Chủ Nhật, 22/09/2024 08:49 SA
Bài tham dự cuộc thi “Phú Yên ký ức và ước vọng”
Thăng trầm vùng đất đỏ
Thứ Ba, 30/11/2010 13:23 CH

Vùng đất đỏ Sơn Thành trải dài từ Lâm trường Tháng Tám đến cực tây huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Không cần nhờ đến địa chất học, hầu như ai cũng rõ vùng đất bazan này do miệng núi lửa trên núi Mái Nhà phun trào tạo ra, từ thuở khai thiên lập địa. Trên đỉnh núi có những hòn kỳ thạch to cả người ôm nhưng nhẹ tênh, có thể nhấc bổng bằng một tay.

 

td2101130.jpg

BCH Đảng ủy Nông trường Sơn Thành năm 1982. Giám đốc Trần Ngọc Trinh (thứ tư từ trái sang, hàng sau), có con gái là Trần Thị Minh Thủ, nay là giám đốc công ty  – Ảnh: T.L

 

Tôi nghĩ mình có chút duyên với đất đỏ Sơn Thành. Mấy năm đi học, hè nào tôi cũng có dịp lên Nông trường Sơn Thành nhổ sắn, trỉa bắp. Sau này tôi dạy học ở đây mười năm, biết làm lô cà phê, trồng tiêu như mọi người. Những dịp vui tôi hát: Trên nông trường không xa lắm/ có đôi chân đi không ngại ngần/ Em bây giờ quen mưa nắng/ gánh trên vai vấn vương bụi hồng ... (TSC).

 

1.Vùng đất nâu đỏ chia hai phần, phía đông thuộc xã Sơn Thành, phía tây xưa là cơ sở sản xuất của chiến khu K5. Sau năm 1975, cơ sở này thành lập Nông trường Quốc doanh Sơn Thành, giám đốc là ông Hoàng Tấn Anh. Lực lượng lao động là thanh niên xung phong (TNXP) của Phú Yên và Khánh Hòa. Thời kỳ này, nông trường trồng sắn và bắp, nên bấy giờ bạt ngàn màu xanh của hai loại cây này. Thành phẩm nhập về tổng kho lương thực, đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối lương thực cho cả tỉnh Phú Khánh cũ. Vùng đất “nắng bụi mù, mưa dính dép”, chiều xuống lành lạnh như cao nguyên, nếu không kịp rửa chân vì sợ lạnh thì phủi chân leo lên sạp ngủ luôn, đã luôn là “miền đất hứa” cho người dân thiếu đất canh tác khắp nơi đổ về.

 

TNXP cất lán trại lợp tranh, phên che cũng tranh, dọc theo rìa hồ, ven suối để tiện nước sinh hoạt. Trại lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười trẻ trung, yêu đời. Vào vụ thu hoạch, nông dân vùng xuôi lên làm thuê, đêm họ ở lại nghe tắc kè kêu vang tứ phía, đom đóm bay sáng trời, họ nói vui đây là “thành phố tắc kè, thủ đô đom đóm”. Mùa thu bắp, khỉ kéo về từng đàn tranh hái với TNXP, vừa hái để ăn, vừa hái dắt thắt lưng đem về hang để dành. Cánh chị em đi lô một mình, bị khỉ khọt khẹt dọa cho hết hồn. Có con khỉ bị đuổi gấp, giấu mặt sau thân cây, nó nghĩ là ta không thấy người thì người cũng không thấy ta, để lộ chân cẳng và cái đuôi lòng thòng trông tức cười lắm. Sắn mì thì bị heo rừng tranh ăn về đêm. Nhưng bù lại heo dính bẫy thường xuyên, thành ra bữa cơm của TNXP cũng được cải thiện đáng kể. Gà rừng, thỏ, nhím, mển ...  và rất nhiều thú rừng khác, trở tay là bắt được. Lớp TNXP này, nay đã là ông bà của những đứa cháu, họ vẫn thường ôn lại buổi đầu gặp gỡ tại nông trường sau ngày thống nhất đất nước. Và họ lại hát với nhau sôi nổi, mạnh mẽ như ngày nào những ca khúc về Nông trường Sơn Thành của các nhạc sĩ Xuân An, Bằng Linh…

 

Những năm 80, 81 lương thực của tỉnh bình ổn, sắn bắp ít có giá, hơn nữa đất bazan màu mỡ dùng để trồng sắn bắp thì hơi phí. Ty Nông nghiệp Phú Khánh đưa ông Trần Ngọc Trinh về làm giám đốc, cùng bộ khung lãnh đạo từ Nông trường Sông Con (Nghệ Tĩnh). Theo đó, công nhân Nông trường Sông Con phần đông dân xứ Nghệ, trong đó có cả người Phú Yên từng tập kết ra Bắc, đổ về bổ sung lực lượng lao động, đem tác phong lao động công nghiệp cho Nông trường Sơn Thành. Họ là người làm nông nghiệp nhưng cách nghĩ, cách làm mang tính tiên phong của giai cấp công nhân. Nông trường được cho phép trồng thử nghiệm thuốc lá Bungari. Lá thuốc Bun to, vàng rực, hút thơm lừng nhưng chi phí sản xuất cao, cạnh tranh không lại thuốc lá của nông dân Thạnh Hội, Ngân Điền. Thất bại về thuốc lá, đời sống TNXP khổ hơn giai đoạn trồng sắn bắp.

 

d101130.jpg

Năm 1984, đồng chí Đào Tấn Lộc (bìa phải), lúc đó là trưởng phòng nông nghiệp huyện Tuy Hòa, thăm lô cà phê - Ảnh: TL

 

2. Với độ cao so với mặt nước biển chưa đến 100m nhưng lạnh về đêm, đất nông trường được khảo sát là trồng được cây cà phê. Năm 1983, hai loại cà phê vối (robusta) và cà phê mít (excelsa) được triển khai trồng đại trà. Nông trường đổi tên thành Nông trường Cà phê Sơn Thành. Công nhân là vợ chồng được giao lô và cấp đất cất nhà riêng, không còn ở chung trong lán trại nữa.

 

Mấy năm đầu sản lượng cà phê thu bói khá cao, lãnh đạo nông trường phấn khởi mở rộng diện tích. Tới mùa cà phê ra hoa trắng trời, hương thơm ngào ngạt, hương bay cả vô những cánh rừng thâm u chưa khai phá. Những đêm trăng sương xuống đẫm, đi dọc bờ lô nhìn lá cà phê như được thoa mỡ, tưởng vận hội đang mở ra cho vùng đất đỏ. Nhưng một thực tế nhìn thấy ngay sau đó, lượng mưa phân bổ không đều trong năm, nắng dãi mưa dầu. Cà phê ra hoa vào mùa hè, nước không đủ tưới, gió nam cồ, nam mái thổi khốc liệt. Trái đậu vào lúc mưa dầm, rụng xanh gốc, nhìn xót ruột lắm. Người trồng cà phê ở Đăk Lăk nhìn cây cà phê Sơn Thành thân to xanh tốt trổ hoa, đánh giá phải đạt trên 20 tấn/ha, đến khi thu, chưa có lô nào đạt 10 tấn tươi/ha. Gặp những năm giá cà phê thấp, lỗ nặng, công nhân thiếu cả gạo ăn.

 

Khi xây dựng thủy điện Sông Hinh, tỉnh dự kiến làm con mương dẫn thủy chạy ngang Nông Trường. Còn điều gì tuyệt vời hơn khi đất bazan đủ nước tưới, nhưng đợi mãi chẳng thấy đâu!

Năm 1988, giám đốc nông trường là ông Nguyễn Danh Hữu, tiến hành giao khoán vườn cà phê cho công nhân, lời ăn lỗ chịu. Thời gian này, tôi, một giáo viên cũng được cấp cho 0,5ha cà phê để “cải thiện thêm đời sống gia đình giáo viên”, nói theo lời lãnh đạo nông trường. Bằng tự chịu trách nhiệm, công nhân chăm sóc tốt hơn, vườn cà phê khởi sắc hơn nhưng xét toàn cục đời sống công nhân vẫn khổ. Nông trường quyết định trồng thử nghiệm cây hồ tiêu ở vùng đất phía bắc núi Mái Nhà, nơi có tầng đất bazan mỏng, trộn lẫn sạn ruồi, khởi đầu với 50ha, giống được lấy từ Nông trường Tân Lâm (Quảng Trị). Phải chăng cây tiêu sẽ cứu tinh cho vùng đất này? Rất thận trọng, lãnh đạo cho chặt bỏ dần cà phê, nhưng rồi cũng dính một phen lao đao. Đó là vào năm 1998, tiêu vàng lá, khô dây chết hàng loạt, càng đổ thuốc càng chết. Lãnh đạo hoang mang, công nhân buồn hiu hắt. Năm sau, năm sau nữa cây tiêu gượng dậy. Công nhân nhận ra rằng tiêu chết bụi nào, trồng mới ngay bụi đó, sống chung với nó vậy, bởi từ sau năm 1975 đến nay chưa có cây nào mang lại hiệu suất kinh tế cao bằng cây hồ tiêu. Nhiều giáo viên của Trường cấp 2-3 Sơn Thành, trong đó có tôi, được ưu ái nhận từ 0,3 đến 1ha đất trồng tiêu, và có giáo viên đã làm giàu. Tiêu Sơn Thành hạt to, nhân cay thơm, giới tiêu dùng đánh giá chất lượng ngang với các thương hiệu tiêu Phú Quốc, Chư Sê (Gia Lai). Hằng năm, con buôn từ Đắk Lắk mua tiêu giá rẻ của Sơn Thành, bán lại dưới thương hiệu tiêu Đắk Lắk giá cao hơn!

 

Theo xu thế chung, nông trường nay đã được cổ phần hóa với tên gọi: Công ty cổ phần Vinacafe Sơn Thành theo quyết định của Chính phủ: 1736/QĐ-TTg ngày 29/10/2009, với 30% cổ phần thuộc về cán bộ và công nhân của công ty. Hiện nay, công ty có 362ha tiêu, nếu trồng hết diện tích đất còn lại, lên đến 500ha. Thu nhập bình quân (lãi ròng) mỗi hộ công nhân 60 triệu đồng/năm, một con số trong mơ của nhiều người dân ở những vùng miền khác của tỉnh Phú Yên. Ông Nguyễn Lợi, cán bộ hưu trí ở đội 1 công ty, trầm ngâm: “Đời sống công nhân chưa hẳn giàu có hết, nhưng cái được lớn nhất là mặt bằng dân trí ở đây khá cao. Hơn 50% số hộ công nhân có con em đã tốt nghiệp hoặc đang theo học bậc cao đẳng, đại học và trên đại học”. Ba mươi mấy năm qua, kinh tế có lúc thăng trầm nhưng với công tác khuyến học, các cấp lãnh đạo nông trường luôn luôn quan tâm đúng mức và hiệu quả.

 

Hãy hình dung sự đi lên của nông trường qua ngôi nhà ở của công nhân. Ban đầu nhà tranh tre, sau xây gạch lợp ngói và giờ đây nhà tầng mọc lên như nấm. Thời gian qua đi, lắng đọng lại trong lòng người dân là niềm ghi nhớ công lao của các cấp lãnh đạo nông trường, đã đồng cam cộng khổ với công nhân trong hành trình xây dựng và phát triển vùng đất đỏ bazan Sơn Thành.

 

Giám đốc Công ty cổ phần Vinacafe Sơn Thành Trần Thị Minh Thư

 

Bước đầu hồ tiêu Sơn Thành đã gia nhập Hiệp hội tiêu Việt Nam (Vietnam Pepper Assocciation). Sắp tới, chúng tôi cho trồng tiêu số diện tích còn lại theo tiêu chuẩn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices), xây dựng cơ sở chế biến tiêu trắng và tiến hành thu mua tiêu của công nhân dưới hình thức “thuận mua vừa bán”.

 

Khi tạo được thương hiệu “Hồ Tiêu Sơn Thành”, thu nhập của công nhân sẽ ổn định và chắc chắn còn cao hơn nữa.

 

PHÙNG HI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek