Chủ Nhật, 22/09/2024 01:02 SA
Truyền thống chống ngoại xâm của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Phú Yên trước năm 1945 (Tiếp theo và hết)
Thứ Ba, 15/03/2011 08:30 SA

Ngày 23/8/1945, Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban Việt Minh tỉnh nhận được lệnh khởi nghĩa, cả Phú Yên đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Đêm 23/8 ở Sông Cầu, đêm 24/8 ở Đồng Xuân, ngày 25/8 ở Tuy An, ngày 26/8 ở Sơn Hòa, 25/8 ở Tuy Hòa.

 

Chỉ trong mấy ngày mà tỉnh Phú Yên cùng cả nước đã giành được chính quyền về tay nhân dân. Đúng như nhận xét của đồng chí Trường Chinh: “Ở Phú Yên, Tỉnh ủy lâm thời đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình. Ở miền Tây, khi nghe lệnh tổng khởi nghĩa, chẳng ai nhắc ai, từ già đến trẻ, nam đến nữ, tổ chức kéo xuống thị trấn La Hai, Phước Lãnh, Củng Sơn và mấy xã Kinh gần đồng bào dân tộc để míttinh, biểu tình.

 

Cách mạng chưa kịp đưa cán bộ lên ngay, cán bộ địa phương cũng chưa có, chỉ nghe thấy uy thế của cách mạng mà bộ máy phản động của địa phương tự nhiên rơi rụng, tan rã. Cách mạng chưa kịp cử cán bộ lên, chính quyền đoàn thể chưa có người phụ trách, dân làng tạm thời chọn một số già làng có uy tín đảm nhận công việc chờ tỉnh, huyện bổ sung cán bộ sau. Dân làng họ tự quản lý lấy cuộc sống và các mặt trật tự an ninh trong buôn làng. Tuy vậy, một thời gian cuộc sống và sinh hoạt rất có trật tự và nề nếp. Trên, dưới một lòng, mối quan hệ giữa chủ làng với quần chúng lao động không còn tình trạng ngăn cách. Hồi đó chính quyền đã về tay nhân dân nhưng từ xã đến buôn, làng chưa có một lá cờ, một tấm ảnh Bác Hồ mà đồng bào Thượng từng mong ước. Đến đầu năm 1946, tỉnh mới gởi lên mỗi xã vài ba lá cờ, vài ba tấm ảnh. Khi cờ với ảnh về tới buôn làng, buôn làng đốt lửa, nổi chiêng, trống đón cờ, đón Bác. Nhiều người vui mừng phát biểu: “Đang nắng hạn mong gặp mưa, nay có Bác Hồ, có cách mạng đuổi Tây, đuổi Nhật đem lại độc lập tự do cho đất nước; lo miếng cơm manh áo cho mọi người, Kinh, Thượng đoàn kết gần gũi thương yêu lẫn nhau, có sung sướng hạnh phúc nào hơn nữa? Vậy là trúng cái bụng lũ làng mong ước lâu nay, lũ làng tuyệt đối tin cách mạng, tin Đảng, tin Bác Hồ, lũ làng hứa với Bác, với cách mạng là theo cách mạng đến cùng”.

 

Những cảm xúc và ý nghĩ chân thật của bà con dân tộc ít người thốt ra từ đáy lòng, thể hiện rõ ý Đảng lòng dân.

 

Từ ngày cách mạng về với dân đến nay Đảng, Bác Hồ đã vạch ra đường lối, chính sách cụ thể đúng đắn đối với các dân tộc thiểu số tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số hồi sinh và phát triển để từng bước tiến kịp đồng bào đa số.

 

Chính sách dân tộc của Đảng ta là chính sách đại đoàn kết dân tộc, tập hợp mọi lực lượng quyết đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, dành độc lập tự do thống nhất Tổ quốc, cải thiện đời sống nhân dân, cùng nhau tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các dân tộc đều trong đại gia đình cách mạng Việt Nam, đều bình đẳng như nhau. Đảng coi nhân dân lao động các dân tộc là một bộ phận quan trọng của lực lượng cách mạng. Hào khí dân tộc bắt nguồn từ đó mà trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Đồng bào các dân tộc ít người cùng với người Kinh bước vào cuộc chiến đấu mới.

 

CAO XUÂN THIÊM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek