao nhiêu, mãi đến sau này mới biết là lực lượng của địch gồm Bộ Chỉ huy hành quân nhẹ, lực lượng của Quân đoàn 2; lực lượng của Tiểu khu Gia Lai, Kon Tum và Phú Bổn; Liên đoàn 6 biệt động quân, Liên đoàn 20 công binh, Trung đoàn 40 hậu cứ, 2 trung đoàn xe tăng, 4 tiểu đoàn pháo binh và các đơn vị kỹ thuật, độ khoảng gần 20.000 quân và trên 3.000 xe quân sự các loại. Lúc bấy giờ lực lượng của ta tham gia chặn đánh quân địch từ Tây Nguyên chạy xuống gồm có Tiểu đoàn bộ binh 9, Tiểu đoàn bộ binh 13, Tiểu đoàn 189 hỏa lực, Đại đội đặc công 25, Đại đội 377 và Đại đội 203 của huyện Tuy Hòa. Trong 6 ngày đêm ròng rã, LLVT địa phương của tỉnh đã mưu trí, dũng cảm chặn đánh quân địch từ Tây Nguyên xuống và quân địch từ TX Tuy Hòa đánh lên để mở đường đều bị thương vong lớn. Đến sáng 22/3/1975 quân địch tổ chức cướp hơn 100 chiếc Honda của dân trong vùng rồi cải trang thành dân, dấu vũ khí trong người chạy xuống đường 5, nhằm thoát thân. Nhưng với tinh thần cảnh giác cao độ, ta đã phát hiện được âm mưu của chúng. Sở Chỉ huy Tiền phương lệnh cho các đơn vị trực thuộc chặn đánh tiêu diệt phần lớn quân địch và bắt hàng trăm tù binh.

 

Sáng 24/3/1975, tại Sở Chỉ huy Tiền phương, ông Trần Văn Mười liên tục nhận các báo cáo về tình hình chiến đấu của các đơn vị từ bộ phận thông tin của Sở Chỉ huy Tiền phương. Cùng lúc đó bộ phận kỹ thuật thông tin cho biết: “Đột nhiên phía địch liên lạc với ta trên sóng PRC-25. Chúng đề nghị cho gặp người chỉ huy”. Ông Mười liền cầm máy đàm thoại với chúng:

 

- Alô! Tôi là người chỉ huy của quân giải phóng nghe đây. Các ông muốn gì?

 

Phía bên kia đầu dây đề nghị: Hai bên ngừng bắn để nhân dân đi về thị xã an toàn, vì hiện nay nhân dân bị thiếu nước và lương thực.

 

Ông Mười luôn nêu cao tinh thần cảnh giác và đặt ra câu hỏi tại sao như vậy? Thì ra chúng đàm thoại lâu trên sóng để định vị tọa độ vị trí Sở Chỉ huy của ta. Bằng kinh nghiệm về nghiệp vụ tác chiến, ông Mười ra lệnh cho tổ đài kỹ thuật tiếp tục theo dõi đài địch ở các tần số. Ông cúp máy và đến báo cáo với các anh trong Sở Chỉ huy Tiền phương để xin ý kiến chỉ đạo. Ngay lúc đó Sở Chỉ huy Tiền phương một mặt thông báo cho các đơn vị biết tình hình địch và tổ chức di chuyển Sở Chỉ huy, vì nhận định địch đã phát hiện Sở Chỉ huy Tiền phương của ta. Tại Sở Chỉ huy có cuộc hội ý chớp nhoáng, đồng chí Nguyễn Duy Luân và đồng chí Ông Văn Bưu chỉ thị cho các đơn vị phải nắm chắc tình hình địch và tiếp tục chiến đấu. Ông Mười hạ lệnh cho các bộ phận phục vụ Sở Chỉ huy và một số đơn vị khác khẩn trương triển khai phương án di chuyển để đảm bảo an toàn cho Sở Chỉ huy và sẵn sàng bắn máy bay địch khi có lệnh.

 

Ông Mười vừa thông báo, vừa chỉ huy các bộ phận của Cơ quan Tham mưu khẩn trương di chuyển theo phương án đã xác định. Sở Chỉ huy gồm đồng chí Ông Văn Bưu và đồng chí Nguyễn Duy Luân, cùng một bộ phận phục vụ di chuyển về phía tây nam dưới chân Hòn Hương, còn Cơ quan Tham mưu di chuyển về phía tây bắc dưới chân Hòn Hương, nơi có tầm quan sát bảo đảm chỉ huy các đơn vị tiếp tục chiến đấu. Ngay lập tức quân địch cho máy bay ném bom xăng vào Sở Chỉ huy Tiền phương cũ của ta. Ý đồ của chúng là làm tê liệt Sở Chỉ huy của ta để chúng mở đường máu tháo chạy.

 

Sau khi dội những trận mưa bom xăng, bọn địch hí hửng, tưởng Sở Chỉ huy của ta bị tiêu diệt, chúng cho máy bay hạ thấp để tiếp tục ném bom từ cầu Đồng Bò đến cầu Tổng dọc theo đường 5, thì bị súng phòng không 12 ly 7 của ta bắn rơi 9 chiếc máy bay. Chưa dừng lại ở đó, chúng hối thúc lực lượng bảo an và Tiểu đoàn biệt động, cùng với xe tăng, xe thiết giáp từ Phú Lâm nhanh chóng tấn công lên xã Hòa Bình nhằm hỗ trợ việc mở đường cho lực lượng địch ở Tây Nguyên chạy xuống.

 

Nhờ nêu cao tinh thần cảnh giác và nhận định đúng, chúng ta đã tránh được đợt dội bom của quân địch, bảo toàn được lực lượng, Sở Chỉ huy Tiền phương của ta vẫn tiếp tục lãnh đạo, chỉ huy LLVT tỉnh chiến đấu đánh lui các đợt tấn công của quân địch từ phía TX Tuy Hòa tấn công lên.

 

Lúc 10g sáng 24/3/1975, Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320 thuộc Quân đoàn 3 hiệp đồng với Tiểu đoàn 96 địa phương Phú Yên tổ chức tấn công quận lỵ Củng Sơn và bãi xe ở hai bên  cầu phao Thành Hội, làm cho lực lượng địch giao động tột độ. Trước tình hình quân ta tấn công mãnh liệt, chuẩn tướng Phú ra lệnh phá cầu phao không cho lực lượng ta lợi dụng làm đường cơ động. Lúc này, quân địch bị thương vong nhiều, tinh thần chiến đấu của binh lính tỏ ra hoang mang giao động, chùn bước, tự tháo chạy thục mạng.

 

Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm phụ tá hành quân của Quân đoàn 2 và Tỉnh trưởng Phú Yên Vũ Quốc Gia đứng ngồi không yên, đồng thời trực tiếp chỉ huy lực lượng phản kích từ dưới lên để giành quyền kiểm soát hành lang bảo đảm an toàn cho quân địch tháo chạy về TX Tuy Hòa. Đúng 5g sáng 25/3/1975, quân địch dùng các trận địa pháo ở Hòa Thắng (Tuy Hòa 2), trận địa pháo Phước Nông (Tuy Hòa 1) và trận địa pháo Hòn Kén bắn phá ác liệt vào các khu vực Hòn Hương (Mỹ Thạnh Tây) bọn chúng cũng đã sử dụng lực lượng bộ binh, xe tăng với sự yểm trợ của máy bay tiếp tục tấn công từ phía đông lên, lúc này chiến sự diễn ra ác liệt trên trục lộ đường 5 trong một thời gian dài. Đến 10g quân địch dùng xe tăng, xe thiết giáp mở đường máu hòng tháo chạy. Ngay lập tức Sở Chỉ huy Tiền phương Phú Yên lệnh cho Tiểu đoàn bộ binh 13 cơ động ra mặt đường 5 chặn đánh, tiêu diệt quân địch, bắn cháy nhiều xe tăng, xe thiết giáp, bắt nhiều tù binh và dùng loa kêu gọi địch đầu hàng. Trong lúc này các đơn vị LLVT Phú Yên cũng đồng loạt truy quét tiêu diệt một lực lượng lớn của địch từ Tây Nguyên chạy xuống. Như vậy, trong ngày 25/3/1975 đại bộ phận quân địch từ Tây Nguyên chạy xuống đường 5 đã bị lực lượng bộ đội địa phương tỉnh và lực lượng Quân đoàn 3 tiêu diệt, bắt sống hàng ngàn tù binh. Hàng ngàn xe quân sự các loại và xác chết của quân địch nằm ngổn ngang trên trục lộ đường 5 và trên cánh đồng lúa Tuy Hòa. Trong số tù binh ta bắt được, có đại tá Đồng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Thiết giáp. Trong lần thẩm vấn, đại tá Đồng nói: “Thật tôi không ngờ các ông lại làm được một điều kỳ diệu và tôi đã trở thành tù binh của các ông”.

 

Cuộc chiến đấu ở đường 5 của quân và dân Phú Yên thắng lợi, làm nên “Chiến thắng Đường 5 lịch sử”. Đây là thời cơ vô cùng quan trọng để LLVT tỉnh Phú Yên tiến tới giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975, góp phần đẩy nhanh bước chân thần tốc của quân giải phóng tiến về Sài Gòn làm nên chiến thắng 30/4 bất diệt, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.

 

Qua thắng lợi “Chiến thắng Đường 5 lịch sử”, bản thân ông Trần Văn Mười đã rút được bài học đắt giá về tinh thần cảnh giác và sự nhạy cảm của người chỉ huy. Chiến thắng Đường 5 đã đi vào lịch sử chói lọi của Đảng bộ tỉnh Phú Yên, trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia, là chiến thắng oai hùng của quân và dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

TRỊNH VĂN ĐẠT

(Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek