Chủ Nhật, 22/09/2024 14:49 CH
Những thông điệp từ lòng đất
Thứ Ba, 27/01/2009 07:04 SA

Năm 2008 là một năm được mùa của khảo cổ học Phú Yên, với các cuộc khai quật lớn ở các di tích thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Các cuộc khai quật đó đã thu được một nguồn tư liệu phong phú, góp phần làm sáng tỏ thêm lịch sử của vùng đất Phú Yên.

 

khe-ong-dau.gif
Khai quật di tích Khe Ông Dậu

 

DI TÍCH KHE ÔNG DẬU: DẤU TÍCH NỀN VĂN HÓA SA HUỲNH

 

Di tích Khe Ông Dậu phân bố trên một cồn cát nằm trên bờ nam sông Bàn Thạch thuộc thôn Phước Long xã Hoà Tâm (Đông Hòa), di tích này được phát hiện vào năm 2003, và sau đó đã được khảo sát, đào thám sát nhiều lần.

 

Cuộc khai quật năm 2008, với diện tích khai quật hơn 50m2 đã thu được một số lượng lớn hiện vật bao gồm đồ gốm, đồ đá, xương răng động vật... Trong đó đồ gốm chiếm một số lượng áp đảo với khoảng 6 vạn mảnh gốm vỡ, tính bình quân có khoảng 20kg mảnh gốm trên một mét khối khai quật. Đây là một tỉ lệ cao nếu so sánh với các di tích cùng loại ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Đồ gốm ở di tích Khe Ông Dậu chủ yếu các loại nồi, bình, có đường kính miệng dao động từ 10cm đến 30cm, thành gốm dày trung bình 0,5cm. Gốm được làm bằng đất sét có pha cát và bã thực vật nhưng độ nung thấp nên rất bở. Số lượng các mảnh gốm có trang trí hoa văn chiếm khoảng 20%.  Kiểu trang trí hoa văn trên đồ gốm là văn chải, văn dập, một số hoa văn được làm cách dùng mép vỏ sò ấn lên đồ gốm để tạo thành các mô típ khác nhau như hoa văn hình tam giác, hình thoi, hình sóng nước… một số ít mảnh gốm được tô màu đen ánh chì. Đồ đá chiếm một tỉ lệ không lớn, chủ yếu là loại hình hiện vật công cụ dùng để kê, đập, mài được làm bằng đá cuội. Các loại xương răng động vật tìm thấy trong hố khai quật chủ yếu là xương răng của các loại động vật ăn cỏ như trâu, bò, hươu, nai… Đáng chú ý trong số hiện vật thu được có một mẩu kim loại bằng đồng. Đây là bằng chứng quan trọng để nói lên trình độ phát triển của cư dân nguyên thủy ở di tích Khe Ông Dậu. Các nhà khảo cổ cũng đã xác định di tích này có niên đại cách ngày nay vào khoảng 2.500 – 3.000 năm.

 

 Kết quả cuộc khai quật cho thấy rằng, vào thời nguyên thủy, những cư dân ở Khe Ông Dậu sinh sống chủ yếu bằng nghề săn bắt và hái lượm. Bên cạnh đời sống vật chất, họ cũng có đời sống tinh thần phong phú. Đặc biệt cách trang trí hoa văn trên đồ gốm đã biểu hiện một tư duy thẩm mỹ tinh tế mang nặng yếu tố của các cư dân, có ảnh hưởng đến phương thức sinh sống gần gũi với môi trường ven biển.

 

Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng văn hóa Sa Huỳnh có một quá trình phát triển từ sớm đến muộn, từ thời đại đồ đồng qua thời đại đồ sắt. Đối với khu vực Nam Trung Bộ, hiện nay các di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh mới chủ yếu phát hiện được nhóm di tích có niên đại sớm, cách ngày nay khoảng 4.000 năm và nhóm di tích có niên đại muộn có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000. Vì thế những kết quả thu được từ việc nghiên cứu tại di tích Khe Ông Dậu cũng như một số di tích khác ở Phú Yên như Cồn Đình, Gò Ốc đã được các nhà khảo cổ học đánh giá cao. Nó đã góp phần phủ lấp khoảng trống về tiến trình phát triển của văn hóa Sa Huỳnh mà lâu nay các nhà khảo cổ dày công tìm kiếm. Kết quả thu được từ việc khai quật di tích Khe Ông Dậu lại càng có ý nghĩa hơn khi mà vào năm 2009, giới khảo cổ học sẽ long trọng kỷ niệm 100 năm phát hiện ra nền văn hóa Sa Huỳnh.

 

 

PHÁT HIỆN MỚI Ở DI TÍCH THÀNH HỒ

 

hien-vat-khe-ong-dau.gif
Một hiện vật phát hiện tại di tích này – Ảnh: N.D.HẠNH
Di tích Thành Hồ nay thuộc thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa. Di tích này nằm trên bờ bắc sông Đà Rằng cách TP Tuy Hòa khoảng 13km về phía tây. Di tích này đã được khai quật nhiều lần vào các năm 2003, 2004, nhưng cuộc khai quật năm 2008 có quy mô nhất với diện tích gần 1.000m2.

 

Cũng như nhiều lần trước, cuộc khai quật tại di tích Thành Hồ lần này đã cho thấy ở di tích này mật độ các công trình kiến trúc phân bố tương đối dày. Các công trình kiến trúc tìm thấy trong các hố khai quật chủ yếu được xây dựng bằng gạch có kích thước lớn với kỹ thuật xây chồng gạch lên nhau không cần mạch vữa. Ở một số hố khai quật phát hiện thấy các công trình xây dựng đè lên nhau chứng tỏ các công trình kiến trúc trong thành Hồ đã được xây dựng vào các thời kỳ khác nhau. Ngoài ra trong các hố khai quật ở thành Hồ bên cạnh các công trình kiến trúc bằng gạch còn phát hiện được dấu tích 4 khối gia công trụ móng chạy theo hướng đông tây, bao quanh một khối kiến trúc. Các khối gia công này có hình trụ đường kính 1,3m, sâu từ 1,8-2m, khẩu độ giữa các trụ móng từ 4-4,5m.

 

Hiện vật tìm thấy trong cuộc khai quật thành Hồ có các loại mảnh gốm dân dụng, gốm kiến trúc. Gốm dân dụng gồm các loại hình nồi, vò, chén, bát, kendy… được làm bằng loại đất sét có màu vàng tươi, có độ nung cao nên thành gốm cứng. Một số sản phẩm mặt ngoài có trang trí hoa văn. Gốm kiến trúc chiếm tỉ lệ nhiều nhất vẫn là mảnh ngói vỡ. Đây là loại ngói lòng máng, độ cong của thân ngói có đường kính từ 15 -20cm. Một loại hình khá tiêu biểu của gốm kiến trúc là loại đầu ngói ống có hình tròn, đường kính dao động từ 15 – 20cm, đầu  ngói trang trí các mô típ hình mặt hề, mặt kala, hình bông hoa nhiều lớp cánh. Đây là loại hình hiện vật dùng để trang trí ở phần dưới cùng của bộ mái.

 

Những tư liệu, hiện vật thu được qua các cuộc khai quật tại Khe Ông Dậu cũng như di tích Thành Hồ chính là những thông điệp từ quá khứ để góp phần tìm hiểu tiến trình lịch sử, văn hóa của vùng đất Phú Yên.

 

NGUYỄN DANH HẠNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek