Chủ Nhật, 22/09/2024 08:35 SA
Phú Yên thời Tây Sơn (1773-1801) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 11/11/2010 07:35 SA

Nguyễn Nhạc đã cử các quan chức để cai quản binh dân của triều Thái Đức. Cử Phan Văn Lân làm Nội hầu, Trần Quang Diệu - Thiếu phó, Võ Văn Dũng - Đại tư khấu, Ngô Văn Sở - Đại tư mã, Võ Đình Tú - Thái úy, Võ Xuân Hoài - Trung thư lệnh, Bùi Thị Xuân làm Đô đốc Đại tướng quân.

 

Vùng đất Tây Sơn làm chủ vào năm 1778, từ Quảng Nam đến Hà Tiên. Về tổ chức hành chánh các địa phương, Tây Sơn bỏ cấp dinh, chỉ để phủ, huyện. Đứng đầu phủ là an phủ sứ đối với phủ lớn và phòng ngự sử đối với phủ nhỏ. Phủ Phú Yên do an phủ sứ cai quản.

 

thap-nhan101111.jpg

Tháp Nhạn - Ảnh: Đ.LÊ

 

Ở huyện có chức tri huyện cùng chức văn phân tri coi việc kiện cáo và chức võ phân xuất coi việc binh lương. Tổng thì có chánh tổng, phó tổng. Xã thôn có xã trưởng, thôn trưởng.

 

Nhà Tây Sơn đặt ra hộ tịch, chia dân ra làm bốn hạng:

 

- Từ 9 đến 17 tuổi gọi là Vị cập cách hạng.

 

- Từ 18 đến 55 tuổi gọi là Tráng hạng

 

- Từ 56 đến 60 tuổi gọi là Lão hạng

 

- Từ 61 tuổi trở lên gọi là Lão nhiêu

 

Những người từ 18 đến 55 tuổi phải đi lính. Những gia đình độc đinh thì được miễn. Trong gia đình đông con, cứ ba tráng đinh thì đi nhập ngũ một người. Khi cần thiết lắm mới phải đi hai người. Để tiện việc kiểm soát dân đinh, nhà Tây Sơn đặt ra tín bài. Tín bài là một chiếc thẻ, một phía thì ghi tánh danh, quán chỉ và dấu lăn tay hay chữ ký của chủ nhân chiếc thẻ, một phía có đóng dấu ấn có bốn chữ “Quốc gia đại tín”. Người nào không có tín bài thì bị bắt sung vào phòng dịch.

 

Theo dụ của vua Thái Đức, các tổng lý phải làm sổ điền kê khai đầy đủ ruộng đất canh tác và ruộng đất bỏ hoang. Những ruộng bỏ hoang trong thời gian sau một năm mà không được khai thác trở lại thì các quan chức địa phương bị trị tội. Tuần phủ Phú Yên phải phân bố đưa những người nghèo khổ ở những nơi đông đúc đi cày cấy làm ăn ở nơi có ruộng đất bỏ hoang. Chính quyền địa phương phải giúp đỡ phương tiện. Với các biện pháp giải quyết tình trạng dân phiêu tán và thanh toán nạn ruộng đất bỏ hoang, nền kinh tế Phú Yên được phục hồi.

 

Chính sách thuế khóa trên địa bàn Phú Yên dưới thời Tây Sơn tương đối đơn giản. Thuế ruộng có hai loại: thuế ruộng công và thuế ruộng tư, nộp bằng lúa làm ba hạng. Thuế ruộng đất công hạng nhất mỗi mẫu nộp 150 bát thóc, hạng nhì 80 bát, hạng ba 30 bát thóc. Thuế ruộng đất tư hạng nhất mỗi mẫu nộp 40 bát thóc, hạng nhì nộp 30 bát, hạng ba nộp 20 bát thóc (một bát chứa được 84.000 hạt thóc, bằng 7 cáp).

 

Ngoài ra, mỗi mẫu ruộng công còn nộp thêm tiền thập vật 1 tiền và tiền khoán khố 50 đồng. Mỗi mẫu ruộng tư nộp tiền thập  vật 1 tiền và tiền khoán khố 30 đồng. Tiền thập vật là tiền công trả cho người đứng thâu thuế, còn tiền khoán khố là tiền tồn kho.

 

Các loại thuế nhân đinh, thuế thổ sản, thuế công thương đều được giảm nhẹ hay bãi bỏ nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển. Như vậy, chính quyền Tây Sơn tiếp tục công nhận hiện trạng phân phối ruộng đất và để yên cho chế độ tư hữu về ruộng đất tồn tại và tiếp tục phát triển.

 

Triều đại Nguyễn Nhạc đã cho đúc tiền, hiệu là “Thái Đức thông bảo”. Nếu tính cả tiền “Quang Trung thông bảo” do Nguyễn Huệ cho đúc và tiền “Cảnh Thịnh thông bảo” do Nguyễn Quang Toản cho đúc thì các vương triều Tây Sơn trong vòng 25 năm đã đúc 37 hiệu tiền. Đúc được tiền và được dân tín nhiệm tiêu dùng rộng rãi khắp nơi trong nước là một khâu quan trọng trong chính sách kinh tế của Tây Sơn.

 

Năm 1786, sau khi đánh lấy Phú Xuân và tiến ra Bắc Hà, Nguyễn Nhạc đã phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương đóng đô ở Phú Xuân, coi từ Hải Vân đến Nghệ An, phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương coi đất Gia Định. Nguyễn Nhạc làm Trung ương Hoàng đế.

 

Sau đó lại lấy Bến Ván làm nơi giao đất cho Nguyễn Huệ. Nguyễn Nhạc chỉ còn từ Quảng Ngãi trở vào đến Bình Thuận. Phủ Phú Yên nằm trong vùng cai quản của Trung ương Hoàng đế.

 

Việc phân chia làm ba khu vực cai trị, lại xung đột lẫn nhau, cho nên tình hình biến chuyển xã hội cũng như chính sách của các thủ lĩnh Tây Sơn ở mỗi khu vực không có sự thống nhất.

 

Chính quyền của Đông Định Vương Nguyễn Lữ thực tế chỉ tồn tại được một năm (1786-1787), chưa thực hiện được chính sách gì trong phạm vi cai trị của mình. Ngay đến nhiệm vụ đồn trú, ngăn chặn mưu đồ phản công của đối phương cũng không thực hiện được.Trong thất bại nhanh chóng của Tây Sơn ở Gia Định, Nguyễn Lữ bạc nhược và bất lực phải chịu trách nhiệm lớn, mà Nguyễn Nhạc lại không quan tâm tăng viện làm cho Nguyễn Lữ thất bại nhanh chóng hơn trong cuộc chiến với Nguyễn Ánh. Năm 1787, Nguyễn Ánh từ Xiêm đem quân về đánh, Nguyễn Lữ đã bỏ thành Gia Định chạy về Biên Hòa rồi chạy về Quy Nhơn và bị bệnh chết.

 

Trong ba anh em Tây Sơn, vương triều của Nguyễn Huệ tồn tại vững chắc nhất và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của xã hội Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII. Trên vùng đất cai quản rộng lớn của mình, Quang Trung đã thực hiện nhiều chính sách tiến bộ, những cải cách toàn diện và sâu sắc, tạo bước ngoặt cho đất nước phát triển. Tiếc thay, Quang Trung đã đột ngột qua đời, lúc chưa đầy 40 tuổi.

 

Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc thực tế chỉ cai trị một vùng đất nhỏ hẹp với các phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn và Phú Yên. Là người lãnh đạo có đóng góp quan trọng và quyết định những thắng lợi buổi đầu của phong trào Tây Sơn, nhưng Nguyễn Nhạc đã sớm thoái hóa. Hoài bão của người nông dân khởi xuất phong trào giờ đây thu hẹp lại trong việc xưng đế, thỏa mãn với thắng lợi, không nhìn thấy mưu đồ phục hồi nguy hiểm của Nguyễn Ánh đang chực sẵn phía nam.

 

(Còn nữa)

 

Phó giáo sư  NGUYỄN QUỐC LỘC

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ HẬU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek