Chủ Nhật, 22/09/2024 13:32 CH
Lão họa sĩ Đặng Ngọc Trân:
“Không thể lấy chất liệu để đánh giá nghệ thuật”
Thứ Năm, 18/02/2010 19:00 CH

Lão họa sĩ Đặng Ngọc Trân vừa thực hiện một cuộc triển lãm chào mừng sự kiện Festival hoa Đà Lạt khi đã bước vào tuổi 82. Điều thú vị, bên cạnh những tranh hoa thể hiện tình yêu của ông đối với thành phố ngàn hoa, triển lãm này lần đầu xuất hiện loạt tranh của “trường phái mới” mà ông gọi là “hiện thực liên tưởng”. Dường như sức sáng tạo không chịu nghỉ ngơi ở người nghệ sĩ lớn tuổi hiếm có này.

 

tran.jpg
Họa sĩ Đặng Ngọc Trân

 

* Những người yêu tranh và giới mỹ thuật, trong ngoài nước rất nể phục tranh bút bi của họa sĩ Đặng Ngọc Trân. Xin họa sĩ cho biết, lý do nào để họa sĩ chọn bút bi làm công cụ sáng tạo cho những tác phẩm nghệ thuật của mình?

 

- Họa sĩ Đặng Ngọc Trân: Năm 1957, tôi vào Sài Gòn, tuổi tác lúc ấy cũng đã lớn, cùng với năng khiếu bẩm sinh tôi chọn ngành mỹ thuật – phải nói đây là một ngành dành phần đông cho con nhà khá giả và có địa vị xã hội, trong đó có cả con của các ngài đại sứ hoặc các tùy viên. Dụng cụ tạo hình đối với họ là vấn đề không phải bận tâm. Còn riêng tôi là dân Phú Yên, vào trường Mỹ thuật còn mang dép râu phải dùng nghề dạy kèm để có cái ăn, cái mặc và cả tiền mua dụng cụ học tập. “Cái khó ló cái khôn”. Tôi suy nghĩ. Người Trung Hoa đã dùng cây bút ta hay gọi là cọ Tàu để viết chữ đồng thời cũng để tạo tranh và loại tranh đó đã trở thành quốc họa của người Trung Hoa, vậy năm 50 trở đi của thế kỷ trước, mọi người trên khắp thế giới đều dùng bút bi để viết, vậy tại sao ta không chọn nó làm một chất liệu nghệ thuật. Bất kỳ phương tiện nào như tranh chì, màu nước, sơn mài, sơn dầu nếu đạt được đỉnh cao của nghệ thuật thì giá trị vẫn như nhau, bởi không thể lấy chất liệu để đánh giá nghệ thuật. Do đó ngay từ khi bước chân vào trường Mỹ thuật, tôi đã chọn bút bi. Có điều cũng nên chú ý, là bút bi lúc đầu chất lượng kém, do đó có nhiều tác phẩm đầu tay của tôi bị phai màu và phải tự tay trùng tu. Càng lâu về sau này nhất là đầu thế kỷ XXI, chất lượng bút bi rất tốt, khắc phục được nhược điểm đã nói và với một cây bút của nhà sản xuất đủ uy tín, thì bạn không phải lo hiện tượng đáng tiếc xảy ra nữa.

 

* Họa sĩ vừa cho xuất bản cuốn tranh hoa, mảng tranh hoa chiếm một vị trí ưu ái đặc biệt sự nghiệp sáng tác của họa sĩ, vì sao là hoa mà không phải đề tài khác?

 

Bất kỳ phương tiện nào như tranh chì, màu nước, sơn mài, sơn dầu nếu đạt được đỉnh cao của nghệ thuật thì giá trị vẫn như nhau, bởi không thể lấy chất liệu để đánh giá nghệ thuật. Do đó ngay từ khi bước chân vào trường Mỹ thuật, tôi đã chọn bút bi.

- Họa sĩ Đặng Ngọc Trân: Tôi xuất bản sách không nhắm lợi nhuận kinh tế, mà là để đóng góp điều gì cho xã hội hôm nay và mai sau. Ngoài tư cách là họa sĩ, tôi còn là nhà giáo nên các sách của tôi mang tính hệ thống sư phạm. Cuốn thứ nhất là “Cấu trúc Hội họa” xuất bản năm 2000, được giải thưởng Liên hiệp – Văn học nghệ thuật toàn quốc năm 2001, là tác phẩm lý luận hội họa dành cho mọi trình độ. Mỗi trình độ tiếp thu theo mức độ khác nhau, kể cả những người không chuyên cũng khái quát được vấn đề. Hiện nay nó là loại sách tham khảo được dùng ở các trường Mỹ thuật tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cuốn thứ hai là cuốn “Tranh bút bi” tập hợp một số tranh bút bi của tôi kèm theo phần lý luận về hình họa ở phần đầu. Vì hình họa là môn cơ bản của sinh viên ngành Mỹ thuật. Tranh bút bi cũng là một loại hình nghệ thuật đậm chất “hình họa”. Và tranh bút bi của tôi nếu so sánh với tranh lụa hay tranh sơn dầu cùng của tác giả thì chưa biết “mèo nào, cắn mỉu nào”. Cuốn “Tranh hoa xuất bản năm 2005 là sự kế tục mang tính sư phạm đi từ: Lý luận tạo hình à hình họa à tranh màu. Cách sắp xếp bố cục của sách này gồm các phần: Tranh trên giấy à tranh lụa à màu acrylic à sơn dầu phân loại theo chất liệu.

 

Còn tại sao tôi ưu ái cho “Tranh hoa”, trước tiên là vì hoa ở Đà Lạt rất nhiều, rất đẹp và cũng rất rẻ thậm chí không mua cũng có người mang đến cho mình vẽ thế thì tội gì mà không làm. Nếu “phái yếu” là bông hoa của con người, thì hoa là “người đẹp của thiên nhiên, của vũ trụ” – Hái hoa thiên nhiên thì hái bao nhiêu cũng được nhưng “hoa của con người” thì vô cùng phức tạp, không những chỉ cẩn thận mà còn phải cực kỳ cẩn thận đấy(!)

 

Những tưởng ở tuổi tám hai thì phong cách cũng như nội dung sáng tạo đã định hình, nhưng không phải thế. Năm 2008 nhân một dịp đi sáng tác tại Vũng Tàu, trong lúc lang thang trên bờ biển để tìm nguồn cảm hứng thình lình tôi gặp một mảnh ni lông bị trôi dạt vào bờ, một phần chìm và một phần lộ lên mặt cát. Từ “cái rác” này, tôi đã đưa vào tranh thành một “giai nhân kiều diễm”. Phút tình cờ này đã cho tôi phát hiện một cung cách sáng tạo rất riêng mà tôi gọi là “Hiện thực liên tưởng”. Như vậy không phải tôi chỉ vẽ tranh hoa mà còn vẽ nhiều thể loại khác như người, phong cảnh và loại tranh bố cục có tên “Hiện thực liên tưởng” đã nói.

 

tra1.jpg

“Viễn Xứ” – Tranh sơn dầu của Đặng Ngọc Trân

 

* Trong Nghệ thuật nói chung và Mỹ thuật nói riêng, người làm nghiên cứu lý luận thường ít có thành tựu nổi bật trong sáng tác và ngược lại. Là người từng giảng dạy Mỹ thuật, lại vừa nghiên cứu, vừa sáng tác, họa sĩ nghĩ như thế nào về vấn đề này?

 

Nhiều người đã không phân biệt được đâu là “tinh hoa nhân loại” và đâu là những “rác rưởi nghệ thuật” cần loại bỏ. Tôi cố gắng tìm hiểu, đọc, dịch và viết những bài lý luận mong gửi gắm đến bạn đọc một “quan điểm nghệ thuật” mang tính dân tộc mà tôi tâm đắc.

- Họa sĩ Đặng Ngọc Trân: Có lẽ nghề giảng dạy đã là chiếc chìa khóa để mở các cửa phòng hoạt động của tôi. Tôi là một nghệ sĩ nhưng lại là một giáo viên. Khi mà người thầy chỉ biết nói thì làm sao thuyết phục được học sinh. Ngược lại một người thực hành rất giỏi nhưng thiếu khả năng đúc kết, thống kê kinh nghiệm và thiếu hệ thống kiến thức lý luận thì cũng không thể là người thầy giỏi. Hơn nữa trong thế giới ngày nay cách thẩm định nghệ thuật không thể nào thống nhất như nhau được. Những nước lớn có nền kinh tế phát triển và nền văn hóa riêng thì cách nhìn nhận giá trị nghệ thuật của họ không phải là cách nhìn của chúng ta, bởi vì tâm hồn chúng ta được hình thành qua môi trường lịch sử, địa lý, văn hóa hoàn toàn khác biệt họ. Do mở cửa, cơ chế thị trường và phương tiện thông tin hiện đại đã làm lung lay nền móng văn hóa và bản sắc dân tộc. Nhiều người đã không phân biệt được đâu là “tinh hoa nhân loại” và đâu là những “rác rưởi nghệ thuật” cần loại bỏ. Tôi cố gắng tìm hiểu, đọc, dịch và viết những bài lý luận mong gửi gắm đến bạn đọc một “quan điểm nghệ thuật” mang tính dân tộc mà tôi tâm đắc. Trên 50 bài đã đăng trên báo Mỹ thuật của Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam, cũng như tuyển tập “Lăng kính Nghệ thuật” hiện còn ở Ban giám hiệu Trường Đại học Mỹ thuật Hồ Chí Minh dưới dạng bản thảo và cả cuốn “Cấu trúc Hội họa” đều xuyên suốt tinh thần khoa học và dân tộc. “Một con én có thể không làm nổi mùa xuân”, nhưng nếu mùa xuân chẳng có con én nào thì buồn lắm vậy(!)

 

* Được biết khi đã bước qua tuổi 82, họa sĩ đã thực hiện một triển lãm tranh tại Đà Lạt. Những tác phẩm nào được ưu tiên giới thiệu với công chúng trong triển lãm này, thưa họa sĩ?

 

- Họa sĩ Đặng Ngọc Trân: Đúng vào 25 tháng 12 năm 2009, tôi đã tổ chức một cuộc triển lãm  vào tuổi 82. Vì là để chào mừng Festival hoa Đà Lạt năm 2010, nên việc xuất hiện một số tranh hoa của tôi và của vợ tôi được xem như phần nghi thức không thể thiếu. Ngoài ra tôi muốn nhân dịp này giới thiệu loạt tranh mới, nếu không muốn nói là “trường phái mới” là “Hiện thực liên tưởng” mà tôi đã nói ở trên.

 

cu1.jpg

Họa sĩ Đặng Ngọc Trân và phu nhân - Ảnh: TƯỜNG VĂN

 

* Cuối cùng, xin họa sĩ cho biết, đề tài quê hương Phú Yên được nhắc nhở như thế nào với ông trong những sáng tác của mình?

 

- Họa sĩ Đặng Ngọc Trân: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người”. Bài hát thì tôi không thuộc, của nhạc sĩ nào tôi cũng chẳng biết, bởi lĩnh vực âm nhạc, tôi chỉ là đứa trẻ lên ba. Khi lẩm bẩm câu hát trên thật sự tôi rất nhớ, nhớ vô cùng và lúc nào cũng xúc động đến ứa nước mắt. Nghệ sĩ vốn “giàu nước mắt” mà. Trước đây khi sức khỏe chưa bị chi phối vì tuổi cao, tôi hay về quê Phú Yên vẽ, và để gọn gàng tôi đã dùng chất liệu bút bi. Trong cuốn Tranh bút bi xuất bản năm 2004 tôi đã dành 16 trang trong tổng số 123 tranh toàn tập cho quê hương Phú Yên. Trong phần giới thiệu vắn tắt tôi đã viết:

 

“Nửa thế kỷ làm khách ly hương, những ngày trở về sao không khỏi bùi ngùi xúc động, chòm cau, bụi chuối, khóm dừa, hàng tre cũ, dòng sông vắng lặng cho cảm giác như không hề thay đổi.

 

Nắng trưa xuyên qua cành cây đặt xuống mặt đất gập ghềnh như những quả trứng. Trong vườn, cành mít chi chít quả – bờ cát trưa hè nóng bỏng nhưng những cây “mà ca” vẫn mãi tươi xanh.

 

Cảnh xưa còn đó nhưng người về đâu?”

  

HUỲNH HIẾU (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phước Hậu quê hương tôi
Thứ Năm, 18/02/2010 11:00 SA
Về năm tháng hổ có mặt ở Sông Hinh
Thứ Hai, 15/02/2010 11:00 SA
Quyến rũ Vịnh Xuân Đài
Chủ Nhật, 14/02/2010 19:00 CH
Cọp núi Lá
Chủ Nhật, 14/02/2010 07:00 SA
Phú Yên – điểm đến Năm du lịch Quốc gia
Thứ Bảy, 06/02/2010 07:30 SA
Ký ức làng Phú Hội
Thứ Ba, 01/12/2009 08:34 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek