Chủ Nhật, 22/09/2024 18:21 CH
Đưa tin học đến học sinh dân tộc thiểu số
Thứ Tư, 08/02/2006 14:40 CH

Những ngón tay dò dè “mổ cò” trên bàn phím. Những câu trao đổi bằng tiếng bản địa mà khách không thể hiểu. Những khuôn mặt ngạc nhiên và rạng ngời khi nhìn “thành quả” của mình trên monitor, dù đó chỉ là một câu “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”... Những hình ảnh đó chúng tôi đã “ghi” được từ lớp dạy tin học cho học sinh dân tộc thiểu số do Trung tâm Dạy nghề Sơn Hòa tổ chức.

 

“PHẢI HỌC ĐỂ MAI MỐT LÀM... CÁN BỘ!”

 

Trong phòng thực hành tin học của Trường THPT dân tộc nội trú huyện Sơn Hòa, khoảng 20 học sinh của khối lớp 11 đang thực hành bài tập văn bản trên Microsoft Word. Không phải những tiếng lách tách liền lạc như ở những nơi thực hành tin học khác mà chúng tôi từng gặp, ở đây chỉ nghe được những tiếng “mổ cò” thưa thớt trên bàn phím. Thầy giáo Vũ Lê Giang nói như phân trần: “Các lớp tin học mới triển khai chừng hơn một tháng rưỡi nay thôi. Hơn nữa, nhiều em học sinh dân tộc thiểu số còn rất bỡ ngỡ với những thuật ngữ về máy tính, về tin học, nên việc tiếp thu bài vở cũng khó khăn hơn là học sinh người Kinh”.

 

Ông Nguyễn Tiến Dũng đang hướng dẫn cho Hơ Đết cách đánh văn bản - Thanh Quốc

 

Tuy nhiên, được ngồi trước máy tính và ấn phím, nhìn những dòng chữ chầm chậm xuất hiện trên màn hình, với các học sinh ở đây đã là sự ngạc nhiên lớn. Sô Y Sách, học sinh lớp 11B6, người dân tộc Chăm H’roi ở xã Sơn Phước, hồ hởi nói bằng tiếng Kinh còn rất cứng: “Rất thích! Trước nay xem ti-vi, thỉnh thoảng em cũng nghe nói đến máy tính, đến những tiện ích khổng lồ của nó, nhưng bây giờ thì mới lần đầu được học, được tìm hiểu, được thực hành. Nó “viết” chữ như chữ in trong sách, đẹp lắm. Nghe thầy nói sắp tới tụi em còn học được nhiều điều lạ hơn, hay hơn từ cái máy này”. Còn Hơ Đết, cũng người Chăm H’roi gốc ở xã Suối Bạc thì nói chân thật: “Em thấy môn này hiện đại lắm nên muốn tìm hiểu. Em thích sau này học xong sẽ xin làm cán bộ xã, mà làm cán bộ bây giờ thì phải biết sử dụng máy tính chớ!”.

 

Hiện có tổng cộng 120 học viên, đa số là học sinh cấp III Trường THPT dân tộc nội trú Phan Bội Châu, còn lại là một số học sinh dân tộc thiểu số khác đã tốt nghiệp nhưng vẫn có nguyện vọng theo học, được chia thành 10 nhóm khác nhau. Các nhóm được phân lịch học sáng – chiều – tối tất cả các ngày trong tuần ngoài giờ học văn hóa tại lớp.

 

Ý TƯỞNG CỦA MỘT CỰU GIÁO VIÊN

 

Người ấp ủ và biến ý tưởng dạy tin học cho học sinh dân tộc thiểu số này thành hiện thực là ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Sơn Hòa. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang năm 1987, ông Dũng về dạy học ở huyện miền núi Sông Hinh, sau đó về Phòng Giáo dục huyện Sơn Hòa trước khi chuyển sang công tác tại trung tâm này hồi tháng 7-2005.

 

“Trong thời hội nhập này, tin học, ngoại ngữ phải được phổ biến đến người dân tộc thiểu số để họ có thể tiếp cận dần và hòa nhập vào xã hội đang thay đổi nhanh chóng hiện nay. Học sinh là đối tượng đầu tiên phải biết được những điều đó bởi các em chính là nguồn nhân lực quan trọng cho buôn làng mai này. Nhưng phải mở các lớp riêng cho họ, bởi trình độ của người dân tộc thiểu số có giới hạn, học chung với những đối tượng khác họ hoặc có thể tiếp thu không kịp, hoặc mặc cảm mà bỏ sớm... Tôi nghĩ điều đó đã rất lâu, nhưng một cá nhân như tôi thì nghĩ chỉ để mà... nghĩ thôi!” – ông Dũng nói vậy.

 

Ngay khi về làm lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề Sơn Hòa, ông Dũng đã vận dụng được nguồn vốn mà Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp để các huyện miền núi đào tạo nghề cho nông dân vào việc mở các lớp nghề Tin học Văn phòng, biến ý tưởng ấp ủ mà đối tượng đầu tiên là những học sinh dân tộc thiểu số. Nếu chương trình đào tạo cùng cấp ở những nơi khác chỉ cần có 3 nội dung MS DOS, Microsoft Word và Microsoft Excel, thì ở đây, ông Dũng đã yêu cầu bổ sung thêm hai nội dung Foxpro và Internet. “Phải cho các em tiếp cận Internet, ít nhất là sau khóa học 5 tháng này, những học viên người dân tộc thiểu số của chúng tôi phải biết truy cập những website cần thiết để đọc thông tin, biết gởi e-mail... Và với chương trình này, các em còn có thể thi chứng chỉ A tin học” – ông Dũng bộc bạch tâm sự.

 

Các lớp học được miễn phí từ A đến Z với mức bình quân khoảng 460.000 đồng/học sinh/khóa học. Ngay khi biết được những thuận lợi đó, hàng trăm học sinh các dân tộc Ê đê, Chăm H’roi, Bahnar, Tày... đang học hoặc đã tốt nghiệp tại trường THPT Dân tộc nội trú Phan Bội Châu đã đăng ký tham gia. Tuy nhiên, do gặp một số khó khăn về giáo viên, trang thiết bị và cơ sở vật chất (hiện trung tâm chưa có trụ sở, nơi làm việc và đào tạo hiện nay phải mượn tạm các nhà kho của những ban ngành khác tại thị trấn Củng Sơn), nên khóa I của chương trình mới chỉ có 120 học sinh được chọn. “Chúng tôi sẽ mở liên tục để đáp ứng nhu cầu của các em học sinh. Chúng tôi không thể mang máy móc và cũng không có nhân lực để về các trường bán trú dân nuôi, nên chỉ các em học sinh nào cố gắng học lên cấp III mới được hưởng chương trình này mà thôi. Tôi cũng đã liên hệ với anh Trương Đình Tú và đã được anh chấp thuận sẽ gởi tặng Trung tâm phần mềm “Bộ gõ Tiếng dân tộc thiểu số” do anh viết, được giải thưởng Trí tuệ Việt Nam, để mang về áp dụng cho lớp học này trong thời gian tới”.

 

SẼ ĐÀO TẠO TIN HỌC CHO NÔNG DÂN

 

Sau khi khai giảng lớp tin học dành cho học sinh dân tộc thiểu số, ông Dũng cũng đã lên kế hoạch để ngay trong quý I/2006, khi bà con người dân tộc thiểu số thu hoạch xong mía và đậu đỏ, sẽ mở lớp dạy tin học ứng dụng cho bà con nông dân với giáo trình giống như đào tạo cho các em học sinh hiện nay. “Chúng tôi phối hợp với Huyện đoàn đến tận các buôn làng vận động với chỉ tiêu đủ 20 người là mở lớp. Hiện nay số người đăng ký cũng đã kha khá và dự kiến sẽ mở một lớp tại Nhà văn hóa Thiếu nhi Nguyễn Hữu Thọ cho bà con nông dân ở thị trấn Củng Sơn và các xã Suối Bạc, Sơn Phước, Sơn Hà, Sơn Nguyên và ở hai xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây của Sông Hinh; một lớp khác cũng sẽ mở ở Sơn Định cho bà con xã này hai xã lân cận là Sơn Xuân, Sơn Định” – ông Dũng nói.

 

QUỐC THANH

 

“Trường THPT Dân tộc nội trú Phan Bội Châu đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, chưa được trang bị máy vi tính để học sinh thực tập. Chính vậy, ngay khi được anh Nguyễn Tiến Dũng đặt vấn đề, chúng tôi không có lý do gì để trì hoãn cái sự ủng hộ. Mở được lớp tin học dành riêng cho đối tượng học sinh dân tộc thiểu số thế này tôi cho là một ý tưởng hay và hiện tại đã có những thành công bước đầu”

 

(Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Phan Bội Châu HUỲNH NGỌC PHÚ)

 

“Tôi làm phần mềm “Bộ gõ tiếng dân tộc thiểu số” nhằm mục đích đưa tin học đến bà con vùng cao, bây giờ gặp cách làm của Trung tâm Dạy nghề Sơn Hòa và của anh Nguyễn Tiến Dũng thì thật tâm đắc. Cách làm vì cộng đồng như thế là rất tốt, phần mềm của tôi cũng sẽ phát huy tác dụng. Tôi sẽ ủng hộ anh Dũng hết mình”.

 

(Hiệp sĩ Công nghệ thông tin, Giải thưởng Trí tuệ Việt Nam 2003 TRƯƠNG ĐÌNH TÚ)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek