Chủ Nhật, 22/09/2024 08:35 SA
Phú Yên thời Tây Sơn (1773-1801) (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 07/11/2010 07:30 SA

Mùa thu năm 1773, lực lượng nghĩa quân Tây Sơn đã lên đến vài vạn người và đánh chiếm được phần lớn phủ Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc với trách nhiệm Đệ nhất trại chủ chỉ huy hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn, cử Nguyễn Thông làm Đệ nhị trại chủ chỉ huy huyện Tuy Viễn và Huyền Khê làm Đệ tam trại chủ phụ trách quân lương. Nguyễn Nhạc cho quân bao vây thành Qui Nhơn. Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên và toàn bộ binh lính bỏ thành Quy Nhơn chạy trốn. Nguyễn Nhạc đem quân lên phía bắc đánh chiếm các kho thóc ở Kiến Dương và Đạm Thủy. Đốc trưng Đằng chạy trốn nhưng bị Nhạc đuổi theo giết được. Tiếp đó, nghĩa quân tiến ra Quảng Ngãi, Quảng Nam. Đi đến đâu nghĩa quân Tây Sơn cũng được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Lúc bấy giờ có hai thương nhân người Hoa ở Quảng Nam là Tập Đình và Lý Tài tự lập ra các đội “Trung nghĩa quân” và “Hòa nghĩa quân” rồi đem toàn bộ lực lượng gia nhập Tây Sơn.

 

Chúa Nguyễn ở Phú Xuân nghe tin Tây Sơn đã chiếm Qui Nhơn và đang đánh ra phía bắc rất hoảng hốt. Trương Phúc Loan sai bốn viên tướng là Nguyễn Cửu Thống, Nguyễn Cửu Sách, Tống Sùng và Đỗ Văn Hoàng đem đại quân vào Quy Nhơn. Nghĩa quân Tây Sơn đã phục kích đánh bại quân Nguyễn tại Bến Đá, các tướng Nguyễn đều bị giết chỉ còn Nguyễn Cửu Sách thu tàn quân chạy trốn. Trận thắng lớn ở Bến Đá (Thạch Tân, Thăng Bình, Quảng Nam) nâng cao thanh thế của nghĩa quân và cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quật khởi của các tầng lớp bị áp bức.

 

Cuối năm 1773, Chúa Nguyễn cử Tôn Thất Hương làm tiết chế nội quân đi đánh Tây Sơn, nhưng quân của Hương đã bị Lý Tài và Tập Đình đặt phục binh ở núi Bích Kê (nay thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đánh cho tan tác. Tôn Thất Hương tử trận.

 

II. NHÂN DÂN PHỦ PHÚ YÊN VỚI PHONG TRÀO TÂY SƠN

 

1. Các tầng lớp nhân dân Phú Yên tham gia khởi nghĩa Tây Sơn năm 1773:

 

Cuộc khởi nghĩa dấy lên năm 1771 ở ấp Tây Sơn vang dội đến Phú Yên và nhân dân Phú Yên đã hướng về cuộc khởi nghĩa ngay từ đầu. Miền tây Phú Yên là vùng rừng núi rộng lớn Trường Sơn cận kề và liền mạch với núi rừng ở Tây Sơn Thượng đạo. Việc mở rộng căn cứ, xây dựng lực lượng nghĩa quân, những người lãnh đạo khởi nghĩa Tây Sơn đã nhắm đến vùng rừng núi Phú Yên. Người BaNa ở Thồ Lồ (Phú Yên) sớm có mặt trong “đội quân ở trần đóng khố, đi đầu xung trận” của nghĩa quân Tây Sơn. Giáo sĩ Digo De Jumilla có mặt lúc bấy giờ còn viết: “... Cùng đi theo (Tây Sơn) có bọn giặc núi từ miền núi của hai hạt Quy Nhơn và Phú Yên”.

 

Năm Quý Tỵ (1773), ngay sau khi đánh chiếm được thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc đã thừa thắng đưa nghĩa quân ra chiếm Quảng Ngãi, đồng thời cử Nguyễn Lữ vào ngay Phú Yên thăm dò tình hình, liên lạc với các tù trưởng ở miền núi, vận động các thân hào nhân sĩ ở miền xuôi, chuẩn bị để nghĩa quân Tây Sơn vào giải phóng Phú Yên.

 

Mùa đông năm 1773, Ngô Văn Sở được cử làm Chinh Nam đại tướng quân đưa lực lượng vào đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn phủ Phú Yên.

 

Đông đảo các tầng lớp nhân dân ở Phú Yên đã hăng hái hưởng ứng, tích cực tham gia phong trào Tây Sơn. Từ vùng đồng bằng đến miền núi, người Kinh cũng như các dân tộc thiểu số, đều ủng hộ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

 

Nhiều người ở Phú Yên sớm gia nhập nghĩa quân, có đóng góp to lớn, trở thành tướng lĩnh giỏi của quân đội Tây Sơn. Có người trở thành những nòng cốt, những công thần lớn của vương triều Tây Sơn. Sử sách lưu danh khá nhiều tên tuổi mà sự nghiệp của họ bắt đầu từ những ngày lịch sử năm 1773 và sau đó trên đất quê hương Phú Yên.

 

Cùng với Nguyễn Lữ vào Phú Yên có Nguyễn Văn Lộc và Võ Văn Cao (quê ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên). Nguyễn Văn Lộc được cử làm Trấn thủ phủ Phú Yên đầu tiên thời Tây Sơn. Còn Võ Văn Cao tham gia phong trào Tây Sơn từ đầu, có công xây dựng lực lượng Tây Sơn hữu đạo ở núi La Hiên (Phú Yên). Sau làm đến chức Quốc tử giám trực giảng, dưới triều Quang Trung thăng Thái Tử trung doãn.

 

Lê Văn Hưng một võ sĩ nức tiếng ở Phú Yên, sớm có mặt trong hàng ngũ nghĩa quân do Ngô Văn Sở chỉ huy vào đánh chiếm Phú Yên.

 

Võ Văn Dũng làm nghề buôn ngựa ở Phú Yên, là người có võ nghệ cao cường, được võ sư Lương Văn Cương (hậu duệ Lương Văn Chánh, ở Tuy Hòa) dạy cho môn trường kiếm và đoản đao. Tham gia khởi nghĩa từ đầu và Võ Văn Dũng trở thành một đại công thần lập quốc của triều Tây Sơn.            

 

 (Còn nữa)

 

Phó giáo sư  NGUYỄN QUỐC LỘC

Tiến sĩ  NGUYỄN THỊ HẬU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek