Chủ Nhật, 22/09/2024 04:37 SA
Nguyễn Bá Sự lãnh đạo phong trào Cần Vương Phú Yên giai đoạn 1887-1892
Thứ Năm, 10/02/2011 10:30 SA

Trong các sử sách chính thống khi đề cập phong trào Cần Vương ở Phú Yên và các tỉnh nam Trung Kỳ, nhân vật Nguyễn Bá Sự lâu nay chưa hoặc ít ai nhắc đến một cách rõ nét với vai trò là thủ lĩnh lãnh đạo phong trào. Tuy nhiên, trong thực tế ông là một chỉ huy tài năng, là người đã kế tục lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Phú Yên từ sau khởi nghĩa Lê Thành Phương thất bại, duy trì đến năm 1892 mới kết  thúc. Phong trào do ông lãnh đạo không chỉ diễn ra ở phạm vi Phú Yên mà tác độïng đến nhiều tỉnh khu vực Nam Trung kỳ, làm cho nền thống trị của thực dân Pháp ở Phú Yên và các tỉnh Nam Trung kỳ luôn trong tình trạng bất ổn. Bài viết này sẽ giới thiệu những tư liệu mới chưa từng công bố về thân thế cũng như sự nghiệp chống Pháp của Nguyễn Bá Sự với vai trò lãnh đạo phong trào Cần Vương Phú Yên giai đoạn 1887-1892.

 

I. Vài nét về thân thế Nguyễn Bá Sự và tổ chức Tụ Hiền trang

 

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn thì Nguyễn Bá Sự sinh năm 1845 tại làng Cự Phú, tổng Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (nay là thôn Phú Xuân, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) trong một gia đình khá giả. Cha của ông là Nguyễn Bá Đởm, vốn là dòng dõi của đô đốc nhà Tây Sơn Lý Vân Bưu tỉnh Bình Định. Để tránh họa truy sát của Gia Long mới đổi ra họ Nguyễn mai danh ẩn tích đến Phú Yên sinh sống tạo nghiệp.

 

Nguyễn Bá Đởm khi đến miền núi phía tây Phú Yên thì khai khẩn đất đai lập làng, chiêu tập hậu duệ của tướng lĩnh Tây Sơn như Bùi Trung, Phạm Văn Điềm, Nguyễn Quang Huy, Võ Văn Cao… nhằm khôi phục nghĩa khí và bảo tồn dòng máu Tây Sơn trước sự truy hại của nhà Nguyễn. Khoảng đầu thập niên 60 thế kỷ XIX, ông lập Tụ Hiền trang tại làng Cự Phú dưới chân núi La Hiên để chiêu hiền đãi sĩ khắp các nơi về luyện tập võ nghệ mưu đồ việc lớn (1). Trong một trận đấu với hổ, ông bị vết thương nhiễm trùng và chết, ngôi chủ Tụ Hiền trang do Nguyễn Bá Sự cai quản.

 

Thuở nhỏ, Nguyễn Bá Sự (2) (thường gọi là Bá Sự) được gia đình gởi ra Bình Định học tại Vân Sơn học xá do Võ Phụng Can sáng lập. Tương truyền rằng ông học rất giỏi, vượt hết các bạn trong lớp. Ông không chỉ am hiểu thơ phú, thông thuộc kinh sử mà còn rất ham mê võ thuật, có thể nhảy cao 7 thước qua mái nhà hoặc cho người vây kín rồi phi thân nhảy khỏi vòng vây với thế “vượt trùng vi” nổi tiếng. Mến tài năng và đức độ của ông, thầy Võ Phụng Can đã gả người con gái độc nhất của mình là Võ Bạch Ngọc Đường cho Nguyễn Bá Sự.

 

Sau khi học xong, Nguyễn Bá Sự về mở trường dạy võ, chiêu tập gần 100 môn sinh. Nhiều người sau này trở thành các tướng lĩnh nổi tiếng trong phong trào chống Pháp ở Phú Yên như Nguyễn Thành Long, xã Sằng, chức Nhưng, xã Thước, đốc Quế, đội Triều, Nguyễn Nhiệu, Võ Cao Tường… và họ trở thành trụ cột của Tụ Hiền trang.

 

 Nguyễn Bá Sự còn là người hào hiệp, chuộng việc nghĩa. Gặp năm mất mùa, nạn đói xảy ra, ông liền xuất của nhà và đi khắp vùng quyên góp cứu giúp người nghèo, được triều đình phong cho chức Cửu phẩm Bá hộ.

 

(Còn nữa)

 

------------------

(1) Nguyễn Khuê, Ma Thiên lãnh-Tụ Hiền trang và phong trào kháng chiến ở Phú Yên trước Cách mạng tháng Tám -1945, 2003, tr.16

(2) Trong các tài liệu của người Pháp, Nguyễn Bá Sự được chép là Ba Su hoặc Ba Xu.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek