Chủ Nhật, 22/09/2024 09:04 SA
Phú Yên một thời Tây Sơn trung đạo - “cái nôi” của phong trào Tây Sơn (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 29/11/2010 09:30 SA

Để tập hợp lực lượng, Hưng Quốc hội chủ trương mở hội quán nhằm thu hút các anh hùng hào kiệt đến hội ngộ, đàm đạo thơ văn, luyện tập võ thuật, từ đó kết tìm người có chí hướng vào tổ chức chống lại chế độ cai trị của họ Nguyễn. Lúc bấy giờ, nhiều học xá (trường học), thi xã được mở ở các phủ, huyện khắp xứ Đàng Trong, nên chủ trương mở hội quán của Hưng Quốc hội đã tránh được sự dòm ngó của chính quyền họ Nguyễn ở Phú Yên.

 

la-hai101129.jpg

La Hai - Đồng Xuân - Ảnh: Đ.LÊ

 

Ở Quảng Ngãi, Nguyễn Tấn Trực mở Long Điềm học xá vùng Sơn Tịnh, Nguyễn Văn Chương mở Ngân Phong học xá vùng Mộ Đức thu hút nhiều người tài giỏi đến học, đàm luận thế sự. Phủ Quy Nhơn, Phạm Văn Trọng lập Phù Ly học xá tại huyện Phù Ly; Trần Long Vỹ và Đinh Sĩ An mở Lưỡng Hoài Thi xã tập hợp danh sĩ 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn tham gia (1).

 

Ở phủ Phú Yên, Lương Văn Cương được giao nhiệm vụ mở Sầm Sơn thi xã tại làng Phụng Các để tập hợp danh sĩ không chỉ ở huyện Đồng Xuân mà cả vùng Tuy Hòa cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung. Nhờ vậy mà nhiều hào kiệt và người có chí lớn đã đến đây tham gia học văn, luyện võ như Phan Văn Biên, Võ Văn Dũng, Lương Phụng Tường, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Hóa, Nguyễn Thế Tử, Nguyễn Học…(2) Từ thi xã này, nhiều người đã trưởng thành, về sau có những đóng góp lớn lao cho phong trào Tây Sơn.

 

Võ Văn Dũng là người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Theo sách Nhà Tây Sơn, thì năm 20 tuổi Dũng theo những người đi buôn ngựa vào Phú Yên. Vốn là người có khiếu và ham học võ, khi vào huyện Đồng Xuân nghe danh Sầm Sơn thi xã tổ chức dạy võ cho nhiều bậc hào kiệt nên Dũng xin theo học và thọ giáo thầy chưởng môn Lương Văn Cương. Ngoài các môn quyền, cước, Dũng được học kiếm thuật với “trường kiếm và đoản đao, cách đánh trên đất, trên ngựa, lúc dùng một món, lúc dùng cả đôi. Dũng tập luyện ngót năm trời mới thành thục”(3) Sau khi tinh thông võ thuật, Dũng xin từ biệt trở về Tuy Viễn phụng dưỡng mẹ già và ghi nhớ lời thầy dặn giấu kín võ công:”Học võ là để phòng thân và dẹp nỗi bất bình khi gặp, chớ không phải để đấu sức khoe tài”(4). Ông kết thân và thường đi lại với Nguyễn Nhạc. Ngoài Nguyễn Nhạc ra, khách võ lâm không ai biết ông là người có võ nghệ cao cường.  Năm 1771, khi Nguyễn Nhạc phất cờ khởi nghĩa, Võ Văn Dũng đến tham gia từ đầu và trở thành một trong “thất hổ tướng” và là đại thần trụ cột  của nhà Tây Sơn.

 

Ngoài Võ Văn Dũng được Sầm Sơn thi xã đào tạo trở thành người giỏi võ, có cống hiến xuất sắc trong phong trào Tây Sơn, các danh sĩ Nguyễn Quang Huy, Phan Văn Biên, Nguyễn Thế Tử, Lưu Quốc Hưng, Châu Hữu Mỹ, Lương Phụng Tường, đều là người am hiểu văn chương, giỏi võ thuật, thông binh pháp …góp sức rất lớn cho khởi nghĩa Tây Sơn trên đất Phú Yên.

 

Bên cạnh việc chú trọng công tác đào tạo nhân tài, hào kiệt, các thủ lĩnh Hưng Quốc hội còn liên lạc với các sách đồng bào dân tộc thiểu số miền rừng núi phía tây Phú Yên, chủ yếu tập trung vào lực lượng của nữ chúa Chàm Thị Hỏa ở động Thạch Thành (nay là vùng đất thuộc xã Sơn Thành và huyện Sơn Hòa), vua Thủy Xá (Pơtau Ea), vua Hỏa Xá (Pơtau Apui) ở xứ Nam Bàn. Các giáo sĩ phương Tây có mặt trong những ngày đầu cuộc khởi nghĩa đã mô tả lực lượng đồng bào dân tộc ít người có mặt trong nghĩa quân, giáo sĩ Diego Jumilla viết: “Cùng theo nghĩa quân cũng có bọn giặc núi từ miền núi giữa hai hạt Quy Nhơn và Phú Yên” (5).

 

Sau một thời gian tập hợp lực lượng, đào tạo hào kiệt chuẩn bị cho cuộc nổi dậy, Hưng Quốc hội thấy rằng đã đến lúc xây dựng căn cứ, tích trữ binh lương chờ thời cơ khởi sự. Vùng rừng núi phía tây huyện Đồng Xuân với dãy núi cao La Hiên hiểm trở  được chọn làm căn cứ của nghĩa quân.

 

(Còn nữa)

 

------------------------

(2) Theo Võ Gia thế truyền  của Võ Văn Cao và Khánh-Thuận Bình Tây lược ký của Nguyễn Trung Mưu.

(1)(3)(4) Quách Tấn, Quách Giao (2000)-Nhà Tây Sơn- Nxb Trẻ, tr.157, 41, 41.

(5) Bulletin de la Societé Etudes Indochinoise (BSEI), Nouvelle serie, T.XV, N03-4, 1940, p.75.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek