Chủ Nhật, 22/09/2024 11:34 SA
Người Phú Yên trong tôi (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 25/09/2010 10:00 SA

Tôi không biết dùng từ ngữ gì để nói cho hết sự cảm phục, lòng biết ơn vô bờ bến đối với tấm lòng nhân ái, sự đối xử đầy ắp nghĩa tình đẹp đẽ đến thế.

 

dabia100925.jpg

Đá Bia mây phủ... - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Nhanh chóng được giấy phép của Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, tôi tổ chức việc in ấn thạch bản (litô). Vốn được cảm tình và tín nhiệm của các cơ quan chính, Đảng, tôi nhận được nhiều khách hàng dễ tính và rộng rãi trong thanh toán tiền công. Gia đình tôi ai cũng có việc làm không ngớt, nhờ vậy sự sống được đảm bảo và không khí gia đình nhẹ nhàng, đầm ấm suốt thời gian ở Phú Yên, sau này ở Bồng Sơn cho mãi đến ngày tập kết tháng 5/1955.

 

Sau ngày giải phóng miền Nam, hai lần tôi tìm thăm lại ông bà Liền ở Phong Niên đều không gặp. Mãi đến lần thứ ba thì đúng vào lúc ông vừa từ Cam Ranh dọn về. Hôm đó trời mưa, vợ chồng tôi vào một cách bất ngờ. Người con gái út lúc xưa nay đã là một cô gái lớn đang cặm cụi làm cơm, bỗng ngước lên nhìn tôi, ngỡ ngàng một tí rồi bỗng kêu lên: “Ôi, ông thầy Các!”, rồi vội vàng rối rít gọi “Ba ơi, vợ chồng ông thầy Các đây này!”. Thế là ông chạy ra, vồn vã vỗ vai, bắt tay kéo vào, hỏi han đủ thứ. Ông xin lỗi vì nhà cửa đang bộn bề, trời lại mưa to nên chẳng có chỗ nào ngồi cho tử tế. Ông giục con thổi thết chúng tôi một bữa xôi thật dẻo, nhắc lại nhiều chuyện cũ, kể cả chuyện tôi rình bắt được con chồn hoang, mặc cho nó cắn thủng cả bàn tay tôi vẫn không buông mà quật cho nó chết rồi làm luôn một món ăn khuya ngon lành... Hôm ấy không gặp bà vì bà đang ở tạm trên chùa Phật học. Mấy năm sau tôi đến thăm một lần nữa thì ông đã qua đời. Tôi thắp nén nhang cầu nguyện cho hương hồn ông được siêu sinh tịnh đồ rồi đi thăm bà; lúc này bà đã già lắm, lưng còng mắt kém nhưng nghe tôi đến thăm bà rất mừng, hỏi thăm chuyện gia đình, vợ con một cách rất thân tình, như không hề có thời gian xa cách gần 30 năm trời với bao nhiêu là biến thiên xáo trộn. Thật là cảm động!

 

Tôi gặp lại bà Bảy Tuân sớm hơn, vào tháng 12/1975 tại Sài Gòn. Ông Bảy đã qua đời từ lâu, bà tản cư vào đây với hai con, Bích và Yến - lúc này đều đã có gia đình, con cái. Gặp tôi, bà vẫn niềm nở vui vẻ và “khoe” là nay không còn một tấc đất, tấc ruộng nào nữa! Tôi nhắc lại công ơn của bà đối với gia đình tôi, bà vội gạt đi ngay, bảo đó là chuyện bình thường thôi ai mà chẳng xử sự như thế, đừng nhắc làm gì nữa. Bà còn nói thêm rằng, chính chúng nó (các con và bạn học) nhờ học vẽ và viết chữ đẹp của thầy mà vào đây làm nghề kẻ biển hiệu, vẽ quảng cáo kiếm sống khá đấy. “Chúng tôi cũng biết ơn thầy lắm chứ...”. Bà cũng chẳng mảy may than phiền gì về những gian khổ nguy nan của cuộc kháng chiến, trái lại còn tỏ ra hồn nhiên thoải mái với hiệu thuốc tây khiêm tốn mà bà đang có. Về chuyện không vui của con gái (trắc trở vì chồng con), bà cũng coi như là số mạng do trời định ai mà cưỡng được. Riêng tôi vẫn thầm nghĩ nếu có Trời Phật công minh thì sao những người có lòng nhân ái, vị tha như bà lại không được hưởng phúc cho trọn vẹn!

 

Trên đây chỉ là một số trường hợp tiêu biểu cho các bà mẹ Phú Yên giàu lòng nhân ái. Còn bà con Phú Yên nói chung thì như thế nào? Tinh thần “ang nước lã” được thể hiện ra sao?

 

Trong kháng chiến chống Pháp, Trường Lương Văn Chánh lần lượt đóng ở nhiều nơi: Hóc Lá, An Thổ, Đồng Me... học sinh từ vài chục đông dần lên, có năm lên trên 400. Số học sinh đó được đồng bào quanh vùng cho ở trọ. Có em thì tự thổi nấu lấy, có em phải nhờ chủ nhà giúp đỡ… Ai cũng biết học trò đời nào cũng được xếp vào hàng thứ ba sau ma và quỷ, ở đâu thì nghịch ngợm, phá phách đó, thậm chí còn đánh nhau, gây sự với con cái chủ nhà. Thế nhưng, khi các em hoặc do bố mẹ hoặc trực tiếp xin ở, không một chủ nhà từ chối, nhà nào cẩn thận thì có sự giao hẹn không được làm điều này điều khác, thế thôi. Và điều đáng ngạc nhiên là suốt cả mấy năm, qua mấy nơi trường đóng, tuyệt đối không hề có trường hợp nào bà con từ chối không cho học sinh ở trọ hoặc than phiền với trường về khuyết điểm của học sinh.Tất nhiên ở trường, chúng tôi luôn nhắc nhở các em về thái độ đối với chủ nhà nhưng làm sao tránh hết được những lỗi lầm nhiều ít của cái lứa tuổi hiếu động của hàng trăm học sinh? Có những học sinh ở trường chúng tôi nhận thấy khá nghịch nên thỉnh thoảng đến tận các chỗ trọ để kiểm tra, nhưng nhà chủ nào cũng chỉ xuề xòa bảo đại ý chúng là trẻ con ấy mà, có gì thì nhắc nhở nó như con cháu trong nhà, chẳng có gì to tát cả, các thầy cứ yên tâm. Đúng là những con người độ lượng, khoan dung, luôn sẵn sàng giang đôi cánh tay nhân ái giúp đỡ, chở che nhau khi cần thiết.

 

(Còn nữa)

 

BÙI XUÂN CÁC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người Phú Yên trong tôi
Thứ Tư, 22/09/2010 10:59 SA
Sông Hinh - Điểm du lịch sinh thái lý tưởng
Chủ Nhật, 19/09/2010 10:00 SA
Núi Nhạn - sông Đà Rằng
Chủ Nhật, 05/09/2010 07:51 SA
Thành phố Tuy Hòa hướng đến tầm vóc mới
Thứ Bảy, 04/09/2010 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek