Chủ Nhật, 22/09/2024 08:55 SA
Phú Yên một thời Tây Sơn trung đạo - “cái nôi” của phong trào Tây Sơn (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 02/12/2010 07:21 SA

Sau thắng lợi ở Hội Phú, đô đốc Nguyễn Văn Lộc được cắt cử làm Trấn thủ phủ Phú Yên cùng một số tướng lĩnh như Võ Văn Cao, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Công Lang, Nguyễn Hóa lo ổn định tình hình tại đây. Tướng Ngô Văn Sở tiếp tục đưa đạo quân chinh Nam tiến vào đánh chiếm các phủ Diên Khánh, Bình Khang, Bình Thuận mở rộng vùng giải phóng của khởi nghĩa Tây Sơn từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, chia cắt xứ Đàng Trong làm hai vùng, đe dọa sự tồn tại của chính quyền chúa Nguyễn.

 

Trong lúc Tây Sơn đang ổn định tình hình ở Phú Yên, thì tại núi Trà Lang (Chà Rang) phía tây làng Mỹ An (nay là xã An Hiệp - huyện Tuy An) Chu Văn Tiếp tập hợp lực lượng khoảng 1.000 người chống lại. Chu Văn Tiếp là người ở huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn làm nghề buôn, vào Phú Yên sinh sống. Khi Nguyễn Nhạc khởi binh dùng chiêu bài tôn phò hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương để tiêu diệt quyền thần Trương Phúc Loan thì Tiếp ủng hộ. Nhưng sau đó Tiếp quay ra chống khi biết được mục tiêu của Tây Sơn là lật đổ chính quyền chúa Nguyễn. Đầu năm 1774, Trấn thủ Nguyễn Văn Lộc đem quân bản bộ Phú Yên vây đánh, Tiếp theo đường thượng đạo lui về giữ núi Lương Sơn, dựng trại cố thủ cùng với các thuộc hạ Lê Văn Quân, Nguyễn Long, Phạm Văn Sĩ. Trại chỉ huy của Tiếp đặt dưới tán cây da lớn trương cờ “Lương Sơn tá quốc” ủng hộ chúa Nguyễn. Quân Tây Sơn tiến đánh gấp gáp, khiến quân của Tiếp chưa được huấn luyện kỹ càng nên nhanh chóng tan rã, doanh trại bị đốt cháy (1). Tiếp bỏ chạy vào Nam theo chúa Nguyễn.

 

Mùa hạ, tháng 4/1774, tướng chúa Nguyễn là Lưu thủ Long Hồ Tống Phúc Hiệp cùng Nguyễn Khoa Thuyên đem đại binh ra đánh Tây Sơn. Quân Nguyễn lần lượt chiếm Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khang. Trấn thủ Lê Văn Hưng liệu thế không chống nổi rút toàn bộ lực lượng về Phú Yên cùng với Nguyễn Văn Lộc chống giữ. Trong vòng một năm, Hiệp nhiều lần đem quân vượt đèo Gian Nan (nay là đèo Cả) ra đánh Phú Yên. Cả khu vực phía nam huyện Tuy Hòa dọc sông Đà Diễn lên vùng Thạch Thành đều là chiến trường ác liệt. Nữ chúa Chăm là Thị Hỏa sau chiến thắng ở Hội Phú được Nguyễn Nhạc phục hồi danh vị Phiên Vương và giao nhiệm vụ trấn giữ động Thạch Thành, đã ngăn chặn các cuộc tấn công lấn chiếm của Tống Phúc Hiệp.  Điều này cho thấy lực lượng Tây Sơn trấn giữ Phú Yên rất mạnh và bản thân “Tống Phúc Hiệp già cỗi, do dự, chẵn một năm trời mà không thống lĩnh quân Ngũ dinh qua được Phú Yên”(2).

 

Tháng 5/1775, Tống Phúc Hiệp tập trung lực lượng quân Ngũ dinh (Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ) mở cuộc tấn công tổng lực quyết đánh chiếm phủ Phú Yên. Hiệp để 5.000 quân trấn giữ thành Diên Khánh, còn mình đem 2 vạn quân chia làm hai đường thủy bộ tiến đánh Phú Yên. Cánh quân bộ do Tống Phúc Hiệp trực tiếp chỉ huy vượt đèo Tam Độc đánh thẳng vào đội quân của Thị Hỏa. Trận chiến diễn ra không cân sức, dù cho lực lượng tượng binh và kỵ binh của Thị Hỏa chiến đấu dũng cảm nhưng không cản được bước tiến của quân Nguyễn. Thị Hỏa đã bỏ mình trong trận đánh này. Thừa thắng, quân Tống Phúc Hiệp tiến ào ạt chiếm thành Hội Phú đặt làm đại bản doanh, quân bộ đóng ở Xuân Đài, thủy quân chiếm Vũng Lấm. Quân Tây Sơn lui về giữ La Thai và đèo Cù Mông.

 

Không dừng ở việc chiếm Phú Yên, quân của Tống Phúc Hiệp còn sẵn sàng uy hiếp thành Quy Nhơn, đánh vào trung tâm căn cứ của Tây Sơn khi có cơ hội. Thực hiện ý định này, Tống Phúc Hiệp sai tri huyện Đồng Xuân là Bạch Doãn Triều cùng cai đội Thạc (không rõ họ) đưa thư đòi Nguyễn Nhạc trả Đông Cung Nguyễn Phúc Dương. Quân Tây Sơn lúc bấy giờ đang lâm vào thế bất lợi. Phía bắc quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy tiến đến Bến Ván (Quảng Ngãi) kẹp chặt quân Tây Sơn co cụm ở 2 phủ Quy Nhơn và Quảng Ngãi.

 

Trước tình hình nguy cấp, Nguyễn Nhạc tìm cách hòa hoãn với quân Trịnh, tình nguyện làm “Tây Sơn Trưởng hiệu tráng tiết tướng quân” (3) đi tiên phong đánh chúa Nguyễn. Đối với quân Nguyễn, Tây Sơn một mặt chuẩn bị lực lượng để bất ngờ giáng đòn mạnh tiêu diệt quân Tống Phúc Hiệp ở Phú Yên, mặt khác Tôn Thất Chí được cử vào Phú Yên giả vờ chấp nhận yêu cầu của Hiệp trong việc lập Đông cung Nguyễn Phúc Dương làm chúa, nhằm làm cho quân Nguyễn lơi lỏng việc phòng bị.   

 

(Còn nữa)

___________

(1) Ngày nay tại vùng Lương Sơn vẫn còn dấu tích của trận đánh giữa Tây Sơn và Chu Văn Tiếp qua các địa danh Cây da chiến, Trại Cháy.

(2) Tạ Chí Đại Trường (2007)- Việt Nam thời Tây Sơn-Nxb Công an nhân dân, tr.77.

(3) Nhân danh chúa Trịnh, Hoàng Ngũ Phúc phong cho Nguyễn Nhạc chức Tây Sơn Trưởng hiệu tráng tiết tướng quân dẫn đầu lực lượng Tây Sơn đi đánh quân chúa Nguyễn.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek