Chủ Nhật, 22/09/2024 15:32 CH
Phú Yên – điểm đến Năm du lịch Quốc gia
Thứ Bảy, 06/02/2010 07:30 SA

Năm du lịch Quốc gia được tổ chức tại Phú Yên nhân dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển đang đến gần. Phú Yên – điểm đến đầy hấp dẫn của trung lộ con đường di sản văn hóa nhân loại qua miền Trung chứa đựng nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể phả hồn vào tiến trình phát triển của dân tộc trong sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong. Xin điểm một vài nét chấm phá về một vài  cảnh quan độc đáo của Phú Yên để góp phần nhận biết sâu hơn về một vùng đất.

 

TP-Tuy-Hoa.jpg
Thành phố Tuy Hòa nhìn từ Núi Nhạn - Ảnh: LÊ MINH

 

TỪ THÁP NHẠN ĐẾN GÀNH ĐÁ DĨA

 

Tại trung tâm thành phố Tuy Hòa, sừng sững tháp Nhạn trên đỉnh núi Nhạn - một trong những tháp Chăm còn nguyên vẹn qua dâu bể thời gian. Tháp Nhạn như viên ngọc bích lung linh soi bóng xuống dòng sông Chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, ở độ cao 64 mét. Trên đỉnh núi Nhạn, bên tháp Chăm trầm mặc, du khách phóng tầm nhìn bao quát thành phố trẻ Tuy Hòa bên bờ biển xanh, soi bóng xuống sông Ba, phía Bắc là núi Chóp Chài (tên chữ là Nựu Sơn) cao 391 mét, bình phong tự nhiên của đồng bằng Tuy Hòa. “Chóp Chài đội mũ, mây phủ Đá Bia” câu ca dao xưa khắc họa một hình ảnh mang tính mặc định về biểu tượng quê hương.

 

Dưới cái nhìn phong thủy, sông Ba như con rồng thiêng, đầu gối thượng nguồn xanh, đuôi vắt qua trảng cát giao nhau với núi Chóp Chài như con rùa khổng lồ vươn mình ra biển. Thế Long Quy tạo thành địa linh nhân kiệt, tạo vượng khí và cơ duyên, vận hội cho sự phát triển của tỉnh Phú Yên.

 

Thap-Nhan--TP-Tuy-Hoa.jpg
Tháp Nhạn - Ảnh: D.T.X

 

Phía tây thành phố 10km là mộ và đền thờ Lương Văn Chánh - vị thành hoàng mở đất Phú Yên cuối thế kỷ XVI.

 

Dọc Quốc lộ 25, gành Đá Hòa Thắng dài 2 cây số giữa đồng bằng Tuy Hòa và Thành Hồ - thành quân sự của người Chăm còn khá nguyên vẹn mà những kết quả khai quật khảo cổ học trong 5 năm 2004-2009 hé lộ nhiều hiện vật quý, góp phần giải mã về nền văn minh đặc sắc của dân tộc Chăm anh em trên địa bàn Phú Yên.

 

Phía bắc Phú Yên là thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan.

 

Đầm Ô Loan rộng khoảng 1.500 ha. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, Ô Loan giống như con phượng đang xòe cánh.

 

Phía tây đầm Ô Loan là những quả đồi nhỏ nằm san sát nhau. Phía đông là mả Cao Biền, thầy địa lý đời Đường (Trung Quốc).

 

Ô Loan là một đầm nước lợ, có món đặc sản là sò huyết và hàu ngon nhất nước.

 

Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) nhà thơ nổi tiếng sành ăn đã từng đi khắp nước, ăn khắp nơi, đến Phú Yên nếm món ngon vật lạ cũng khen rằng: “Lấy chi vui với thu tàn, Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu”.

 

Hàng năm ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch, có lễ hội đua thuyền đầm Ô Loan. Đây là nét đẹp của văn hóa dân gian truyền thống.

 

Gần cửa đầm Ô Loan là gành Đá Đĩa, thắng cảnh quốc gia độc nhất vô nhị ở Việt Nam (trên thế giới chỉ có Ireland có được một gành đá tương tự).

 

7.jpg

Gành Đá Dĩa - Ảnh: LÊ MINH

 

Đó là một ngọn núi toàn đá nằm dưới chân sóng, có chiều rộng 50m và trải dài hơn 200m. Gành đá này có cấu tạo tự nhiên hết sức kỳ lạ: những cột đá hình ngũ giác, lục giác dựng đứng thành từng cột khít nhau, đều tăm tắp như có đôi tay khổng lồ nào đó sắp đặt. Đá đứng, đá ngồi, đá nằm, đá ngông nghênh như những cây cột chống trời, đá bày thạch trận giữa trùng khơi… Nhìn từ xa, Đá Đĩa trông như một tổ ong, lại gần lại giống như những chồng chén đĩa trong các lò sành sứ. Gành Đá Đĩa nửa chìm nửa nổi trong sóng biển, những con sóng trắng lăn tăn vỗ nhịp tạo sự tương phản đầy cảm xúc với màu đen huyền của đá. Sự sắp xếp có trật tự và ăn khớp của những cột đá đã tạo nên những khoảng bằng phẳng mà du khách có thể ngả lưng thoải mái. Ở giữa Gành Đá Đĩa có một lõm trũng, nước đọng thành từng vũng. Chung quanh vũng, đá dựng tầng tầng, du khách có thể ngồi tựa lưng vào đá, thả hồn cùng mây nước mênh mang.

 

Nếu chưa một lần đến Gành Đá Đĩa, sẽ khó cảm nhận được lời thì thầm của đá. Màu thời gian để lại trên nền đá như ma lực thu hút con người. Gành Đá Đĩa là nguồn cảm hứng vô tận của các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong và ngoài nước.

 

Ở Gành Đá Đĩa, du khách có thể ngồi hàng giờ câu cá biển hoặc cạy “vú nàng” – một loài nghêu sống bám vào ghềnh đá, nướng muối ớt xanh tại chỗ để nhâm nhi ly rượu nhỏ, giao hòa với thiên nhiên.

 

Nằm ngay cạnh Gành Đá Đĩa là một bãi cát trắng mịn hình vầng trăng lưỡi liềm, là một bãi tắm lý tưởng cho những người yêu biển.

 

Ngoài giá trị cảnh quan vô cùng kỳ thú, gành Đá Đĩa còn là một hiện tượng địa chất rất độc đáo ở nước ta.

 

ĐÈO CẢ - ĐIỂM NHẤN TRUNG LỘ CON ĐƯỜNG DI SẢN VĂN HÓA NHÂN LOẠI QUA MIỀN TRUNG

 

1nui-da-bia.jpg
Đá Bia Đèo Cả - Ảnh: D.T.X

 

Đèo Cả trải dài từ chân núi Đá Bia vượt qua dãy Đại Lãnh dài hơn 12 cây số. Ngay từ thế kỷ IV, tấm bia Chăm khắc ở chân núi Nhạn (hiện lưu giữ tại bảo tàng lịch sử Việt Nam) gọi núi Đá Bia là Lingaparvatha (Linga đại sơn thần – tức thần Siva). “Đường thư Chiêm Thành truyện” đời nhà Đường Trung Quốc gọi núi Đá Bia là Lăng già bát bạt đa (phiên âm Lingaparvatha).

 

Ông cha ta phong núi Đá Bia là “thiên nam đệ nhất trụ” (cây trụ kỳ vĩ nhất trời nam) gắn với sự tích và cả huyền tích vua Lê Thánh Tôn chọn đỉnh núi này phân định ranh giới Việt – Chiêm năm 1471.

Chính phủ vừa phê duyệt triển khai dự án hầm đường bộ đèo Cả. Đó là ngọn đèo chứa đựng chiều sâu văn hóa lịch sử của Phú Yên, của đất nước, gắn với lịch sử và huyền tích vua Lê Thánh Tôn lấy núi Đá Bia phân định ranh giới Việt Chiêm năm 1471.

 

Đèo Cả xuyên qua dãy núi Đại Lãnh (ngọn núi lớn) có tên chữ là đèo Hổ Dương, hàm ý chỉ địa danh này có nhiều cọp xuất hiện, người xưa muốn qua đèo phải chờ đông người. Giai thoại dân gian Phú Yên cũng từng thêu dệt có những “Võ Tòng” đã từng đả hổ trên con đèo này.

 

Nơi đây, tháng tư năm Quý Tỵ (1653), vua Chiêm Thành là Bà Tấm xâm phạm biên cảnh, “Chúa Nguyễn Phúc Tần (Hiền Vương) sai cai cơ Hùng Lộc đi đánh, chiếm lấy vùng đất từ mũi Đá Bia đến sông Phan Rang”, đặt dinh mới là Thái Khang, ngày nay là tỉnh Khánh Hòa.

Kể từ năm 1611, khi Phú Yên có tên chính thức trên bản đồ Đại Việt với danh xưng là phủ và sau đó 18 năm – năm 1629 – được nâng cấp là dinh Trấn biên, mở đầu cho sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn, sự kiện Hùng Lộc Hầu đưa quân vượt đèo Cả năm 1653 ghi dấu một cái mốc quan trọng của dân tộc mở nước về phương nam.

 

Đèo Cả trải dài từ chân núi Đá Bia vượt qua dãy Đại Lãnh dài hơn 12 cây số. Ngay từ thế kỷ IV, tấm bia Chăm khắc ở chân núi Nhạn (hiện lưu giữ tại bảo tàng lịch sử Việt Nam) gọi núi Đá Bia là Lingaparvatha (Linga đại sơn thần – tức thần Siva). “Đường thư Chiêm Thành truyện” đời nhà Đường Trung Quốc gọi núi Đá Bia là Lăng già bát bạt đa (phiên âm Lingaparvatha).

 

Ông cha ta phong núi Đá Bia là “thiên nam đệ nhất trụ” (cây trụ kỳ vĩ nhất trời nam) gắn với sự tích và cả huyền tích vua Lê Thánh Tôn chọn đỉnh núi này phân định ranh giới Việt – Chiêm năm 1471.

 

Ngược dòng lịch sử, thời Phú Yên còn thuộc vương quốc Chăm-pa, bà con người Chăm xem núi Đá Bia là ngọn “Núi thiêng” tượng trưng cho vị Đại Sơn Thần (thần Siva). Đá Bia với tảng đá lớn cao vút trên đỉnh núi tượng trưng cho linga (sinh thực khí nam) tự nhiên. Trong các bia ký cổ, người Chăm gọi núi Đá Bia là ngọn núi thiêng Lăng-già-bát-bạt-đa (Lingaparvata) được quan niệm như một ranh giới giữa những tiểu vùng (mandala). Núi Đá Bia có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Chăm.

 

Năm 1471, vua Lê Thánh Tôn mở đất về phương nam, lấy hòn núi này làm mốc ranh giới phân định hai nước Việt - Chăm. Bởi sự kiện này, ngọn núi được mang tên Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia), bởi ý nghĩa lịch sử về sự kiện khắc chữ vào tảng đá trên đỉnh núi để phân ranh giới. Suốt mấy thế kỷ Trịnh - Nguyễn phân tranh, núi Đá Bia là một trong ba biểu tượng xứ Đàng Trong: nam thiên đệ nhất động (động Phong Nha - Quảng Bình), thiên hạ đệ nhất hùng quan (đỉnh đèo Hải Vân), nam thiên đệ nhất trụ (núi Đá Bia). Cây trụ số một trời nam còn gắn với sự kiện trồng cột đồng của Mã Viện (tướng nhà Hán - Trung Quốc). Theo bảy quyển sử của Trung Quốc còn lưu giữ đến hôm nay (Quảng Châu Ký, Tùy Thư, Thông Điển, Tân Đường Thư, Tần Thư địa lý chí, Nam Việt Chí, Thái Bình ngự lãm). Mã Viện có trồng một trụ đồng ở núi Đá Bia có tên là Đồng Trụ Sơn để phân chia ranh giới quận Nhật Nam (vùng Phú Yên ngày nay, bị nhà Hán cai trị trong những năm đầu công nguyên) và nước Tây Đồ Di ở phía nam, sử Tàu gọi là Nhật Nam ngoại khiếu (ngoài cõi Nhật Nam). Đồng Trụ Sơn - cây cột hùng vĩ nhất trời nam được vua Lê Thánh Tôn đổi lại là Thạch Bi Sơn nhằm xác lập chủ quyền lãnh thổ của dân tộc.

 

Các nhà hàng hải người Pháp gọi núi Đá Bia là ngón tay Chúa (Le doigt de Dieu) do nhìn từ biển vào, tảng đá trên đỉnh núi giống hình ngón tay chỉ lên trời, có giá trị định vị cho tàu bè qua lại.

 

Phan Thanh Giản, vị tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ trên đường về kinh đô (Huế) giữa thế kỷ XIX đã từng có bài thơ Vịnh Đá Bia: “Nhất phiến sơn đầu thạch” (Mảnh đá đầu non dựng). Dân gian Phú Yên gọi núi Đá Bia là núi Ông Bia. Địa danh dân dã ấy xuất phát từ lòng tôn kính bởi ở thôn Hảo Sơn (dưới chân núi) có di tích Dinh Bà thờ Thiên Y Ana (bà mẹ xứ sở). Miếu thờ ấy là nơi mở đầu con đường cũ vượt đèo Cả sang Khánh Hòa mà bà con địa phương gọi là truông Gia Long – nơi lưu dấu ấn những cuộc hành quân quy mô lớn của cả hai lực lượng Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Thiên nhiên hùng vĩ của dãy Đại Lãnh và Đá Bia – Đèo Cả soi bóng xuống Vũng Rô đã được vua Minh Mạng chọn khắc vào Tuyên Đỉnh (một trong 13 đỉnh đồng khắc các thắng cảnh quốc gia được đặt tại Thế miếu trong Đại Nội kinh thành Huế).

 

Đá Bia được nền văn minh Chăm-pa tôn vinh là Linga đại sơn thần thì Vũng Rô – một tuyệt tác của thiên nhiên in bóng Đá Bia như một bức tranh sơn thủy hoàn chỉnh – xứng đáng được tôn vinh là Youni đại hải thần. Vũng Rô gắn với sự kiện mang tính huyền thoại về con đường Hồ Chí Minh trên biển Đông trong kháng chiến chống Mỹ. Vũng Rô có 12 tãi tắm lý tưởng: bãi Lách, bãi Mù U, bãi Bà Ngài, bãi Chùa, bãi Chân Trâu, bãi Hồ, bãi Hàng, bãi Nhỏ, bãi Chính, bãi Bàng, bãi Lau, bãi Nhũ, bãi Nam. Vũng Rô có hòn Nưa tuyệt đẹp như cây trụ chia đôi cánh cửa vào Vũng Rô. Sách Đại Nam Nhất thống chí gọi Hòn Nưa là Trụ Tự.

 

Đèo Cả, Vũng Rô đã đi vào thơ Hữu Loan và văn học sử ghi nhận bài thơ “Đèo Cả” là một trong trăm bài thơ hay nhất thế kỷ XX.

 

Đá Bia – Đèo Cả – Vũng Rô, từ quá khứ đến hiện tại là một dòng chảy liên tục đẫm chất tráng ca và tình ca. Dòng chảy ấy đang tiếp sức cho tương lai với những dự án kỳ vĩ đã và đang triển khai: hầm đường bộ qua Đèo Cả, cảng quốc tế Vũng Rô nối liền với Vân Phong… Cả một vùng kinh tế trọng điểm phía nam Phú Yên đang cựa mình chuyển động. Vẫn còn đó nét hoang sơ phơ phơ lau lách nhưng Đá Bia – Đèo Cả – Vũng Rô đang ngời sáng vẻ đẹp dịu dàng thăm thẳm qua bề dày lịch sử. Hồn thiêng sông núi tiếp sức cho hiện tại xây dựng một Phú Yên giàu có và yên bình như nguyện ước của cha ông ta khi đặt tên cho mảnh đất này.

 

MỘT THOÁNG HÀNH CUNG BÊN VỊNH XUÂN ĐÀI

 

Vịnh Xuân Đài có một vị trí chiến lược quan trọng về mặt quân sự, nên trong thế chiến thứ hai, Xuân Đài là một trong những địa điểm “nhân chứng” của cuộc chiến tàn khốc này. Đó là vào tháng 4 năm 1945 tàu hải quân của Nhật tiến vào vịnh đánh chiếm để làm bàn đạp tiến sâu vào đất liền, nhưng đã bị phi cơ Đồng Minh bắn chìm giữa vịnh.

 

Soi bóng xuống Xuân Đài là tỉnh lỵ Sông Cầu - một thời là thủ phủ tỉnh Phú Yên và nay được nâng cấp thành thị xã. Tại Sông Cầu có di tích hành cung Long Bình.

Vịnh Xuân Đài - một cảng biển tuyệt đẹp mà giáo sư Trần Văn Giàu đã sánh với vịnh Subic của Philippin.

 

Tại vịnh Xuân Đài đã xảy ra trận huyết chiến giữa quân Tây Sơn và nhà Nguyễn, nơi ghi chiến công đầu tiên của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ năm 1775. Theo lịch sử, thì vịnh Xuân Đài còn là nơi Nguyễn Ánh tập kết thuỷ binh đánh vào Phú Yên, là nơi dưỡng quân trên đường tiến ra đánh phủ Qui Nhơn.

 

Xuân Đài còn là nơi đặt kho để thu nạp lúa gạo từ các nơi khác trong vùng chuyển đến để cung cấp cho quân Nguyễn Ánh. Vì vậy tại nơi này còn có một địa danh gắn liền đến sự kiện này, đó là đèo Vận Lương cách phía Bắc thị trấn Sông Cầu khoảng 6 cây số.

 

vinh-XD.jpg

Vịnh Xuân Đài - Ảnh: D.T.X

 

Vịnh Xuân Đài có một vị trí chiến lược quan trọng về mặt quân sự, nên trong thế chiến thứ hai, Xuân Đài là một trong những địa điểm “nhân chứng” của cuộc chiến tàn khốc này. Đó là vào tháng 4 năm 1945 tàu hải quân của Nhật tiến vào vịnh đánh chiếm để làm bàn đạp tiến sâu vào đất liền, nhưng đã bị phi cơ Đồng Minh bắn chìm giữa vịnh. 

 

Soi bóng xuống Xuân Đài là tỉnh lỵ Sông Cầu - một thời là thủ phủ tỉnh Phú Yên và nay được nâng cấp thành thị xã. Tại Sông Cầu có di tích hành cung Long Bình.

 

Thành Long Bình là nơi đặt bộ máy nhà nước Phong kiến tỉnh Phú Yên từ năm 1899 đến năm 1945. Hành cung trong thành Long Bình là hành cung của chính quyền phong kiến Nam Triều được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX và sử dụng dưới các triều vua cuối cùng của triều Nguyễn. Đây là di tích có giá trị lịch sử văn hóa, một trong số ít những di tích của triều đại Phong kiến nhà Nguyễn để lại dấu ấn khá rõ nét trên địa bàn Sông Cầu.

 

Hành cung là một công trình lớn, được thiết kế ở vị trí trung tâm của khu thành, quay mặt về hướng nam, hướng thẳng ra cột cờ, khoảng giữa cột cờ và hành cung có đào hồ hình mặt nguyệt, trồng sen để tôn thêm vẻ đẹp hài hòa của công trình kiến trúc này. Ở các phía tả, hữu và bên hậu hành cung là những dinh thự, công sở làm việc của bộ máy chính quyền Phong kiến. Tất cả các công trình đó đều quay mặt hướng về hành cung và lấy hành cung làm trung tâm. Theo lời những người cao tuổi ở địa phương, nguyên trước tòa chính điện của hành cung có hình vuông, một gian bốn mái lợp ngói âm dương, bộ khung cột chắc chắn làm bằng loại gỗ rất tốt, giữa tòa nhà có xây bục cao, trên bục là ngai vàng bằng gỗ sơn son thếp vàng.

 

Vua Bảo Đại đã hai lần về ngự tại hành cung tỉnh Phú Yên. Lần thứ nhất vào tháng 3-1933, khi đó Bảo Đại mới trở về từ Pháp và tổ chức cuộc tuần du vào các tỉnh phía nam. Trong chuyến đi này, vua Bảo Đại dừng chân ở lại hành cung Sông Cầu và tiếp tục đi thăm các cảnh vật trong tỉnh, trong đó có công trình thủy lợi đập Đồng Cam (lúc đó tên là đập Bảo Đại) vừa mới hoàn thành công cuộc xây dựng kéo dài 9 năm (1924 - 1932). Lần thứ hai vua Bảo Đại đến ngự tại hành cung Long Bình để chủ trì lễ khánh thành nối ray đường sắt xuyên Việt Bắc Nam tại ga Hảo Sơn ngày 2/9/1936.

 

Sau cách mạng tháng 8-1945, chính quyền cách mạng tiếp quản toàn bộ công sở dinh thự này. Cuối năm 1946, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ta đã tiêu hủy toàn bộ các công trình  này trong đó có khu hành cung để thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến.

 

Hành cung xưa nay chỉ trong ký ức “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.

  

BA ĐÀ RẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về năm tháng hổ có mặt ở Sông Hinh
Thứ Hai, 15/02/2010 11:00 SA
Quyến rũ Vịnh Xuân Đài
Chủ Nhật, 14/02/2010 19:00 CH
Cọp núi Lá
Chủ Nhật, 14/02/2010 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek