Chủ Nhật, 24/11/2024 06:18 SA
Bản doanh làng Phụng Các - Ngũ Đài Sơn và các miếu thờ Lương Văn Chánh
Thứ Sáu, 11/03/2022 17:49 CH

Mộ Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh cách đền thờ khoảng 500m. Ảnh: TRẦN QUỚI

Xã Phụng Các được các sách sử ghi chép là nơi Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh đặt bản doanh chỉ huy công cuộc khẩn hoang lập làng từ năm 1597 đến khi ông qua đời, ngày 19 tháng 9 âm lịch năm Tân Hợi 1611. Nay là xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), nơi có Di tích văn hóa lịch sử quốc gia Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh.

 

Địa bạ Phú Yên triều Nguyễn lập năm Gia Long 15, 16 (1815-1816) ghi rõ vị trí xã Phụng Các: “Đông giáp xã Phước Toàn (nay là phường 9, phường 8 và xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa); Tây giáp thôn Cẩm Sơn, xã Hòa Quang Bắc và thôn Đại Phú, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa; Nam giáp thôn Đại Phú và xã Phú Ân (nay là xã Hòa An, huyện Phú Hòa); Bắc giáp thôn Sơn Triều (nay là xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa).

 

Năm 1832, vua Minh Mạng đổi tên Phụng Các thành Phụng Tường. Năm 1899, vua Thành Thái chia xã Phụng Tường thành Long Tường, Phụng Tường và Phụng Nguyên thuộc tổng Hòa Bình phủ Tuy Hòa.

 

Địa danh Ngũ Đài Sơn ở đâu?

 

Các địa danh này là làng xã đồng bằng ở tả ngạn sông Đà Rằng giáp với chân núi Cấm (Cẩm Sơn). Tại núi Cấm có một dòng suối từ chân núi chảy qua sông Bến Lội xuống Bầu Dài. Cụm núi Cấm gồm: núi Cẩm, núi Ơn, núi Ó kết hợp với các cụm núi cao dưới 100m, nhô lên giữa đồng bằng Tuy Hòa, như: núi Đất, núi Cam và các hòn núi nối tiếp nhau như: núi Miếu (núi Đình), núi Tranh, núi Xoài, núi Thơm (núi Xay) được tiền nhân đặt cho mỹ tự là cụm Ngũ Đài Sơn, như một đài sen 5 cánh của vùng Phụng Các xưa - nơi đặt bản doanh và cũng là nơi yên nghỉ nghìn thu của Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh - vị tiền hiền mở đất Phú Yên.

 

Để tưởng nhớ công lao to lớn của Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh, sau khi ông mất nhân dân xây dựng mộ và lập đền thờ ông tại xã Phụng Các. Đền thờ nhìn ra sông Bến Lội, phía sau là núi Cấm, núi Ơn, núi Ó và cụm Ngũ Đài Sơn. Vị trí đền thờ cách mộ ông 500m.

 

Ngôi đền xưa - Di tích nay

 

Thời gian, chiến tranh và thiên tai đã làm đền thờ chính bị sập, nhưng dấu tích nền móng vẫn còn với diện tích 5,8x5,4m. Mặt tường phía trước còn nguyên vẹn, được một cây bồ đề cổ thụ (được công nhận là cây di sản quốc gia) bao phủ tạo dấu ấn uy nghi, rêu phong, cổ kính qua dâu bể thời gian.

 

Đền thờ cổ còn sót lại có bức tường cao 3,2m, dài 0,4m, có ba cửa, kích thước bằng nhau được trang trí nhiều hoa văn họa tiết. Bức tường phía trước còn sót lại nằm trong hệ thống tường bao quanh đền thờ. Tường thành bao quanh dài 18m, cao 1,2m, dày 0,7m với cửa ra vào gồm một cửa chính và hai cửa phụ. Cửa chính gồm hai tầng, tầng trên cao 4,7m, tầng dưới cao 2,9m, cửa ra vào cao 1,8m, rộng 1,6m. Cửa tầng trên mang tính tượng trưng, có lan can thấp để trang trí. Mái tầng trên đắp bằng vôi, được trang trí hoa văn đắp nổi. Hai cửa phụ nằm đối xứng và cửa chính 3,5m, cao 1,5m, rộng 1,3m, trang trí đơn giản.

 

Bình phong đối diện cao 1,6m, dài 2m, rộng 90cm. Cánh cửa chính 1m được trang trí hoa văn long, lân, quy, phụng. Phía sau Bình Phong có câu đối ca ngợi công lao của Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh:

 

Huân danh thiên cổ ngưỡng

Chính khí vạn niên phong.

Nghĩa là:

Danh thơm ngàn đời ngưỡng mộ

Chính khí muôn thuở tôn vinh.

 

Sát với bình phong là một hồ nước kích thước 2,7x2,2m theo thuật phong thủy của nghệ thuật kiến trúc đền thờ xưa.

 

Cách đền thờ 40m là nhà thờ họ Lương. Năm Giáp Thìn (1964), con cháu họ Lương xây dựng nhà thờ này trong khuôn viên đền thờ của cụ tổ Lương Văn Chánh.

 

Nhân dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611-2011), để bày tỏ lòng tri ân tiền nhân có công lao to lớn mở đất Phú Yên, lãnh đạo tỉnh trùng tu, tôn tạo Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh, coi đây là một trong những công trình có ý nghĩa đặc biệt để tri ân và tôn vinh bậc danh nhân - vị tiền hiền mở đất Phú Yên. Hậu thế hôm nay đã tạc tượng Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh theo những tiêu chí khoa học và nghệ thuật nghiêm ngặt, đặt vào vị trí trang trọng nhất của đền thờ chính điện để thế hệ hôm nay và muôn đời sau dâng hương, chiêm bái.

 

Nhiều nơi có đền thờ Lương Văn Chánh

 

Tại Phú Yên, ngoài đền thờ chính Lương Văn Chánh, còn có Thần đầu miếu, dân gian gọi là Miếu thờ đầu được xây dựng cạnh chân núi Giồng Trắc, nay thuộc thôn Phú Lương, xã An Phú, TP Tuy Hòa.

 

Thần đầu miếu nằm trên con đường mở nước vào phương Nam cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Ông cha ta tạo con đường thiên lý xuyên Việt, men theo chân núi đông Trường Sơn hùng vĩ. Con đường thiên lý ấy đi qua thôn Phú Lương (xã An Phú), Thọ Vức (tên cũ là Thanh Vực, xã Bình Kiến), Sơn Cẩm Thọ (Sơn Triều - Cẩm Tú - Thọ Bình) rồi đến làng Phụng Các, qua Thành Hồ, vượt sông Ba ở bến đò Lò Giấy, qua Mỹ Thạnh (xã Hòa Phong), men theo xã Hòa Mỹ rồi vượt dốc Mõ vào Nam.

 

Thần đầu miếu được khắc bằng chữ Hán trên tấm bình phong đặt trước miếu, có nghĩa là miếu thờ vị thần hàng đầu - Thượng đẳng thần - Lương phủ quân Lương Văn Chánh. Còn tên gọi dân gian là Miếu thờ đầu gắn với một câu chuyện truyền thuyết về thần Bạch Mã đã đưa cụ Lương Văn Chánh đến nơi đây mới rơi đầu trong một cuộc chiến sinh tử ở Thành Hồ, “Sinh vi tướng, tử vi thần”.

 

Phía trước miếu có hồ sen, phía sau là núi Giồng Trắc, toàn cây nhỏ, chỉ duy nhất có cây cóc cao to bóng mát che rợp khuôn viên ngôi miếu.

 

Nhân dân trong vùng đều tổ chức cúng tế xuân thu nhị kỳ.

 

Bài văn tế được cụ Phạm Chi ở xã An Phú ghi lại, ca ngợi công đức các vị thần:

 

Dương Dương hồ tại thượng

Trạc trạc nhĩ khuyết linh

Cảm họa trừ tai, vạn dân khương thái.

Khai cương thác thổ thiên cổ Thủy hách hách chi danh...

Tạm dịch:

Linh thiêng và trong sạch

Trừ tai họa cho nhân dân được thái bình

Mở mang cương thổ ngàn đời sau để lại tên tuổi hiển hách.

 

Ngoài hai miếu thờ ở Phú Yên, nhiều miếu thờ ở Nam Bộ có thờ Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh. Đó là các miếu thờ của cư dân dinh Trấn Biên - Phú Yên hưởng ứng lời kêu gọi của các Chúa Nguyễn vào khai khẩn vùng đất mới Nam Bộ trong sự nghiệp Nam tiến vĩ đại của dân tộc, đã đưa vị Thành hoàng bổn xứ Phú Yên vào thờ cúng ở nơi định cư mới.

 

Sách “Đình Nam Bộ xưa và nay” của hai tác giả Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Trường (NXB Đồng Nai năm 1999), nêu rõ một số đình, miếu ở Nam Bộ thờ Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh, như: Đình Phú Hạc (Bình Chánh - TP Hồ Chí Minh) còn một bản hàm ân sao lục vào năm cuối Quý Mùi (1883), những thần hiệu đều ghi theo mỹ tự của thời vua Minh Mạng phong tặng khoảng năm 1820-1830: “Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, Bắc Quân đô đốc Bùi TáHán, Tham tướng Lương Văn Chánh, Chánh thống Nguyễn Cửu Vân, thần Cao Các, Thiên Y A Na, Sơn thần, Thủy thần” (trang 55, Sđd).

 

Thực tế vua Minh Mạng gia phong cho Trấn Biên dinh Tham tướng Phù Quận công Lương Quý Phủ (Lương Văn Chánh) tước vị Tráng Du công võ linh ứng Thượng Đẳng thần, ngày 24/9/1822, năm Nhâm Ngọ (1822), Minh Mạng năm thứ ba.

 

Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh còn được thờ với các danh hiệu và mỹ tự ở các tỉnh Nam Bộ. Cụ thể đình Bình Phú, đình Xuân Sơn, đình Lợi Thành (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) thờ: “Tiền Trấn Biên dinh Tham đốc tướng Phù tôn thần”. Đình Tân Hương (Tiền Giang) thờ Võ công Lương Quận Công - Lương Văn Chánh.

 

Qua một số đình, miếu thờ như đã trích dẫn (và có thể còn nhiều nơi khác nữa chưa có dịp khảo sát hết) chứng tỏ cộng đồng cư dân dinh Trấn Biên - Phú Yên đã góp phần không nhỏ trong việc mở mang bờ cõi đến miền Đông Nam Bộ. Cư dân Phú Yên tiến vào Nam mở cõi, đã giữ vai trò quan trọng tại các thôn, xã nên đã đưa vị Thành hoàng khai khẩn đất Phú Yên vào thờ phụng nơi định cư mới.

 

Gần đây, TS Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng Trường đại học Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi), TS Đào Nhật Kim, Trường đại học Phú Yên và ThS Phan Thanh Bình - Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Phú Yên đã xác định thêm 5 sắc phong Danh nhân Lương Văn Chánh được lưu giữ và thờ phụng tại chùa Hoa Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).

 

Những phát hiện mới nhất về Danh nhân Lương Văn Chánh hé mở nhiều vấn đề thú vị về công lao của ông khi theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam năm 1558.

 

Trong 20 năm (từ 1558-1578) ghi dấu ấn Trấn Biên quan Lương Văn Chánh vượt đèo Cù Mông mở đất. Trấn Biên quan Lương Văn Chánh đóng góp nhiều công lao xây dựng thừa tuyên Quảng Nam (tỉnh thứ 13 của Đại Việt) và đã từng là tri huyện Tuy Viễn (Tuy Phước, Vân Canh, TX An Nhơn, TP Qui Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay). Chắc chắn 4 tỉnh Nam - Ngãi - Bình - Phú của thừa tuyên Quảng Nam xưa còn có nhiều nơi có miếu thờ, đền thờ Lương Văn Chánh. Bởi vậy, công việc nghiên cứu về Danh nhân Lương Văn Chánh vẫn còn tiếp tục.

 

NGUYỄN VĂN HƯNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek