Chủ Nhật, 22/09/2024 09:07 SA
Diên cách Phú Yên 1945-2010 (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 31/10/2010 10:00 SA

Ngày 24-10-1956, Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143 phân ranh giới các tỉnh ở miền Nam.

 

Ngày 27-5-1958, chính quyền Ngô Đình Diệm ký Nghị định 263 BNV/HC/P6 quy định đơn vị hành chính tỉnh Phú Yên (5 quận 48 xã), xác lập vị trí tỉnh Phú Yên trên bản đồ 1/200.000 khá chi tiết với tổng diện tích 4.978 km², dân số xấp xỉ 300.000 người. Theo đó, tỉnh Phú Yên chia thành 6 quận: quận Đồng Xuân (gồm 6 xã, rộng 2.223,6km², có 26.618 dân), quận Sông Cầu (gồm 5 xã, rộng 446,2km², có 37.372 dân), quận Tuy An (gồm 12 xã, rộng 347,2km², có 35.399 người dân), quận Tuy Hòa (gồm 19 xã, rộng 1.459,7km², có 211.728 dân; trong đó thị xã Tuy Hòa - còn gọi là xã Châu Thành - rộng 6,1km², có 65.154 dân). Quận Sơn Hòa (gồm 1501,3km², có 15.663 dân 1.

Ngày 13/9/1958, chính quyền Ngô Đình Diệm ký Nghị định 511 BNV nhập thôn Lỗ Diêu (gốc xã Xuân Phương, quận Sông Cầu) vào xã Xuân Lãnh quận Đồng Xuân.

 

Ngày 17/3/1959, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh 65 NV lập quận mới Phú Đức thuộc tỉnh Phú Yên gồm một phần phía đông nam Cheo Reo (nguyên thuộc tỉnh Pleiku), một phần đất của tổng cư - Dlieya (nguyên thuộc quận Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), hai tổng Ea Bar và Krông Pa (nguyên thuộc quận M’Drăk tỉnh Đắk Lắk), hai xã Sơn Thành, Sơn Bình (nguyên thuộc quận Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên). Quận lỵ Phú Đức đặt tại Phú Bổn.

 

Ngày 21/5/1959, chính quyền Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 120 BNV nhập một phần tổng La Piao vào quận Đồng Xuân và Sắc lệnh 121 BNV nhập vào quận Sơn Hòa chín xã (gốc quận Cheo Reo Pleiku gồm xã Bon Ngol, xã Bon Mahia, xã Bon Ma Hluk, xã Bon Du Hop, xã Bon Xa Gai, xã Bon Ma Nhe, xã Bon Ma Nhia, xã Phú Cần, xã Quang Hiền).

 

Ngày 28/4/1960, chính quyền Ngô Đình Diệm ký Nghị định 541 BNV/NC9/NĐ ấn định các đơn vị hành chính quận Phú Đức.

 

Theo đó, xã Sơn Thành (trừ thôn Chí Thán và vùng Tuy Bình) vẫn thuộc quận Sơn Hòa. Thôn Phong Hậu nguyên thuộc xã Sơn Thành được sáp nhập vào xã Sơn Hà huyện Sơn Hòa.

 

Ngày 1/8/1961, chính quyền Ngô Đình Diệm ký Nghị định 743 NV sáp nhập xã Đức Thành (Sơn Thành) thuộc quận Phú Đức vào quận Tuy Hòa.

 

Ngày 12/7/1962, chính quyền Ngô Đình Diệm ký Nghị định 723 NV thành lập quận mới Hiếu Xương gồm 7 xã: Đức Thành (Sơn Thành), Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Thịnh, Hòa Phong, Hòa Tân, Hòa Bình; quận lỵ đặt tại xã Hòa Phong.

 

Ngày 1/9/1962, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập quận Phú Bổn. Phần lớn diện tích quận Phú Đức sáp nhập vào quận Phú Bổn.

 

Ngày 21/12/1963, chính quyền Sài Gòn ký Nghị định 304 TTP ĐVHC sáp nhập các xã Hòa Thành, Hòa Hiệp, Hòa Vinh, Hòa Xuân (gốc thuộc quận Tuy Hòa) vào quận Hiếu Xương và nhập 2 xã An Thọ, An Chấn (gốc quận Tuy An) vào quận Tuy Hòa.

 

Ngày 27/4/1964, chính quyền Sài Gòn ký Nghị định 678 NV quy định phần đất còn lại của quận Phú Đức gồm Đức Bình (Tuy Bình, Chí Thán), Ea Bá, Ea bia... thành cơ sở phái viên hành chính trực thuộc quận Sơn Hòa.

 

Ngày 8/1/1969, chính quyền Sài Gòn ký Nghị định số 15 NĐ-NV-VNCH bãi bỏ cơ sở phái viên hành chính Phú Đức. Quận Sơn Hòa trực tiếp quản lý các xã của quận Phú Đức (tương ứng với phần đất thuộc huyện Sông Hinh ngày nay).

 

2.4.2. Về phía chính quyền cách mạng

 

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Tỉnh ủy tập trung xây dựng chiến khu Thồ Lồ, xây dựng chính quyền tự quản vững chắc ở vùng Thồ Lồ - Phú Mỡ do đồng chí Cao Xuân Thiêm trực tiếp phụ trách, đồng thời khôi phục phong trào cách mạng các địa phương trong tỉnh, thành lập các Huyện ủy Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa, Sơn Hòa, giữ vững sự chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh xuống các địa phương.

 

Cuối năm 1956, Tỉnh ủy Phú Yên quyết định thành lập huyện Tuy Hòa 2 (phía bắc sông Đà Rằng) để tiện việc chỉ đạo khôi phục phong trào. Tỉnh ủy phân công đồng chí Võ Xuân Vinh và đồng chí Công Minh phụ trách huyện Tuy Hòa 2 (tương ứng với huyện Phú Hòa và thành phố Tuy Hòa ngày nay).

 

Sau Nghị quyết 15 và Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ nhất trong kháng chiến chống Mỹ tháng 9/1960, cách mạng tiến công giải phóng miền núi Phú Yên. Ngày 27/7/1960, mở chiến dịch ở Trà Kê (Sơn Hội) đánh tan tổng đoàn dân vệ, tuyên bố xóa bỏ chính quyền ngụy, lập chính quyền tự quản. Đêm 6/9/1960 cách mạng tiến hành vũ trang tuyên truyền giải phóng Bầu Bèn (nay là Phước Tân) và lần lượt giải phóng các xã Cà Lúi, Suối Ché, Tân Dú, Suối Trào, Đá Mài... giải phóng toàn bộ miền núi Phú Yên.

 

Cách mạng Phú Yên làm chủ núi rừng, thành lập chính quyền tự quản. Ngày 22/12/1960, cách mạng tiến về đồng bằng, tổ chức phong trào đồng khởi Hòa Thịnh - mở đầu cho phong trào đồng khởi của đồng bằng Khu 5. Mặt trận dân tộc giải phóng Phú Yên được thành lập bao hàm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân.

 

(Còn nữa)

--------------------------------------

(*) Bản đồ Phú Yên do Nha địa dư quốc gia thiết lập và ấn hành 1971

 

Thạc sĩ PHAN THANH BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek