Chủ Nhật, 22/09/2024 08:37 SA
Phú Yên thời Tây Sơn (1773-1801)
Thứ Tư, 03/11/2010 13:24 CH

I. KHỞI NGHĨA TÂY SƠN:

 

1. Nguyên nhân dẫn đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn:

 

Vào đầu thế kỷ XVIII, trong khi ở Đàng Ngoài mâu thuẫn của xã hội phát triển đến độ gay gắt chưa từng thấy đưa đến nền kinh tế suy thoái rất nặng nề, thì ở Đàng Trong các chúa Nguyễn tiếp tục đẩy mạnh cuộc khai khẩn vùng đất phía nam, củng cố cơ sở cát cứ, nên vẫn còn tương đối ổn định. Nhưng từ khoảng giữa thế kỷ XVIII trở đi, do sự phát triển của những mâu thuẫn nội tại, nền kinh tế Đàng Trong cũng nhanh chóng suy yếu, đời sống nhân dân sa sút cơ cực.

 

lang-que101103.jpg

Làng quê - Ảnh: Đ.LÊ

 

Nạn chiếm đoạt ruộng đất diễn ra ở khắp nơi, nhất là ở vùng Thuận Quảng, nơi đã khai thác từ lâu. Ở Phú Yên và vùng đất mới, nông dân tự khai phá đất đai, phần lớn ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân. Tuy làm chủ mảnh đất nhỏ bé của mình nhưng họ cũng thường xuyên bị uy hiếp. Bọn quan lại đua nhau tranh đoạt những thành quả khẩn hoang của nông dân hoặc dùng uy thế chiếm đoạt ruộng đất tư của họ. Trong khi đó, gánh nặng tô thuế không ngớt gia tăng. Sau thời kỳ thi hành “pháp chế khoan dung giản dị”, chế độ thuế khóa thời các chúa Nguyễn về sau ngày càng nặng nề, phức tạp. Đến giữa thế kỷ XVIII lại tăng quá nhiều, có đến hàng trăm thứ thuế mà trưng thu thì phiền phức, gian lận nên nhân dân thêm thống khổ.

 

Thuế thổ sản thì “có đến hàng trăm hàng ngàn thứ… lấy thuế cả đến những sản vật vụn vặt”. Khi nhà nước cần một sản vật gì lại đặt thêm thuế sản vật ấy. Ví như năm 1769, nhà nước cần mỡ heo để lau súng đại bác bèn ra lệnh đánh thuế mỡ heo ở các chợ. Chợ ở Phú Yên được coi là vùng xa thì cho nộp thay bằng tiền, cứ 5 tiền 1 chĩnh.

 

Những người buôn bán phải đóng các thứ thuế đầu nguồn, thuế tuần, thuế đò, thuế thuyền, thuế chợ… với mức thuế tăng lên rất nặng.

 

Li Tana viết: “Ngoài số thuế đất phụ thu người dân sống trong vùng từ Quảng Nam đến Diên Khánh vào năm 1769 còn phải đóng một thứ thuế khác nặng hơn thế nữa. Loại thuế mới này tăng 55% phần đóng bằng thóc gạo và 75% phần đóng bằng tiền mặt”.1

 

Li Tana trong công trình nghiên cứu “Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII” đã nhận xét: “Vùng từ Quy Nhơn đến Bình Thuận đã phải gánh một gánh quá nặng theo tỉ lệ cho việc họ Nguyễn phát triển về phía nam và phía tây giữa thế kỷ XVIII. Trong thập niên 1760 và đầu thập niên 1770, họ Nguyễn liên tục đòi hỏi vùng này phải cung cấp nhân công và của cải. Các quy định về thuế ở đây trở nên nghiêm ngặt hơn và những biện pháp đặc biệt đã được áp dụng để thu thuế, tại Phú Yên từ năm 1758 và tại Quy Nhơn từ năm 1772”.2

 

Tình hình chiếm đoạt đất đai cùng tô thuế nặng nề đã khiến cho nền sản xuất nông nghiệp ở Đàng Trong bị đình trệ. Tầng lớp quan lại ngày càng sống xa hoa trụy lạc do của cải tích lũy được trong quá trình bóc lột nông dân. Đến đời Chúa Nguyễn Phước Khoát (1738-1765) thì đời sống xa hoa của tầng lớp thống trị lên đến cao độ.

 

Năm Giáp Tý (1744), Nguyễn Phước Khoát tự xưng vương, đúc ấn quốc vương, ban chiếu bố cáo thiên hạ. Không những triều phục bách quan thay đổi, mà họ Nguyễn còn bắt dân Đàng Trong phải thay đổi cả cách ăn mặc và phong tục tập quán cho khác với Đàng Ngoài. Tổ chức chính quyền theo quy cách một triều đình, gọi thành Phú Xuân là “đô thành”. Nguyễn Phước Khoát sai xây dựng ở Phú Xuân rất nhiều cung điện, dinh thự, nhà quan, nhà lính theo quy mô một đế đô. Cung điện thì cao nguy nga, rực rỡ, chạm khắc rất khéo, tường và nền nhà đều lát đá, cột nhà đều làm bằng gỗ kiền kiền, ống máng đều tráng thiếc. Chúa còn sai đắp núi giả, đào ao hồ, bắc cầu treo, xây nhà thủy tạ, xây tường theo hình long, ly, quy, phượng cầu kỳ. Đó là chưa kể lâu đài, dinh thự của các quý tộc la liệt hai bên bờ thượng lưu sông Phú Xuân và con sông nhỏ ở Phú Cam. Trong những lâu đài, dinh thự tráng lệ đó, người ta đua nhau yến tiệc ca hát liên miên. Bấy giờ ở Đàng Trong lưu hành câu ca dao:

 

“Ai ơi ngẫm lại mà coi

 

Ngọc vàng con hát, tôi đòi thằng dân”.             

 

(Còn nữa)

 

1. Li Tana, Xứ Đàng Trong – lịch sử Kinh tế – Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, NXB trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999 (từ sau sách chỉ ghi là Xứ Đàng Trong – Lịch sử Kinh tế – Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18), tr207.

2. Xứ Đàng Trong – Lịch sử Kinh tế – Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, sđd, tr205

 

Phó giáo sư NGUYỄN QUỐC LỘC

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ HẬU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek