Chủ Nhật, 22/09/2024 00:52 SA
Truyền thống chống ngoại xâm của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Phú Yên trước năm 1945 (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 13/03/2011 10:00 SA

Mười lăm năm sau, tháng 8/1914 núi rừng miền Tây lại chuyển động. Cuộc khởi nghĩa của thủ lĩnh Ma-trang-lơng ở vùng nam Tây Nguyên đã giết chết tên đồn trưởng người Pháp là Hen-ri-met-tre. Phong trào lan rộng khắp Tây Nguyên, vang dội cả nước. Cuộc khởi nghĩa có sức lay động đến miền Tây Phú Yên. Khí hùng thiêng của núi rừng lại bừng bừng ngút dậy.

 

Điều làm cho giặc Pháp hoảng hốt, kinh hoàng hơn cả là Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra đời. Tháng 10/1930, tại thôn Đồng Bé, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Phú Yên xuất hiện. Vùng đất cát sỏi này, hơn 40 năm trước, dưới ngọn cờ yêu nước của phong trào Văn Thân, phong trào chống sưu thuế, các sĩ phu trong ngoài tỉnh thường lui tới tụ nghĩa, phát động quần chúng kết tội bè lũ vua quan phong kiến thối nát với bọn thực dân độc ác. Đảng Cộng sản ra đời khác nào tiếng sét dội vào tai kẻ thù. Chúng sợ ảnh hưởng của cách mạng từ ngoài tràn vào, từ đồng bằng cuộn lên miền núi thì ngày tận số ắt sẽ đến với bọn chúng. Chúng ra sức củng cố đồn bốt dọc giáp ranh 4 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên. Đồn Ma-đơ-rắk kiểm soát xã Ea Bia, Ea Bá, Ea Trol (nam Sông Ba). Đồn Tân An kiểm soát xã Suối Trai, Suối Bạc, Đồng Cam, Cà Lúi, Bầu Bèng và một số xã Kinh huyện Sơn Hòa. Đồn Phú Cần kiểm soát xã Krông Pa (Phú Yên) và huyện Cheo Reo (Đắk Lắk). Đồn La Hai kiểm soát xã Đá Mài, Phú Mỡ. Đồn Văn Canh kiểm soát xã Thồ Lồ và các xã dân tộc của Bình Định giáp giới Phú Yên. Địch kiểm soát chặt các trục đường từ đồng bằng lên miền núi, từ miền Tây Phú Yên lên các tỉnh bạn Tây Nguyên. Chúng không cho đồng bào Kinh và đồng bào Thượng quan hệ giao dịch qua lại. Chúng xây dựng “căng” An Trí, Trà Kê (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) để giam cầm cố những chiến sĩ cách mạng, hòng dập tắt ngọn lửa đấu tranh của quần chúng ngay từ đồng bằng, không cho lan tràn lên miền núi. Vậy nhưng làm sao địch có thể ngăn chặn. Tháng 6/1937, một cuộc vận động lớn nổ ra ở khắp miền Tây và một số xã Kinh huyện Sơn Hòa, do ông Bá Thanh Bơ, người dân tộc Ba Na ở buôn Hòn Ông, xã Suối Bạc dẫn đầu. Ông cùng với 300 người khác, đại diện cho bà con người Thượng, người Kinh, kéo xuống đồn Tân An biểu tình, đưa đơn chống làm xâu, chống nạp thuế, đòi giảm tô, đòi cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc. Tên đồn trưởng phải nhượng bộ: giảm bớt số ngày đi làm xâu, cấp thuốc men cho người đi làm đường trong lúc bị ốm đau. Để phối hợp đấu tranh với bà con các dân tộc, phía huyện Sơn Hòa, nhân dân các xã Kinh: Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân đứng lên tố tụng bọn cường hào, hương lý hà hiếp, đục khoét tài sản nhân dân. Tên Tuần Vũ Phú Yên buộc phải bắt chánh tổng Trung Trinh ở tù, để xoa dịu lòng căm phẫn của quần chúng. Tiếp theo đó, các anh Nguyễn Hữu Nhọn, Nguyễn Đình Tiến, Bùi Cương – vốn là thầy giáo vùng Sơn Long, Sơn Xuân đã lãnh đạo thanh niên đấu tranh, đòi mở rộng phong trào học chữ quốc ngữ, mở mang dân trí.

 

Cuối năm 1937, lại nổ ra phong trào chống làm xâu, đòi giảm thuế đinh, do cụ Săm-bơ-răm, dân làng thường gọi là “Cụ Hội Chàm” – người dân tộc Chăm-hơroi đứng ra lãnh đạo (1).

 

Để hợp pháp hóa cuộc đấu tranh, ông lợi dung phong tục tập quán và sự mê tín của nhân dân đối với “giàng” mà “tổ chức làm lễ hành hương và rải nước phép”, thiết lập đàn “cúng giàng”. “Giàng” tức là trời, là thần núi, thần sông... Lễ cúng giàng và các thần phải nghiêm trang, chu đáo, thể hiện tấm lòng thành của người trần tục. Có như vậy mới động đến “hồn” các thần. Do đó, các “thần” mới cho một thứ nước vừa trong vừa mát từ trong lòng đất, lòng sông, núi chảy rịn ra. Đó là một thứ nước tinh khiết, màu nhiệm. Bất cứ ai biết tôn kính, tin tưởng “các thần”, “các thần” sẽ cho “nước phép” hễ rẩy vào da vài giọt thì quỷ cũng tha ma cũng từ, rắn rít, cọp beo cũng phải tránh. Thế nhưng đối với những kẻ thường hay khích bác, thiếu thật lòng thì dù uống hết cả thùng, bệnh tình chẳng những không khỏi mà còn tái phát, trầm trọng thêm. Thứ “nước phép” này ở đâu chẳng có! Ông ra suối múc về dự trữ, để khi ai đến xin thì ông làm lễ rẩy nước phép cho họ – Theo ông kể lại.

 

Người này chuyền đến tai người khác, buôn này chuyền đến buôn kia, thậm chí bọn cai, lính đồn Tân An, đồn Phú Cần, quận Sơn Hòa, La Hai, Ma-đơ-rắk Cheo Reo cũng vượt núi băng rừng, đi theo quần chúng, lần lượt đến tận nhà ông, xin được rẩy “nước phép”. Hằng ngày, hết đoàn này đến đoàn khác lũ lượt ra vào, lên xuống tấp nập.

 

Sau vài tháng, ông thấy – nếu cứ lập đàn làm lễ tại nhà, người lui tới quá đông đảo, nói năng tiếp xúc dễ sơ hở, vô tình sẽ làm cho bọn quan đồn nghi ngờ, viện cớ đổ tội cho ông là: “Tổ chức quần tam tụ ngũ chống lại Đại Pháp” thì phức tạp thêm. Ông đành đi “hành hương” các vùng khác. Ông cỡi con ngựa bạch, ung dung rảo khắp đó đây – Khi lên các vùng đông Tây Nguyên, đi ra các vùng miền tây Bình Định, ai cần mời ông là ông tới. Những nơi ông “hành hương” đến, đều râm ran nổi dậy phong trào chống làm xâu, chống thuế. Đó là những nơi như Lâm Đồng, Buôn Hồ, Cheo Reo, An Khê, Vân Canh, tây Quảng Nam, tây Quảng Ngãi...

 

Cuối năm 1938, bọn đồn Tân An và tên huyện trưởng Sơn Hòa nghi vấn, lo ngại ông đã chịu ảnh hưởng của số anh em tù chính trị ở “căng” An Trí, Trà Kê, nên chúng viện cớ bắt ông. Chúng giải ông lên giam tại nhà lao Buôn Ma Thuột, rồi đày ông ra nhà lao Thanh Hóa (2).

 

(Còn nữa)

 

-------------------------------

 

(1) Năm 1947, anh em cán bộ công tác miền núi thường lên xuống, ăn ở trong nhà ông Hội Chàm, được cả gia đình ông giúp đỡ. Nhân dịp hỏi ông về mục đích và nội dung cuộc đấu tranh do ông phát động hồi xưa, chống bọn đồn Tây ở Tân An. Ông vui vẻ kể lại: Lúc ấy ông đã ngoài 75 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh khỏe, trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Ông kể bằng tiếng kinh rất rành rọt. Ông Hội Chàm sinh trưởng trong một gia đình khá giả, am hiểu nhiều thứ tiếng các dân tộc anh em, thông thạo phong tục tập quán. Ông có kiến thức, thân thế và uy tín lớn trong vùng từ lúc còn tuổi thanh niên. Bọn lý hương các địa phương hết sức kính nể. Ngay tên quận huyện Sơn Hòa và tên đồn trưởng đồn Tây An cũng ra sức tranh thủ, mua chuộc, tỏ thái độ mềm dẻo đối với ông. Bọn chúng thừa biết quần chúng tin ông hơn là tin chúng.

(2) Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, ông được thả về quê. Năm ấy ông 75 tuổi. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Tỉnh ủy Phú Yên mời ông tham gia Mặt trận Liên Việt tỉnh và Mặt trận Liên Việt huyện Đồng Xuân. Cuối năm 1949, giặc Pháp từ Cheo Reo xuống lấn chiếm xã Bầu Bèng (xã Phước Tân), quê hương ông bị địch đánh phá, uy hiếp. Gia đình ông tản cư ra buôn Suối Rẽ, Cây Trôi, dưới chân núi Hòn Ông (xã Đá Mài). Đó là nơi mà năm 1890, nhà yêu nước Bá Sự đã dựa vào, xây dựng căn cứ địa chống Pháp. Ông tạm sống ở đó một thời gian rồi từ trần. Dân làng thương tiếc, đưa thi hài ông về buôn Suối Ché – nơi chôn nhau cắt rốn của bộ tộc Chăm-hơroi.

 

CAO XUÂN THIÊM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek