Nằm tách biệt ở phía bắc của huyện miền núi Sơn Hòa trên độ cao 500m so với mặt nước biển, cao nguyên Vân Hòa có khí hậu mát mẻ như một Đà Lạt thu nhỏ. Hợp thành cao nguyên Vân Hòa gồm ba xã: Sơn Xuân, Sơn Long và Sơn Định nên người dân địa phương gọi nơi này là vùng ba xã.
Nếu như Sơn Định có Nhà thờ Bác Hồ; Sơn Long có Hội trường Mùa Xuân, thì Sơn Xuân có nhiều vườn cây đỏ. Đây là những điểm nhấn, nét riêng độc đáo để địa phương và người dân ba xã phát triển du lịch.
Đến “địa chỉ đỏ” và vườn đỏ
Từ thị trấn Củng Sơn - trung tâm huyện lỵ Sơn Hòa, theo quốc lộ 19C đến xã Sơn Phước, Sơn Hội rồi dọc theo vùng gò đồi rộng lớn đến Nhà thờ Bác Hồ ở xã Sơn Định. Vào các ngày lễ, dịp tết, tại khu di tích lịch sử cấp quốc gia này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các sở ngành của tỉnh và huyện Sơn Hòa thường tổ chức báo công, dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cha già của dân tộc.
Nhà thờ Bác Hồ được quân và dân Phú Yên xây dựng trong những năm kháng chiến chống Mỹ sau khi Bác qua đời. Cùng với Nhà thờ Bác Hồ, di tích Hội trường Mùa Xuân (xã Sơn Long) cách đó chừng vài trăm mét cũng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2008. Ông Phạm Quang, nhân viên quản lý quần thể khu di tích này cho hay: Nhiều năm qua, Nhà thờ Bác Hồ và Hội trường Mùa Xuân trở thành “địa chỉ đỏ”, tiếp lửa truyền thống, giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ và thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Du khách thích thú với vườn đỏ ở Sơn Xuân. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM |
Xuôi xuống xã Sơn Xuân, vùng này mấy năm nay nổi tiếng với những vườn cây trái đỏ là đặc sản của địa phương. Dịp 8/3, 19/5, 2/9…, nhiều người về đây để ngắm trái đỏ. Ông Võ Tiến, người Phú Yên đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh, có dịp về quê đến tham quan vườn đỏ, chia sẻ: Gần đây cao nguyên Vân Hòa nổi tiếng với cây đỏ, ai đến đây cũng chụp hình, đăng trên facebook. Từ TP Hồ Chí Minh về thăm quê, tôi đi thẳng lên vườn đỏ.
“Lần đầu tiên tôi đến và cảm nhận được gió, nắng, lạnh ở ba xã. Gió hào phóng. Nắng trải dài vàng óng, về chiều yếu ớt dần. Còn cái lạnh mang… hơi ấm. Thời tiết nơi này gây ấn tượng mạnh trong tôi”, ông Tiến nói.
Cây đỏ ưa nắng. Nắng gắt trái chín lâu, còn mưa thì trái ngấm nước nặng, rụng cuống. Nhìn vườn đỏ lúc lỉu trái, cảm giác nhàn hạ và thư thái... Theo ông Võ Điền Phương, chủ vườn đỏ Bốn Phương (xã Sơn Xuân), hiện có 12 vườn đỏ làm dịch vụ du lịch. Cây đỏ ra hoa tháng Chạp, bước qua tháng 2, tháng 3 âm lịch, các chùm trái nhỏ đơm lên màu xám, rồi lớn dần, càng lớn càng đỏ; đến tháng 6, tháng 7 mới chín đỏ rực. Cây đỏ thân giống như cây dâu da, cao khoảng 5-7m, trái sai vắt cục ôm từ gốc đến thân và còn đeo ra cành nhánh. Từ trái nhỏ đến trái lớn đều tròn trịa. Nhiều cây có tuổi đời từ vài chục đến gần trăm năm tuổi.
Ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Cây đỏ là đặc sản quê hương ba xã vì chỉ vùng này mới có. Những năm qua, vùng ba xã đã đạt được nhiều bước phát triển, trở thành xã nông thôn mới, đường bê tông ngõ xóm thoáng đãng thuận lợi cho việc đi lại cho khách du lịch. Du khách trong các tour đi qua ba xã cánh bắc của Sơn Hòa, nếu đi từ Hòa Đa lên thì ghé các vườn đỏ trước rồi lên Nhà thờ Bác Hồ, Hội trường Mùa Xuân. Còn từ trung tâm huyện Sơn Hòa qua và từ huyện Đồng Xuân sang thì đến “địa chỉ đỏ” rồi xuống vườn đỏ. Từ tháng 5 đến tháng 9, vườn đỏ rất đông khách, người dân hồ hởi với việc được làm du lịch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động này phải tạm dừng, gần đây mới đón khách trở lại.
Hương mắm bay xa
Ngoài cây đỏ, vùng ba xã còn có các món ăn đặc sản quê hương. Đó là mắm thơm ba xã, gà nấu lá dít và gà kho mắm thơm.
Mắm thơm ba xã được làm từ nguyên liệu chính là thơm cùng với đu đủ, mít chín, đều được trồng tại chỗ. Giống thơm địa phương trồng ở vùng đất này lớn hết cỡ cũng chỉ to bằng lon sữa bò, có vị ngọt thanh. Trái thơm xắt miếng nhỏ phơi héo mặt trộn với mắm nêm cho vào hũ nhựa, để mắm nêm thấm vào miếng thơm lâu ngày, thơm ngon. Bà Trần Thị Nhung ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) chia sẻ: Mỗi lần đến đây, mắm thơm ba xã là món ruột của tôi. Nó có vị mặn mà thấm vào đầu lưỡi. Không riêng tôi mà ai ăn cũng khen, hương mắm ba xã… bay xa.
Khách tham quan nông trại nông sản sạch của HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM |
Gà nấu lá dít là món thịt gà nấu với lá dít mọc ở bờ rào, thêm vào một ít ớt xiêm. Món này ăn với cơm hay bún, vừa chan vừa húp, thưởng thức đậm đà vị nóng, cay, lạnh.
Còn gà kho mắm thơm thì thịt gà chặt thành miếng vừa ăn, cho mắm thơm vào rồi bắc lên bếp kho. Cách chế biến đơn giản là chặt to kho mặn, nhưng hương vị đặc trưng của món ăn này không chê vào đâu được. Ông Bùi Văn Trung, một người dân ở đây cho hay: Thịt gà kho mắm thơm có hương vị đặc trưng của thịt gà, mắm nêm, thơm. Khi kho thấm lửa, hơi nóng đẩy mùi thơm bung nắp vung bay ra, đứng cuối đầu gió hít mùi thịt gà kho mắm thơm, không lẫn vào đâu được.
Tại xã Sơn Long còn có nông trại nông sản sạch của HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB, trồng rau xà lách thủy canh, dâu tây, dưa lưới, rau má và cà chua cherry. Hiện UBND huyện Sơn Hòa hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao.
Ngành chức năng của tỉnh vừa khai trương tuyến du lịch cao nguyên Vân Hòa. Đây là hoạt động nhằm kích cầu du lịch sau đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Tuyến du lịch này có nhiều địa điểm tham quan, như Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà thờ Bác Hồ, Hội trường Mùa Xuân, vườn đỏ Sơn Xuân và nông trại nông sản sạch của HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB. Tuyến du lịch vừa phục vụ du lịch, vừa trình diễn nghề và bán sản phẩm đạt chất lượng OCOP để các sản phẩm làng nghề được tiếp cận với khách du lịch trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn |
MẠNH LÊ TRÂM