Chủ Nhật, 22/09/2024 14:43 CH
Gặp chiến sĩ Điện Biên trên đất Phú Yên
Chủ Nhật, 03/05/2009 07:16 SA

Trong những ngày kỷ niệm 34 năm ngày Phú Yên và miền Nam hoàn toàn giải phóng, 55 năm Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, chúng tôi tình cờ gặp người chiến sĩ Điện Biên năm xưa trên quê hương núi Nhạn - sông Đà. Người chiến sĩ ấy từ đất Tổ Vua Hùng theo con vào định cư trên đất Phú Yên đã hơn 15 năm, coi Phú Yên là quê hương thứ hai của mình.

 

vtuong-090429.jpg
Anh là Trần Văn Tường, quê ở Phú Thọ. Những kỷ niệm sâu sắc nhất của đời anh là vinh dự được gặp Bác Hồ cuối Chiến dịch Biên giới năm 1950 và trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ lịch sử với trận mở đầu đánh chiếm cứ điểm Him Lam.

 

Anh Trần Văn Tường kể: “Tôi nhập ngũ năm 1948, được kết nạp Đảng năm 1949 ở đơn vị khinh pháo thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Tôi đã từng tham gia các chiến dịch Biên giới, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Tây Bắc và chiến đấu trên nước bạn Lào. Tôi nhớ những ngày tập trung huấn luyện trên sa bàn chuẩn bị cho chiến dịch “Trần Đình”, mãi sau này mới biết đó là tên mật của chiến dịch Điện Biên Phủ”.

 

Anh đã từng chứng kiến khí thế hừng hực của cuộc hành quân vào chiến dịch Điện Biên Phủ, như cả nước lên đường, cả nước ra trận. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng” được dán trên pháo, trên báng súng, trên xe, trên mũ. Dân công nườm nượp tải đạn, tải lương, gặp nhau vui cười chào nhau, thăm hỏi như đi trẩy hội. Mặc cho mưa gió, rét mướt, đói khát, máy bay địch đánh phá ác liệt, bộ đội, xe pháo, dân công hành quân đánh thức cả núi rừng. Những cỗ pháo to, phải rất kỳ công mới kéo được vào trận địa.

 

Anh kể: “Với khí thế ngút trời chuẩn bị để đánh nhanh - thắng nhanh sớm kết thúc chiến dịch. Nhưng có sự thay đổi bất ngờ, lại kéo pháo ra, đưa lực lượng lui về phía sau chuẩn bị đánh chắc - thắng chắc. Lúc đầu chúng tôi cụt hứng vì điều này. Nhưng được sự giải thích kịp thời của cấp trên là: Căn cứ vào tình hình thực tế trên chiến trường, địch đã tăng viện lớn về người và vũ khí, đã hình thành công sự kiên cố. Do đó phải thay đổi cách đánh: đánh chắc - thắng chắc để giành thắng lợi mà giảm tổn thất thương vong.

 

Tất cả phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và Bộ chỉ huy mặt trận. Tư tưởng đã thông với khí thế mới tất cả chuẩn bị để đánh chắc - thắng chắc. Bộ đội đào giao thông hào áp sát địch từ xa hàng 5km. Bộ đội ta hành quân tiếp cận địch đều đi dưới giao thông hào. Các cỗ pháo và bộ đội đã vào vị trí sẵn sàng. Ngày 11/3/1954, cả mặt trận đón mừng Thư của Hồ Chủ tịch gửi động viên cán bộ và chiến sĩ. Thư Bác được tiếp sức mạnh và quyết tâm cho bộ đội ta suốt chiều dài chiến dịch.

 

him-lam-090429.jpg

Quân ta nổ súng tấn công cụm cứ điểm Him Lam

 

Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn bằng trận đánh cứ điểm Him Lam. Đúng 17g30 ngày 13/3/1954, pháo binh ta đồng loạt trút bão lửa xuống cứ điểm Him Lam, Mường Thanh, sân bay Mường Thanh làm cho quân địch bất ngờ khiếp đảm. Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm bị trúng đạn. Trận địa pháo của địch bị ta loại khỏi vùng chiến đấu bằng loạt đạn đầu tiên. Kho xăng bốc cháy, 5 máy bay bị phá hủy, địch bị thiệt hại nặng nề. Đúng 18g30, quân ta đánh chiếm Him Lam đợt 1. Lúc này tôi bị thương do mảnh đạn của địch xuyên nằm trong khớp xương mông, phải chuyển về trạm phẫu thuật trung đoàn, rồi sư đoàn. Nhưng vì không mổ lấy mảnh đạn được nên phải chuyển về Tuần Giáo - trạm phẫu thuật mặt trận - để mổ và điều trị cho đến lúc chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi.

 

Tôi rất tiếc vì bị thương sớm nên không được tham gia hết chiến dịch. Nhưng trận đánh Him Lam mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ mãi mãi in sâu trong ký ức cuộc đời người lính. Lúc bị thương tôi mới 25-26 tuổi. Bây giờ đã vượt xa cái tuổi xưa nay hiếm và đã 60 tuổi Đảng. Nhiều đêm nằm suy nghĩ về chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi vô cùng khâm phục và tự hào sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình. Đường lối chiến tranh nhân dân, mưu lược sáng tạo của Đảng, của Bác Hồ và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Chuyển từ đánh nhanh - thắng nhanh sang đánh chắc - thắng chắc mới có chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu. Trong giấc ngủ của tôi thường hiện về những hình ảnh chiến dịch, thấy hành quân ra trận, thấy đánh cứ điểm Him Lam, tiếng vang vọng những bài ca: Qua miền Tây Bắc, Hành quân xa, Hò kéo phá, Giải phóng Điện Biên…”

 

Anh Trần Văn Tường tâm sự rằng giờ đây, sống trên quê hương núi Nhạn - sông Đà, xa nơi chôn nhau cắt rốn đến cả ngàn cây số, lòng anh vẫn vô cùng ấm áp, bởi nơi đâu cũng là quê hương, ai trên đất Việt cũng là con cháu vua Hùng, con cháu Bác Hồ. “Trong không khí cả nước đang tưng bừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và đúc kết quá trình 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, tôi thầm nghĩ mình cũng vinh dự đã góp những giọt máu nhỏ bé cùng đồng đội tô thắm lá cờ quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Xin nguyện mãi mãi phát huy truyền thống anh Bộ đội Cụ Hồ để nêu gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo” – anh Tường thổ lộ.

 

THANH VÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhớ lắm
Thứ Ba, 24/03/2009 07:30 SA
Một thoáng Phú Yên
Thứ Tư, 28/01/2009 07:31 SA
Những thông điệp từ lòng đất
Thứ Ba, 27/01/2009 07:04 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek