Chủ Nhật, 22/09/2024 11:30 SA
Xác định năm sinh của tỉnh Phú Yên
Thứ Hai, 27/09/2010 08:30 SA

L.T.S: Tháng 4/2003, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội thảo khoa học “Xác định mốc thời gian hình thành tỉnh Phú Yên” với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử cả nước. Hội thảo xác định năm 1611 là năm Phú Yên chính thức thành lập. Để bạn đọc hiểu rõ hơn vì sao năm 1611 được xác định là năm khai sinh tỉnh Phú Yên, Báo Phú Yên giới thiệu một số tham luận tại hội thảo này.

 

dabia100927.jpg

Đá Bia - nơi có truyền thuyết khẳng định chủ quyền Đại Việt đời Lê. - Ảnh: K.DUY

 

Trong cả nước chưa có nơi nào việc xác định năm sinh, tức năm thành lập tỉnh lại phức tạp như tỉnh Phú Yên. Quả thế, từng có 3 ý kiến khác nhau: một cho là năm 1471, hai cho là năm 1578, ba cho là năm 1611.

 

Ý kiến thứ nhất căn cứ vào dạ sử và truyền thuyết về việc vua Lê Thánh Tông đánh chiếm Thành năm 1471 nói rằng: Sau khi chiếm được thành Chà Bàn, bắt sống vua Chiêm Thành là Trà Toàn, nhà vua tiến quân về phía Nam, đến đèo Cả thì dừng lại, cho khắc bia lên núi Đồng Trụ Sơn để đánh dấu ranh giới của hai nước, rồi hạ lệnh ban sư. Từ đó núi Đồng Trụ Sơn đổi tên thành núi Thạch Bi Sơn, tục gọi núi Đá Bia.

 

Ý kiến thứ hai căn cứ vào việc chúa Nguyễn Hoàng sai Lương Văn Chánh đem quân vào đánh Chiêm Thành trên phần đất ngày nay là Phú Yên năm 1578, triệt hạ Thành Hồ. Sau đó chiêu mộ dân chúng đến khai phá đất hoang, lập lên các tụ điểm dân cư, sống chung với người dân bản địa.

 

Ý kiến thứ ba căn cứ vào năm 1611 chúa Nguyễn Hoàng cử chủ sự Văn Phong vào đánh Chiêm Thành trên phần đất ngày nay là Phú Yên, thiết lập nên hành chánh, lập ra phủ Phú Yên bao gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa trên địa bàn từ đèo Cù Mông đến đèo Cả, cử Văn Phong làm Lưu thủ, tức là chức quan cao nhất đứng đầu một dinh hay tương đương dinh.

 

Chúng ta hãy tra cứu trong chính sử triều Lê và triều Nguyễn, xem trong ba ý kiến trên đây, ý kiến nào mang tính thuyết phục nhất. Nhưng trước khi tìm hiểu để xác định năm khai sinh tỉnh Phú Yên, thiết nghĩ chúng ta nên định nghĩa, năm khai sinh của một tỉnh là năm như thế nào? Đánh dấu cái gì? Cột mốc đánh dấu sự gia nhập của đơn vị hành chánh này vào lãnh thổ Đại Việt xưa và Việt Nam nay là năm nào? Căn cứ vào những yếu tố pháp lý nào để xác định năm đó là năm khai sinh của một tỉnh?

 

Theo thiển ý chúng tôi, năm khai sinh của một tỉnh là năm mà chính quyền Trung ương chia đất, khoanh vùng địa lý tự nhiên của một địa bàn dân cư nhất định để thành lập trên đó một đơn vị hành chánh, một cấp hành chánh, thấp nhất là ấp, thôn, cao nhất là đạo, tỉnh, cử quan chức tùy theo bộ máy hành chánh đương thời, cai quản theo luật pháp và mệnh lệnh của Nhà nước Trung ương, có lực lượng vũ trang thấp nhất là tuần đinh, cao nhất là cơ vệ quân chính quy để bảo vệ chính quyền, bảo vệ lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự cho dân chúng an cư lạc nghiệp. Về tên gọi có thể là một tên từ đầu tới cuối, nhưng có thể thay đổi tùy theo thể chế, tùy theo thời đại, tùy theo tập quán, năm khai sinh nguyên thủy thì không thay đổi, cũng ví như tên người, có thể là một tên duy nhất do cha mẹ đặt lúc mới sinh cho đến già, nhưng có thể thay đổi tùy theo sở thích, tùy theo hoàn cảnh. Dù tên gọi có thay đổi, năm sinh vẫn y nguyên.

 

Việc khai sinh một đơn vị hành chính, ví dụ một tỉnh, được đánh dấu bằng một văn kiện pháp lý như Dụ, Chỉ, Sắc lệnh, Nghị định, Quyết định hay Nghị quyết của cơ quan có thẩm quyền tùy theo thể chế. Nếu ví lâu ngày các văn kiện ấy bị thất lạc thì căn cứ vào chính sử là bộ sử chính thức của Nhà nước hay các cuốn sách của các cá nhân đương thời có ghi chép việc sắp xếp tổ chức này. Trường hợp không còn một dấu tích gì nữa thì đành chịu.

 

Dựa vào các tiêu chuẩn vừa trình bày chúng ta hãy xem xét 3 ý kiến trên đây:

 

1. Ý kiến về năm 1471. Các bộ sử có ghi chép về sự kiện vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành năm 1471 có Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, viết tắt là Toàn thư; Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục của Sứ quán triều Nguyễn, viết tắt là Cương mục; Đại Nam Nhất thống chí, viết tắt là Nhất thống chí; Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn, viết tắt là Tạp lục.

 

Sách Toàn thư ghi: “Tháng 8 (Canh Dần 1470) quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi, ngựa đánh úp châu Hóa. Tướng trấn giữ biên thùy châu Hóa là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành rồi cho chạy thư cáo cấp… Ngày mồng 6 (tháng 11) vua xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành… Vua bèn gọi 26 vạn tinh binh, xuống chiếu thân chinh… Hôm ấy, sai Thái sư Lân quận công Chinh lỗ tướng quân Đinh Liệt, Thái Bảo Kỳ quận công Chinh lô tướng quân Lê Niệm đem thủy quân 3 phủ vệ Đông, Nam, Bắc đi trước. Ban hành 24 điều lệnh đánh Chiêm Thành trao cho các quân doanh và các vệ ty Cẩm y, Kim Ngô, Thần Vũ, Điện tiền… Ngày 18 thủy quân vào đến đất Chiêm Thành… Ngày mồng 7 (tháng 2) vua tự mình dẫn hơn 1.000 chiếc thuyền, hơn 70 vạn tinh binh ra 2 cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa dựng cờ thiên tử, đánh trống hò reo mà tiến… Ngày mồng 1/3 hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về… Tháng 6, lấy đất Chiêm Thành đặt làm thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Đặt chức Án sát sứ ở 12 thừa tuyên và đặt 3 ty ở Quảng Nam(1). Suốt trên 10 trang sách không có chỗ nào nói vua Lê Thánh Tông tiến quân đến đèo Cả và khắc bia lên núi Thạch Bi Sơn. Có thể nhà chép sử cho đó là tiểu tiết không quan trọng, nên không ghi.

 

(Theo tài liệu Hội thảo khoa học “Xác định mốc thời gian

hình thành tỉnh Phú Yên”, tháng 4/2003).

(Còn nữa)

 

NGUYỄN ĐÌNH TƯ

_______________

(1) Đại Việt sử ký toàn thư do NXB Khoa học Xã hội Hà Nội ấn hành năm 1985 tập II trang 442-153.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thăm đảo Lao Mái Nhà
Chủ Nhật, 26/09/2010 19:30 CH
Người Phú Yên trong tôi (Tiếp theo và hết)
Chủ Nhật, 26/09/2010 08:00 SA
Người Phú Yên trong tôi
Thứ Tư, 22/09/2010 10:59 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek