Chủ Nhật, 22/09/2024 14:38 CH
Gặp một người trong 500 chiến sĩ đầu tiên của Đoàn 559
Thứ Ba, 19/05/2009 10:29 SA

Ông sống bình dị, chan hòa trong một khu phố nhỏ gần ga Tuy Hòa.  Bà con khu phố chỉ biết ông là cán bộ về hưu và quen gọi ông là ông già Quảng Nam. Ít ai biết rằng, ông là một trong số 500 chiến sĩ đầu tiên của Đoàn 559, mở những lối mòn đầu tiên của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

 

ong-trong.jpg

Ông Trương Bình Trọng với những kỷ vật về đường Trường Sơn năm xưa – Ảnh: X.LUẬT

 

CHUYẾN HÀNH QUÂN LỊCH SỬ

 

Sinh năm 1932 tại xã Duy Phương, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, 15 tuổi, cậu thiếu niên Trương Bình Trọng đã xin vào bộ đội đánh Tây. Ông đã từng tham gia nhiều trận đánh lớn, lập nhiều chiến công, đặc biệt là thành tích dùng bộc phá ống đánh 3 tầng thép gai trong trận hạ đồn Măng-đen (Gia Lai). Với chiến công này, ông Trọng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì. Sau Hiệp định Geneve năm 1954, ông Trương Bình Trọng là thành viên trong Sư đoàn 305 tập kết ra Bắc.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi trong ngôi nhà ấm áp tại đường Nguyễn Huệ, phường 2, TP Tuy Hòa, ông nói, sống trên miền Bắc thanh bình, nhưng ruột gan ông như lửa đốt, lúc nào cũng nhớ về miền Nam, nhớ về làng lụa Mã Châu xinh đẹp. Nơi đó có ba, mẹ và những người thân yêu nhất đang rên xiết dưới gót giày Mỹ - Diệm. Ông vẫn linh cảm sẽ có ngày được trở về miền Nam chiến đấu, nhưng không biết là lúc nào. Rồi ngày đó cũng đến, nhưng đến trong một hoàn cảnh đặc biệt ông không ngờ tới. Hôm đó, như mọi ngày, ông đang tập luyện ngoài thao trường thì được lệnh lên xe về tại nông trường Vân Lĩnh, tỉnh Phú Thọ. Lên đến  đó, ông thấy rất nhiều bộ đội từ nhiều đơn vị, đông tới 500 người, tất cả đều là con em các tỉnh miền Nam: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên…Mọi người được cấp trên phổ biến là chuẩn bị sang Liên Xô học tập. Rồi tất cả lên những chiếc xe tải bịt kín, chạy suốt ngày đêm. Ông không biết xe chạy theo hướng nào, về đâu. Chỉ đến khi vào Vĩnh Linh, xuống đi bộ ông mới biết mình đang vinh dự được làm một nhiệm vụ vô cùng đặc biệt: đưa thuốc men, vũ khí vào Nam. Ông nói, ngày xuất phát là 19/5/1959, vào đúng sinh nhật lần thứ 69 của Bác và đoàn gồm 500 người, vì thế mà có tên là Đoàn 559.

 

KÝ ỨC HÀO HÙNG

 

500 chiến sĩ đầu tiên của Đoàn 559 dựng lều tại những nơi hẻo lánh, hầu như không có người qua lại. Để bảo đảm bí mật, đồ dùng cá nhân đều phải xóa  hết mọi dấu hiệu xuất xứ từ miền Bắc hay các nước XHCN… Nhiệm vụ là bằng sức người, cõng thuốc men, đạn dược sang bờ Nam sông Bến Hải, giao hàng cho đường dây phía bên kia sông. Những chuyến hàng cho miền Nam ruột thịt chỉ được thực hiện âm thầm trong đêm. Không thể nào tả hết hiểm nguy, khó khăn, gian khổ. Cõng hàng trong  mưa. Cõng hàng qua những con dốc cao thăm thẳm. Cõng hàng qua suối sâu cuồn cuộn nước lũ. Cõng hàng trong giá rét. Bàn chân bật máu, thịt da gai cào. Nhưng, tất cả vì miền Nam ruột thịt, không một ai chùn bước. Đã không ít đồng đội ngã xuống trong những chuyến hàng như thế. “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, hơn ở đâu hết, kỷ luật của những chuyến hàng vào Nam được tuân thủ vô cùng nghiêm ngặt. 5 giờ chiều xuất phát, bằng mọi giá phải về bờ Bắc trước khi trời  sáng. Việc giao hàng chỉ bằng ám hiệu; kiểm tra hàng, bắt tay nhau, thế là xong, không được phép biết tên nhau. Phải bảo đảm bí mật tuyệt đối. Trước khi về đến căn cứ, phải xuống suối, lau rửa sạch sẽ, dùng thanh nứa gạt hết sên, vắt, bôi thuốc, không để lại một chút dấu vết. 

 

Ông Trương Bình Trọng còn nhớ một kỷ niệm không bao giờ quên. Lần ấy, tổ của ông đang vượt đường 9 thì một đoàn xe của địch từ Quảng Trị chạy lên. Gặp địch, nhưng may mắn là có chiếc cống bắc qua đường, anh em chui ngay vào. Không ngờ, khi đến đúng địa điểm anh em đang ẩn nấp, một chiếc xe địch chết máy dừng lại. Cách địch  trong gang tấc, chỉ một tiếng động nhỏ là chúng phát hiện ra ngay. Mặc cho đỉa bám đầy người, nước lạnh cắt da cắt thịt, anh em vẫn chịu đựng nằm im đến hơn nửa tiếng đồng hồ, chờ  chúng sửa xe xong. Ông Trọng nói thêm, lên bờ rồi lại còn phải xóa sạch dấu vết, nếu không, cả một chủ trương lớn của ta có thể bị lộ chỉ vì một sơ suất nhỏ.

 

Cho đến bây giờ, ông Trọng cũng không nhớ mình đã cõng bao nhiêu chuyến hàng, nhưng ông cho biết, chỉ trừ sốt rét vật xuống không thể dậy nổi, còn ông và đồng đội không bỏ một chuyến hàng nào. Mỗi đêm mỗi người chỉ có thể cõng được nhiều nhất là 10 khẩu súng trường hoặc cơ số đạn, thuốc men, quân nhu chừng 30 kg. Nhưng “kiến tha lâu đầy tổ”, cứ như thế, ròng rã hơn nửa năm trời,  họ âm thầm cõng những chuyến hàng vào Nam,  tất cả vì miền Nam ruột thịt.

 

Xaycau1966.jpg

Bộ đội xây dựng cầu trên đường Trường Sơn

 

NHỚ VỀ ĐỒNG ĐỘI

 

Vạn sự khởi đầu nan, sau này đường Trường Sơn thông về phía nam, thay vì phải gùi, phải cõng là xe đạp thồ, hàng được vận chuyển bằng ô tô; trên đường còn có cả đường ống xăng dầu… Nhưng ông Trọng nhớ nhất là những ngày đầu tiên cùng 500 chiến sĩ mở lối mòn đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Ông vẫn tiếp tục gắn bó với tuyến đường Trường Sơn trong một đơn vị bảo vệ tuyến đường. Có hồi ông được ra Bắc làm nhiệm vụ huấn luyện, nhưng rồi lại dẫn quân vào  Trường Sơn và tiếp tục chiến đấu trên tuyến đường này.

 

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, như một cơ duyên, Phú Yên trở thành quê hương thứ hai của ông Trọng và ông gắn bó với mảnh đất này từ đó đến nay. Ông tham gia Đảng ủy, HĐND phường 2 và làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường nhiều  năm liền.

 

Bây giờ ông Trọng đã gần tuổi bát tuần. Vật bất ly thân mà ông còn giữ được là đôi dép cao su và chiếc hăng-gô một thời Trường Sơn. Ông cho biết: Trong 500 chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, bây giờ số anh em còn sống không còn nhiều. Tất cả đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Người thủ trưởng đầu tiên của Đoàn 559, thiếu tướng Võ Bẩm cũng đã vĩnh biệt đồng đội. Trong giấc mơ hằng đêm, những đồng đội cũ vẫn luôn hiện về, ông gọi tên từng người: những Tuyên, Thản, Quyền, Sát, Tơ… Họ đã mãi mãi nằm lại với đại ngàn Trường Sơn. Ước mong của ông Trọng là được một lần gặp lại những chiến sĩ đầu tiên của Đoàn 559 hiện còn sống. “Với tôi, đó chính là điều hạnh phúc lớn nhất trong quãng đời còn lại” – ông bộc bạch.

PHAN XUÂN LUẬT

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Gặp chiến sĩ Điện Biên trên đất Phú Yên
Chủ Nhật, 03/05/2009 07:16 SA
Nhớ lắm
Thứ Ba, 24/03/2009 07:30 SA
Một thoáng Phú Yên
Thứ Tư, 28/01/2009 07:31 SA
Những thông điệp từ lòng đất
Thứ Ba, 27/01/2009 07:04 SA
Sức vươn của thành phố trẻ Tuy Hòa
Thứ Hai, 26/01/2009 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek