Thứ Bảy, 20/04/2024 19:05 CH
Chuyện tiếp quản Phú Yên sau ngày giải phóng 1/4/1975
Thứ Sáu, 01/04/2022 07:00 SA

Dù đã 47 năm trôi qua, nhưng thời khắc sau khi Phú Yên được hoàn toàn giải phóng chưa khi nào phai mờ trong tâm khảm của những người tham gia tiếp quản.

 

Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Phú Yên (1/4/1975-1/4/2022), chúng tôi gặp gỡ một số nhân chứng và nghe họ kể lại từng câu chuyện tiếp quản trong thời khắc lịch sử hào hùng ấy với bao niềm tự hào.

 

Ông Trần Khắc Luyện kể lại ngày tiếp quản sau khi Phú Yên được giải phóng 1/4. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

 

Thời khắc lịch sử khó quên

 

Suốt 12 năm phục vụ cách mạng, tham gia kháng chiến, nhưng với ông Trần Khắc Luyện, điều ông nhớ nhất là ngày giải phóng Phú Yên 1/4. Ông kể: Lúc toàn tỉnh đang chuẩn bị tinh thần, lực lượng để cùng hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên tiến công đánh vào các chốt điểm của địch và giải phóng TX Tuy Hòa thì ông cùng đồng chí Nguyễn Chu (Nam Đà), Trưởng Ban Giáo dục Phú Yên được cử lên Đắk Lắk dự họp, cùng với Khánh Hòa. Trên đường đi, đoàn Khánh Hòa bị địch phục kích ở đường 19, một đồng chí hy sinh nên họ quay trở về. Vì vậy chỉ có Phú Yên, Đắk Lắk họp cùng Ban Giáo dục Quân khu 5. Trong thời gian họp thì chiến dịch Tây Nguyên nổ súng, Buôn Ma Thuột hoàn toàn giải phóng, đoàn liền quay trở về. Khi đến địa phận Phú Yên thì tỉnh nhà cũng được giải phóng, súng, đạn, lương thực địch vứt ngổn ngang.

 

“Khi gần đến TX Tuy Hòa, tôi được phân công tiếp quản một số nơi thì nhận lệnh trở ra Ban Giáo dục Quân khu 5 để xin sách giáo khoa. Tôi và đồng chí Dương (quê Đồng Xuân) đi bộ một đoạn dài mới đón được xe, ra đến nơi gặp đồng chí Nguyễn Tài Sum, phụ trách thủ thư Ban Giáo dục Quân khu 5 ở lại một đêm, rồi quay về Đà Nẵng nhận 3 xe sách giáo khoa. Trên đường về, tôi mang một chỉ vàng phòng thân đi bán để lo ăn uống cho 5 anh em. Giao lại toàn bộ sách giáo khoa cho Ban Giáo dục tỉnh xong, tôi nhận lệnh về tiếp quản Trường trung học đệ nhất cấp Nông Lâm Súc của ngụy đóng ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa ngày nay). Thấy cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm vẫn còn nguyên nên tận dụng những gì còn sử dụng cho việc dạy học. Sau đó, tiếp nhận lại các thầy, cô giáo cũ của trường để dạy các bộ môn tự nhiên, còn những môn xã hội thì do cán bộ của ta dạy. Lúc ấy, tôi làm hiệu trưởng của trường nhưng vì thiếu giáo viên nên tôi vẫn đứng lớp dạy các môn Sử, Văn”, ông Luyện nhớ lại.

 

Ông Đỗ Ngọc Ân (bìa trái) cùng đồng đội của Tiểu đoàn 96 năm 1975. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Không chỉ ông Luyện, những người từng hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến ở chiến trường Phú Yên năm xưa vẫn luôn cất giữ cho mình những ký ức riêng trong ngày giải phóng quê nhà. Ông Đỗ Ngọc Ân, mới 16 tuổi đã thoát ly đi theo cách mạng, là một cán bộ cơ yếu, nhớ lại: “Lúc này, tôi được điều qua làm công tác cơ yếu ở Tiểu đoàn 96 phục vụ chặn đánh địch từ Tây Nguyên chạy xuống, sau đó tiếp đón Sư đoàn 320 hiệp đồng đánh địch giải phóng Củng Sơn (Sơn Hòa). Sau khi giải phóng Củng Sơn, tiểu đoàn hành quân xuống Phú Sen chặn đánh địch từ Tây Nguyên chạy xuống qua cầu phao vượt qua sông Ba. Một số đồng chí dẫn Sư đoàn 320 đi xuống dọc theo đường 7 giải phóng TX Tuy Hòa, còn tôi cùng đơn vị bao vây đánh địch ở núi Sầm. Khoảng 10 giờ sáng 1/4, Tiểu đoàn 96 nhận lệnh xuống tiếp quản TX Tuy Hòa. Lúc này, địch chạy tán loạn, quần áo, súng ống bỏ lại nằm ngổn ngang trên đường Trần Hưng Đạo, Duy Tân. Người dân phấn khởi, hân hoan chào đón bộ đội. Tiểu đoàn 96 vào tiếp quản Ty Cảnh sát ngụy (Nhà văn hóa Thiếu nhi bây giờ), tôi thu giữ tài liệu và hồ sơ quản lý về danh sách của cán bộ cách mạng chủ chốt ở Phú Yên, rồi tiếp quản Tỉnh đường ngụy (nay là Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên). Tiếp đó, tiểu đoàn ổn định tình hình đơn vị và tình hình nhân dân, giám sát các khu vực trong thị xã”.

 

Bà Tạ Thị Năm, người đã có 10 năm làm y tá, y sĩ tại bệnh xá dân y ở Đồng Xuân cũng giữ lại cho riêng mình những ký ức thiêng liêng trong ngày giải phóng. “Khi nghe tin tỉnh nhà hoàn toàn được giải phóng, anh em, bệnh nhân, thương binh tại bệnh xá ai cũng phấn khởi, reo mừng. Chúng tôi nhận lệnh chuyển về tiếp quản bệnh xá của ngụy ở La Hai (Đồng Xuân). Điều nhớ nhất là lúc vào tiếp quản, chúng tôi thấy trong kho của địch còn cáng khiêng thương binh và nhiều bịch bột màu trắng. Sau khi thử chúng tôi mới biết đó là sữa bột, rồi đưa cho mỗi người một nắm để ăn mà không ai dám nói câu nào, vì sợ sặc. Sau đó chúng tôi đem pha với nước nóng để cho bệnh nhân, thương binh uống”, bà Năm kể.

 

Mãi mãi tự hào

 

Sau ngày giải phóng, ông Luyện trải qua nhiều cương vị, đơn vị công tác như Hiệu trưởng Trường Nông Lâm Súc, Hiệu trưởng trường cấp 2 phổ thông ở Tuy An, Phó Phòng Giáo dục huyện Tuy An, huyện Xuân An. Sau khi tốt nghiệp lớp quản lý ở TP Hồ Chí Minh, ông về công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Khánh; sau tái lập tỉnh Phú Yên là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho đến ngày nghỉ hưu. Mặc dù không sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phú Yên, nhưng ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho công cuộc đấu tranh và phát triển trên quê hương thứ hai của mình. Ông Luyện trải lòng: “Tuy không chứng kiến trọn vẹn thời khắc lịch sử giải phóng Phú Yên 1/4 nhưng những hình ảnh địch tháo chạy, người dân phấn khởi vui mừng, hàng ngàn bộ đội hành quân tiến vào miền Nam vẫn mãi mãi trong trái tim tôi”.

 

Bà Tạ Thị Năm. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Sau ngày quê hương giải phóng, ông Đỗ Ngọc Ân cùng đơn vị đi truy quét Fulro ở Sông Hinh ròng rã hơn một tháng rồi chuyển về công tác ở Huyện đội Sơn Hòa đến năm 1978, đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Hai năm sau, ông trở lại Huyện đội Sơn Hòa, đi học bổ túc văn hóa, rồi chuyển ngành làm cán bộ thanh tra ở Công ty Ăn uống - khách sạn Nha Trang, Phú Khánh. Năm 1986, ông công tác ở Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Khánh, rồi làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên cho đến năm 2010 nghỉ hưu và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh, gắn bó với hội suốt 10 năm. “Tôi luôn tự hào và may mắn hơn các đồng đội là được tham gia chiến đấu, chứng kiến trọn vẹn thời khắc quê hương được giải phóng và được sống trong hòa bình, hạnh phúc”, ông Ân bộc bạch.

 

Bằng ý chí và nỗ lực không mệt mỏi, năm 1983, bà Năm thi đậu và đi học bác sĩ tại Thừa Thiên - Huế. Sau khi tốt nghiệp, bà về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Phú Khánh rồi Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho đến năm 2005 nghỉ hưu. Cả tuổi thanh xuân cống hiến, phục vụ cho cách mạng, trong thời bình, bà luôn phấn đấu phục vụ nhân dân và là một đảng viên gương mẫu. Đến bây giờ, bà vẫn sống một mình tại phường 7, TP Tuy Hòa. Bà Năm trải lòng: “Có hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc mãi mãi không trở về, nhiều thương binh để lại một phần thân thể của mình trên chiến trường. Vì vậy, tôi và những đồng đội may mắn còn sống luôn sống cho xứng đáng”.

 

KHÔI NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek