Chủ Nhật, 22/09/2024 04:43 SA
Khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao phong trào Cần Vương Phú Yên (1885-1887) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 08/02/2011 08:00 SA

Rời khỏi căn cứ Xuân Vinh, Lê Thành Phương lên miền núi phía tây Phú Yên cùng với Tả tham quân Nguyễn Sách và Hữu tham quân Nguyễn Bá Sự ra sức củng cố hai căn cứ Vân Hòa và Tổng Binh, phát triển lực lượng chuẩn bị tiến về tái chiếm đồng bằng. Tại các căn cứ này, nghĩa quân xây dựng thành lũy, phát triển lực lượng, thu phục dân chúng (gồm cả người Kinh, Ê Đê, Ba Na, Chăm) mở mang chợ búa, khai khẩn ruộng nương, sản xuất lương thực, khai mỏ sắt ở Vân Hòa để đúc súng đạn. Vì vậy khi rút lên đây, Lê Thành Phương vẫn còn lực lượng dự trữ để chuẩn bị phản công. Nhờ sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của nhân dân trong vùng, chỉ trong vài ngày lực lượng nghĩa quân tăng lên đáng kể.

 

Đề phòng quân Pháp tiến lên Vân Hòa và mở rộng phạm vi hoạt động, Lê Thành Phương cử một phái bộ 8 người do Bùi Lương và Gia-dép(1) dẫn đầu vượt sông Ba với ý định sang Hạ Lào liên kết với các lực lượng ở đây xây dựng căn cứ kháng chiến. Gia-dép hy sinh trên sông Ba, Bùi Lương và 7 người còn lại tiến đến vùng núi Chư Ré, một địa điểm nay thuộc tỉnh Kon Tum trên biên giới Việt-Lào để xây dựng căn cứ.

 

Cuộc chiến đấu của nghĩa quân Lê Thành Phương trong giai đoạn cuối ngày càng bất lợi, trong bối cảnh hầu hết các phong trào Cần Vương ở nam Trung Kỳ bị dập tắt. Ở Bình Định phong trào do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo đang bị Pháp tấn công, phong tỏa gắt gao. Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa tan rã chỉ còn là những tàn dư rút lên hoạt động ở khu vực miền núi phía tây. Ở Phú Yên, nghĩa quân chỉ còn hoạt động bó hẹp ở miền núi, mọi đường liên lạc với khu vực đồng bằng bị cô lập. Biết được khó khăn của nghĩa quân, thực dân Pháp và Trần Bá Lộc không ngừng cho quân truy kích lên vùng rừng núi và viết thư cho người mang lên căn cứ để dụ hàng các thủ lĩnh, nhưng bị Lê Thành Phương thẳng thừng bác bỏ.

 

Dụ hàng không được, Trần Bá Lộc cho bắt vợ con Lê Thành Phương để lung lạc tinh thần, nhưng ông vẫn không nhụt chí. Cuối cùng Trần Bá Lộc treo giải thưởng cho những ai bắt được Lê Thành Phương- vị thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương Phú Yên. Chiêu bài xảo quyệt này của Lộc đã đem lại kết quả: ngày 14-2-1887 Lê Thành Phương bị bắt.

 

Về sự kiện Lê Thành Phương bị bắt, có nhiều nguồn tư liệu phản ánh những chi tiết khác nhau. Theo Ch.Fourniau dẫn báo cáo của Tirant gửi thống đốc Nam Kỳ ngày 3-3-1887 thì “thủ lãnh của phong trào, Tú Phương đã bị những người dân miền núi Trà Kê giao nộp” (2).

 

Trong Non nước Phú Yên tác giả Nguyễn Đình Tư dựa vào nguồn sử liệu địa phương cho rằng: “Ông bị chánh tổng Hòa Bình là Đặng Trạch đánh lừa bắt nạp cho địch”(3). Việc Đặng Trạch bắt chủ tướng giao nộp cho giặc chắc hẳn không chỉ vì tiền thưởng mà do sự đàn áp và khủng bố tàn bạo của Trần Bá Lộc đã dồn ép một số thủ lĩnh vốn có lập trường không kiên định đã  phản bội lại phong trào.

 

Bắt được Lê Thành Phương, Trần Bá Lộc giam ông tại Hàng Giao (nay thuộc thôn Hội Tín, xã An Thạch), cho ăn uống tử tế và dùng lời ngon ngọt dụ dỗ. Ông đã khẳng khái nói thẳng với tên Việt gian Trần Bá Lộc câu nói bất hủ:”Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”(thà chết chứ không chịu nhục). Không mua chuộc được Lê Thành Phương, Lộc ra lệnh tống vào ngục tối, tra tấn dã man và kết án tử hình. Ngày 20-2- 1887 (28 tháng Giêng năm Đinh Hợi), vị anh hùng ái quốc Lê Thành Phương đã anh dũng hy sinh dưới lưỡi gươm của kẻ thù, lúc ấy ông 62 tuổi. Cùng bị xử chém với Lê Thành Phương có thương nhân Ngô Kim Ký, người đã cung cấp vũ khí cho nghĩa quân.

 

Cái chết của Lê Thành Phương làm cho phong trào Cần Vương ở Phú Yên tan rã dần. Tại Vân Hòa, nghe tin Lê Thành Phương rơi vào tay giặc và bị giết, Tả tham quân Nguyễn Sách và Hữu tham quân Lê Thành Bính thấy không thể duy trì lâu dài ở căn cứ này liền đem quân theo đường xuyên núi, lên căn cứ Chư Ré, lấy vùng Hạ Lào để tính kế lâu dài. Ngày 23-2-1887 nghĩa quân vừa rút khỏi căn cứ Vân Hòa thì lọt vào ổ phục kích của Pháp. Nguyễn Sách bị chúng bắt đưa về làng Quang Thuận tiến hành dụ dỗ, mua chuộc nhưng không thành và bị treo trên một cây duối bắn chết. Lê Thành Bính bị Dương Văn Đôn (tức Đề Đôn) bắn trọng thương và được hai thủ hạ là Tô Văn Phú và Nguyễn Văn Đợ (cùng quê Mỹ Phú) đưa về quê quán, tìm thuốc chữa trị. Nhưng do vết thương quá nặng, Lê Thành Bính qua đời ngày 25-2-1887 khi mới 32 tuổi. Cùng ngày, Bùi Giảng sau thời gian rút lên vùng núi phía tây huyện Đồng Xuân cố thủ cũng ra hàng địch.

 

Như vậy, đến ngày 25-2-1887 khởi nghĩa Lê Thành Phương đánh dấu sự thất bại, lực lượng nghĩa quân còn lại do Nguyễn Bá Sự lãnh đạo rút lên khu vực rừng núi phía tây bắc huyện Đồng Xuân tiếp tục cuộc kháng chiến, duy trì phong trào Cần Vương mãi đến năm 1892 mới kết thúc.

IV. Vai trò của Lê Thành Phương trong phong trào Cần Vương ở Phú Yên 

 

Cuộc khởi nghĩa do Lê Thành Phương lãnh đạo kéo dài trong 3 năm (1885-1887) đánh dấu thời kỳ mở đầu và cũng là đỉnh cao của phong trào Cần Vương ở Phú Yên. Trong thời kỳ này, phong trào Phú Yên đã đạt những thành quả lớn lao đưa cuộc kháng chiến ở đây trở thành trung tâm của phong trào các tỉnh khu vực nam Trung Kỳ. Với những kết quả đạt được cho thấy vai trò hết sức quan trọng của Lê Thành Phương trong việc lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Phú Yên.

Trước hết vai trò của Lê Thành Phương thể hiện trong việc tập hợp các lực lượng nghĩa quân trong toàn tỉnh Phú Yên thành khối thống nhất đứng dưới ngọn cờ Cần Vương cứu nước.                               

Còn nữa)

____________________ 

 (1) Tù trưởng người dân tộc Ba Na ở vùng Hà Đang.

(2) Charles Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định-Phú Yên (1885-1887)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6/1982, tr.41

(3) Nguyễn Đình Tư (1965), Non nước Phú Yên, Tiền Giang xuất bản, Sài Gòn, tr.145.

 

TS ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Buôn Thu đón chào xuân mới
Thứ Ba, 08/02/2011 07:00 SA
Độc đáo đá Phú Yên
Thứ Hai, 07/02/2011 07:00 SA
Với tôi, Phú Yên là quê nhà
Chủ Nhật, 06/02/2011 07:00 SA
Một vòng biển đảo Phú Yên
Thứ Bảy, 05/02/2011 07:07 SA
Phú Yên luôn trong tim chúng tôi
Thứ Năm, 03/02/2011 11:45 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek