Thứ Ba, 03/12/2024 13:02 CH
Tinh thần yêu nước của nhân dân Phú Yên trong ca dao kháng chiến
Chủ Nhật, 13/03/2022 07:00 SA

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Phú Yên đổ bao công sức, máu xương, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ca dao kháng chiến Phú Yên phản ánh những con người, sự việc đầy gian khổ hy sinh, nhưng vô cùng dũng cảm, quang vinh.

 

 

Tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc

 

Năm 1884, Pháp đặt chân lên đất Phú Yên. Kẻ thù cùng với giai cấp phong kiến xây dựng bộ máy cai trị, áp bức, bóc lột tô, thuế nặng nề, đời sống người dân cực khổ, lầm than. Hàng năm, họ phải đi phu, lao dịch rất nặng nhọc, khổ cực:

 

Từ ngày có mặt thằng Tây,

Phu phen, tạp dịch ngày ngày khốn thân.

 

Nỗi thống khổ của người dân đất Việt do sự nhu nhược, phản nước, hại dân của giai cấp phong kiến, cam chịu làm tay sai thực dân:

 

Mồ cha cái lũ thằng Tây

Xâm lăng cướp nước khổ cay dân tình

Mồ cha cái lũ bù nhìn

Phản dân đem bán nước mình cho Tây.

 

Đây là thời kỳ người dân Phú Yên bị thực dân, phong kiến bóc lột rất thậm tệ, xâu nặng, thuế cao, cuộc sống cùng cực, lao đao:

 

Càng ngày xâu nặng thuế cao,

Mất mùa nên phải lao đao, nhọc nhằn.

 

Thực dân Pháp bắt hàng trăm người dân đưa đi mở đường số 7, số 5… Vì lao động khổ sai, bị đánh đập, chịu đói khát, bệnh tật không có thuốc men, phải bỏ xác nơi lam sơn chướng khí, lòng dân uất hận, căm thù quân xâm lược:

 

Biển Đông có lúc vơi đầy,

Mối thù đế quốc biết ngày nào quên.

 

Thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn đàn áp, bóc lột dã man. Các công trình Pháp xây dựng trên đất Phú Yên đều bắt người dân tham gia phần việc nguy hiểm, nặng nhọc, nhưng tiền công rẻ mạt:

 

Đồng Cam khổ tựa như tù,

Hai lon gạo mốc, mười xu một ngày…

Ốm đau không có thuốc men,

Chết không hòm chiếu, nó đem chôn trần.

 

Hàng trăm thứ thuế đổ lên đầu người dân: thuế đinh, thuế điền, thuế chợ, thuế muối, thuế đò… được ca dao lột tả:

 

Từ ngày Tây lại đến giờ,

Sưu cao, thuế nặng đủ bề đắng cay,

Bao người chém giết tù đày,

Làm cho trời đất, cỏ cây căm hờn.

 

Thực dân Pháp bóc lột tận xương tủy người dân, nhà cửa, vườn tược tan tác, ruộng đồng hoang hóa, xóm làng xác xơ, tiêu điều, lòng dân không yên, người thân ly tán. Thân phận cùng cực của người công nhân, lao động làm phu “cu li” mở đường hầm xe lửa ở đèo Cả được ca dao phản ánh:

 

Ai qua đèo Cả nhớ chăng,

Núi cao, biển rộng mây giăng mịt mù.

Dân nghèo đục đá làm phu,

Tấm thân đổi lấy ba xu mỗi ngày.

Đá lăn, hầm sập tan thây,

Cuộc đời nô lệ tháng ngày tối tăm.

 

Khi phát xít Nhật tràn vào Phú Yên, người dân đất Phú “một cổ hai tròng”, phải nộp lúa, bông vải với giá rẻ mạt. Bọn tay sai lùng sục các chợ kiểm tra, hễ thấy ai bày bán vải, gạo là tịch thu; người bán hàng còn phải chịu cảnh đánh đập tàn nhẫn, dã man. Thế nhưng, kẻ thù không thể nào khuất phục được nhân dân Phú Yên.

 

Đấu tranh chống ngoại xâm

 

Hưởng ứng lời hịch của thủ lĩnh Lê Thành Phương, người dân Phú Yên đồng lòng đứng lên đánh giặc cứu nước:

 

Tiễu giặc trừ gian, bình quốc loạn

Hưng binh, ứng nghĩa, phục giang sơn.

 

Phong trào Cần Vương của nhân dân Phú Yên bị thực dân Pháp dìm trong máu. Thủ lĩnh Lê Thành Phương anh dũng hy sinh, tên tuổi ông đi vào lịch sử đấu tranh bất khuất của dân tộc, sống mãi trong niềm ngưỡng mộ, tự hào, thương cảm của nhân dân:

 

Ô Loan nước lặng như tờ

Thương người nghĩa sĩ dựng cờ Cần Vương

Trải bao gối đất màn sương

Một lòng vì nước, nêu gương anh hùng.

 

Không cam chịu cuộc đời nô lệ, người dân Phú Yên phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh kiên cường, chống Pháp và tay sai phong kiến:

 

Một lòng theo ngọn cờ đào,

Thề cùng bạch quỷ có tao không có mày.

 

Đức tính chịu thương, chịu khó của người phụ nữ được tỏa sáng; họ không quản ngại khó khăn, gian khổ, gánh vác công việc gia đình, xã hội để chồng, con lên đường giết giặc. Có những đôi vợ chồng cùng tham gia chiến trường, góp công sức chống giặc ngoại xâm:

 

Anh đi em cũng xin đi,

Anh đi vệ quốc, em thì cứu thương.

Đôi ta ra giữa chiến trường,

Chung phần chiến đấu, giữ gìn tự do.

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Phú Yên phát huy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm. Lời cha mẹ dặn con trước lúc lên đường nhập ngũ là lời thề với nước non:

 

Con ơi, giữ trọn lời thề,

Tự do, độc lập, không nề hy sinh!

 

Đó còn là sự khích lệ tinh thần cách mạng, chí khí anh hùng, xả thân vì nước lúc lâm nguy của thanh niên trai tráng:

 

Làm trai cho đáng nên trai,

Thanh gươm, yên ngựa, dặm dài lướt xông.

Vẫy vùng Nam, Bắc, Tây, Đông,

Lấy thân che chở non sông nước nhà.

 

Trong kháng chiến chống ngoại xâm, lực lượng Bạch đầu quân Phú Yên luôn gương mẫu, đi đầu, động viên con cháu gia nhập Vệ quốc đoàn, đi dân công hỏa tuyến. Tinh thần cách mạng không phụ thuộc vào tuổi tác:

 

Già thì già tóc, già râu,

Tinh thần cách mạng thì đâu có già.

 

Thời kỳ cả nước sục sôi chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, khắp làng quê Phú Yên truyền nhau khẩu hiệu, bài ca dao nội dung kêu gọi mọi người tham gia phong trào Việt Minh, quyết tâm đánh đuổi thực dân, phát xít. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức Quỹ Độc lập, Tuần lễ vàng, khắp các làng quê, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng cuộc lạc quyên đóng góp. Nhiều phụ nữ mang đồ nữ trang hoa tai, kiềng vàng, xuyến, dây chuyền ủng hộ Chính phủ lúc khó khăn vì luôn tin tưởng vào tương lai:

 

Đeo vàng nặng cổ, nặng tai,

Đem ra giúp nước ngày mai huy hoàng.

 

Tiếp đến hưởng ứng Tuần lễ đồng để sản xuất vũ khí, nhân dân tích cực ủng hộ từ nồi đồng, xoong, chảo, mâm thau, đèn thau, tam sơn ngũ sự của án thờ gia đình cho cách mạng. Các chùa cũng đem nồi đồng, mâm thau nộp cho địa phương ủng hộ Chính phủ:

 

Đồ đồng chỉ để nấu ăn,

Lạc quyên đúc đạn mà ngăn quân thù.

 

Toàn dân đi học là thể hiện tinh thần yêu nước. Hưởng ứng mạnh mẽ phong trào “Diệt giặc dốt” do Chính phủ phát động, nhân dân Phú Yên nổi tiếng với khẩu hiệu thi đua:

 

Tiền tuyến diệt xâm lăng

Hậu phương trừ giặc dốt.

 

Năm 1947, giặc Pháp từ đồn Núi Hiềm, xã Hòa Xuân Nam mở nhiều đợt càn quét, đốt phá nhà cửa, xóm làng, bắn giết nhân dân, gây nên bao tội ác dã man, trời không dung, đất không tha:

 

Đá Bia khói hận mịt mù,

Dòng sông Bàn Thạch lững lờ máu pha.

 

Năm 1949, Pháp mở cuộc càn quét xuống vùng Sông Ba - Trường Lạc nhằm phá đập Đồng Cam, triệt tiêu vùng sản xuất lương thực của ta. Giặc Pháp bị bộ đội ta đánh thiệt hại nặng, đành phải tháo chạy. Cảm kích trước trận thắng lịch sử này, người dân sáng tác bài ca dao ca ngợi chiến công của bộ đội ta:

 

Ai về Trường Lạc mà coi,

Sông Ba - Trường Lạc, máu thôi chan hòa,

Em đi hái một nhành hoa,

Tặng người chiến sĩ xông pha diệt thù.

 

Năm 1952, máy bay Pháp tiếp tục ném bom đánh sập cầu máng Đồng Bò làm sản xuất bị đình trệ. Để động viên mọi người tham gia khắc phục hậu quả, biểu thị lòng căm thù giặc, nhân dân sáng tác truyền khẩu câu ca dao:

 

Thằng Tây phá máng, phá lù,

Nước mương rút xuống căm thù trào lên.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, xuất hiện những bài ca dao đậm khí phách anh hùng, cổ vũ nhân dân đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn trưng cầu dân ý, tổ chức tổng tuyển cử của địch:

 

Từ Đồng Xuân đến Tuy Hòa,

Truyền đơn chống Diệm tung ra đầy đường.

Quyết đòi hội nghị hiệp thương,

Cùng nhau đứng dậy ngoan cường đấu tranh.

Xé phiếu đỏ, vứt phiếu xanh,

Trưng cầu dân ý tan tành như tương.

 

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, Phú Yên là vùng căn cứ địa cách mạng. Nhiều làng mạc, xóm thôn đất đai màu mỡ bị bom đạn của kẻ thù tàn phá đã biến thành vành đai trắng, nhưng người dân Phú Yên vẫn một lòng tin Đảng, cách mạng:

 

Lòng ao càng vét càng sâu,

Lòng dân oán hận càng lâu càng đầy.

 

Nhiều người con ưu tú đã không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh để đánh đuổi kẻ thù, giành độc lập dân tộc:

 

Đánh Mỹ chẳng tiếc máu đào,

Sản xuất lúa màu, ai nỡ tiếc công…

Tánh mạng tài sản công lao,

Tất cả góp vào để tổng phản công.

 

Ca dao kháng chiến được sử dụng như một vũ khí sắc bén tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc; ngợi ca tinh thần yêu nước và những hy sinh to lớn của quân dân Phú Yên làm rạng rỡ trang sử chống ngoại xâm vô cùng oanh liệt của dân tộc Việt Nam vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

 

NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek