Chủ Nhật, 22/09/2024 08:35 SA
Phú Yên thời Tây Sơn (1773-1801)(Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 12/11/2010 14:00 CH

2. Xây dựng căn cứ và lực lượng quân đội Tây Sơn ở Phú Yên:

 

Về quân đội, triều vua Thái Đức thì lính mộ chứ không bắt. Binh chia làm 6 cấp: quân, sư, lữ, tốt, lượng, ngũ. Mỗi ngũ có 5 người. Lượng có 5 ngũ, tức 25 người. Tốt có 4 lượng tức 1.000 người. Lữ gồm có 5 tốt, tức 500 người. Sư gồm 5 lữ, tức 2.500 người. Quân gồm 5 sư tức 12.500 người.

 

thanh-pho101112.jpg

TP Tuy Hòa - Ảnh: Đ.LÊ

 

Quân đội Tây Sơn lúc này có 12 quân đoàn, cả bộ binh và thủy binh. Trong đó có 2 lữ đoàn nữ binh với 100 thớt voi do Bùi Thị Xuân chỉ huy.

 

Trong việc bổ sung lực lượng, tăng cường trang bị cho nghĩa quân, cung cấp lương thực và vật lực... quân đội Tây Sơn đã tiếp nhận nguồn lực to lớn từ nhân dân Phú Yên, cả sức người và sức của.

 

Tây Sơn có đội tượng binh rất hùng mạnh, đóng vai trò quan trọng bảo đảm thắng lợi trong nhiều trận chiến lịch sử. Quy Nhơn và Phú Yên đã cung cấp số lớn voi cho tượng binh Tây Sơn. Trong đó có đàn voi của nữ chúa Thị Hỏa ở Thạch Thành.

 

Cristophoro Bori đã viết về voi ở đây hồi bấy giờ: “Có rất nhiều voi ở xứ Đàng Trong. Voi ở đây lớn gấp hai voi Ấn Độ. Chân và vết chân nó để lại đo chừng một piê rưỡi đường kính. Răng thò ra từ miệng gọi là ngà voi thì thường dài đến mười bốn piê, đó là voi đực. Ngà của voi cái thì ngắn hơn nhiều. Vì thế người ta dễ nhận thấy voi ở xứ Đàng Trong lớn hơn voi người ta vẫn dẫn đi diễu ở châu Âu tới mức nào - ngà của con voi này chưa được hai piê rưỡi” (1)

 

Đàn voi chiến là những con voi đã được đào tạo để hung dữ theo lệnh, sử dụng như một mũi xung kích trong chiến đấu và cũng là một sát thủ giết người bằng cách tung lên, dày đạp, xé nát đối phương.

 

Đàn voi chiến của người Chăm ở Phú Yên cống hiến đã giúp cho đội tượng binh của Tây Sơn tăng cả về lượng và chất. Những khu rừng từ An Khê vào đến Thồ Lồ (Phú Yên) là thao trường tập voi và nữ tướng Bùi Thị Xuân là người chỉ huy. Bà Chế Ava ở Phú Yên đã giúp cho Bùi Thị Xuân cách dùng các lá rừng làm thuốc chữa lành vết thương cho voi khi luyện tập cũng như trong chiến đấu (2).

 

Phú Yên là nơi có nhiều ngựa và ngựa tốt, cũng đã cung cấp cho lực lượng kỵ binh Tây Sơn nhiều chiến mã. Đội Kỵ binh do Nguyễn Quang Sáng chỉ huy ở La Hiên với hàng trăm dũng sĩ tài ba. Họ người nào cũng cao lớn, gan dạ, đều có tài cưỡi ngựa. Ngựa đang chạy, lên lưng một cách nhẹ nhàng, ngựa đang sải nhảy xuống ngựa cũng gọn gàng. Ra trận chỉ biết tới chứ không biết lui. Họ hết lòng trung thành với chủ tướng.

 

Thủy quân Tây Sơn ra đời và nhanh chóng phát triển thành lực lượng hùng hậu. Cửa biển Vũng Lắm ở Phú Yên cùng cửa biển Thị Nại ở Quy Nhơn là nơi ra đời của thủy quân Tây Sơn, từng là chiến trường ác liệt của quân Tây Sơn và thủy binh của Chúa Nguyễn, là nơi xuất phát của các đạo quân Tây Sơn đi đường biển vào Nam ra Bắc đánh thắng nhiều trận vang dội diệt cả thù trong và giặc ngoài.

 

Ở Phú Yên, xưởng đóng thuyền chiến của Tây Sơn tại cửa biển Vũng Lắm. Gỗ tốt để làm thuyền thì được khai thác ở vùng rừng núi phía tây, dọc theo sông Đà Rằng mà đưa xuống. Lực lượng phát triển rất nhanh nên cần nhiều thuyền chiến cung cấp kịp thời. Họ làm được cả những thuyền lớn, gọi là “đại hiệu”, như những pháo đài di động trên mặt nước, trên có lập chòi gác đặt súng lớn. Kỹ thuật đóng thuyền cao. Người phương Tây có mặt ở Đàng Trong lúc bấy giờ nhận xét: “... Có một nghề đặc biệt trong các nghề mà xứ Đàng Trong hiện nay có thể tự hào, đó là nghề đóng thuyền biển... thuyền của họ đi không nhanh, nhưng rất an toàn, bên trong được chia thành nhiều khoang. Loại thuyền này rất chắc, có thể va vào đá ngầm mà không chìm, và nước chỉ vào được một khoang mà thôi...” (3)

 

Vũ khí của nghĩa quân Tây Sơn lúc ban đầu phần nhiều là cung nỏ, gươm đao, kiếm kích và ít súng điểu thương đã mau chóng được tăng cường nhiều vũ khí lợi hại. Nhiều súng đại bác, khi ra trận dùng voi chở hoặc đặt trên các thuyền lớn đại hiệu, mỗi thuyền đến 50-60 khẩu. Loại vũ khí lợi hại mà quân Tây Sơn sử dụng giỏi làm cho quân thù khiếp sợ là các thứ hỏa cầu, hỏa hổ, hỏa long:

 

- Hỏa cầu (lưu hoàng) là loại quả nổ dùng để ném hoặc bắn, có tác dụng như lựu đạn hoặc phóng lựu. Tùy chất nổ mà quả nổ có thể tạo ra khói độc, nhựa cháy, mảnh vụn sát thương.

 

Hỏa hổ của quân Tây Sơn được mô tả là: “hỏa đồng còn có tên là hỏa hổ, có bầu lớn dài chừng một thước, khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy...” (4)

 

- Hỏa long được sử dụng trong những trận thủy chiến để đốt cháy tàu địch. Cả hỏa long và hỏa hổ đều chủ yếu dùng tre nứa làm ống chứa thuốc.

 

Người thời đó đã truyền tụng là:

 

“Hổ tự Tây Sơn xuất

Long tòng Đông hải lai”

 

Nghĩa là:

Hỏa hổ xuất phát từ vùng núi phía Tây

Hỏa Long nguồn gốc từ biển cả phía Đông.

 

Rừng núi Phú Yên có những nguyên liệu để chế tạo ra các loại vũ khí nói trên và mở những xưởng đúc rèn vũ khí lớn cho quân đội Tây Sơn. Dấu tích của hoạt động này còn để lại ở Lỗ Chảo, Ngân Điền, Sơn Xuân,... ở Phú Yên. Lực lượng nghĩa quân Tây Sơn nhanh chóng phát triển vượt bậc cả số lượng và chất lượng.

 

(Còn nữa)

 

____________

(1) Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, NXB TP Hồ Chí Minh, 1998 (từ sau sách chỉ ghi là Xứ Đàng Trong năm 1621), tr.37

(2) Nguyễn Quốc Lộc, Vũ Thị Việt, Các dân tộc thiểu số ở Phú Yên, Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên, 1990 (từ sau sách chỉ ghi Các dân tộc thiểu số ở Phú Yên), tr.108

(3) C.Borri, Relation de la Cochinchine, Lille, 1631, p.41

(4) Như trên, tr.43

 

Phó giáo sư  NGUYỄN QUỐC LỘC

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ HẬU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek