Chủ Nhật, 22/09/2024 00:29 SA
Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Bát cơm chưa đầy đã lưng
Thứ Tư, 16/03/2011 07:09 SA

“Kết thúc cuộc kháng chiến đánh Pháp mở đầu cuộc kháng chiến đánh đế quốc Mỹ”

 

Ngày 15/1/1954, Ban chỉ huy Tỉnh đội Phú Yên và Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị cho Ban cán sự Khu B và đội vũ trang công tác 250 với nội dung như sau:

 

“Địch đang mở cuộc tấn công chiến lược, nhằm đánh chiếm các tỉnh duyên hải miền Nam Trung Bộ. Phú Yên là trọng điểm đánh phá của chúng. Ban cán sự Khu B và đội vũ trang công tác 250 phải khẩn trương chuẩn bị xoi đường từ Thồ Lồ xuống cơ quan tỉnh và từ Thồ Lồ ra đầu mối tỉnh Bình Định, Gia Lai, giữ vững đường liên lạc giữa tỉnh với khu. Chuẩn bị dân công làm láng trại, đào hầm, xây cất trạm xá, kho tàng, vận chuyển lương thực, muối... phát động phong trào du kích chiến tranh, bố phòng canh gác, bảo mật vùng cơ quan, bệnh xá và bộ đội đứng chân...”

 

Trước kia vùng này chẳng có ai lui tới thế mà bây giờ bừng lên một khí thế thách thức với kẻ thù.

Chiều ngày 17/11/1954, đã có một vài cơ quan, đơn vị của tỉnh di chuyển lên Phú Giang, Suối Cát. Hàng trăm nhân công gùi gánh, người ngựa khiêng gánh thương binh, lương thực, thực phẩm, vũ khí... dời lên Suối Cát ra vào lên xuống ngày đêm tấp nập.

 

Ngày 20/1/1954, địch sử dụng thủy lực không quân ồ ạt tấn công vào Phú Yên. Từ một tỉnh tự do trở thành tiền tuyến.

 

Lực lượng địch tham gia trực tiếp vào cuộc tấn công này gồm 22 tiểu đoàn của bốn binh đoàn cơ động. Để chi viện cho bộ binh, địch sử dụng hàng chục máy bay ném bom và nhiều trọng pháo từ tàu chiến bắn hàng ngàn quả đạn lên thị xã Tuy Hòa, dọc đường số 1 yểm trợ cho bộ binh, đổ bộ lên đất liền. Chúng nhảy dù xuống sân bay và phường 7 thị xã. Ở hướng tây, chúng sử dụng hai binh đoàn kéo xuống án ngự tại Củng Sơn.

 

Không một nơi nào địch không đạp chân tới, chỉ trừ một vài vùng ở Phú Mỡ – Thồ Lồ chúng không thể hành quân bộ lên được nhưng chúng lại sử dụng phi pháo.

 

Nhân dân miền Tây cùng với nhân dân toàn tỉnh đứng lên cầm vũ khí tiêu diệt địch, phục vụ chiến trường, chăm sóc nuôi dưỡng thương bệnh binh một cách tận tình. Xưa kia có bao giờ đồng bào miền Tây họ muốn xa suối nước, xa bếp lửa, xa vợ con buôn làng đến một hai ngày! Còn bây giờ có khi phải đi dân công đến cả tuần lễ vẫn vui vẻ như thường và đã trở thành thói quen.

 

- Nhiều người dân tâm sự “Từ thuở cha sinh mẹ đẻ có bao giờ biết mặt mũi thằng Tây! Có bao giờ nghe tiếng súng tiếng đạn, đến bây giờ thấy tận mắt. Trước đây hơn một năm, lũ bay lên đây tuyên truyền giải thích, bọn tao còn nghi ngờ cho bọn bay nói láo, qua tình hình thực tế bọn tao mới thực sự tin lũ bay, cán bộ Cụ Hồ nói và làm đúng với cái bụng bọn tao quá”.

 

- Có nhiều người tâm sự tiếp: “Nhờ có Cụ Hồ mà bọn tao biết ai là bạn, ai là thù, ai là ta, ai là địch. Dù cây lá Thồ Lồ có hết thì dân Thồ Lồ – Phú Mỡ cũng quyết phải đánh đuổi thằng Tây, quét cho sạch bọn việt gian bán nước”.

 

Chiến tranh ngày càng lan rộng khắp toàn tỉnh, mấy già làng gặp anh em chúng tôi ngồi tâm sự:

“Lũ này tuổi cao sức yếu, việc đánh giặc giữ làng lũ này không cáng đáng nổi đâu. Thôi thì lũ bay cứ dành mọi việc cho bọn thanh niên làm, cho phép lũ tao nghỉ làm buôn, làm xã thôi kẻo tội thân lũ tao”.

 

Nhìn các Bóc-Cờ-Rá, mái tóc bạc rồi, ánh mắt mờ đục như có ngấm lệ, chúng tôi thấy lòng mình rưng rưng, quả thật đó là những lời thốt ra từ đáy lòng.

 

Chúng tôi an ủi, khích lệ chủ làng, các Bóc-Cờ-Rá còn có lòng, còn có sức xin cứ đóng góp hết mình cho công việc chung, cho công cuộc kháng chiến. Dân làng và anh em chúng tôi quý các bác lắm.

 

Điều thú nhận này khiến anh em chúng tôi phải suy nghĩ. Chẳng cứ gì ở miền núi mà ở miền xuôi cũng vậy, có những nguyên tắc những quy luật không ai tránh được, trong đội ngũ chúng ta, những người tự xét thấy mình tuổi cao, sức yếu, trình độ năng lực yếu kém không thể đảm đương nổi những công việc nặng nề nữa thì tốt nhất là nên “rút” khỏi vũ đài. Chọn một chỗ đứng thích hợp với khả năng còn lại của mình có lợi cho cá nhân và tập thể, nhường chỗ cho lớp trẻ, hơn là cứ bám lấy khăng khăng cái chức quyền để đến nỗi công việc bê trễ, hỏng nát. Dân đã không được lòng rồi mình lại cứ chuốc thêm cái nhục! Ăn năng thì sự đã rồi. Lúc bấy giờ thì dẫu có xách gói ra đi, tiếng thơm đã hẵng còn, lòng người oán giận, tốt hơn cả nên chủ động ra đi trong lúc lòng dân, tình bạn vẫn còn thương mến! Nhường bước tạo điều kiện cho lớp trẻ đó chính là trách nhiệm và tình cách mạng trong sáng cao đẹp nhất.

 

- Chủ làng đã nói ra điều cần phải nói, đúng lúc nói. Tuy nhiên chẳng phải chuyện ngẫu nhiên mà họ lại tự rút khỏi vũ đài chính trị một cách dễ dàng như vậy. Nếu không có sự lớn mạnh của phong trào cách mạng quần chúng, nếu lực lượng cán bộ nòng cốt của địa phương vẫn còn non yếu chưa đủ sức gánh vác công việc, nếu không có sự tuyên truyền giáo dục của cách mạng góp phần tạo nên một sức chuyển lớn thì dễ gì mấy ông chủ làng nhận ra được sự bất lực của họ trong giai đoạn lịch sử mới mẻ này.

 

Nhìn lại bản thân mình, bản thân đội 250 không khỏi ngạc nhiên, thú vị về sự đổi thay cách sống của mình. Anh nào nói tiếng dân tộc cũng thành thạo, hiểu tường tận chân tơ kẽ tóc, các phong tục tập quán, cổ họng đã quá quen phát âm tiếng dân tộc, cái lưỡi cũng quen khẩu vị của miền núi đến nỗi lâu ngày cũng không thấy thèm đường, thèm mắm, thèm cá biển như trước nữa. Anh em đã Thồ Lồ hóa và sự thật đã trở thành người Thồ Lồ.

 

Tấm lòng của đồng bào miền Tây, đồng bào Phú Mỡ - Thồ Lồ quả là tấm lòng vàng, suốt ngày đêm bà con chung sức, chung lòng phục vụ bộ đội, thương bệnh binh. Chị em phụ nữ hái rau, lo cơm nước. Thanh niên lo bố phòng canh gác, liên lạc, dẫn bộ đội, dân công... Các cụ già lo đốc thúc con cháu, dân làng hái rau, gùi bí vừa đan rổ rá, vừa vót đũa cung cấp cho bệnh viện. Tình cảm quân dân, tình cảm Kinh Thượng tỏa sáng cả giường bệnh. Vết thương của các chiến sĩ cũng dịu dần.

 

Chiến sĩ Phú Yên, quân dân ta giáng cho địch những đòn chí tử. Dồn chúng vào đường hầm không lối thoát, như trận giao thông chiến trên đoạn đường La Hai – Phong Niên, trận Đồng Tròn, trận Quán Cau, đặc biệt là trận tiêu diệt và bắt sống gọn tiểu đoàn địch “Ngự lâm quân” tại Suối Cối ngày 23/3/1954 do đơn vị tiểu đoàn chủ lực 365 của Liên khu 5 thực hiện, lực lượng địch bị co cụm, xé lẻ cố thủ. Tiếp đến ngày 7/5/1954, cứ điểm Điện Biên Phủ của địch bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn, làm chấn động cả thế giới. Một dân tộc nhỏ yếu đã quật ngã bọn đế quốc già đời, làm cho tên đế quốc ngã lăn; rõ mặt thằng khổng lồ chân đất sét.

 

Tranh thủ thời gian thuận lợi ấy, ngày 1/6/1954 các lực lượng bộ đội quân khu thanh toán nốt hệ thống đồn bót của địch đóng dọc giáp ranh hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk: (Đồn Tuy Bình, buôn Hai Riêng, Cà Lúi, Bà Lá, Ma Phu, Chánh Nông, Ai Nu), bọn địch ở quận lỵ Củng Sơn rối loạn bỏ cứ điểm tháo chạy, toàn bộ miền Tây Sơn Hòa không còn bóng giặc.

 

 (Còn nữa)

Hồi ký VĂN CÔNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek