Chủ Nhật, 22/09/2024 14:40 CH
Kỷ niệm 109 năm khởi nghĩa Võ Trứ (14/5/1900 - 14/5/2009)
Võ Trứ và cuộc khởi nghĩa năm 1900 ở Phú Yên
Thứ Bảy, 16/05/2009 07:30 SA

VÀI NÉT VỀ THÂN THẾ VÕ TRỨ

 

Theo gia phả đại tộc họ Võ ghi chép, thì Võ Trứ sinh năm 1849 tại làng Nhơn Ân, tổng Kỳ Sơn, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định trong một gia đình nho giáo có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm. Người anh con bác là Võ Thiệp tham gia phong trào Cần Vương ở Phú Yên thời kỳ Lê Thành Phương lãnh đạo (1885 – 1887) và giữ chức vụ Tham tán quân vụ trong nghĩa quân, bản thân Võ Trứ đã từng theo học tại Tụ Hiền Trang cùng với người em trai là Võ Đính tham gia trong phong trào Cần Vương tỉnh Bình Định do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo. Sau khi phong trào Cần Vương Bình Định bị dập tắt, Võ Trứ phải lẩn tránh trước sự truy lùng của giặc Pháp và cải trang làm môn đệ của một sư thầy ở chùa Đá Bạc. Đây là một ngôi chùa tọa lạc tại vùng núi thuộc làng Chánh Danh, nằm giữa hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ, tỉnh Bình Định do một cao tăng trụ trì. Nhà sư thường chữa bệnh cho nhân dân trong vùng bằng cách phát bùa là tờ giấy in hình năm Phật Quan Âm bằng mực đỏ để đem về đốt thành tro và uống. Võ Trứ cùng với thầy chùa Đá Bạc đi khắp nơi trong vùng để chữa bệnh cho mọi người và thông qua phương thức này để tuyên truyền trong nhân dân tinh thần chống Pháp và tập hợp lực lượng chuẩn bị mưu đồ một cuộc nổi dậy.

 

c-090514.jpg

Amulettes de Võ Trứ (Bùa Võ Trứ) – Nguồn: Builletin des Amis de Vieux Huế, Số 4-1929

 

Việc chữa bệnh của thầy chùa Đá Bạc đã lôi cuốn nhiều người ở Bình Định và các tỉnh lân cận đến ngày càng đông khiến cho chính quyền thực dân Pháp lo ngại và ra lệnh ngăn cấm, truy bắt thầy chùa Đá Bạc. Võ Trứ cũng bị liên lụy và bị bắt giam tại nhà lao Tuy Phước, nhưng sau đó ông trốn thoát. Đầu năm 1897, Võ Trứ gặp gỡ Trần Cao Vân – một chí sĩ yêu nước người phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tại nhà ông Cả Lược làng Trung Chánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) bàn việc chống Pháp. Từ sau cuộc gặp gỡ đầu tiên với Trần Cao Vân cho đến nhiều lần sau đó đã giúp cho Võ Trứ hình thành kế hoạch chuẩn bị cuộc khởi nghĩa, mà trước hết là “lợi dụng lòng tin của dân, gieo vào họ một đức tin mãnh liệt để kết hợp thành một đoàn thể rộng lớn, để thu thập tiền bạc rèn đúc khí giới, tích trữ lương thực. Tìm một địa thế rừng núi sâu hiểm để làm nơi dụng binh. Chinh phục đồng bào thiểu số ở vùng ấy phải trung thành với mình. Tùy cơ hội phát khởi một cuộc bạo động bất ngờ, làm cho quân bảo hộ không phòng ngừa kịp; thừa cơ hội cướp lấy súng đạn của họ tạo cho nghĩa quân một chủ lực khả dĩ, chừng ấy mới có cơ làm nên việc vĩ đại”(1). Võ Trứ chọn vùng rừng núi hai huyện Đồng Xuân và Sơn Hòa tỉnh Phú Yên làm địa bàn hoạt động và xây dựng căn cứ cho cuộc vận động chống Pháp. Đây là vùng mà trước đây Võ Trứ rất thông thạo trong thời kỳ hoạt động dưới ngọn cờ Cần Vương Phú Yên do Nguyễn Bá Sự lãnh đạo (1887 – 1892) và đồng thời nhiều cơ sở dư đảng Cần Vương ở Phú Yên trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn duy trì tinh thần kiên cường chống Pháp.

 

Trong thời gian vận động nhân dân, Võ Trứ sử dụng các phương thuật sở trường từ việc cho thuốc, phát bùa, nương sao, giải hạn, cho đến việc tống quái trừ tà để tập hợp dân chúng, xây dựng lại phong trào. Võ Trứ còn liên lạc với các nhà sư ở khắp các phủ huyện, xã thôn từ đồng bằng đến miền núi, lập các trụ sở bí mật tại các chùa chiền ở khắp tỉnh Phú Yên và Bình Định làm nơi tập hợp nghĩa quân che mắt chính quyền thực dân. Công sứ Pháp ở Phú Yên trong một báo cáo mật cho biết hoạt động của Võ Trứ: “Võ Trứ đến Phú Yên trong vòng hai năm, lúc đầu hắn dựa vào người Mọi ở Thồ Lồ, làng Xí, làng Đồng, Phú Giang lập căn cứ ở núi La Hiên, sau mở rộng đến người Annam (người Kinh-TG chú). Hắn còn nhiều đồng đảng đang hoạt động tại Bình Định, Khánh Hòa và các vùng núi khác, một số khu vực Lào cũng đứng về phía hắn với tinh thần tự nguyện, tất cả đều ngụy trang dưới danh nghĩa truyền giáo. Hắn lôi kéo cả các vua Thủy Xá, Hỏa Xá cùng một số phần tử ở hữu ngạn sông Mê Kông” (2).

 

Đánh giá về Võ Trứ và những hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa cũng như vai trò của ông trong dân chúng, công sứ Blainville viết: “Võ Trứ không phải là một nhân vật tầm thường. Hắn có ảnh hưởng thật sự chẳng những đối với người Thượng mà cả người Annam ở Phú Yên cũng kính phục hắn. Khi đặt niềm tin vào mục tiêu nào đó, hắn âm thầm tìm hiểu và tìm những cộng sự đáng tin cậy giữa những người cuồng tín. Khi sống với dân, hắn đã biết khơi dậy những vấn đề bất mãn của họ như thuế thổ trạch, thuế thân, thuế phụ thu… cho đến bây giờ phần lớn họ đang chờ đợi một sự kiện diễn ra, tuy không cần tuyên bố rằng Võ Trứ ở đâu, mặc kệ, họ chỉ biết họ không bỏ hắn, hắn vẫn còn sự ngưỡng mộ âm thầm của họ” (3).

 

XÂY DỰNG CĂN CỨ VÀ TIẾN HÀNH CUỘC KHỞI NGHĨA

 

Sau một thời gian vào Phú Yên, Võ Trứ được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân tiến hành lập căn cứ chuẩn bị cuộc khởi nghĩa. Các căn cứ chủ yếu được xây dựng ở vùng rừng núi thuộc hai huyện Đồng Xuân và Sơn Hòa.

 

Căn cứ được Võ Trứ chọn làm trung tâm của cuộc khởi nghĩa nằm trong dãy núi La Hiên. Tại đây có các buôn làng của người dân tộc Ba-na, Chăm, Êđê như làng Đồng, làng Xí, làng Thoại, làng Phú Giang, làng Lel, làng Ruộng, làng Chà là… đã từng tham gia trong phong trào Cần Vương và trở thành những pháo đài kháng chiến chống Pháp kiên cường. Dưới chân ngọn núi Chơ-lo gần làng Đồng có hang đá rộng có thể chứa lương thực và tập hợp hàng trăm người được Võ Trứ chọn làm sở chỉ huy. Các già làng được Võ Trứ giao nắm giữ một số chức vụ trong nghĩa quân như Bok Chơ Wơng làm Tổng giám binh, Bok Chéo làm phó Tổng giám binh, Bok Gôh làm Tổng đốc binh, Bok Ngưu, Bok Nhen, Ây Khỏn là các phó Tổng đốc binh… Ngoài ra, Võ Trứ còn mở rộng hoạt động đến vùng Thồ Lồ giáp huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định với các làng Chăn Tiên, làng Chơput, làng Thâm tang, làng Ru, làng Matoc… Khi phong trào phát triển, Võ Trứ còn mở rộng căn cứ đến vùng Cà Lúi, Trà Kê, Bầu Bèn thuộc huyện Sơn Hòa. Tại Cà Lúi, Võ Trứ cho ám sát chánh tổng Tiền và con rể của hắn đang làm tay sai mật báo về hoạt động của nghĩa quân cho chính quyền Pháp.

 

Ở vùng đồng bằng, Võ Trứ lấy chùa chiền làm căn cứ tập hợp lực lượng. Tại huyện Tuy An, chùa Từ Quang (còn gọi là chùa Đá Trắng) được chọn làm nơi hội họp bàn bạc kế hoạch khởi nghĩa và vận động nghĩa quân tham gia. Huyện Tuy Hòa, các chùa từ vùng tả ngạn, hữu ngạn sông Đà Rằng đến vùng Thạch Bàn có nhiệm vụ tập hợp nghĩa quân để phối hợp nổi dậy giành lấy chính quyền ở phủ Tuy Hòa khi đội quân chủ lực của Võ Trứ đánh chiếm tỉnh lỵ Sông Cầu.

 

Lực lượng tham gia nghĩa quân phần lớn là đồng bào dân tộc ít người. Họ tin tưởng Võ Trứ như vị thánh sống có nhiều phép thuật. Các sư sãi ở Phú Yên đều gia nhập nghĩa quân cùng với thân hào, nhân sĩ và đông đảo nhất là tín đồ Phật giáo. Phần lớn các nhà sư ở Phú Yên có mặt trong nghĩa quân của Võ Trứ đều là người trong dư đảng Cần Vương phải ẩn náu để tránh sự khủng bố của kẻ thù, nay gặp Võ Trứ gợi lại việc chống Pháp nên họ hăng hái tham gia. Một số nhà sư như Lê Tợ, Hồ Châu, Trần Ký trở thành bộ phận chỉ huy của nghĩa quân.

 

Tham gia nghĩa quân còn có cả tín đồ Thiên chúa giáo. Theo báo cáo của Công sứ Pháp tỉnh Phú Yên thì có đến 5 con chiên bị bắt lúc trực tiếp chiến đấu tại dốc Găng, trong đó Huỳnh Cự là một trong những tướng lĩnh quan trọng của nghĩa quân. Theo ước tính của mật thám Pháp thì số lượng nghĩa quân và những người có cảm tình sẵn sàng tham gia khởi nghĩa ở Phú Yên lên đến 20.000 người. Ngay cả đội ngũ quan lại Nam triều như quan án Hồ Đắc Dự, tri huyện Sơn Hòa là Trần Kỳ Phong (sau bị giáng chức), tri phủ Tuy Hòa là Trần Trọng Lãm đến các chánh tổng, phó lý ở nhiều làng đều có hành động bao che, làm ngơ các hoạt động của nghĩa quân Võ Trứ. Do đó, một số cơ sở của nghĩa quân đặt ngay tại trung tâm phủ, huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa như làng Bình Chánh, làng Lương Phước mà chính quyền thực dân vẫn không hay biết. Báo cáo của công sứ Celeron de Blainville gửi Khâm sứ Trung Kỳ có đoạn: “Từ tri phủ, tri huyện đến chánh phó tổng và hương lý đều liên quan đến cuộc nổi loạn của Võ Trứ, nếu không tích cực ủng hộ thì ít ra cũng giúp đỡ bằng tinh thần, hoặc đứng giữa dung túng phản nghịch” (4). Lợi dụng ngày Rằm tháng 7 năm Kỷ Hợi (1899), Võ Trứ triệu tập cuộc họp tại chùa Đá Trắng gồm các thân hào, nhân sĩ, nhà sư gần 30 người, có cả đại biểu người dân tộc ít người để bàn việc mở rộng tổ chức, chia nhau mua sắm khí giới và ban hành kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa khi thời cơ đến.

 

Trong lúc công tác chuẩn bị khởi nghĩa đang tiến hành khẩn trương thì một số cơ sở bị lộ. Chánh tổng Xuân Sơn Thượng là Nguyễn Trứ và Tri phủ Tuy An là Nguyễn Khai đã báo cáo các hoạt động của nghĩa quân cho Công sứ Sông Cầu. Thực dân Pháp bắt đầu cho người theo dõi. Chúng đưa thanh tra Triguet núp dưới danh nghĩa là người khai thác và thu thập tin tức xâm nhập vào vùng Phước Giang, Kỳ Lộ để điều tra. Pháp còn dự tính sẽ thiết lập một đồn binh tại vùng này để kiểm soát hoạt động của nghĩa quân mà chúng nghi ngờ.

 

da-trang-090515.jpg

Chùa Đá Trắng, nơi Võ Trứ từng hội quân - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Trong các năm 1898-1900, tỉnh Phú Yên bị mất mùa liên tiếp, đời sống nhân dân đói khổ, kỳ thuế đến không có tiền nộp. Bọn quan lại, hào, lý thẳng tay bóp nặn đánh đập nhân dân. Chúng “khuân cả từ khí cho đến mâm thau, nồi đồng, rương xe… những người dân nghèo không gia sản thì bị đóng gông giải về huyện” (5). Không khí căm thù thực dân Pháp và tay sai bao trùm lên khắp các tổng, huyện ở Phú Yên. Lúc này Võ Trứ đẩy mạnh việc tuyên truyền trong nhân dân tinh thần chống Pháp:

 

“Tuất, Hợi nhị niên

Nhà không ai ở vườn điền bỏ hoang

Lên rừng thì sợ hổ lang

Về làng thì sợ vua quan Tây tà

Mười phần chết bảy còn ba

Chết hai còn một mới ra thái bình

Giữa đường sinh tử, tử sinh

Đứng lên chống Pháp cứu mình cứu dân…”

 

Và tiên đoán thời cơ cho cuộc nổi dậy với câu sấm:

 

“Chừng nào Thánh xuống Hòn Vàng

Thì dân ta sẽ hoàn toàn tự do” (6)

 

Mặc dù trong kế hoạch cuộc khởi nghĩa sẽ có sự phối hợp với Thủy Xá và Hỏa Xá nhưng chưa liên lạc kịp. Tuy vậy Võ Trứ vẫn quyết định phát động khởi nghĩa vì một số cơ sở bị lộ, để chậm giặc Pháp sẽ đàn áp. Hơn nữa phải nắm lấy cơ hội lúc nhân dân đang sục sôi căm thù giặc Pháp, họ sẵn sàng hưởng ứng. Theo kế hoạch, trước hết quân khởi nghĩa sẽ đánh vào đồn lính tập, ở đây có một số chỉ huy đã bí mật liên lạc với nghĩa quân làm nội ứng, lấy vũ khí trang bị cho dân binh, sau đó tiến chiếm tỉnh lỵ Sông Cầu. Đồng thời một toán nghĩa quân khoảng 12 người sẽ bí mật đi thuyền đến tòa Công sứ đột nhập giết quan đầu tỉnh và gia đình cùng với viên thanh tra.

 

Từ ngày 8/5/1900, nghĩa quân Võ Trứ tiến hành một số hoạt động đánh phá khu vực Trà Kê, Cà Lúi và các vùng lân cận. Đêm 14/5/1900, sau lễ tế cờ tại làng Phú Giang nghĩa quân có khoảng 600 người kéo từ làng Đồng xuống Xuân Lãnh, La Hai theo đường đèo Cây Cưa ra Sông Cầu. Lực lượng đi đầu là dân binh người dân tộc được trang bị nỏ bắn tên thuốc độc cùng với nghĩa binh người Kinh trang bị giáo mác và phần lớn là rựa. Mỗi người đeo một lá bùa hộ mạng với niềm tin đạn sẽ không bắn trúng. Võ Trứ đi giữa, các vị sư tăng đi hai bên điều khiển giương cao lá cờ “Minh Trai Chủ tể”. Trên đường nghĩa quân đi qua nhân dân các làng Lương Sơn, Sơn Xuân, Định Trung, Trung Lương, Lương Phước, Cao Phong, Khoan Hậu, Phương Lưu đón mừng, tiếp tế lương thực và gia nhập nghĩa binh làm cho lực lượng tăng lên trên 1.000 người. Báo cáo của công sứ Phú Yên Blainville gửi khâm sứ Trung Kỳ có đoạn viết: “Võ Trứ đi qua làng nào cũng có yết bái, treo cờ để đón rước như đón rước một vị thượng quan đi kinh lý hay một giáo chủ đạo Hồi” (7).

 

Về phía thực dân Pháp, lực lượng trấn giữ tỉnh lỵ Sông Cầu lúc bấy giờ có khoảng 100 lính tập do tên thiếu úy Conchy chỉ huy. Do mật báo, công sứ Blainville biết trước tình hình nên tất cả binh lính người Việt bị thu súng và hắn còn yêu cầu Công sứ Quy Nhơn chi viện một đại đội lính khố đỏ do hai tên Pháp là Founé và Stanger chỉ huy vào tăng cường ở Sông Cầu.

 

Khoảng 11 giờ đêm 14/5/1900, nghĩa quân Võ Trứ đến dốc Găng cách Sông Cầu 1,5km thuộc làng Lương Phước thì gặp quân Pháp do công sứ Blainville cùng đội kỵ binh của Conchy chỉ huy và thông dịch Nguyễn Chính đi tuần. Lực lượng 2 bên gặp nhau và trận giáp chiến diễn ra ác liệt tại dốc Găng (8). Sau phát súng lệnh, nghĩa quân đi đầu là dân binh trang bị tên nỏ bắn ra như mưa về phía quân Pháp, lực lượng phía sau xông lên với tiếng hô vang dậy cả một vùng. Lợi dụng địa thế con dốc với những bụi găng mọc um tùm hai bên, quân Pháp ẩn nấp và nổ súng đánh trả dữ dội, gây tổn thất cho nghĩa quân: lãnh binh Năm chết ngay tại trận cùng với 3 dân binh là người dân tộc ít người, Đốc binh Chủ Sự bị thương rơi vào tay địch. Sau khoảng 10 phút giao tranh trong tình hình chênh lệch về lực lượng và vũ khí, Võ Trứ ra lệnh rút quân trong đêm tối.

 

Sau cuộc tấn công vào tỉnh lỵ Sông Cầu bất thành, Võ Trứ tập hợp lực lượng tại căn cứ làng Đồng, củng cố bộ tham mưu để chuẩn bị đối phó sự đàn áp của quân Pháp. Ngày 22/5/1900 sau khi được tăng viện quân phòng từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên đến, công sứ Blainville tổ chức các cuộc hành binh đàn áp nghĩa quân với mục đích “không cho Võ Trứ có điều kiện nghỉ ngơi tập trung lực lượng và tổ chức các hoạt động đánh chiếm các mục tiêu mà hắn đã định” (9). Nhiều làng khu vực căn cứ bị địch đốt phá, nhiều nghĩa quân bị bắt, bị tra tấn dã man. Lúc bấy giờ có khoảng 300 người bị bắt, các nhà giam ở Phú Yên đều chật cứng phạm nhân. Ngày 29/5/1900, thanh tra Stenger và Founé chỉ huy 75 tay súng, trang bị đầy đủ đạn dược và lương thực tiến vào khu vực miền núi La Hiên. Đi đến đâu chúng đều bắn giết và khủng bố dân làng một cách tàn bạo. Các làng Đồng, làng Bok Meo, làng Chăm Tiên bị thiêu trụi. Trước hoàn cảnh đó, ngày 31/5/1900, Võ Trứ quyết định ra nộp mình để cứu nhân dân thoát khỏi sự khủng bố của giặc.

 

Cuộc khởi nghĩa Võ Trứ cuối cùng thất bại, nhưng biểu hiện tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Phú Yên không chịu khuất phục trước kẻ thù. Cuộc khởi nghĩa này tiếp nối truyền thống đấu tranh của phong trào Cần Vương trước đó. Nó như ngọn lửa âm ỉ cháy do các nghĩa quân Cần Vương nuôi dưỡng, đến khi có thời cơ, có người tổ chức khêu gợi thì bùng lên dữ dội thiêu cháy bọn cướp nước và tay sai. Trong báo cáo gửi cấp trên, công sứ Blaivinlle cũng thừa nhận truyền thống bất khuất của nhân dân Phú Yên: “Dân Phú Yên tuy ít học, nhưng họ giữ được ý thức độc lập, tự do. Từ 2 năm nay ta xen vào công việc của họ một cách trực tiếp, họ nhìn chúng ta bằng con mắt căm thù. Hơn nữa họ còn ghi lại trong ký ức những cuộc chiến đấu của ông cha họ chống lại người Pháp của chúng ta khi đặt chân đến mảnh đất này. Nay có người gợi lại truyền thống ấy và khuyến dụ họ tức thì họ nghe theo. Chính vì thế mà Võ Trứ đã thành công trong việc tuyên truyền xách động dân chúng ở thôn quê được các nhà chức trách địa phương ủng hộ đã nổi dậy chống người Pháp đông đảo và nhanh chóng như vậy” (10).

 

Khi bắt được Võ Trứ, thực dân Pháp dùng mọi cực hình tra tấn nhưng không thể uy hiếp và tìm ra Bộ chỉ huy tổ chức cuộc khởi nghĩa. Võ Trứ đứng ra nhận lãnh toàn bộ trách nhiệm về việc tổ chức khởi nghĩa, lôi kéo lực lượng dân chúng đi theo. Bọn Pháp còn dùng tình cảm gia đình để khuất phục bằng cách đưa 4 cô con gái và cậu con trai nhỏ tuổi đến trước mặt Võ Trứ khuyên ông đầu hàng, hợp tác với Pháp sẽ được sung sướng và sum họp gia đình. Võ Trứ nhìn các con và nói: “Cha chết vì nước, vì hạnh phúc của các con, thù này các con nhớ lấy, vĩnh biệt các con” (11). Và ông quay sang nói với viên công sứ Phú Yên: “Các ông không thể dùng tình cảm để khuất phục ta được đâu. Ta muốn đánh người Pháp để giành độc lập cho đất nước và thay đổi triều đại đương kim đã phản bội lại dân chúng để lập lên triều vua khác, mà người cai trị là một thánh quân. Nhưng tiếc thay công việc không thành, ta chỉ biết lấy cái chết để đền nợ nước, không phải nói nhiều lời” (12). Cuối cùng giặc Pháp đem Võ Trứ và hai phụ tá của ông ra xử chém vào ngày 6/6/1900. Đầu của ông bị chúng cắm trên cầu Tam Giang – cửa ngõ vào tỉnh lỵ Sông Cầu để răn đe dân chúng. Sau đó không lâu, hai tướng của Võ Trứ là Nguyễn Khỏe và Huỳnh Cự cũng bị bắt và xử tử ngày 30/6/1900 tại Sông Cầu; 97 người bị kết án từ 2 năm đến 13 năm tù lao động khổ sai. Các làng liên quan đến cuộc khởi nghĩa còn phải nộp thuế chiến tranh với 20.000 quan tiền (13).

 

Cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900 ở Phú Yên là cuộc đấu tranh chống Pháp và chính quyền tay sai mang màu sắc tôn giáo, chịu ảnh hưởng lớn của phong trào Cần Vương trước đó. Nét đặc sắc của cuộc khởi nghĩa là “Võ Trứ đã cố gắng tìm ra con đường đấu tranh mới trong hoàn cảnh đen tối của đất nước, thực dân Pháp đã đặt xong nền cai trị ở nước ta, phong trào Cần Vương đã thất bại hoàn toàn” (14). Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện tinh thần đoàn kết chiến đấu giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số, đoàn kết tôn giáo một cách sâu sắc. Tuy tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng cuộc khởi nghĩa có một vị trí quan trọng trong phong trào yêu nước của cả nước và nhân dân Phú Yên những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

 

———

(1), (5) Hành Sơn, Cụ Trần Cao Vân, Nxb Minh Tân Paris, 1952, tr.33-34, tr.38.

 

(2) Celeron de Balinville, Rapport politique Sông Cầu, le 5 avirl 1900. L’ Administrteur Résident de France au Phu Yen  à monsieur le Résident supérieur en Annam à Huế.

 

(3), (4), (7), (9), (11), (12), Celeron de Blainville, Rapport politique Sông Câu, le 29 Juilet 1900. L’ Administrteur Résiden de France au Phu Yen à monsieur le Résident supérieur en Annam à Huế.

 

(6), (10) Celeron de Blainville, Rapport politique Sông Câu, du mois de Mai 1900. L’ Administrteur Résident de France au Phu Yen à monsieur le Résident supérieur en Annam à Huế.

 

(8) Một số tài liệu trước đây nhầm lẫn về địa điểm diễn ra cuộc chiến đấu của nghĩa quân với quân Pháp đêm 14/5/1900 là ở dốc Quýt.

 

(13) Laborde, La Province de Phu Yen, BAVH, no4, 1929, p.221.

 

(14) Trần Văn Giàu, Phú Yên – yên định trong phú cường, Tạp chí Xưa & Nay, số 106, 2001, tr.5.       

 

ĐÀO NHẬT KIM

 

          

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Gặp chiến sĩ Điện Biên trên đất Phú Yên
Chủ Nhật, 03/05/2009 07:16 SA
Nhớ lắm
Thứ Ba, 24/03/2009 07:30 SA
Một thoáng Phú Yên
Thứ Tư, 28/01/2009 07:31 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek