Chủ Nhật, 22/09/2024 11:57 SA
Người Phú Yên trong tôi (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 24/09/2010 11:00 SA

Ở Huế, khi quyết định chuyển cả gia đình vào Phú Yên thì tất cả suy nghĩ chỉ tập trung vào việc tìm mưu kế làm sao đánh lừa được địch để thoát ra vùng tự do, còn sinh kế ở đó như thế nào thì cứ lấy câu “trời sinh voi sinh cỏ” và “bà con làm gì thì mình làm nấy”, miễn chịu khó là được. Nhưng khi đứng trước thực tiễn rồi mới thấy hết cái khó khăn, bế tắc vô cùng nan giải. Ở Huế thì bà nhạc tôi có một sạp hàng xén ở chợ Đông Ba, nguồn hàng sẵn, khách quen đông, mọi việc thuận lợi. Vào đây lạ nước lạ cái, chợ búa quanh vùng thì đơn sơ thưa thớt... Ở Huế, vợ tôi bán giải khát, cafê. Ở Phong Niên cũng đã có mấy hàng bán các thứ đó mà xem ra khách chẳng có bao lăm. Nay mình mở thêm, nếu nhờ có kỹ thuật làm tốt hơn, phong cách tiếp khách lịch sự hơn để thu hút khách của các hàng kia thì chắc gì sống được yên ổn... Gia đình cả thảy đến 5 miệng ăn mà lương của một thầy giáo như tôi thì ai cũng biết chẳng giải quyết được gì. Vốn liếng góp nhặt được để mang đi chỉ có hạn, mà “ngồi ăn thì núi lở”. Tham khảo ý kiến của bạn bè thân quen, chẳng ai giúp được kế gì khả thi. Loay hoay mãi thấm thoát đã gần 3 tháng trời mà bế tắc vẫn hoàn bế tắc. Không khí gia đình ngày càng lo âu, buồn bã, sốt ruột. Tình hình cấp bách thêm khi bà vợ tôi đã có triệu chứng mang thai! Thật là thiên nan vạn nan! Trong cơn túng quẫn đó, một hôm tôi đến trường tình cờ phát hiện tấm mặt bàn cẩm thạch mượn của một phụ huynh để làm litô đang nằm khuất ở một góc phòng. Trường dọn đến địa điểm mới, không có điều kiện thuận tiện để tổ chức in nữa nhưng chưa kịp trả lại cho chủ nhân. Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ hay là ta tổ chức cho gia đình làm cái nghề này, vừa là nghề mà tôi nắm vững, vừa là nghề mà trong tỉnh chưa ai làm. Do thời làm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền tôi vốn có quan hệ rộng rãi thân tình với các cơ quan Chính Đảng nên khi tôi dò hỏi ý kiến và nhu cầu của họ thì rất may là mọi người đều ủng hộ và còn giục tôi sớm tổ chức để họ đưa việc cho mà làm. Như vậy, khâu khách hàng là bảo đảm chắc rồi, còn khâu rất quyết định là tổ chức in, các dụng cụ như mực viết, mực in, rulô đều có thể mua được ở Bồng Sơn. Riêng mặt đá thì lúc bấy giờ thắp đuốc tìm cũng chẳng thấy đâu có bán hoặc sản xuất. Nghĩ đến cái mặt bàn cẩm thạch đang có ở trường thì đó là một vật gia bảo rất quý mà phụ huynh vì quá nể trường mới cho mượn, nay mình cần cho việc riêng tư thì làm sao mượn được, nhất là khi dùng vào việc mình thì cần xẻ ra từng tấm nhỏ, tức là phá hẳn cái mặt bàn cẩm thạch đó? Cái khâu quyết định này mà không giải quyết được thì coi như thất bại toàn bộ. Tôi ướm hỏi ý ông hiệu trưởng thì ổng bảo cần gặp trực tiếp chủ nhân. Ông bà chủ này là ông Bảy Tuân giàu có nhất nhì của cả một vùng, nhưng có thái độ tốt đối với cách mạng, trong các đợt quyên góp như Tuần lễ vàng, Tuần lễ đồng, Đêm phụ quốc phòng... ông bà đều tỏ ra rộng rãi, tự nguyện và ngay lúc tôi còn làm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền đã có lần được ông ủng hộ cả một con bê cho cuộc hội nghị cán bộ thông tin tuyên truyền huyện. Dẫu rất e ngại vì đây là một việc riêng tư, nhưng chẳng có cách nào khác, tôi “lấy hết can đảm” đến nhà gặp trực tiếp vậy. Sau ngày 30/6/1948 giặc Pháp đổ bộ lên vùng này, ông bà đã đi lánh nạn xa. Vậy mà lúc tôi đến thì gặp bà vừa về thăm lại nhà. Tôi trình bày hoàn cảnh gia đình và đề nghị bà giúp đỡ. Không chút ngần ngại, bà nói ngay: Chúng tôi đã cho trường mượn được thì thầy cứ lấy mà dùng, không có gì trở ngại cả. Biết bà chưa nắm rõ tình tiết của vấn đề, tôi trình bày cặn kẽ thêm rằng thời gian tôi dùng chắc phải lâu hơn nhiều, và như vậy mặt bàn sẽ bị hao mòn, hư hỏng nặng, vả lại nếu tôi dùng thì không thể để nguyên cả mặt bàn, mà phải xẻ ra thành những mặt nhỏ, có nghĩa là phải phá hẳn đi, nên sau khi đã rào trước đón sau, cân nhắc từng lời, tôi mạnh dạn đề nghị cho tôi mua đứt cái mặt bàn. Với một cự phú hào hiệp như bà mà đặt vấn đề như vậy rõ ràng là bất lịch sự, thậm chí là xúc phạm nữa, nhưng đó là những tình tiết không thể úp mở, nên đành phải nói cho hết. Nghe tôi nói xong, bà thong thả rót thêm một tách nước, mời tôi uống rồi ôn tồn trả lời, đại ý: Thầy là thầy dạy con tôi, nay gia đình đã bỏ cả nhà cửa, công việc mà tản cư vào đây, gặp khó khăn như vậy, chúng tôi là phụ huynh học sinh, có bổn phận phải giúp đỡ. Cái bàn đá đó, quý thật, ông nhà tôi phải kỳ công lắm mới mua được nên ông coi như của gia bảo. Nhưng trong thời buổi này giữ được là khó lắm. Thầy thấy đấy, vừa rồi Tây nó đổ bộ, mạng người cũng khó giữ huống hồ những đồ đạc kềnh càng như vậy. Trong lúc đó thì thầy lại rất cần để lo cho sinh kế của gia đình, lẽ nào chúng tôi lại không hết lòng giúp đỡ. Mà đã nói giúp đỡ mà đem chuyện mua bán vào thì còn ý nghĩa gì nữa. Vậy thầy cứ lấy mà dùng, chúng tôi xin biếu hẳn cho thầy, thầy không có gì phải ái ngại băn khoăn cả.

 

(Còn nữa)

BÙI XUÂN CÁC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người Phú Yên trong tôi
Thứ Tư, 22/09/2010 10:59 SA
Sông Hinh - Điểm du lịch sinh thái lý tưởng
Chủ Nhật, 19/09/2010 10:00 SA
Núi Nhạn - sông Đà Rằng
Chủ Nhật, 05/09/2010 07:51 SA
Thành phố Tuy Hòa hướng đến tầm vóc mới
Thứ Bảy, 04/09/2010 11:00 SA
Quê hương – nhìn từ trên cao
Thứ Sáu, 03/09/2010 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek