Chủ Nhật, 22/09/2024 13:41 CH
Phước Hậu quê hương tôi
Thứ Năm, 18/02/2010 11:00 SA

Quê hương yêu dấu mà “mỗi người chỉ một” của tôi là Phước Hậu, thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Phú Yên là tỉnh duyên hải miền Trung, có biển một bên còn ba bên là núi. Danh xưng Phú Yên có từ năm 1611, lúc đầu là phủ sau là dinh (1692), rồi trấn (1808), đạo (1853) và tỉnh (1888). Đến năm 2011 Phú Yên sẽ mừng sinh nhật lần thứ 400 danh xưng của mình.

 

phuoc-hau.jpg

Một góc Phước Hậu Bình Kiến - Ảnh: LÊ MINH

 

Tôi đã viết được mấy bài về quê hương Phú Yên đăng trên báo và tạp chí:

 

Phú Yên tên có tự bao giờ?

Phú Yên thời mở cõi.

Phú Yên – Sông dài, biển rộng.

“Cầu Đà Rằng dài theo nỗi nhớ”.

Bên mộ cha.

Dọc đường 25.

Dọc đường thiên lý…

 

Nay tôi đang là chủ nhiệm đề tài khoa học nghiên cứu “Lịch sử Phú Yên thế kỷ XVII - XVIII”. Càng biết nhiều, càng tự hào về quê hương Phú Yên.

 

Danh xưng Tuy Hòa cũng xuất hiện từ năm 1611. Đó là một trong hai huyện của phủ Phú Yên: Tuy Hòa và Đồng Xuân. Vùng đất Tuy Hòa đó nay là ba huyện  (Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa) và Thành phố Tuy Hòa.

 

Nơi “cắt rốn chôn nhau” mà tôi mang nặng ơn sâu cả cuộc đời này và hết lòng yêu dấu là làng Phước Hậu.

 

Danh xưng Phước Hậu có khá lâu, khi lập địa bạ vào đời Gia Long (1815) đã thấy ghi, nhưng làng này hình thành từ giữa thế kỷ XVII, trước gọi là Pháp Đông của Phước Toàn xã.

Một tên gọi dân dã trước đây còn được biết  tới là “Xóm Sủng”. Ngữ âm và ngữ nghĩa của danh xưng này phản ánh địa bàn không bằng phẳng của Phước Hậu. Tên các xóm (Ngoài, Giũa, Trong, Lẫm, Đường, Quán, Hóc, Rừng, Mới…), các gò (Thủ Kỳ, Thượng Điền, Ông Dõi), các dốc (Cây Châu, Cây Sanh, Ông In, Ông Quỡn…), Các giồng (Điếm), các động cát… cho thấy bức tranh địa mạo của làng Phước Hậu. Nhà tôi ở Xóm Đường, gần dốc Cây Sanh.

 

Phước Hậu không xa biển lắm. Quốc lộ 1A và đường xe lửa Bắc Nam chạy ngang qua ngôi làng ở ngay sát chân núi Chóp Chài (cao 390m) này. Thuở ấu thơ, tôi nhìn thấy Chóp Chài hằng ngày. Lớn lên, khi về ngoại ở làng Liên Trì, cách Phước Hậu độ hai cây số, cũng chỉ là đi từ chân núi góc Đông – Nam sang chân núi Phía Đông. Ở gần quá nên tôi thường không thấy cả hòn núi, ít khi nhìn thấy đỉnh núi nhưng hình ảnh Chóp Chài sâu đậm trong ký ức tôi và lúc đi xa thì nhớ nhiều.

 

Phước Hậu là một làng ven Đô. “Cây số 3” là cách chỉ đường dễ nhìn nhất cho những ai ở xa muốn đến Phước Hậu. Từ Chợ Dinh (Trung tâm đô thị Tuy Hòa) ra “Cây số 3” trước đây đi xe ngựa, xe kéo hoặc đi bộ cũng dễ dàng. Gần đô thị, nên dân làng Phước Hậu có nhiều người đi học, nhưng chỉ đến hết tiểu học. Học cao hơn nữa phải đi xa: Sông Cầu, Qui Nhơn, Huế… Khi trường trung học đầu tiên mở ở Tuy Hòa (tại Lò Tre) năm 1950 thì tôi là một trong những học sinh đầu tiên.

 

Phước Hậu vón là một thôn nông, dân làng hầu hết là nông dân, nguồn sống chính là nông nghiệp, một số hộ làm nghề thủ công, buôn bán nhỏ. Dân làng Phước Hậu chất phác, cần cù, lao động giỏi. Cánh đồng Phước Hậu rộng hơn 260 ha (chiếm 2/3 diện tích cả làng) có mương dẫn nước từ đập Đồng Cam, nên dọi là “Đồng Thủy”. Mỗi năm hai vụ lúa. “Cày sâu, cuốc bẫm”, bón phân nhiều, làm cỏ kỹ… Kỹ thuật thâm canh của người dân mang lại năng suất cho cánh đồng cao sản Phước Hậu. Mùa cày, trên khắp cánh đồng, những cặp trâu to khỏe cần mẫn kéo cày vỡ đất theo tiếng “dí, thá” của người cầm cày đội chiếc nón cời. Mùa lúa chín, từng tốp thợ gặt từ Tuy An, từ Bình Định vào, đến khi về ai cũng gánh hai bao đầy lúa. Có người vào Phước Hậu để mót lúa cũng đủ gánh nặng.

 

Vườn tược ở Phước Hậu toàn đất cát nên cày, cuốc không nặng công lắm, nhưng tưới nước thì mất nhiều sức. Cả xóm chỉ có một giếng nước, toàn làng chưa đến 20 giếng nước, sâu đến hàng chục sải dây gàu. Vậy mà từng gánh nước, đi thật xa, múc từng gáo tưới cho từng gốc cây thuốc lá hoặc lãnh rau, rò hành hay vồng sắn nước… Làm thâu đêm, cần cù và nhẫn nại. Thế nhưng, “thuốc lá xóm Sủng” ngon nổi tiếng, “sắn nước Phước Hậu” ngọt mà giá rất rẻ.

 

Nghề phụ thì có làm võng. Tối đến hoặc lúc nông nhàn phụ nữ thường làm võng. Những bó sợi cây trân hoặc chỉ thơm tàu, qua đôi tay thoăn thoắt trên một bắp chân được bôi chút ít dầu rái, các chị xe sợi, đan võng. Làm nôi cho trẻ thơ, làm chỗ ngã lưng nghỉ trưa cho người già… là những chiếc võng được sản sinh ở đây.

 

Chợ Phước Hậu xưa nhóm họp ở đầu dốc Cây Sanh nên gọi chợ Cây Sanh. Không to bằng Chợ Dinh, cũng không lớn như chợ phiên Màng Màng, chợ Sơn Triều… nhưng là ngôi chợ làng lâu dời.

 

Dân làng Phước Hậu rất yêu thích văn nghệ. Ban đêm, tiếng hò khoan vang lên khắp các xóm. Ở những sân có nhiều cô gái xe võng, con trai làng và cả ngoai làng kéo đến hò đối đáp thâu đêm. Ở những cối giã gạo nam nữ cùng nhau vừa giã gạo vừa hò khoan, có khi hết gạo đổ trấu vào giã, kéo dài cuộc hò. Hô bài chòi thường được tổ chức ở Giồng Điếm, Xóm Lẫm. Đây là lễ hội vui mà hấp dẫn đông người nhất. Hát bội thôi thúc mọi người trong làng bằng tiến trống chầu, kéo nhau đến chen chúc xem vui vẻ. Ở Phước Hậu có những bà cụ già không biết chữ mà đọc diễn ngâm cả truyện kiều Lục Vân Tiên. Có những ông cụ say mê gảy đờn kềm, kéo đờn cò, những nhạc cụ nhiều nhà có sẵn.

 

Dân làng Phước Hậu rất yêu nước, có truyền thống cách mạng đáng tự hào. Những trang sử của làng Phước Hậu từ khi có Đảng đến nay thật vẻ vang. Phước Hậu đã có chi bộ Đảng đầu tiên từ ngày 20-10-1935 với ba đảng viên trong làng: Nguyễn Quốc Thoại, Nguyễn Chấn, Đỗ Tương. Năm 1938 dân làng  Phước Hậu đã bầu những đảng viên cộng sản làm lý trưởng, hương hộ cho làng mình. Phước Hậu là cái nôi cách mạng khi khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Ủy ban Việt Minh lâm thời Phủ Tuy Hòa ra đời  ở đây (4-1945). Đại hội thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh Phú Yên cũng tổ chức ở đây (17-7-1945). Ngày khởi nghĩa 25-8-1945 Ban chỉ huy khởi nghĩa phủ Tuy Hòa do Nguyễn Quốc Thoại làm trưởng ban cùng đại đội tự vệ từ Phước Hậu ra đi cướp chính quyền ở Phủ Tuy Hòa thắng lợi. Hàng chục người được công nhận là niềm tự hào của làng Phước Hậu.

 

Trong kháng chiến chống pháp, có 27 liệt sĩ là con em Phước Hậu. Con số liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ là 92 và có năm bà mẹ được công nhận là bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 

PGS.TS NGUYỄN QUỐC LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về năm tháng hổ có mặt ở Sông Hinh
Thứ Hai, 15/02/2010 11:00 SA
Quyến rũ Vịnh Xuân Đài
Chủ Nhật, 14/02/2010 19:00 CH
Cọp núi Lá
Chủ Nhật, 14/02/2010 07:00 SA
Phú Yên – điểm đến Năm du lịch Quốc gia
Thứ Bảy, 06/02/2010 07:30 SA
Ký ức làng Phú Hội
Thứ Ba, 01/12/2009 08:34 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek