Chủ Nhật, 22/09/2024 18:28 CH
Lặng lẽ tết ngày xưa…
Thứ Tư, 08/02/2006 15:18 CH

Từng chặng thời gian ta thường nhìn lại, và khi tái hiện quá khứ ta luôn luôn thấy rất đẹp, cho dẫu đầy gian truân khổ ải đi nữa ta cũng tìm ra những điều nhỏ nhặt dễ thương để vui, đôi khi cái vui ấy là cười ra nước mắt. Có lẽ do vậy nhiều người khi kể chuyện tuổi thiếu thời thường thêu dệt thêm những kỉ niệm nên thơ. Thật ra không phải họ cố ý thêu dệt mà do xúc cảnh sinh tình những kỉ niệm nên thơ bỗng nhiên nảy ra hoặc hoàn thiện hơn trong kí ức. Thành ra ta thấy có người sinh sau 1954, năm 1960 mới sáu bảy tuổi, thế nhưng kỉ niệm của họ là những sự việc trước 1945. Tự họ quên rằng từ 1960 chiến cuộc lan rộng, sinh hoạt kiểu truyền thống ở thôn quê không còn nữa, và ngay sau 1945 để xây dựng một “đời sống mới” đã có nhiều hành động quá tả, nhiều cơ sở tín ngưỡng bị phá hủy, nhiều phong tục bị coi là hủ tục phải xóa bỏ…

 

Trò chơi của bé - Tranh Phan Thị Lan

 

Tôi, một phần cũng nằm trong số người ấy. Khi nhớ lại lúc còn nhỏ, lắm lúc chuyện chỉ bằng hạt đậu ta tưởng tượng  thêm ra, những chi tiết ta đọc ở đâu đó, thấy ở đâu đó, những chi tiết bỗng nhiên nảy sinh như là ta sáng tác, tất cả hợp lực lại làm cho sự việc lớn bằng quả bí, kỉ niệm là kỉ niệm thăng hoa, tuy không phải là kỉ niệm thật cũng không phải là kỉ niệm ảo, khiến ta ngất ngây cảm xúc, ta sống trong nó, sung sướng cùng nó. Cái mà mọi người gọi là “mối tình đầu” cũng như vậy chăng? Ta đã nuôi dưỡng nó, thần tượng hóa nó, chỉ nhìn thấy mặt tốt mang theo suốt đời nhớ nhớ thương thương…

 

Nghĩ như vậy là vì tôi đang tĩnh tâm nhìn lại, xem thử hồi nhỏ mình ăn tết ra sao, thời ấy thôn quê có những tập tục gì  để bây giờ một số bạn trẻ nghe kể lại, có người nói sao mà nên thơ thế, êm đềm và nhẹ nhàng thế. Tôi đã từng thú thật rằng vốn là kẻ thô lậu, sinh trưởng nơi cùng tịch (xin lỗi Ba Đà Rằng, điệp khúc cũ), nhưng chín tuổi đầu đời có một cuộc sống gia đình muôn ngàn hạnh phúc. Làng tôi mặc dù được thành lập từ buổi mở đất tên tuổi được ghi trong sách cũ, cũng như nhiều làng quê khác không có nét đặc thù khi năm tàn, tết tới. Các bậc thâm nho trong quốc sử quán nhà Nguyễn đã nhận xét rằng Phú Yên dân tục chất phác thuần hậu, việc lễ tết, cúng tế đơn giản, là đúng vậy. Trước tết người ta làm gì? Thì cũng là sửa soạn nhà cửa, quét dọn đường sá, dẫy mả, làm rim, bánh, trong cái nắng vàng tháng chạp đâu đâu cũng tràn đầy mùi thơm của bánh cúc bánh thuẫn vừa hấp chín, họp phiên chợ cuối năm, gọi là phiên chợ tết, phiên chợ này lũ trẻ đã được mặc quần áo mới dạo chợ, mua những con gà cồ chút chít thổi toe toe. Ngoài cái chuyện mặc quần áo mới này trẻ con thêm một điều vui là được cho ăn những cái bánh không nở, không đẹp. Hồi đó đâu nhiều quà bánh như bây giờ, cả năm trông vào ngày giỗ lớn, ngày tết, được ăn những cái bánh hỏng từ nhả đầu ấy mới nhận biết hết hương vị ngon ngọt. À, một điều vui khác cũng khá quan trọng là nhân dịp người lớn nặn ông táo mới, sẵn đất sét ta nặn chơi con trâu, con ngựa, trái chuối, trái lựu, khoe nhau ai khéo hơn ai. Trong ba ông táo, ông táo giữa có chấm một lỗ rún, dân gian cũng gọi là bà táo, cũng nói rằng gia đình nhà táo một bà hai ông, nhưng tôi chưa một lần nghe kể sự tích. Mãi đến năm học trung học tôi mới nghe câu chuyện này, trong giờ học Pháp văn, qua thầy Trần văn Kỳ dạy Pháp văn. Thầy kể theo cuốn truyện cổ Việt Nam cầm trên tay, sách viết bằng Pháp văn, tác giả là Phạm Duy Khiêm (con ông Phạm Duy Tốn), người Việt Nam học hành và đậu đạt ở Pháp, bạn học thân thiết với Tổng thống Pháp Pompidou, cùng Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ soạn sách Văn phạm Việt Nam và có làm đại sứ Miền Nam tại Pháp… Khác với những chuyện xưa tại địa phương nghe mẹ kể, tôi tiếp xúc với sự tích gia đình nhà táo biết các tên tuổi Phạm Lang, Trọng Cao, Thị Nhi qua một con đường vòng như thế.

 

Sáng mồng một được đánh thức dậy sớm bởi một tràng pháo, trước đó có tiếng pháo tre nổ thật to mà còn trong giấc ngủ không nghe. Chỉ năm ba nhà có pháo đốt, mỗi nhà một vài dây là cùng, thỉnh thoảng có một tiếng pháo tre lẻ loi, bộc trúc nhất thanh. Rủ nhau đi coi rước sắc, từ dinh Ông, dinh Bà về đình. Sau này mới biết Ông là Bổn xứ thành hoàng, Bà là Thiên y A na. Đám trẻ con theo sau kiệu sắc và ban nhạc, không xếp thành hàng ngũ mà trật tự. Khi bắt đầu học chữ phải viết hàng khai bút, nắn nót cho thật đẹp, dán lên cột giữa để được ông nội khen. Tôi không hề biết ông nội, chỉ nghe kể về tính ngang tàng khí khái của ông, lòng rất khâm phục. Ông ở trên bàn thờ hương khói nghiêm trang, sẵn sàng chờ đợi để khen các cháu chứ không hề la rầy. Giấy hồng đơn có rắc nhũ viết chữ Hán bằng bút lông thì dễ nhưng viết quốc ngữ bằng ngòi lá tre rất khó, đây là nét chữ đầu năm, không thể viết nháp, không được viết lại, nên phải thật trân trọng. Đi chơi tết cũng chẳng đâu xa, xóm trong xóm ngoài, vẫn những nẻo đường cũ, vẫn những người quen ấy, chỉ thấy con đường sạch hơn và rộng hơn, ở  mỗi người lời nói tiếng vui vẻ hơn, thân mật hơn. Trò chơi tết cũng chẳng có gì, không lô tô, không bầu cua tôm cá. Một số người nhắc về thời ấy thường nói chuyện đánh bài chòi ngày tết. Đâu phải tết nào cũng có bài chòi, đâu phải làng nào cũng có bài chòi, tổ chức một cuộc bài chòi không hề dễ dàng. Suốt chín tuổi ấu thơ tôi chỉ dự bài chòi một lần, theo mẹ lên chòi ngồi, được mẹ cho gõ mõ tre lốc cốc, không thú vị gì lắm, không thích lắm, đâu mươi phút là xuống chòi chạy tìm lũ trẻ, tuy rằng về sau kể lại thì cũng cộng cũng nhân niềm vui thích lên, không phải có mục đích gì cả, tự lúc ấy ý đẻ ra ý tương tự lúc sáng tác chữ đẻ ra chữ vậy. Ngay cả cây nêu, thường hát nghêu ngao rằng Cu kêu ba tiếng cu kêu/Cho mau tới tết dựng nêu ăn chè… nhưng hình như chỉ thấy một lần gia đình dựng nêu, sau này mới tìm hiểu thêm qua sách báo! Đi chùa, chùa cũng không nguy nga rực rỡ như các chùa ngày nay, chùa tranh, vách đất, vườn hẹp, trong sân chỉ có bông giấy và bông vạn thọ. Đi quanh quẩn thì ông thầy gọi vào cho bánh.

 

Thấm thoắt rồi tết hết mau, tết đi qua lúc nào không hay. Tết đến có hơi ồn ào một chút, lúc ra đi thì dần dần… nhẹ nhàng, bởi vì có nhà mồng hai mồng ba đã ra đồng ra rẫy, có nhà mồng bốn, mồng sáu, cũng có nhà đợi mùng bảy mới cúng tạ, bảo rằng ba bữa tết, bảy ngày xuân. Trẻ con tùy từng nhà mà biết tết, vui tết lâu hay mau.  Hết tết rồi mới thấy có cái gì đó hơi trống vắng, có phần nhớ tiếc và manh nha một chút mong ngóng. Manh nha thôi và một chút thôi. Vì cái tết ở thôn quê ta vốn lặng lẽ như vậy. Nhớ lại, nỗi nhớ cũng lặng lẽ…

 

TRẦN HUIỀN ÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek