Chủ Nhật, 22/09/2024 00:47 SA
Sơn Hà tự hào quá khứ, hướng đến tương lai
Thứ Hai, 14/03/2011 10:00 SA

Trải qua những năm dài kháng chiến, cán bộ và nhân dân xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) vẫn hiên ngang đương đầu với mọi ác liệt, hy sinh chịu đựng những khó khăn, thử thách. Trước sau như một, nhân dân Sơn Hà vẫn một lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, sẵn sàng xả thân vì nước, dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu, hăng hái, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất.

 

Trong số các chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Trà Kê, có ông Đặng Sĩ Đối, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Lợi dụng thời cơ, ông Đối vượt ngục về ở tại nhà ông Cao Mực (thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà), xây dựng cơ sở cách mạng và liên lạc với Mặt trận Việt Minh. Ông Trần Văn Sơ (tức Sửu), đại diện Mặt trận Việt Minh tỉnh, đến Thạnh Hội để gặp và làm việc với ông Đặng Sĩ Đối, thống nhất một số biện pháp và chương trình hành động của tổ chức Việt Minh huyện, trong đó lấy Sơn Hà làm nòng cốt để xây dựng cơ sở và phát triển lực lượng. Chủ trương cứu nước của Việt Minh là: “Liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân, đoàn thể cách mạng, các dân tộc bị áp bức; chiến đấu đánh đổ chế độ đế quốc phát xít Nhật, giành quyền độc lập cho nước Việt Nam”. Chương trình của Mặt trận Việt Minh huyện đã phản ánh được nguyện vọng và quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân nên nhanh chóng được toàn dân nhiệt liệt hoan nghênh và hưởng ứng mạnh mẽ. Trên mảnh đất của những con người cần cù, dũng cảm, giàu tình thương, trọng nhân nghĩa ấy, đội ngũ đảng viên đã phát triển nhanh chóng. Từ những người thanh niên đầy nhiệt huyết đi theo Đảng trong Cách mạng Tháng Tám đã trở thành những đảng viên tiêu biểu như: Lương Công Huề (Bí thư đầu tiên của chi bộ Sơn Hà tháng 4/1947), Thái Luyến, Nguyễn Hữu Tấn, Phạm Văn Tùng, Tô Văn Cao, Y Bá Nào… đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng từ khi còn trứng nước đến ngày giành thắng lợi.

 

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) đến những ngày quân Mỹ và chư hầu đổ bộ vào miền Nam xâm lược nước ta, càn quét xóm làng xác xơ, dồn hàng trăm người dân vào khu tập trung, ấp chiến lược, Sơn Hà chịu biết bao cảnh lầm than. Chiến dịch “Tố cộng, diệt cộng” của Mỹ-Diệm đã làm cho hàng trăm gia đình ở Sơn Hà phải chịu nhiều nỗi thống khổ. Tuy nhiên, mọi người vẫn hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu, tin tưởng vào sự thắng lợi ở ngày mai. Khi Mỹ - Diệm phát động cuộc chiến tranh đặc biệt, dồn dân lập ấp chiến lược, quân và dân Sơn Hà ngoan cường nổi dậy phá ấp chiến lược (1963), nhân dân trở về làng cũ và tiến tới giải phóng Sơn Hà (1965).

 

Ngày 10/3/1975, trận tấn công của quân ta vào Buôn Ma Thuột đã giành thắng lợi vang dội, buộc địch phải rút bỏ Tây Nguyên, tháo chạy theo đường 7 về đồng bằng Tuy Hòa. Cùng với toàn miền và cả tỉnh, quân và dân Sơn Hà chuẩn bị trận chiến đấu mới. Tình hình thật sôi động, lúc 18g ngày 16/3/1975, quân ngụy từ Tây Nguyên theo đường số 7 (quốc lộ 25) di tản xuống Củng Sơn (Sơn Hòa),  bị ta chặn đánh phong tỏa đường số 7. Bọn chúng quyết định tháo chạy vượt sông Ba, đoạn Thạnh Hội (Sơn Hà) qua đường số 5 xuống đồng bằng Tuy Hòa 1. 4g sáng ngày 19/3/1975, Tiểu đoàn 13 và bộ phận hỏa lực Tiểu đoàn 189 chặn đánh địch ở đường 5 đã thu thắng lợi lớn, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên ngày 1/4/1975.

 

Sau thắng lợi mùa xuân 1975 lịch sử, quân và dân xã Sơn Hà đã ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh để cùng nhân dân trong tỉnh, tiến lên xây dựng quê hương đất nước. Suốt 30 năm chiến đấu, quân và dân địa phương đã vượt qua muôn vàn gian khổ và hy sinh đã lập nên nhiều chiến tích anh hùng qua các giai đoạn lịch sử. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Sơn Hà có 89 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh và có 3 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhân dân Sơn Hà không bao giờ quên những đồng chí, đồng bào đã ngã xuống vì sự nghiệp sống còn của quê hương, đất nước viết tiếp những trang sử chói lọi của ông cha để lại. Cuộc chiến đấu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Sơn Hà đã góp phần cùng với cả nước tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù.

 

Trải qua 36 năm (1975-2011), Đảng bộ xã Sơn Hà đã vận dụng tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế. Trong nông nghiệp, địa phương đã xác định hai loại cây, con chủ lực là cây mía và chăn nuôi bò lai, chuyển phần lớn diện tích lúa thổ năng suất thấp sang trồng cây mía.

 

Hiện toàn xã có trên 1.500ha mía, hàng năm cung cấp cho các nhà máy đường xấp xỉ 93.000 tấn mía nguyên liệu. Ngoài ra, Sơn Hà còn phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày với gần 300ha, trong đó cây thuốc lá gần 200ha. Địa phương có công trình, hệ thống thủy lợi bơm điện Gành Ông Dư phục vụ tưới tiêu cho 267ha lúa nước, năng suất bình quân 60tạ/ha; tổng đàn bò hiện có 1.600 con, trong đó bò lai 1.020 con. Thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần trong nông nghiệp nông thôn, Sơn Hà đã tạo ra sức sản xuất mạnh mẽ, cơ bản thoát dần nền kinh tế tự cung tự cấp, nông thổ sản trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đời sống người lao động từng bước được cải thiện.

 

Sông Ba và sông Con chảy qua Sơn Hà là nguồn nước tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp, là nguồn cung cấp phù sa hàng năm làm cho đất đai ở đây thêm màu mỡ. Về tài nguyên, Sơn Hà có một khối lượng đáng kể về vật liệu xây dựng và một số khoáng sản quý như đất sản xuất gạch, ngói, đá tảng xếp thành bãi rộng vài chục ha nằm trong lòng đất. Đây là nguồn vật liệu hàng năm được khai thác, sản xuất cung ứng xây dựng cho các công trình giao thông, thủy lợi, nhà ở… trên địa bàn huyện và các nơi khác. Những yếu tố trên là cơ sở vật chất tác động đến nhân dân xã Sơn Hà, là điều kiện tạo ra một nguồn kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp toàn diện, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương và trao đổi với các nơi.

 

Ai đã từng công tác và chiến đấu nơi đây, nay có dịp trở lại sẽ thấy Sơn Hà đã thật sự thay da đổi thịt. Nhiều cơ sở hạ tầng được xây dựng phục vụ cho sản xuất, dịch vụ thương mại phát triển khá, các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đa dạng, diện mạo nông thôn từng bước được khởi sắc, để làm tiền đề xây dựng nông thôn mới. Mỗi người dân Phú Yên, trong đó có Sơn Hà tự hào về quá khứ với những chiến công hiển hách mà cha ông đã lập nên. Nhân dân Sơn Hà sẽ đoàn kết, quyết tâm cao hơn nữa cùng tạo đà đi lên để xây dựng một vùng đất nằm bên dòng sông Ba được Phú và Yên.

 

TRẦN LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek