Thứ Hai, 11/11/2024 22:09 CH
Phú Yên thời chín năm chống Pháp
Thứ Tư, 16/08/2006 08:49 SA

Dù có cánh đồng lúa Tuy Hòa ăn nước đập Đồng Cam, Phú Yên hàng năm phải ăn gạo máy Nam Bộ. Năm 1945, Phú Yên không có tình trạng chết đói như mấy tỉnh miền Bắc, nhưng tình trạng ăn củ chuối đã có.

 

060816-bongvai.jpg

Nghề trồng bông vải, một nghề trồng phát triển mạnh ở Tuy An trong chín năm kháng chiến chống Pháp - Ảnh: D.T.Xuân

 

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Phú Yên phát động phong trào sản xuất tự cấp tự túc. Học sinh, các công sở làm việc học tập 5 ngày, còn 1 ngày đi trồng khoai, trồng màu. Miền núi đất rẫy trồng màu. Vùng đồng bằng và vùng biển thâm canh, dùng phân chuồng, phân xác mắm để tăng năng suất, trồng rau muống, rau lang ăn lá. Hội nông dân phổ  biến cách trồng khoai lang tủ, ít đất, nhiều củ. Ngư dân bám biểm làm ăn, đánh bắt cá. Tàu giặc ngoài khơi, ghe thuyền đánh bắt cá trong lộng. Giặc đổ bộ, ta tránh; giặc rút, ta ra đồng, ra biển. Giặc càn, ta nhận chìm xuồng, chôn lưới không để giặc đốt phá ngư cụ, xã có tổ chức bộ phận cảnh giới, thông báo tình hình địch để bà con làm ăn tránh giặc.

 

Không chỉ sản xuất, nông dân còn hưởng ứng tiết kiệm, góp vào hũ gạo kháng chiến, mỗi tuần nhịn ăn cơm chiều thứ bảy (chỉ ăn khoai). Tuần lễ quyên góp áo quần cho chiến sĩ ở mặt trận (mùa đông chiến sĩ). Tuần lễ vàng đồng (ủng hộ vàng, đồng, để đúc súng đánh giặc), nhân dân có người ủng hộ hoa tai, nhẫn, vòng vàng, mâm thau, nồi đồng…

 

Đồng bào vùng biển tận dụng đầu cá, ruột cá, đầu tôm để làm mắm. Gạo, mắm ruốc được dân công gánh tận Dốc Mõ, Tây Nguyên tiếp tế cho bộ đội đánh giặc.

 

Phong trào sản xuất tự túc phát triển rộng khắp. Vùng biển, tận dụng cả bãi cát trồng khoai lang.

 

Bài hát sản xuất tự túc, có câu: “Lúa khoai to gắng trồng, sườn non đến bờ sông… anh em ơi! Chúng ta góp muôn bàn tay, gắng sức làm sướng vui rồi đây có ngày”. Tỉnh xuất hiện chiến sĩ thi đua Nguyễn Thị Cam gánh gạo, chở ngựa đi vận tải dân công, chiến sĩ sản xuất nông nghiệp Dương Thị Biểu (An Ninh).

 

Năm 1948, địch hành quân từ Tây Nguyên, mang thuốc nổ xuống Tuy Hòa phá đập Đồng Cam. Tiểu đoàn 365 đóng ở Phú Lâm, Tuy Hòa, được lệnh, hành quân, đánh địch trong trận vận động chiến sông Ba, Trường Lạc. Nhân dân hai bên đường hò reo, tiếp nước, bánh, mía cho bộ đội đánh tan kế hoạch phá hoại sản xuất của địch. Năm 1947, một toán địch qua đèo Cả, chiếm đóng núi Hiềm hòng không cho Phú Yên chi viện Khánh Hòa. Thỉnh thoảng giặc cho máy bay rải truyền đơn, phát loa kêu gọi chiêu hồi, nhưng nhân dân Phú Yên không hề nao núng.

 

Từ cách mạng tháng Tám 1945, Phú Yên phát động phong trào chống giặc dốt. Xã nào, thôn nào cũng đều mở lớp học bình dân, xóa mù chữ. Các phiên chợ đóng cổng kiểm tra chữ. Lúc ấy có câu ca dao, tuy thô thiển nhưng có tác dụng kích thích học chữ.

 

Có chồng biết chữ là tiên

 

Có chồng dốt đặc, là duyên con bò!”

 

Trường cấp II Lương Văn Chánh thành lập từ năm 1946 ở Tuy Hòa, chiến tranh bùng nổ, phải sơ tán về Hóc Lá (An Nghiệp), An Thổ (Tuy An). Năm 1948, địch đổ bộ đốt trường phải dời về Đồng Me (An Định) rồi Phiên Sen. Năm 1951, trường Lương Văn Chánh chia tách về các huyện Tuy Hòa, Tuy An và Đồng Xuân. Cũng trong năm 1951, tỉnh cho mở thêm 2 trường cấp II tư thục: Nguyễn An Ninh (Tuy An), và cấp 2 tư thục Hòa Bình (Tuy Hòa). Từ năm 1948, tỉnh cho mở lớp học hàm thụ trung học bình dân do ông Đinh Nho Bát phụ trách.

 

Phú Yên bầu được chiến sĩ thi đua giáo dục cấp toàn quốc Lê Thông; chiến sĩ thi đua diệt dốt bình dân học vụ cấp tỉnh Đặng Thị Liên. Công binh xưởng rèn đúc vũ khí được mở tại Triêm Đức (Xuân Phước – Đồng Xuân), xưởng giấy Nam Trung sản xuất giấy bằng nguyên liệu nứa gió, tuy hẩm (vì thiếu hóa chất tẩy trắng) nhưng giải quyết được nhu cầu học hành, văn phòng phẩm.

 

Năm 1950 Phú Yên ra đời xưởng dệt vải xita đẹp bền, may quần áo cho bộ đội. Vải xita được thị trường yêu thích, dùng phổ biến cho cả chiến trường Khu 5. Hòa Đa – An Hiệp phổ biến nghề trồng bông vải từ đó.

 

Các nơi thành lập Hội mẹ, Hội chị chiến sĩ, tổ chức mang chuối, trứng đến bệnh viện thăm nuôi chiến sĩ. Các thương binh nặng được các mẹ nhận về nuôi, bồi dưỡng cho đến khi khỏe mạnh được giao lại đơn vị. Các má còn giúp xây dựng vợ con cho anh em chưa có vợ…

 

Năm 1953-1954 để chuẩn bị tổng phản công, Bình Định và Phú Yên thực hiện giảm tô giảm tức, huy động nhân tài vật lực cho cuộc kháng chiến, huy động nhân dân nhất là địa chủ phú nông nộp thuế nông nghiệp. Có câu ca dao:

 

Két kêu trên đọt tre già

 

Tiền thu không nộp tháng ba cho rồi

 

Mùa lên lúa tốt đi đâu

 

Tiền thu không nộp đứng ngồi không yên

 

Chín năm kháng chiến chống Pháp tuy bị cắt đứt và phong tỏa, nhưng người dân Phú Yên đã phát huy được tinh thần tự lực cánh sinh sản xuất tự túc lương thực, vũ khí và các nhu cầu tiêu dùng khác góp phần chiến thắng chiến dịch Át-lăng lập lại hòa bình Hiệp định Genève 1954.

 

CAO PHI YẾN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek