Chủ Nhật, 22/09/2024 11:50 SA
Người Phú Yên trong tôi (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 23/09/2010 09:00 SA

Hè 1950. Tôi được phép ra Huế đưa vợ con vào. Nhưng vợ tôi là một cán bộ hoạt động bí mật nội thành và địch dễ đánh hơi biết, đang rình cơ hội là sập lưới.

 

Nếu vợ con tôi thoát được ra chiến khu để theo tôi mà bố mẹ ở lại thành thì nhất định địch sẽ trả thù, trút tất cả tức giận lên đầu ông bà. Tra tấn, tù đày là cái chắc. Thế là đã đi thì phải đi cả gia đình. Ai đã từng ở trong vùng địch đều biết thoát ra chiến khu một mình đã khó rồi, huống hồ là tổ chức cho cả một gia đình 4 người thoát với lỉnh kỉnh đồ đạc là vô vàn khó khăn nguy hiểm. Thế nhưng cuối cùng cũng đánh lừa được bọn mật vụ để cả gia đình thoát được lên chiến khu một cách trót lọt (chuyện này cũng có thể viết thành một bài dài) để rồi dắt díu nhau vượt Trường Sơn với bao nhiêu gian nguy vào được Phú Yên.

 

songba100923.jpg

Trên sông Đà Rằng - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Việc đưa cả gia đình vào là không dự kiến trước nên khi vào đến nơi hoàn toàn bị động về chỗ ở. Khi xe ngựa dừng lại Phong Niên, cả gia đình tạm núp dưới bóng mấy cây keo chỗ ngã ba rẽ xuống chợ Bà Sen. Đang hỏi thăm anh Trọng, một cán bộ của Ty Giáo dục Phú Yên ở gần đó (rể ông Bộ Nhị) xem trong vùng có nhà nào cho thuê hoặc cho ở tạm, thì bà chủ nhà ở ngay đó thấy có nhiều người lạ ở ngay trước cửa liền ra hỏi chuyện. Khi biết đây là “thầy Các” vừa đưa gia đình từ Huế vào liền nói ngay: “Thôi, tìm đâu cho mệt, mời thầy và ông bà vào nhà tôi đây!”. Rồi bà gọi người nhà ra mang hộ hành lý của chúng tôi vào, bảo mở luôn cửa nhà lớn, thân mật dắt tay bà mẹ vợ tôi (vốn có tật ở chân) vào trước, vừa đi vừa hỏi đủ thứ chuyện như đối với người thân thích lâu ngày gặp lại. Ôi! thật là sắp chết đuối vớ được phao! Không thể tả nỗi mừng rỡ của chúng tôi!

 

Đó là bà Liền (gọi theo tên con), có ông chồng thường xuyên ở trên rẫy vừa để trông nom chăm sóc vừa để tránh nạn máy bay địch đánh phá. Ở nhà chỉ có bà và hai con gái nhỏ nên cũng vắng vẻ. Bà bảo nay có gia đình tôi cùng ở thì càng đông vui. Bà dành luôn cả nhà ngói lớn ba gian cho chúng tôi. Tôi tỏ ý e ngại chưa biết ý ông như thế nào thì bà “trấn an” ngay: Ông ấy dễ tính lắm, lại hay thích bạn bè và cũng có phần lo cho chúng tôi đang đơn chiếc, nay có gia đình thầy ở nhà đỡ trống vắng, chắc ổng càng mừng, không sao đâu, thầy đừng lo. Nghe vậy tôi cũng hơi yên tâm nhưng để cho chắc, tôi ngỏ ý muốn nhắn ông về để tôi thưa chuyện cho đúng phép.

 

- Có gì khó đâu, không mai thì mốt ổng về ngay đấy.

 

Hôm sau ổng về thật. Nghe tiếng ông ngoài đường, bà đã chạy ra đón ngay, kể hết mọi việc. Và quả thật, ông tỏ ra vui tính, xởi lởi và xuề xòa khi tôi và gia đình chào ông và trình bày hoàn cảnh. Ông nói luôn: Tôi mừng quá đi chứ. Đây là cái may của tôi đấy, không phải của thầy đâu. Nhà đang vắng mà. Có thầy và gia đình cùng ở thì nhà tôi càng đông vui, thầy đừng ngại gì cả. Rồi ông quay sang chuyện trò rất thân mật với ông bà già vợ tôi, hỏi han mọi thứ, nhất là chuyện làm sao thoát được Huế, chuyện vượt đèo leo núi Trường Sơn... ông rất thích con gái nhỏ mới 5 tuổi của tôi, kéo nó vào lòng vuốt ve, âu yếm, tỏ ý tiếc không hái ít sim và ổi về làm quà cho nó. Ông nhìn quanh một lượt, tính toán thế nào mà bảo là cho dọn cái buồng con cho vợ chồng tôi ở, xếp chỗ cho ông bà già, chỉ nơi để đồ đạc, bảo cứ dùng bếp chung... Lại còn dặn dò bà vợ và các con cư xử, giúp đỡ chúng tôi như thế nào, thật là ân cần, chu đáo. Thế là “buồn ngủ gặp chiếu manh”, chúng tôi vô cùng an tâm và mừng rỡ. Ông bà nhạc tôi biết rõ cái cảnh ở Huế, muốn có một chỗ nương thân dù nhỏ hẹp cũng phải thuê mướn với điều kiện ngặt nghèo, vào đây mới chân ướt chân ráo mà gặp ngay hoàn cảnh thuận lợi như vậy, tỏ ra rất cảm kích, khen và phục mãi tấm lòng rộng rãi, nhân ái của con người ở đây. Vấn đề cơ bản số một khi đến vùng xa lạ như thế là đã giải quyết quá tốt đẹp. Bây giờ phải lo nghỉ ngơi một thời gian để phục hồi sức khỏe vì cả gia đình vốn ở thành thị, chưa từng quen trải qua một chuyến đi dài ngày vất vả, nguy hiểm đến thế. Sự mệt mỏi ê ẩm bây giờ mới ngấm đến từng khớp xương bắp thịt. May nhờ có chuẩn bị sẵn thuốc men dự phòng, và sự an tâm nhẹ nhõm về tinh thần nên độ dăm hôm thì tình hình sức khỏe hầu như đã hoàn toàn hồi phục.

 

(Còn nữa)

BÙI XUÂN CÁC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người Phú Yên trong tôi
Thứ Tư, 22/09/2010 10:59 SA
Sông Hinh - Điểm du lịch sinh thái lý tưởng
Chủ Nhật, 19/09/2010 10:00 SA
Núi Nhạn - sông Đà Rằng
Chủ Nhật, 05/09/2010 07:51 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek