Chủ Nhật, 22/09/2024 09:05 SA
Phú Yên thời Tây Sơn (1773 - 1801) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 13/11/2010 07:00 SA

IV. CUỘC CHIẾN NGUYỄN ÁNH - TÂY SƠN TRÊN ĐẤT PHÚ YÊN TỪ 1793 ĐẾN 1801:

 

Công cuộc khôi phục chính quyền của nhà Nguyễn được Nguyễn Ánh thực hiện qua các giai đoạn:

 

* Thời kỳ Nguyễn Ánh lưu vong và cầu viện bên ngoài (1777-1787)

 

* Thời kỳ Nguyễn Ánh chiếm lại và xây dựng lực lượng ở Gia Định (1787-1790)

 

* Thời kỳ Nguyễn Ánh phản công Tây Sơn (1790-1800)

 

* Thời kỳ Nguyễn Ánh tấn công Tây Sơn và thắng lợi của Nguyễn Ánh (1800-1802).

 

vung-lam101113.jpg

Vũng Lấm - Ảnh: Đ.THẮNG

 

Trong đó, ở hai thời kỳ sau, phủ Phú Yên có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả hai bên. Cho nên, Tây Sơn quyết thủ giữ Phú Yên và Nguyễn Ánh cũng bằng mọi giá lấy cho được Phú Yên. Cuộc chiến ác liệt giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh trên đất Phú Yên diễn ra từ năm 1793 và kết thúc vào năm 1801, khi Nguyễn Ánh làm chủ Phú Yên.

 

Ngày 10 tháng 9 năm Nhâm Tý (1792), Quang Trung – Nguyễn Huệ đột ngột từ trần. Trước khi qua đời, trong bài “Hịch truyền quan lại quân dân các phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn” đề ngày 10 tháng 7 năm Nhâm Tý, Nguyễn Huệ đã viết: “Từ hơn 20 năm nay, tất cả các ngươi từ lớn đến nhỏ đều không ngừng chịu ơn huệ của anh em Tây Sơn ta. Trong suốt thời gian đó, nếu anh em ta đã giành được những thắng lợi trong Nam ngoài Bắc thì rõ ràng cũng là nhờ vào lòng trung thành của hai phủ. Chính ở đây anh em ta đã tìm thấy những người dũng cảm và những bề tôi lương đống để lập nên triều đình. Nơi đâu anh em ta kéo quân đến là kẻ thù đều bị đánh cho thất bại và tan tác, nơi đâu anh em ta đã mở rộng chinh chiến là bọn quân Xiêm và quân Thanh tàn bạo đều phải quy hàng”. Trong văn bản lịch sử này, Nguyễn Huệ đã viết: “Phủ Phú Yên đã từng luôn luôn là trung tâm chiến tranh”1

 

Thế đất lợi hại và sức người to lớn ở Phú Yên trong gần 20 năm qua (1773-1792) được Quang Trung biểu dương mạnh mẽ.

 

Sau khi Quang Trung chết, Nguyễn Ánh tập trung lực lượng lớn đánh Quy Nhơn. Quân Nguyễn có gần 15 vạn bộ binh và thủy binh, có nhiều tàu bọc vỏ đồng do người phương Tây điều khiển, như tàu Thoại Phụng do Barizi điều khiển, tàu Loan Phi do Chaigneau, tàu Bằng Phi do De Forcan và tàu Phương Phi do Vannier điều khiển.

 

Tháng 4/1793, Nguyễn Ánh thân chinh đi đánh Quy Nhơn lần thứ nhất. Phải đánh lấy Phú Yên trước. Thuyền của Nguyễn Ánh tiến vào đóng ở cửa biển Xuân Đài (Phú Yên)2. Trước đó, Mai Tiến Vạn đã đem quân đến vùng thượng đạo Phú Yên đặt phục binh ở nơi hiểm yếu. Nguyễn Ánh sai Võ Tánh đem quân đánh bảo La Hai. Tham đốc Tây Sơn là Phạm Văn Điềm thua chạy.

 

Quân Nguyễn lấy lại được Phú Yên. Nguyễn Ánh cho đặt quan công đường dinh Phú Yên, cử Nguyễn Văn Nhân làm Lưu thủ, Nguyễn Y Mân làm Cai bạ và Nguyễn Văn Diệu làm Ký lục.

 

Thuyền Nguyễn Ánh tiến ra cửa Thị Nại (Quy Nhơn), cho quân vây Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc viết thư cầu cứu Quang Toản, con Quang Trung lên nối ngôi lấy niên hiệu Cảnh Thịnh. Cảnh Thịnh liền cho quân vào Quy Nhơn, nhưng đánh đến đâu thì chiếm đất của Nguyễn Nhạc đến đấy. Nguyễn Nhạc quá uất ức mà chết. Vùng đất Quy Nhơn - Phú Yên được sát nhập vào khu vực cai trị của Quang Toản.

 

Nguyễn Ánh liệu thế chống cự Tây Sơn không nổi, bèn hạ lệnh rút lui vào cố giữ Phú Yên.

 

Thuyền Nguyễn Ánh từ cửa Thị Nại vào đóng ở cửa Xuân Đài 3. Sai Tôn Thất Hội lấy bộ binh ở lại trấn thủ Phú Yên, Nguyễn Huỳnh Đức quản hai chi Túc oai và Kiến võ giữ trung đạo La Hai, Nguyễn Long cai quản chi Chấn võ giữ thượng đạo Thạch Thành. Vũ Văn Lượng và Nguyễn Văn Nhân quản 36 chiếc sai thuyền giữ hạ đạo Vũng Lấm, đều do Tôn Thất Hội điều bát.

 

Tháng 10/1793, Tôn Thất Hội hoảng sợ lo không giữ được Phú Yên, dâng biểu tâu lên Nguyễn Ánh xin rút. Nguyễn Ánh dụ quở Tôn Thất Hội: “Đất Phú Yên là nơi đứng mũi chống giặc, được khanh ở đó ta mới yên lòng. Thế mà khanh là đại tướng trấn nơi trọng yếu, thấy giặc nhòm ngó mà đã sợ không dám tiến, lại vô cớ muốn lui quân, chẳng phải là tự mình tỏ ra hèn yếu để cho giặc cười sao. Huống chi thượng đạo thì có Nguyễn Long, hạ đạo thì có Nguyễn Văn Nhân, đủ giúp đỡ nhau. Nếu giặc đến mà chống không nổi, bấy giờ lui cũng chưa muộn. Nay, nếu sợ giặc mà muốn lánh thì đem đầu về hiến, tự có tướng khác thay ngay” 4

 

Tháng 11, Nguyễn Ánh triệu Tôn Thất Hội về, khiến Vũ Văn Lượng và Nguyễn Long hiệp với lưu thủ Nguyễn Văn Nhân để cùng giữ Phú Yên. Lại sai Mạc Văn Tô và Nguyễn Đức Thành từ Diên Khánh ra Phú Yên hội đồng với Vũ Văn Lượng trù tính việc giữ Phú Yên.

 

Tháng 3/1794, vua Cảnh Thịnh của Tây Sơn phái Thái úy Nguyễn Văn Hưng đem 40.000 quân bộ vào đánh lấy lại Phú Yên.

 

Nguyễn Quang Huy vốn là tướng tài của Tây Sơn, sau khi bại binh ở Bình Thuận về lại quê Phú Yên chiếm cứ một nơi hiểm yếu trong dãy núi Cù Mông đợi dịp lập công chuộc tội. Nay, dịp may đã đến, Nguyễn Quang Huy liền đem quân ra phối hợp với Nguyễn Văn Hưng.

 

Sau khi đánh thắng quân Nguyễn Ánh, Nguyễn Văn Hưng giao Nguyễn Quang Huy ở lại trấn giữ Phú Yên, còn mình thì kéo quân vào đánh Bình Khang rồi họp quân với Trần Quang Diệu đánh thành Diên Khánh.

 

Nguyễn Ánh ra lệnh cho con là Đông cung Cảnh cố giữ thành Diên Khánh và đích thân kéo quân ra giải vây. Trần Quang Diệu lui quân thủy về Quy Nhơn. Nguyễn Văn Hưng lui quân bộ về Phú Yên.

 

Nguyễn Ánh đánh ra Phú Yên. Tháng 5, thuyền Nguyễn Ánh tiến đóng ở cửa biển Xuân Đài5, sai Võ Tánh đem quân đánh ở Hội An và Thị Dã. Bộ binh của Đông cung Cảnh và Nguyễn Văn Thành từ Diên Khánh ra Phú Yên. Nguyễn Ánh dụ cho Đông cung:”Con nên ra lệnh cho Nguyễn Văn Thành cùng các tướng tùy địa thế đặt đồn bảo ở khoảng La Thai và Hà Nha, lại đặt thêm trọng binh ở Cù Mông. Hễ giặc tiến thì ta lùi, giặc lùi thì ta tiến, làm thế “bạng duật tương trì”, chờ khi ta phá được thủy binh giặc thì bây giờ sẽ đánh úp lấy thành Quy Nhơn”.

 

 (Còn nữa)

 

1. Lịch sử Việt Nam, Tập IV, Sđd, tr.353.

2. Đại Nam thực lục, Sđd, tr.294.

3. Đại Nam thực lục, Sđd, tr.299.

4. Đại Nam thực lục, Sđd, tr.300.

5. Đại Nam thực lục, Sđd, tr.308

Phó giáo sư  NGUYỄN QUỐC LỘC

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ HẬU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek