Chủ Nhật, 22/09/2024 14:51 CH
Nhớ lắm
Thứ Ba, 24/03/2009 07:30 SA

LTS: Đồng chí Trương Chí Cương sinh năm 1919 tại xã Xuyên Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đấu tranh chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta ở khu VI và liên khu V. Đồng chí Trương Chí Cương làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên từ tháng 6/1945 đến tháng 7/1946. Là người có công lao to lớn trong việc lãnh đạo nhân dân Phú Yên tiến hành khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi và là người đặt nền móng cho việc xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân sau cách mạng tháng Tám và chuẩn bị các điều kiện cho công cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 34 năm đồng chí Trương Chí Cương qua đời (24/3/1975 - 24/3/2009), Báo Phú Yên xin trân trọng giới thiệu bài viết của thượng tướng, giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Minh Thảo đăng trong tập: Trương Chí Cương - trọn đời tiến công do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2005.

 

Bộ đội chúng tôi, khắp các nẻo đường Tổ quốc, đâu đâu cũng là lối về nhà, thay quân, đổi chỗ, hành binh, chiến trận là cái nghiệp của mình, sống và chết, đến và đi đã nghiễm nhiên thành cái lý của đời. Vì thế, kỷ niệm thì có vô vàn. Tuy nhiên, anh Tư Cương là một kỷ niệm lớn với tôi.

 

Mùa xuân năm 1972, ta quyết định mở chiến dịch giải phóng Đắc Tô – Tân Cảnh, Khu ủy V đã cử anh Tư Cương lên Mặt trận Tây Nguyên (B3) làm Chính ủy chiến dịch. Anh không chỉ đem đến cho chúng tôi chủ trương, tư tưởng của Đảng, kéo gần chúng tôi với Trung ương mà ở anh còn nổi lên rất đậm phong cách của người chỉ huy chiến trường. Với tư duy quân sự, anh thống nhất ngay cùng Bộ tư lệnh một phương án táo bạo: tổ chức làm giả hai con đường ở phía Bắc thị xã Kon Tum để căng địch ra, làm như ta đang chuẩn bị đánh lớn vào thị xã Kon Tum và địch sẽ sơ hở ở Đắc Tô – Tân Cảnh và ta thừa cơ giải phóng. Theo tinh thần đó, cùng với việc mở hai con đường, ta bố trí một sư đoàn để sẵn sàng ứng phó với địch. Mặt khác, ta đưa Sư đoàn 1, Trung đoàn 66, một tiểu đoàn đặc công của B3 cùng các binh chủng pháo binh, pháo cao xạ của B3 vào ém sẵn tại các vị trí tập kết phía Đắc Tô – Tân Cảnh.

 

Trong chiến dịch này, anh Tư Cương đã rất kiên quyết sử dụng bộ đội địa phương, mặc dù có một số đồng chí khác trong Bộ tư lệnh lúc đầu chưa đồng quan điểm. Trong cuộc họp Bộ tư lệnh mở rộng, đồng chí Tư Cương phát động cả bộ đội địa phương là nữ tham gia chiến đấu, đồng chí Bhăm (tỉnh đội trưởng Gia Lai) có đề nghị: chị em phụ nữ mặc váy, khó vận động, đề nghị cấp cho họ quần để mặc, anh Tư Cương và Bộ tư lệnh đã đồng ý ngay.

 

Hồi đó, trước khi mở chiến dịch, bộ đội ta còn rất nhiều khó khăn, tiếp tế quân lương không vào được. Bộ đội tuyến trước, tiêu chuẩn chỉ được ăn vài ba lon gạo một ngày, có chỗ phải ăn chuối, bộ đội phía sau phải ăn độn sắn. Vậy mà trong chiến dịch đầy khó khăn gian khổ ấy, đỉnh cao là chỉ trong một ngày mùa xuân đáng nhớ năm 1972, ta đã giải phóng xong Đắc Tô – Tân Cảnh. Diệt gọn 2 trung đoàn, 1 tiểu đoàn địch. Ở thị xã Kon Tum, địch có hai lữ đoàn dù, ta cũng dùng kế dụ hổ ra khỏi hang và diệt gọn một lữ đoàn dù, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn dù, đánh cứ điểm ta tiêu diệt một tiểu đoàn biệt động quân. Với cương vị Chính ủy mặt trận, đồng chí Trương Chí Cương đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhằm đánh Đắc Tô – Tân Cảnh thành công. Khi ta đã giải phóng được Đắc Tô – Tân Cảnh, Diên Bình, Võ Định, đồng chí đã chỉ đạo tỉnh ủy Kon Tum làm công tác dân vận, giáo dục đồng bào vùng mới giải phóng và giúp đỡ Tỉnh ủy có chính sách đúng đắn đối với vùng mới giải phóng và thực hiện tốt chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng đối với đồng bào, làm cho các vùng mới giải phóng của ta được ổn định và phát triển sản xuất. Do đó, ta đã đoàn kết được với đồng bào vùng mới giải phóng, để công tác sản xuất được phát triển và chiến đấu giữ vững vùng mới giải phóng; tuân thủ các chính sách của Mặt trận để giữ đất và giữ dân. Ta đã chủ động dùng một số đồng bào có quen biết hoặc có họ hàng với một số cán bộ ta là hạt nhân để lãnh đạo đồng bào đoàn kết sản xuất và chiến đấu.

 

Với chiến dịch Đắc Tô – Tân Cảnh, ta giành được thắng lợi lớn, giải phóng được một vùng rộng lớn ở phía bắc tỉnh Kon Tum, sau đó anh trở về lại Khu. Anh chia tay chúng tôi một cách quyến luyến, đặc biệt là với tôi. Tôi không thể quên cái bắt tay nồng ấm thật chặt của  anh, với câu nói giã từ: “Tôi rất thích làm việc với anh. Nếu có điều kiện, anh về Khu làm việc”.

 

Anh Tư ơi! Tình cảm anh em đồng chí chúng ta thật là sâu nặng. Chỉ qua một chiến dịch lớn, ngắn ngày, anh đã để lại cho chúng tôi một tình cảm sâu đậm của người đồng chí cùng chiến đấu và chiến thắng.

 

Khi mở chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột mùa xuân 1975, tôi cũng là Tư lệnh Mặt trận, nhưng không có anh làm chính ủy nữa. Nằm trên giường bệnh, chắc anh vẫn đang dõi theo từng bước tiến của quân ta và anh có biết không, trong ngày thắng lợi ấy, tôi bỗng nhớ về anh.

 

Rất thương nhớ anh. Nước nhà độc lập, Khu V được phát triển, nhưng anh chưa được hưởng trọn một ngày không khí tự do. Anh đã vĩnh biệt các đồng chí thân yêu, gia đình và Tổ quốc yêu dấu.

 

Anh ra đi, để lại bao tình cảm mến thương cho gia đình và các bạn bè chí cốt gần xa.

Tiếc thương anh và vĩnh biệt anh!

 

Người đồng chí thân thiết của anh.

 

HOÀNG MINH THẢO

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một thoáng Phú Yên
Thứ Tư, 28/01/2009 07:31 SA
Những thông điệp từ lòng đất
Thứ Ba, 27/01/2009 07:04 SA
Sức vươn của thành phố trẻ Tuy Hòa
Thứ Hai, 26/01/2009 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek