Chủ Nhật, 22/09/2024 08:56 SA
Phú Yên một thời Tây Sơn trung đạo - “cái nôi” của phong trào Tây Sơn (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 30/11/2010 07:23 SA

La Hiên là ngọn núi già trong hệ thống của dãy Trường Sơn đông, có độ cao 1381m, nằm ở vị trí tiếp giáp với 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai: phía bắc giáp với vùng núi huyện Vân Canh (Bình Định), tây Bắc giáp với huyện Đắc-bơt (Gia Lai).

 

sh101130.jpg

Sông Hinh - Ảnh: Đ.T

 

Đây là vùng sinh sống của đồng bào Ba-na hệ Tô lô với các buôn làng Ma Quân, Ma Kham, Ma Dú, Ma Hàm, Ma Choai, buôn Dơm, buôn Dao, làng Cát, làng Cà Te, Ma Hơ, Ma Lươm (14). Đường vào vùng này rất khó khăn, hiểm trở, nếu không có sự dẫn đường của cư dân bản địa thì khó đến được các buôn làng của người Ba- na. Trong dân gian núi La Hiên có tên gọi là Ma Thiên lãnh hoặc La Thiên lãnh với nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại (15). Tại đây, ngoài lực lượng chủ yếu là trai tráng miền đồng bằng được tuyển chọn đưa lên, còn có đông đảo đồng bào Ba- na tham gia nghĩa quân. Các lán trại được xây dựng vừa để sản xuất lương thực, vừa là nơi nghĩa quân tập luyện. Về sau, khu căn cứ của nghĩa quân được nhân dân địa phương gọi là vùng Trại Gia.

 

Bên cạnh người Ba-na tham gia nghĩa quân với lực lượng “khiên lớn giáo dài”, các dân tộc Chăm, Ê-đê vùng Hà Di cùng các thủ lĩnh Ma Khương, Y Thông cũng nhiệt tình hăng hái động viên bà con trong vùng đem trâu, bò, thóc gạo ủng hộ nghĩa quân. Họ tuyển chọn những người tài giỏi từ các thổ hào, tù trưởng để đảm nhận vị trí chỉ huy trong nghĩa quân (16). Những đội kỵ binh, tượng binh lợi hại của họ đã tạo nên sức cơ động rất lớn cho nghĩa quân. Nếu như nữ chúa Thị Hỏa ở động Thạch Thành góp hàng chục thớt voi vào nghĩa quân thì những phụ nữ người Chăm ở Hà Di tiêu biểu là Chế A-va đã đem đến các bài thuốc bằng lá rừng để chữa lành các vết thương cho voi khi luyện tập (17). Những địa danh Hòn Tượng, Gò Tượng, Cây Đa Tượng giẫm … trên vùng núi rừng huyện Đồng Xuân đã nói lên rằng nghĩa quân Phú Yên đã chú trọng xây dựng tượng binh thành lực lượng quan trọng cho cuộc khởi nghĩa. Theo lời truyền của đồng bào Chăm ở Xí Thoại, thì làng Xí thời khởi nghĩa Tây Sơn có tù trưởng Man Cai đã tham gia các trận đánh giải phóng Phú Yên những năm 1773-1775 (18).

 

Sự có mặt của đồng bào dân tộc ít người trong hàng ngũ nghĩa quân phản ánh chính sách thượng vận mà các thủ lĩnh của nghĩa quân ở Phú Yên đã đạt kết quả đáng kể trong buổi đầu tập hợp lực lượng. Điều đó được ghi lại trong ca dao ở Phú Yên thời bấy giờ:

 

“Phía Tây người Thượng hiền hòa

Kết minh cùng họ coi là bình phong”

 

Trong công trình nghiên cứu của  Li Tana  Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, tác giả nhận xét về sự có mặt của đồng bào dân tộc thiểu số trong nghĩa quân: “Phong trào đã quy tụ người Ba-na và một nhóm người Chăm ở Phú Yên”, sự có mặt của họ “đã làm thành một phần quan trọng” đối với nghĩa quân trong thời kỳ đầu (19).

 

Ngoài căn cứ chính tại núi La Hiên, nghĩa quân còn xây dựng hàng loạt căn cứ, khu vực hậu cần và thao trường luyện tập khác. Các địa danh còn tồn tại đến ngày nay như Hòn Lãnh lương, Gò Kho, Hòn Bà lãnh, Trại Đồn, đồng Bà Tạ, Cây Đa Tượng giậm…ở rừng núi huyện Đồng Xuân, chứng tỏ dọc miền tây Phú Yên là nơi nghĩa quân xây dựng căn cứ, tập hợp lực lượng. Eo Gió- một bình nguyên tương đối bằng phẳng rộng chừng non 10 hec ta giữa núi rừng phía tây Kỳ Lộ là nơi nghĩa quân lập thành căn cứ tiền tiêu. Đồng bào Chăm các làng Bà Đẩu, suối Trưởng, suối Rễ ngoài việc tham gia trực tiếp vào nghĩa quân, họ còn là lực lượng sản xuất, cung cấp lương thực trên những dây ruộng dọc sông Kỳ Lộ. Từ Eo Gió nghĩa quân có thể xuôi dốc Mò O xuống Kỳ Lộ, Đồng Hội để tập hợp lực lượng và hội quân thẳng đường tiến đánh các đồn, bảo ở La Thai (nay là La Hai) do quân chúa Nguyễn đóng giữ.        

 

 (Còn nữa)

 

(14) Bùi Tân (2004)-Địa danh huyện Đồng Xuân (lịch sử, truyền thuyết), Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Xuân xuất bản, tr.53.

(15) La Hiên là ngọn núi linh thiêng,tương truyền là nơi tiên ở. Giữa núi có giếng tiên, nước tỏa ra bốn bên đổ ra thành đầu nguồn sông Bà Lá, sông cà Lúi, suối Hà Đang, sông Bà Đài. Bên cạnh giếng có bàn cờ đá, có ghế ngồi cho các tiên ông vào những khi trăng sáng, mưa tạnh đến đánh cờ.

(16) Văn Công (2010)- Các dân tộc thiểu số miền Tây Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975), tr.38.

(17) Nguyễn Quốc Lộc, Vũ Thị Việt (1990)-Các dân tộc thiểu số ở Phú Yên-Sở Văn hóa thông tin Phú Yên xuất bản, tr.108.

(18) Tư liệu của đồng chí Ma Noa cung cấp.

(19) Li Tana (1999)- Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII- Nxb Trẻ, tr.210.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek