Chủ Nhật, 22/09/2024 11:37 SA
Người Phú Yên trong tôi (Tiếp theo và hết)
Chủ Nhật, 26/09/2010 08:00 SA

Trong kháng chiến chống Mỹ, thường hay có những buổi họp của đồng hương Phú Yên tại Hà Nội. Tuy tôi không phải quê Phú Yên nhưng vì có nhiều bạn bè thân quen và nhiều học trò cũ ở đây nên tôi cũng hay đến dự. Tôi thường chọn chỗ ở những dãy ghế cuối phòng, đơn giản vì đó cũng là chỗ có nhiều học sinh, thầy trò nói chuyện với nhau thoải mái hơn. Nhưng  các đồng chí cán bộ tỉnh nếu phát hiện ra thì chẳng bao giờ cho tôi ngồi tại chỗ. Các anh kéo tôi lên ngồi các hàng ghế đầu cho kỳ được, rồi rất nhiều anh khác đến chào, bắt tay và chuyện trò rất thân mật, rất vui vẻ. Một lần, khi tỉnh ta kết nghĩa với Hải Dương, cần một đoàn cán bộ ngành Giáo dục xuống thăm viếng, giao lưu. Lẽ ra phải cử người chính quê Phú Yên làm trưởng đoàn mới đúng, và những người đó trong đồng hương Phú Yên ở Hà Nội không thiếu, như anh Nguyễn Cách đang là giáo viên ở Trường bổ túc Công nông Trung ương, anh Nguyễn Tài Sum, giáo viên Trường Việt Đức là trường cấp 3 lớn giữa Hà Nội nhưng tôi lại là người được giới thiệu đầu tiên và liền được cả cuộc họp vỗ tay hoan nghênh. Tôi viện đủ lý do để thoái thác, vì thực tình tôi tưởng tượng khi tôi phát biểu tại Hải Dương bằng giọng nói “phi Phú Yên” thì ý nghĩa sẽ giảm bớt nhưng mọi người đều gạt đi rồi cử thêm một nữ sinh là Đặng Thị Thanh Mai (con anh Mười Mao) đi cùng. Qua việc này tôi càng thấm thía tấm lòng rộng rãi, bác ái của con người Phú Yên vì thông thường trong các trường hợp này tư tưởng “địa phương” hay bộc lộ, người ta khó lòng chấp nhận một người “ngoại lai” làm đại diện cho mình.

 

Sau ngày thống nhất đất nước, tình hình đồng hương của các tỉnh miền Nam tại miền Bắc có nhiều xáo trộn, cần phải chấn chỉnh, củng cố lại cho phù hợp với thực tế. Phú Yên cũng vậy, nhiều cán bộ các ngành đã được điều về tăng cường cho tỉnh nhà, theo yêu cầu của tổ chức hoặc theo nguyện vọng thiết tha của cán bộ. Các đồng chí ở lại triệu tập cuộc họp để cử ra một ban phụ trách gọi là Ban Chấp hành lâm thời của đồng hương Phú Yên. Thật không ngờ tên tôi cũng được đề cử và được cuộc họp hoan nghênh! Thì ra cánh tay rộng mở của bà con Phú Yên đã ôm tôi vào lòng như một người con thực thụ vậy. Sự tín nhiệm và tình cảm của bà con một lần nữa làm cho tôi hết sức cảm động. Dù sau này, khi bầu Ban Chấp hành chính thức, có các đồng chí khác thích hợp thay thế, nhưng mỗi lần nhớ lại sự việc trên, tôi vẫn thấy cảm kích trước tấm lòng rộng mở của con người Phú Yên.

 

Đất nước ta từ xa xưa có truyền thống rất quý là “tôn sư trọng đạo” và tình nghĩa “đồng môn”. Truyền thống đó trong 2 cuộc kháng chiến ác liệt vẫn âm ỉ tồn tại nhưng không có điều kiện để thể hiện bằng những tổ chức có nề nếp. Đến khi cuộc chiến đấu cho hòa bình và thống nhất đã hoàn toàn thắng lợi trên toàn quốc thì những cuộc họp mặt rộng rãi của các thế hệ thầy trò các trường được tổ chức khắp nơi trong một không khí vô cùng ấm cúng cảm động của tình nghĩa thầy trò, bè bạn… Phú Yên ta cũng có những tổ chức theo tinh thần và ý nghĩa đó nhưng lại có những nét đặc biệt mà theo tìm hiểu của tôi thì không một trường nào kể cả các trường lớn rất có tiếng tăm như Quốc học Huế, Đồng Khánh Huế, Trường Bưởi… có được. Đó là việc tổ chức Hội Thầy trò Lương Văn Chánh, một hội có tôn chỉ mục đích nghiêm chỉnh, rõ ràng được chính quyền công nhận bằng Quyết định và Hội đồng thời là thành viên chính thức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Hội không chỉ hoạt động trong phạm vi Phú Yên mà có chi hội tại 12 tỉnh rải rác từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, riêng Phú Yên có 11 chi hội ở các huyện và thị xã. Mỗi năm cứ đến ngày đầu tiên thành lập trường (15/10/1946) là tất cả các chi hội đều họp mặt kỷ niệm. Ngoài ra có chi hội họp thêm vào ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), hoặc họp quý. Cứ 5 năm một lần thì có đại hội tại tỉnh, về nguyên tắc là tập họp tất cả các hội viên về, nhưng vì tổng số hội viên đông đến 6.400, và trên thực tế thì không tài nào có điều kiện tổ chức được một cuộc họp quy mô lớn đến thế, nên mỗi chi hội chỉ cử một số đại biểu về dự. Từ ngày Hội được thành lập chính thức đến nay 2009 đã được 16 năm thì mỗi năm có một tập san xuất bản đều đặn vào độ tháng 10. Có chi hội ra tập san riêng, như chi hội Tây Hòa. Ba năm gần đây lại có những tập thơ xướng họa “Thầy tôi” xuất hiện vào ngày “Nhà giáo Việt Nam” với chuyên đề “Chúc tụng thầy cô”. Đặc biệt nhân kỷ niệm đúng 60 năm thành lập trường còn ra mắt một tập kỷ yếu khá đồ sộ trong đó có nội dung rất cảm động là sưu tầm lại tất cả những thế hệ giáo viên và học sinh từ ngày mới thành lập, mỗi người có ảnh màu với địa chỉ rõ ràng trích ngang lý lịch riêng; vinh danh các thầy giáo và học sinh đã hy sinh trong chiến đấu chống xâm lược. Vì là tập đầu, do điều kiện liên lạc và thời gian gấp rút, nên chưa tập hợp, sưu tầm được đầy đủ danh tính cả người sống và người đã quá cố, hy sinh nên đã có kế hoạch cứ 5 năm một lần sẽ có một tập kỷ yếu như vậy để bổ sung. Việc này, tôi dám chắc hiếm có trường làm được. Qua đó tôi thấy học sinh Phú Yên - người Phú Yên - rất trọng nghĩa tình, rất giàu tình cảm, những tình cảm trong sáng, đậm đà, bền chặt hiếm có. Bởi vì trên hàng ngàn trang văn, thơ, nhạc, họa trong các tập san đều đặn xuất bản hàng năm ấy, trong nội dung hàng trăm cuộc họp mặt của hơn sáu ngàn bạn đồng môn ấy, chủ yếu là những câu chuyện về tình cảm thầy trò, tình bạn đồng môn, về những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi hoa niên mà mỗi lần ôn lại bao giờ cũng tô đậm thêm tình thương yêu đằm thắm, đậm đà gắn bó, làm tâm hồn trẻ lại, thêm lạc quan yêu đời… Tôi nghĩ trong thời buổi “kinh tế thị trường” xô bồ này mà có một tổ chức tập hợp được đến 6.400 thành viên gắn bó mật thiết với nhau bằng những động cơ và tình cảm tốt đẹp như vậy quả là hết sức cần thiết, hết sức quý hóa, góp phần tô đậm thêm cho tính ưu việt của xã hội ta, chế độ ta. Và nếu ta biết rằng 6.400 hội viên này đều là những bà chủ, ông chủ gia đình thì ảnh hưởng tốt của họ đến các thế hệ con cháu sẽ còn nhân lên gấp bội. “Hội Thầy trò Lương Văn Chánh” không chỉ lập ra để đáp ứng nhu cầu tình cảm của thầy trò cũ của trường mà còn để phục vụ cho sự phát triển của các thế hệ học sinh tương lai. Vì vậy phải làm sao có một quỹ khuyến học. Ông Trần Suyền là hiệu trưởng đầu tiên của trường và là một trong những sáng lập viên của Hội được ủy nhiệm lo về việc này. Sau một thời gian ra Bắc vào Nam khá vất vả, tìm nguồn này nguồn khác, cuối cùng ông cũng vận động được một số tiền kha khá mấy trăm triệu đồng để gởi Ngân hàng lấy lãi làm phần thưởng và học bổng hàng năm cho các thủ khoa thi vào các trường đại học và các học sinh có thành tích học tập xuất sắc của trường. Hơn chục năm từ ngày có quỹ năm nào cũng chi hàng chục triệu đồng cho mục đích trên góp phần đắc lực cùng nhà trường đẩy mạnh phong trào thi đua học tập và rèn luyện liên tục duy trì và phát triển. Chưa có số liệu tổng kết của cả giai đoạn, chỉ thử lấy kết quả một năm học 2007-2008 cũng thấy rất đáng phấn khởi. Năm này thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt tỉ lệ tối đa là 100%, trong đó học sinh giỏi chiếm 47,8%, loại khá 49,7%, chỉ có 2,6% là loại trung bình. Thi học sinh giỏi cấp tỉnh có 120 em đoạt giải, thi giải toán nhanh trên máy tính cầm tay khu vực miền Trung - Tây Nguyên đoạt 9 giải, thi Olympic học sinh giỏi các tỉnh phía Nam đoạt 36 giải, trong đó có giải nhất đồng đội môn sử lớp 11, thi học sinh giỏi cấp quốc gia đoạt 23 giải, thi vào đại học cao đẳng có 3 em đỗ thủ khoa vào các trường lớn: Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, đại học Y Huế, đại học An ninh nhân dân (đặc biệt có 1 em đậu thủ khoa 2 trường Y và Cao đẳng xây dựng). Đó là chưa kể các thành tích rực rỡ cấp tỉnh, cấp khu vực về các cuộc tranh tài về hoạt động văn, thể, mỹ.

 

So với các trường PTTH lớn trong cả nước, Trường Lương Văn Chánh ngày nay cũng như Lương Văn Chánh thời kháng chiến chống Pháp đều thuộc hạng nhỏ, nhưng xét về kết quả giáo dục chất lượng toàn diện thì quả là đáng nể, luôn tô đậm thêm truyền thống “yêu nước, học giỏi, kính thầy, mến bạn”.

 

Điều đó làm nức lòng toàn thể phụ huynh và nhân dân, là phần thưởng lớn xứng đáng của trường và hội, là niềm tự hào của toàn tỉnh Phú Yên ta.

 

* * *

 

Qua mấy câu chuyện về một số cá nhân và tổ chức trên, tôi cảm thấy hình ảnh con người Phú Yên trong tôi là hình ảnh những con người rất đẹp, giàu lòng vị tha, nhân ái, khoáng đạt, sống rất tình nghĩa. Lẽ ra tôi còn phải viết thêm về một số nhân vật mà nhân cách, tài năng, đức độ rất đáng ngợi ca nhưng vì bị hạn chế bởi tuổi già và khả năng nên đành dừng lại ở đây. Bài này tôi viết ở tuổi cuối đời với dụng ý tỏ lòng tri ân đối với bà con Phú Yên đã rộng lòng cưu mang chúng tôi trong những ngày khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp và tiếp tục ưu ái tôi trong suốt thời gian từ bấy đến tận ngày nay. Ý định là như vậy nhưng thực tình tôi tự thấy chưa thể hiện được trọn vẹn, mong bà con thông cảm và lượng thứ.

 

BÙI XUÂN CÁC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thăm đảo Lao Mái Nhà
Chủ Nhật, 26/09/2010 19:30 CH
Người Phú Yên trong tôi
Thứ Tư, 22/09/2010 10:59 SA
Sông Hinh - Điểm du lịch sinh thái lý tưởng
Chủ Nhật, 19/09/2010 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek