Chủ Nhật, 22/09/2024 09:00 SA
Phú Yên một thời Tây Sơn trung đạo - “cái nôi” của phong trào Tây Sơn (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 01/12/2010 07:30 SA

Sự hiểm trở của núi La Hiên cũng như rừng núi Đồng Xuân thời bấy giờ đã giúp cho nghĩa quân Phú Yên che giấu lực lượng trong một thời gian cần thiết để xây dựng căn cứ và phát triển binh lực, ít nhất là trước năm 1773.

 

song-ky-lo101201.jpg

Sông Kỳ Lộ - Ảnh: Đ.LÊ

 

Bên cạnh đó, sự mục nát của chính quyền họ Nguyễn ở Phú Yên đứng đầu là tri phủ Trần Phước Thành chỉ lo vơ vét cho đầy túi, không thèm quan tâm đến sự chuyển biến của thời cuộc cũng như sự căm giận của các tầng lớp nhân dân đang chuẩn bị nổi dậy đập tan chính quyền rệu rã của họ Nguyễn.

 

Trong lúc nghĩa quân Phú Yên đang gấp rút hoàn thành việc xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng, thì ở Bình Định nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Nhạc đã lớn mạnh. Nguyễn Nhạc phát triển lực lượng ở hai căn cứ lớn là Tây Sơn Thượng đạo và Tây Sơn Hạ đạo, đồng thời cho người đi đến các tỉnh lân cận để phối hợp cùng nổi dậy khởi nghĩa. Tác giả Quách Tấn và Quách Giao trong sách Nhà Tây sơn cho rằng phái đoàn nghĩa quân Bình Định đến Phú Yên vào mùa thu năm Quý Tỵ (1773) do Nguyễn Lữ, Nguyễn Văn Lộc (người làng Kỳ Sơn - Bình Định) và Võ Văn Cao để xem xét tình hình (1). Vì sao trong phái đoàn nghĩa quân Bình Định lại có Võ Văn Cao cùng đi? Có thể là nghĩa quân Phú Yên đã cử Võ Văn Cao ra liên lạc trước đó với nghĩa quân Bình Định sau khi Nguyễn Nhạc khởi binh vào mùa xuân 1771 và chủ trương phối hợp với lực lượng Tây Sơn-Bình Định cùng nổi dậy. Chính vì vậy, khi phái đoàn Bình Định vào Phú Yên thì Võ Văn Cao có mặt cùng đi và đảm nhận việc hướng đạo, giúp tìm hiểu lực lượng tại đây. Sau chuyến “xem xét” ở Phú Yên trở về, phái đoàn Nguyễn Lữ, Nguyễn Văn Lộc đã “tâu rõ tình hình”(2) với Nguyễn Nhạc và thời gian không lâu sau đó nghĩa quân Bình Định kéo vào cùng với nghĩa quân Phú Yên tiến đánh phủ lỵ Hội Phú phủ Phú Yên.

 

Sách Tây Sơn bí lục của Trương Đăng Quế (trọng thần của triều Nguyễn) khi đề cập các căn cứ trên núi La Hiên và khu vực huyện Đồng Xuân gọi là căn cứ Tây Sơn Trung đạo. Ngày nay chúng ta có thể hiểu rằng sau mùa đông năm 1773, lực lượng nghĩa quân hai tỉnh Phú Yên-Bình Định đã có sự phối hợp trong hoạt động chiến đấu chống lại quân chúa Nguyễn và có sự liên hoàn thống nhất về căn cứ. Do đó, ngoài hai căn cứ lớn Tây Sơn Thượng đạo và Tây Sơn Hạ đạo ở Bình Định thì Phú Yên có căn cứ Tây Sơn Trung đạo. Các thủ lĩnh Hưng Quốc hội ở Phú Yên trở thành các tướng lĩnh đảm nhận những vị trí quan trọng trong các đoàn quân  Tây Sơn.

 

Như vậy, từ căn cứ ban đầu ở La Thiên lãnh và vùng núi huyện Đồng Xuân, nghĩa quân Phú Yên đã có sự chủ động trong việc xây dựng, tổ chức lực lượng, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia chuẩn bị một cuộc nổi dậy. Để rồi trên cơ sở các căn cứ đã xây dựng ở hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, một hệ thống căn cứ địa liên hoàn kéo dài từ núi rừng An Khê - Bình Định đến vùng Thồ Lồ, La Hiên - Phú Yên được hình thành. Từ cái nôi ban đầu ấy, phong trào Tây Sơn bùng nổ mạnh mẽ, lật đổ chính quyền họ Nguyễn ở Bình Định-Phú Yên và các tỉnh Nam Trung Bộ.

 

III. Phối hợp nghĩa quân Bình Định lật đổ chính quyền họ Nguyễn giải phóng Phú Yên (1773-1775)

 

Mùa thu năm Quý Tỵ (1773), nghĩa quân Tây Sơn sau khi chiếm thành Quy Nhơn liền tiến ra Quảng Ngãi đánh bại quân của chúa Nguyễn do Phò mã Nguyễn Cửu Thống, Nguyễn Cửu Sách chỉ huy, khiến cho lực lượng này phải chạy về Quảng Nam bỏ lại nhiều thớt voi, xe lương và vũ khí. Nguyễn Nhạc sai đắp một lũy dài tại Bến Ván (Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm thế thủ để chống lại quân chúa Nguyễn ở phía bắc.

 

Từ tháng 4/1773, trong lúc Nguyễn Nhạc chỉ huy quân Tây Sơn đánh phá các phủ, huyện ở Bình Định, thì lực lượng ở Phú Yên đẩy mạnh các hoạt động tại căn cứ Tây Sơn Trung đạo. Nghĩa quân họp từng nhóm khoảng 300 đến 600 người chia nhau quấy nhiễu chính quyền của chúa Nguyễn vùng phía tây huyện Đồng Xuân trong suốt 7 tháng ròng. Lúc bấy giờ, vũ khí trang bị của nghĩa quân ngoài giáo, mác còn có cả súng tay. Mỗi đội quân mang theo một lá cờ đỏ (3). Chính quyền chúa Nguyễn ở Phú Yên bất lực, chỉ duy trì lực lượng đóng ở La Hai, còn phần lớn binh lực rút về tại phủ lỵ ở Hội Phú lo đối phó.

 

Mùa đông năm Quý Tỵ (tháng 12/1773), sau chiến thắng ở Quảng Ngãi, Nguyễn Nhạc cử Ngô Văn Sở chỉ huy đạo quân chinh Nam thẳng đường vào Phú Yên. Cùng đi có các tướng Nguyễn Văn Lộc, Lê Văn Hưng. Lực lượng Tây Sơn - Bình Định theo đường thượng đạo vào núi La Hiên hợp quân với lực lượng Tây Sơn hữu đạo của Phú Yên tại căn cứ Tây Sơn Trung đạo do các tướng Võ Văn Cao, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Công Lang chỉ huy.

 

Phối hợp với lực lượng Tây Sơn - Bình Định lúc này có nữ chúa Chăm ở động Thạch Thành là Thị Hỏa cũng huy động cả đội kỵ binh thiện chiến và hàng chục thớt voi kéo xuống yểm trợ, tạo thành thế ỷ dốc để chuẩn bị trận đánh giải phóng Phú Yên.

 

Tại Eo Gió, diễn ra cuộc hội quân giữa các lực lượng Tây Sơn ở Phú Yên và Bình Định để bàn kế hoạch giải phóng Phú Yên thoát khỏi ách thống trị của chúa Nguyễn. Tại đây, Bộ chỉ huy nghĩa quân đã thống nhất mục tiêu tiến công trước tiên là bảo La Hai - đồn tiền tiêu của chúa Nguyễn đang khống chế con đường từ phủ Phú Yên đi Quy Nhơn, sau đó tập trung quân đánh thẳng vào thành Hội Phú tiêu diệt lực lượng do Trần Phước Thành chỉ huy đang trấn thủ tại Phú Yên. Ngày nay những tài liệu thời Tây Sơn đề cập đến chiến dịch đánh chiếm Phú Yên cuối năm 1773 đã bị tiêu hủy do chính sách “tận diệt” của các vua triều Nguyễn. Do đó hậu thế không biết cụ thể diễn biến trận đánh này. Nhưng với lực lượng nghĩa quân hùng hậu như vậy, cộng vào đó là tinh thần chiến đấu đang lên cao sau hàng loạt thắng lợi trên chiến trường Quy Nhơn, Quảng Ngãi, chúng ta có thể hình dung chiến thắng diễn ra nhanh chóng, quân chúa Nguyễn hoàn toàn bị tiêu diệt. Một bài ca dao ở Phú Yên còn lưu truyền về thắng lợi này:

 

“ Thạch Thành voi ngựa kéo ra

Eo Gió kéo xuống, quân đà hội quân

Chúa Chàm Thị Hỏa chí nhân

Giúp ông Hai  Nhạc định phần Phú Yên”

 

Trong công trình Lịch sử Phú Yên từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, các tác giả cũng đưa ra nhận xét về thắng lợi nhanh chóng trong việc đánh chiếm Phú Yên cuối năm 1773 của quân Tây Sơn: “Được đông đảo nhân dân Phú Yên tích cực hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ, chỉ trong thời gian ngắn, Tây Sơn đã hoàn toàn làm chủ Phú Yên” (4).  

 

 (Còn nữa)

(1) Quách Tấn, Quách Giao (2000)-Nhà Tây Sơn - Nxb Trẻ, tr.64.

(2) Quách Tấn, Quách Giao (2000)-Nhà Tây Sơn - Nxb Trẻ, tr.64.

(3) Thư giáo sĩ Jumila đăng trên BSEI, T.XV, 1940, tr.74.

(4) Nguyễn Quốc Lộc (2009)-Lịch sử Phú Yên từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII-Nxb KHXH, tr.122.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek