Chủ Nhật, 22/09/2024 03:20 SA
Cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900 ở Phú Yên (Tiếp theo và hết)
Thứ Sáu, 04/03/2011 07:30 SA

V. Nhận xét về cuộc khởi nghĩa Võ Trứ

 

Khởi nghĩa Võ Trứ bùng nổ năm 1900 ở Phú Yên phản ánh phong trào giải phóng dân tộc những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở nước ta chuyển sang hình thức đấu tranh mang màu sắc tôn giáo.

 

Ngọn cờ Phật giáo được Võ Trứ dựng lên để tập hợp nhân dân phù hợp với điều kiện lúc bấy giờ, khi mà hệ tư tưởng Nho giáo đã bất lực không giải quyết những yêu cầu lịch sử đặt ra về việc chống ngoại xâm bảo vệ đất nước, trong khi những tư tưởng dân chủ tư sản chưa thấm sâu, lan tỏa vào nước ta. Trong hoàn cảnh ấy, tư tưởng Phật giáo đã quy tụ các tầng lớp nhân dân, từ sư sãi, thân hào, nhân sĩ đến cả lý hương tham gia, ủng hộ nghĩa quân tiến hành cuộc kháng Pháp. Hoạt động chữa bệnh cứu người của thầy chùa Đá Bạc, của Võ Trứ phản ánh tính chất cứu thế, nhập đời cao cả của đạo Phật. Đặc biệt khi Võ Trứ xướng lên ngọn cờ chống Pháp, thu hút đông đảo sư sãi tham gia càng thể hiện truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của Phật giáo Việt Nam có từ thời Lý  - Trần được phát huy cao độ mỗi khi đất nước đứng trước hiểm họa xâm lăng. Nét đặc sắc của cuộc khởi nghĩa Võ Trứ là “Ông đã cố gắng tìm ra con đường đấu tranh mới trong hoàn cảnh đen tối của đất nước, thực dân Pháp đã đặt xong nền cai trị ở nước ta, phong trào Cần Vương đã thất bại hoàn toàn”(1)

 

Mục tiêu của cuộc khởi nghĩa là chống Pháp, “lật đổ vương triều hiện hành bằng một vương triều Phật giáo do Võ Trứ lãnh đạo”(2). Mục tiêu này được Võ Trứ theo đuổi trong suốt quá trình chuẩn bị lực lượng cho đến khi khởi nghĩa bùng nổ. Vương triều mà Võ Trứ muốn lập nên không chỉ bó hẹp khu vực miền núi 2 tỉnh Bình Định - Phú Yên (trong ý thức của đồng bào nơi đây coi Võ Trứ như vị vua của mình), mà mở rộng ảnh hưởng ra các tỉnh Nam Trung kỳ, như nhận định của Công sứ Pháp: “Phú Yên chỉ là chỗ dựa, là sào huyệt, từ đó tung ra những đoàn phiến loạn như vụ Sông Cầu, điều ấy phải dè chừng Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi dường như đã lên tiếng”(3).

 

Ngoài Phật giáo là tư tưởng cơ bản của cuộc khởi nghĩa, Võ Trứ còn chủ trương “tứ giáo đồng quy”, kết hợp các đạo Nho, Lão, Phật, Thiên Chúa về chung cội nguồn để tập hợp nhiều thành phần, nhiều lực lượng trong xã hội vào mặt trận cứu nước. Việc sử dụng các yếu tố mê tín, bùa chú, gieo quẻ, nương sao, giải hạn… hay sự có mặt của người theo đạo Thiên Chúa trong nghĩa quân thể hiện sự dung hòa, đoàn kết tôn giáo - một nét đặc sắc của cuộc khởi nghĩa do Võ Trứ lãnh đạo. Các yếu tố tôn giáo được Võ Trứ vận dụng sáng tạo, hợp lý cho từng vùng miền, phù hợp với trình độ, thị hiếu của các tầng lớp nhân dân. Ở vùng đồng bằng, ông thiên về sử dụng các học thuyết Phật, Nho, Thiên Chúa đã ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống nhân dân, còn ở vùng núi người dân có trình độ thấp, sẵn lòng tin theo sự mê tín thì ông chủ yếu dùng những phương thuật của Lão giáo lôi cuốn họ. Tuy nhiên phương pháp gieo niềm tin tôn giáo với sức mạnh thần bí bằng đạo bùa chú (bùa Võ Trứ) không phải là cơ sở vững chắc cho sự tồn tại của một phong trào yêu nước. Một khi những đạo bùa này không còn linh nghiệm sẽ kéo theo niềm tin bị đổ vỡ. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên sự hoảng loạn trong nghĩa quân khi các lá bùa không ngăn được súng đạn của kẻ thù tại cuộc tấn công vào tỉnh lỵ Sông Cầu đêm 15/5/1900, kéo theo sự thất bại của cuộc khởi nghĩa.

 

Cuộc khởi nghĩa Võ Trứ mặc dù thất bại, nhưng biểu hiện tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Phú Yên không khuất phục trước kẻ thù. Cuộc khởi nghĩa này tiếp nối truyền thống đấu tranh của phong trào Cần Vương trước đó. Nó như ngọn lửa âm ỉ cháy do các nghĩa quân Cần Vương nuôi dưỡng, đến khi có thời cơ, có người tổ chức khêu gợi thì bùng lên dữ dội thiêu cháy bọn cướp nước và tay sai. Nguyễn Khỏe khi bị giặc bắt đã nêu cao tinh thần bất khuất, bác bỏ mọi thủ đoạn mua chuộc, dõng dạt tuyên bố: “Trước đây ta là tướng cho Bá Sự nay ta làm tướng cho Võ Trứ không may bị bắt. Ta biết đầu ta sắp rụng, nhưng ta không chút bận tâm, chết cho tự do còn hơn sống để làm tôi tớ cho các người”(4).

 

Điểm nổi bật của cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900 ở Phú Yên là sự đoàn kết  Kinh - Thượng, lương - giáo sát cánh bên nhau cùng chống kẻ thù. Đây là bước phát triển mới của phong trào yêu nước ở Phú Yên được Võ Trứ vận dụng thành công, đồng thời đánh dấu sự thất bại của kẻ thù trong việc chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu cho các phong trào yêu nước ở Phú Yên những năm đầu thế kỷ XX vận dụng trong tập hợp lực lượng.

 

Khởi nghĩa Võ Trứ tuy tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng đóng vai trò là sự chuyển tiếp từ đấu tranh vũ trang cuối thế kỷ XIX sang cuộc đấu tranh dưới hình thức cải cách, duy tân theo hệ ý thức tư sản vào đầu thế kỷ XX ở Phú Yên cũng như cả nước. Tấm gương chiến đấu hy sinh của Võ Trứ và nghĩa quân luôn được nhân dân Phú Yên qua các thế hệ cảm phục, ghi nhớ và phát huy trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

(1) Trần Văn Giàu, Phú Yên-yên định trong phú cường, Tạp chí Xưa&Nay, số 106, 2001, tr.5

(2,4) Rapport politique-Song Cau, le 29 Juillet 1900... Sđd.

(3) Rapport politique-Song Cau, le 10/6/1900... Sđd.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek