Chủ Nhật, 22/09/2024 13:31 CH
Ký ức làng Phú Hội
Thứ Ba, 01/12/2009 08:34 SA

Thôn Phú Hội ở về hướng đông bắc của huyện Tuy An, có đầm và con sông nhỏ trước mặt, sau lưng là dãy núi  Động Giả, phía tây bắc là cửa sông Bình Bá đổ ra vịnh Xuân Đài.

 

Thôn có chùa Long Phú, có nhà thờ Thiên Chúa giáo ở xóm Đồng Quao, có cảng cá, có đồng ruộng làm hai vụ, có núi đồi làm rẫy, làm vườn.

 

Thôn Phú Hội có 1.135 hộ, 4.787 dân, sống chủ yếu bằng nghề nông, nghề biển và buôn bán nhỏ.

 

Phú Hội có hai chợ: chợ Cầu và chợ Bến. Chợ Cầu nay chuyển xuống phía đông thoáng mát rộng rãi, họp một tháng 6 phiên và buổi chiều hàng ngày, chợ Bến họp buổi sáng hàng ngày. Nhờ có chợ Cầu và chợ Bến, bà con buôn bán làm ăn thuận lợi.

 

Thôn Phú Hội thời trước không có trường công, chỉ có hai trường tư ở xóm Chùa do thầy Hai (người Huế) mở dạy, Thầy Nguyễn Văn Hiển mở lớp ở xóm Đồng Quao. Hai thầy dạy chữ Quốc ngữ đến hết cấp một, dạy chữ Nho viết hàng năm hàng sáu. Nhờ hai trường tư này, con, em ở địa phương biết được cái chữ, sau trở thành cán bộ phục vụ cho kháng chiến chống Pháp.

 

Thôn Phú Hội có một số ít gia đình khá giả, còn đa số là nghèo, phải lĩnh canh, làm thuê mướn chịu tô thuế nặng nên rất nghèo khổ. Thời Pháp thuộc có một số người làm lý hương tranh giành quyền lợi cá nhân nên hay kiện nhau. Do đó người ta thường nói “Phú Hội Kiện Làng”.

 

Trước Cách mạng Tháng Tám, những người lớn tuổi đi học, làm ăn xa như các ông Nguyễn Thanh Kiết, Đỗ Ngô Đồng, Mai Xuân Liễu, Nguyễn Phước… sớm giác ngộ cách mạng và lãnh đạo nhân dân vùng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Phú Hội nô nức xây dựng cuộc sống mới, ra sức bảo vệ chính quyền cách mạng. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, thôn Phú Hội cũng như các nơi khác chuẩn bị mọi mặt để trường kỳ kháng chiến.

 

Phú Hội là vùng tự do của xã An Ninh, huyện Tuy An. Địch âm mưu đánh chiếm vùng tự do Phú Yên nên chúng thường dùng máy bay oanh tạc, sử dụng tàu chiến, đổ bộ lên vùng biển thôn Phú Hội bắn phá, đốt làng, giết hại nhân dân. Phong trào du kích chiến tranh ở Phú Hội phát triển khá mạnh, ngăn chặn có hiệu quả các cuộc tiến công của địch. Phú Hội có địa thế tốt, ở sát cửa biển, thuận tiện cho tàu thuyền ra vào, nên Ban tiếp tế miền Nam (Nam Bộ) làm việc ở đây, như các đồng chí Hoàng Minh Châu, Phạm Văn Bạch, Nguyễn Thị Định. Nơi ở làm việc của Ủy ban kháng chiến miền Nam là nhà các ông Đỗ Ngô Đồng, Nguyễn Thanh Kiết, Nguyễn Mỹ Thuật. Phú Hội là nơi chuẩn bị vật chất, lương thực, tiền, vũ khí chuyển vào Nam. Phú Hội có một số người làm thủy thủ đưa tàu thuyền ra vào Nam Bộ như ông An và nhiều người khác.

 

Trong kháng chiến chống Pháp, thôn Phú Hội phát triển sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân và phát triển mạnh công tác giáo dục, y tế, giữ vững an ninh trật tự.

 

Trong kháng chiến chống Pháp, Chi bộ Đảng Phú Hội có 50 đồng chí và nhiều người trở thành cán bộ chủ chốt như các đồng chí: Đỗ Ngô Đồng, Đỗ Ngô Công, Huỳnh Định, Huỳnh Tịnh, Huỳnh Lơ, Huỳnh Là, Nguyễn Tài (Thử), Nguyễn Phước (Bông), Nguyễn Dụng, Nguyễn Tưởng, Phạm Giói, Nguyễn Tám (Sỹ), Nguyễn Dư, Nguyễn Phước, Nguyễn Đức, Thị Sáu (Bà Phúc), Mai Xuân Liễu, Trần Phú, Lương Bụi, Nguyễn Lượng, Nguyễn Cườm, Nguyễn Nhuận, Nguyễn Đức Phổ, Huỳnh Tống Ngọc, Quỳnh, Nguyễn Thị Lượng, Thị Liên, Nguyễn Thị Cứ, Phạm Mua, Nguyễn Tú, Nguyễn Hiền, Nguyễn Mỹ Thuật, Nguyễt Phát…

 

Nhờ đội ngũ cán bộ đảng viên ưu tú nên chi bộ Đảng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng ở địa phương. Nhiều đồng chí thoát ly làm công tác ở huyện, tỉnh như: Nguyễn Thanh Kiết, Mai Xuân Liễu, Huỳnh Là, Nguyễn Đức Phổ, Nguyễn Phước, Nguyễn Đức, Nguyễn Biện, Đỗ Ngô Công, Nguyễn Cườm.

 

Một số học sinh trường Lương Văn Chánh tham gia bộ đội, tập kết ra miền Bắc được đào tạo trở thành trí thức như: Mai Bá Thiện, kỹ sư Nguyễn Phước, Nguyễn Thanh Cưu.

 

Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thôn Phú Hội có nhiều cán bộ hoạt động chín năm kháng chiến, nên sau đình chiến chính quyền Ngô Đình Diệm bắt bớ, giam cầm, đánh đập rất dã man những người kháng chiến cũ. Nhiều đồng chí bị bắt tra tấn hết sức tàn nhẫn như đồng chí Võ Văn Tư, Nguyễn Đức Phổ, Nguyễn Thị Cứ, Huỳnh Tịnh… Có đồng chí lợi dụng sơ hở của địch để trốn thoát, có đồng chí đấu tranh với đối phương nhờ Ủy ban quốc tế can thiệp để đưa ra Bắc như đồng chí Nguyễn Văn Tư. Nhiều đồng chí ở lại bị tù đày, bị thương tật.

 

Chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng nhà lao Phú Nhuận để giam cầm những người kháng chiến rất khắc nghiệt. Bọn chúng gây nhiều đau thương tang tóc trong các cuộc tố cộng.

 

Cuối năm 1959, thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhân dân vùng lên đấu tranh với địch bằng chính trị kết hợp với vũ trang. Ở thôn Phú Hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đứng lên lật đổ tên đại diện ác ôn Huỳnh Kim Anh. Chính quyền ngụy ở địa phương tan rã, cách mạng lập Ủy ban nhân dân tự quản.

 

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền cách mạng, nhân dân bám trụ quần nhau với địch, bảo vệ quê hương.

 

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp cán bộ, đảng viên bị đàn áp khủng bố đều hăng hái hoạt động cách mạng. Có nhiều đồng chí thoát ly đi lên căn cứ học tập đường lối chủ trương nhiệm vụ và về lại quê hương hoạt động như Nguyễn Thị Thỏi, Nguyễn Phát, Trần Đức…

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, cán bộ miền Nam ở thôn Phú Hội tập kết lần lượt trở về Nam hoạt động. Đợt đầu năm 1959, các đồng chí Hai Văn (Huỳnh Là), và sau đó là các đồng chí Nguyễn Độ (Phước), đồng chí Quyết Tâm (Biện), đồng chí Huỳnh Lo… trở về quê hương chiến đấu.

 

Nhờ cán bộ Trung ương tăng cường về và cán bộ tại chỗ thoát ly như đồng chí Mai Văn Minh, Nguyễn Tám (Sỹ), Nguyễn Văn Làm (Hoài Phương), Huỳnh Lửng, Nguyễn Thị Ngọc (Hiện), Nguyễn Thị Hảo, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Dũng, Huỳnh Khanh, Đào Thị Kim Xuân…, phong trào cách mạng ở Phú Hội phát triển khá mạnh

 

Thời kỳ Việt Nam hóa chiến tranh, địch bố trí ở Phú Hội một đại đội, có lúc lên đến tiểu đoàn quân ngụy, quân Nam Triều Tiên và địa phương quân đóng chốt các đồi núi cao như Hòn Bù, đồi Bà Cánh để đánh phá, đàn áp phong trào cách mạng. Tuy địch đóng chốt đánh phá như vậy, nhân dân và cán bộ vẫn đấu tranh anh dũng, bảo vệ cách mạng; chi bộ và nhân dân Phú Hội làm công tác chính trị binh địch vận để hạn chế hành động gian ác của địch, nhờ vậy tạo thế và xây dựng lực lượng, góp phần cùng xã, huyện giải phóng tỉnh nhà vào ngày 1/4/1975.

 

Qua 64 năm đấu tranh và xây dựng, thôn Phú Hội có nhiều người con hy sinh bảo vệ Tổ quốc, có 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng trăm gia đình có công cách mạng.

 

Từ sau ngày 1/4/1975 đến nay, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân thôn Phú Hội ra sức khôi phục phát triển sản xuất nâng cao đời sống. Công tác giáo dục, y tế phát triển, công tác an ninh quân sự được bảo đảm vững chắc. Phú Hội đã có nhiều công trình mới như đường sá, trường học, cảng cá Tiên Châu.

 

Thôn Phú Hội đã và đang vững bước đi lên trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ấm no, hạnh phúc.

 

QUYẾT TÂM

(Nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy kể,

              PHƯƠNG VÂN ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek