Chủ Nhật, 22/09/2024 04:28 SA
Phú Yên luôn trong tim chúng tôi
Thứ Năm, 03/02/2011 11:45 SA

Họ là những người Hà Nội, đã dành cả tuổi thanh xuân nhất của cuộc đời để vào Nam chiến đấu. Phú Yên trở thành vùng đất ác liệt nhưng thân thương, được họ nhận là quê hương thứ hai. Với họ, Phú Yên luôn trong tim.

 

dongdoi110215.jpg

Từ phải qua: Các cựu chiến binh Lê Công An, Nguyễn Cao Cường, Ngô Xuân Thiêm đang trao đổi về một thông tin để đưa lên blog của Ban Liên lạc đồng đội mặt trận Phú Yên tại Hà Nội. - Ảnh: N.HÒA

 

Biết tôi là người Phú Yên, ông Lê Công An, Trưởng Ban liên lạc đồng đội mặt trận Phú Yên giai đoạn 1964-1975, rất mừng. “Gặp được một người Phú Yên, chúng tôi như gặp lại cả “xứ nẫu” nhớ thương, anh ạ!” – ông nói.

 

MỘT THỜI OANH LIỆT

 

ÔNG PHAN ÐÌNH PHÙNG (Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Phú Yên): Ðầu tháng 10/2010, tôi được giao nhiệm vụ ra Hà Nội

 

liên lạc, lo trước công tác tổ chức cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với những cán bộ, chiến sĩ và thân nhân liệt sĩ từng công tác, chiến đấu ở Phú Yên, hiện đang sống ở Hà Nội. Thời gian gấp gáp, tôi lo lắng không biết làm thế nào để liên lạc được với các đối tượng như yêu cầu hội nghị. May mắn tôi được giới thiệu đến Ban liên lạc đồng đội mặt trận Phú Yên giai đoạn 1964-1975 và được các anh, các chú, các bác ở đó nhiệt tình giúp đỡ một cách rất trách nhiệm, đầy tình cảm. Nhờ vậy, có gần 200 người từng công tác, chiến đấu và các thân nhân liệt sĩ đã đến tham dự, giúp buổi gặp mặt thành công ngoài mong đợi. Tôi thực sự bất ngờ và xúc động khi biết và thấy giữa thủ đô có một Ban liên lạc đồng đội Phú Yên hoạt động rất bài bản như vậy và đặc biệt là ai cũng hướng về Phú Yên bằng tình cảm thiết tha của một người con ở xa.

Bên chén trà Bắc bốc khói và lạc rang thơm giòn trong một sáng cuối năm Hà Nội lành lạnh, những câu chuyện về Phú Yên ùa về từ ký ức của những người lính năm xưa…

 

Năm 1968, khi đang học năm thứ hai trung cao ngành cơ điện thì được lệnh tổng động viên, chàng sinh viên Hà Nội Lê Công An (SN 1949) háo hức xung phong vào lính đặc công, sau đó được bổ sung về Đại đội 202 đặc công Tỉnh đội Phú Yên. “Tháng 2/1969, tôi có mặt ở Phú Yên và ăn cái tết đầu tiên trên quê hương này. Là lính đặc công chuyên đánh điểm, mở đường cho bộ binh, chúng tôi không “nằm vùng” mà hoạt động rộng khắp ở Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa… Bởi vậy, tôi nhớ kỹ từng địa danh, từng con người Phú Yên nơi chúng tôi hoạt động hơn cả quê hương “gốc” của mình” – ông An kể. Tham gia đánh cả trăm trận ở Phú Yên, nhưng ông An nhớ nhất là trận đánh chi khu quân sự Xuân Phước năm 1970. “Đó là lần đầu tiên Đại đội 202 đánh theo phương thức đặc công mới, được tổ chức bài bản và chuyên nghiệp. Chúng tôi đã nhanh chóng đánh sập chi khu này, thu được đại liên, bắt tù binh mà phía mình không ai bị thương vong gì. Đó là một thắng lợi đầy dấu ấn” – ông An nhớ lại.

 

Cũng như ông Lê Công An, năm 1968, ông Nguyễn Cao Cường – SN 1938, cựu sinh viên ngành Đạo diễn sân khấu Trường Nghệ thuật sân khấu Hà Nội, cán bộ Sở Văn hóa thông tin Hà Nội – đã xung phong lên đường vào Nam. Ông Cường kể: “Năm 1969, tôi được điều về xây dựng Đoàn văn công tỉnh Phú Yên. Từ lực lượng ban đầu chỉ vài người biết văn nghệ, nhạc cụ không có… chúng tôi đã xây dựng được đoàn văn công Phú Yên phục vụ cho bộ đội và người dân vùng giải phóng trong suốt những năm kháng chiến, được đồng chí Sáu Râu (Trần Suyền – Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên), đồng chí Chín Cao (Nguyễn Duy Luân) và anh em, nhân dân khen ngợi…”. Đến năm 1976, ông Cường mới về lại Hà Nội vì “sau khi giải phóng bị anh Chín Cao giữ lại Phú Yên”.

 

Còn ông Ngô Xuân Thiêm, SN 1942, được điều động về phục vụ chiến trường Phú Yên năm 1969 sau 7 năm làm lính và cán bộ của các đơn vị bộ đội thông tin vô tuyến điện. “Hồi còn làm lính của trung đoàn thông tin hoạt động từ Nghệ An đến Khánh Hòa, chúng tôi đã đến Phú Yên tháng 6/1966 và tham gia nhiều trận đánh tại đây, trong đó nhớ nhất là trận Gò Thì Thùng nổi tiếng. Khi được điều động về công tác hẳn tại Phú Yên, tôi trở thành bộ đội địa phương, đóng ở huyện Tuy Hòa 1, làm đủ các công tác hậu cần: vận tải, thủ kho, quân nhu… Tôi đã 6 lần cận kề với cái chết, 3 lần bị thương ở chiến trường Phú Yên đấy” – ông Thiêm tự hào kể. Ông còn khoe quyển vở hiệu Trái Lựu dày đặc nhật ký, thơ… mà ông viết từ năm 1969 về những kỷ niệm, cảm xúc, ân tình với Phú Yên.

 

Và còn nhiều nữa, những câu chuyện bất tận về đất, về người “xứ nẫu” của các cựu chiến binh người Hà Nội từng tham chiến ở Phú Yên: Nguyễn Văn Lương, Đỗ Việt Hùng, Vũ Duy Hải, Nguyễn Minh Chuân… Câu chuyện nào cũng thấm đẫm kỷ niệm, đầy ắp tình cảm.

 

ban-lien-lac110215.jpg

Đại diện Ban liên lạc đồng đội mặt trận Phú Yên thăm chiến trường xưa tại đỉnh Hòn Ngang (Củng Sơn, Sơn Hòa), nơi đã ghi nhiều chiến công của 57 anh hùng liệt sĩ đặc công thời kỳ 1970 - 1975 (C202, C25). - Ảnh: Ban liên lạc cung cấp

 

“NƠI GẶP GỠ LÀ TRÁI TIM”

 

Chiến tranh qua đi, hầu hết những thanh niên Hà Nội ấy đã trở thành những người lính gan góc trận mạc, từ chiến trường Phú Yên trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Có người tiếp tục ở lại quân ngũ, có người thay áo lính làm cán bộ dân chính, làm doanh nhân… “Cuộc sống khó khăn của thời kỳ trước đổi mới khiến anh em, dù rất nhớ nhau, vẫn không có cơ hội để gặp gỡ thường xuyên, cũng không có điều kiện về thăm lại chiến trường xưa. Nỗi nhớ Phú Yên cứ cồn cào. Năm 1994, anh Phạm Minh Quý, nguyên Tham mưu phó Tỉnh Đội Phú Yên trong kháng chiến - một người con của Hà Nội - đã tập hợp một số anh em gốc thủ đô và tỉnh Hà Tây lúc bấy giờ, từng chiến đấu, công tác ở Phú Yên, thành lập Ban liên lạc đồng đội. 17 năm qua, ban liên lạc trở thành mái nhà ấm cúng của anh chị em Hà Nội từng chiến đấu trên chiến trường Phú Yên năm xưa” – ông Lê Công An, Trưởng Ban liên lạc hiện nay, cho biết.

 

Từ 11 người sáng lập ban đầu, đến nay, số hội viên của ban ngày càng nhiều thêm, hiện hơn 80 cựu chiến binh. Ông Ngô Xuân Thiêm nói: “Chúng tôi không có trụ sở để tổ chức gặp mặt, mà nơi gặp gỡ chính là trái tim!”. Mỗi năm, Ban liên lạc đồng đội mặt trận Phú Yên ở Hà Nội họp mặt ba lần, vào các dịp lễ 30/4, 27/7 và 22/12. Ông Lê Công An cho biết: “Không chỉ đồng đội cũ gặp nhau, mà cả thân nhân các liệt sĩ, các đồng đội đã qua đời cũng được mời đến dự các buổi gặp mặt truyền thống để ôn lại những kỷ niệm đẹp và hào hùng về quá trình chiến đấu, công tác ở Phú Yên”. Những năm gần đây, Ban liên lạc đồng đội mặt trận Phú Yên tại Hà Nội thường xuyên tổ chức các chuyến về Phú Yên thăm đồng đội cũ, thăm chiến trường xưa và tìm mộ đồng đội…

 

Ban liên lạc đã xuất bản được một tập kỷ yếu, trong đó có lý lịch trích ngang, địa chỉ của từng hội viên và gia đình. Năm 2010, Ban liên lạc còn lập một blog để đưa các thông tin về hoạt động, hội viên, tìm mộ đồng đội, tin tức Phú Yên… nhằm kết nối rộng rãi hơn với đồng đội và quê hương Phú Yên.

  

NGUYÊN HÒA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek