Chủ Nhật, 22/09/2024 13:29 CH
Oi Thứ - người “giữ lửa” cho buôn làng
Thứ Ba, 10/11/2009 16:56 CH

Buôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên là một trong những buôn dân tộc Chăm Hroi hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống rất độc đáo. Góp phần tích cực trong việc gìn giữ những nét văn hoá truyền thống quý báu đó phải kể đến vai trò của già làng Oi Thứ. Ông được ví như người “giữ lửa” cho buôn Hà Rai của người Chăm Hroi ở vùng núi Đồng Xuân.

 

1-tring-dien-dan-lat.091110.jpg

Oi Thứ trình diễn đan lát

Nếu ai có dịp tham gia vào các lễ hội truyền thống của đồng bào ở buôn dân tộc Chăm Hroi sẽ không quên được hình ảnh Oi Thứ, một vị già làng bao giờ cũng được làng cử đứng ở vị trí trang trọng nhất của buổi lễ để “báo cáo” với thần linh về sự kiện của làng. Oi Thứ có cái giọng hào sảng, giọng cúng của ông vượt qua cả những ngọn đòi, con suối như đưa ta vào một thế giới huyền bí mà ở đó đang có các vị thần sông, thần núi trấn giữ. Ở làng Hà Rai những người Chăm Hroi hiểu biết sâu về các phong tục tập quán và giữ được những nét văn hoá quý như ông không còn nhiều. Từ bao đời nay, cuộc sống của người dân tộc gắn bó với cái nương cái rẫy nên văn hoá của người Chăm Hroi cũng gắn với cuộc sống của ông như máu thịt vậy. Ông tâm sự: “Già chỉ tiết giờ người biết văn hoá truyền thống của người Chăm mình không còn nhiều mà người trẻ thì chưa kịp hoặc chưa chịu học nên nay mai, nếu Oi Giàng thì không biết văn hoá của dân tộc mình sẽ đi về đâu”. Ngày xưa để đồng bào mình sống được thì phải biết đan lát từ cây tre, ống nứa, sợi mây có sẵn trên rừng, với đôi tay khéo léo, người dân tộc Chăm Hroi đã làm ra những vật dụng gia đình và phương tiện sản xuất rất độc đáo. Chiếc gùi lên rẫy, cái sàn, cái giần, chiếc cối, cái chày trong nhà đến những công cụ dùng để đánh cá, bẫy thú... đều từ những đôi chân sần mà ra cả. Ở trong nhà Oi Thứ bây giờ có rất nhiều vật dụng bằng mây tre rất tinh xảo. Nhìn vào hoa văn mà người ta biết đó là cái riêng của người Chăm mà không lẫn với bất kỳ dân tộc nào, đan để tạo những vật dụng sản xuất mà chỉ có người dân tộc mới có. Quan trọng nhất là cái đan, đánh bông hoa cho trang phục người Chăm. Còn để phục vụ cho lao động thì phải biết đan cái gùi có lỗ, rồi đan gùi kín. Rồi đan cái dần, cái sàn, cái nia rồi cái mủng nhỏ, cái thúng lớn dơ lúa. Bắt cá thì làm cái đó, rồi cái tôm. Khi đi rẫy thì phải mang cái gùi mà không có cái gùi nữa phải mang cái bao đó là vô dụng, không phải là truyền thống.

 

Ngày đêm ông nổ lực để giữ lại những nhạc cụ truyền thống, từ cách làm đến cách thể hiện như giữ lấy cái hồn của dân tộc vậy. Hiện giờ Oi Thứ đang nổ lực tập lại cho những nghệ nhân trẻ tuổi. Vì tụi nhỏ mới chỉ học được vài cái thôi, có cái vẫn chưa biết. La Văn Ninh là một trong những nghệ nhân trẻ tuổi của xã Xuân Lãnh đã có nhiều năm theo Oi Thứ tham gia các dịp lễ hội truyền thống các dân tộc của huyện và tỉnh, cùng với La Văn Ninh còn có nghệ nhân trẻ Sô Truyền Thanh. Tuy nhiên theo họ nếu chỉ đơn phương theo học bằng chính đam mê của mình thì không đủ. Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Để có đủ cái ăn, hằng ngày họ phải đi rẫy trồng cây lúa, cây bắp. Dù biết rằng phải giữ lại văn hoá của dân tộc nhưng nếu không có sự trợ giúp của nhà nước trong công tác đào tạo thì e rằng những nét văn hoá độc đáo của đồng bào sẽ bị mai một trong nay mai. La Văn Ninh trăn trở: “Oi Thứ đánh đàn Đinh Goong hay đàn Bró và nhiều nhạc cụ truyền thống khác, không chỉ biết đánh ông cũng là người duy nhất ở Xuân Lãnh biết làm ra nó. Giờ ông còn sức ông còn làm được nhưng sau này Oi thú về với Giàng thì không biết ai dạy lại con cháu. Nhà nước cần phải có sự đầu tư tổ chức chọn những tiết mục hay và tập hợp bà con để truyền dạy. Ban đầu thì tập cho những nghệ nhân đam mê về âm nhạc, tập những người đó trước, sau đó những người này truyền lại cho các lớp tiếp theo nữa thì may ra...”.

 

Đánh giá về vai trò của già làng Oi Thứ trong các hoạt động văn hoá cũng như gìn giữ các nét văn hoá truyền thống của địa phương, chị Phan Thị Thanh Thảo, Giám đốc Trung tâm văn hoá triển lãm huyện Đồng Xuân không tiếc lời: “Oi Thứ là một già làng lớn tuổi và am hiểu nhiều về bản sắc văn hoá của đồng bào của địa phương. Oi Thứ luôn là người dẫn dắt đàn con, đàn cháu tham gia thể hiện tốt những bản sắc văn hoá của đồng bào mình và nêu cao trách nhiệm, ý thức trong việc bảo tồn bản sắc văn hoá của dân tộc”.

 

Hiện tại cùng với việc tham gia công tác trong buôn làng với vai trò một Già làng, Oi Thứ đang gò lưng cặm cụi làm các dụng cụ đan lát, các loại nhạc cụ dân tộc và dạy lại cho các cháu mọi lúc mọi nơi, ở nhà văn hoá, bên bếp nhà sàn hay khi trên nương, trên rẫy. Nói như Oi Thứ, năm nay Oi đã trên 80 mùa rẫy rồi, Oi chỉ mong muốn một điều khi mình trở về với núi rừng, những gì mình biết được từ việc cúng tế đến đan lát, làm và sử dụng các nhạc cụ truyền thống của người Chăm Hroi đều được dạy lại cho tất cả bọn trẻ của buôn làng. Bởi đó là cách duy nhất giữ lại cái hồn của dân tộc Chăm Hroi từ ngàn đời nay.

 

Yên Hà

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek